Bài viết mới nhất từ Nho Đoàn
CHIA TAY ĐỂ EM VỀ PHỐ NÚI
Vẫn là chiều đông gió lạnh.
Chẳng có mây bồng bềnh và nắng tím hoàng hôn.
Cảnh nơi đây gợi nỗi nhớ bồn chồn.
Để ai đó đi trong chiều thư thả.
Về đi em đường sao chia đôi ngả.
Anh phố quê... em rừng núi mù sương.
Chuyện buồn vui ngày ấy phố phường.
Nơi phố quê đường còn nhiều bụi bặm.
Núi rừng xanh...là nơi em xa lắm.
Nỗi nhớ nào cứ thăm thẳm trời đông.
Chiều bâng khuâng nghe gió lạnh trong lòng.
Liệu có héo cả nỗi buồn chờ đợi.
Còn em ư...sao mãi xa vời vợi.
Đến khi nào mình mới được gần nhau.
Có phải không anh như một con tàu.
Đã nhổ neo về đại dương em nhé.
Với núi cao em vẫn luôn tươi trẻ.
Khác nhé em chứ không phải rừng già.
Phố quê nay đến phố núi thật xa.
Nhìn chỉ có mây mờ che phủ.
BIỂN CHIỀU VÀ THU
Giọt mưa ngâu
rơi trên mái đầu sương muối
Chiếc lá vàng
còn đắm đuối với mùa thu
Cơn gió chiều thổi mây lặng từ từ
Về núi ngàn từ biển khơi một màu xanh biếc
SÀI GÒN XƯA-SÀI GÒN NAY
Sài Gòn chả giống ngày xưa
Đường phố lớn
người đông mà chật chội
Những ruộng hoang nay đã thành phố mới
Nhà cao hơn đèn điện sáng lung linh
CẢM TÁC ''BÀI CA HY VỌNG''
"Nếu là chim
tôi sẽ là loài bồ câu trắng"
Đón ánh trăng chiều chở nắng mùa thu.
Nhẹ nhàng bay theo lời hát mẹ ru.
Đưa giấc mơ đến miền hạnh phúc.
LỜI TỰ TÌNH TRƯỚC BIỂN
Thơ tình viết dở vương đầu ngọn núi.
Nửa mảnh trăng chiều nghiêng phía trời xa.
Hoàng hôn buông dáng ai chỉ nhạt nhoà.
Chim lẻ bạn gọi mây chiều thương nhớ.
Gió hỏi hàng Dương sao nhiều than thở.
Trước biển chiều trắng ngọn sóng nhấp nhô.
Ghềnh đá chênh vênh, sóng vẫn cứ xô.
Như khắc khoải nhớ con tàu rời bến.
Biển chiều nay ai hẹn mà chưa đến.
Cho hoàng hôn phủ tím cả lối về.
Và gió ơi chẳng xoa mái tóc thề.
Trăng không thả trong mắt buồn được nữa.
Nơi chân trời vầng Dương không thắp lửa.
Mảnh trăng thề chìm dưới đáy đại dương.
Khách thi nhân nay trót lỡ đoạn đường.
Thơ viết vội bên hàng cây tha thướt.
Nét chữ nghiêng nhoè giọt châu rơi ướt.
Lời tự tình sao môi cứ run run.
Biển trong xanh xin cho gửi nỗi buồn.
Hoàng hôn nhé mỗi chiều về lại tím...
NHỚ HƯƠNG BƯỞI CHIỀU NAY
Ngắm trăng chiều bên hiên nhà mê mải.
Nhìn gió trời mang mây trắng đi xa.
Người làng bên lâu nay cũng vắng nhà.
Nên hoa bưởi lặng thầm bên khung cửa.
Hoàng hôn tím dần rồi không còn nữa.
Để nỗi buồn lẳng lặng mãi nơi tôi.
Hương bưởi thơm phảng phất phía đầu hồi.
Gọi nỗi nhớ mỗi chiều về con ngõ vắng.
Giếng đầu làng mỗi ngày hè đầy nắng.
Vang tiếng gầu múc nước buổi chiều tà.
Giếng vẫn trong in bóng cây đa.
Để nỗi nhớ gợi về nơi hò hẹn.
Giếng soi hình mà mắt nhìn thèn thẹn.
Tay rụt rè đưa tay nắm bàn tay.
Cơn gió chiều đu đưa rặng tre say.
Nước giếng ngọt nụ hôn môi cũng ngọt.
Con chim non nơi cành cao không hót.
Nó thu mình, chim nhớ bạn phải không.
Giống như ai nhớ hương mái tóc bồng.
Thơm hương bưởi buổi chiều xưa mới gội.
Mảnh trăng chiều thương bàn chân bước vội.
Vạt mây hồng nhớ lắm đỉnh non xa.
Cây bưởi đầu hiên theo cơn gió la đà.
Hương thầm gửi về với người xưa nhé...
MÙA PHƯỢNG NGÀY XƯA
Tôi thương lắm mái đình quê cong mãi.
Cây đa đầu làng trơ trọi chỉ mình thôi.
Và con sông vẫn bên lở bên bồi.
Với cánh bãi một màu xanh ngô lúa.
Cánh diều tuổi thơ hè không thấy nữa.
Mỗi chiều về vắng tiếng sáo du dương.
Con đê cong đá khấp khểnh mặt đường.
Bụi mù mịt khi xe người qua lại.
Chỉ sân trường là Phượng hồng còn mãi.
Hoa đầu mùa nép sau ngọn lá xanh.
Cái giếng trường mặt nước vẫn long lanh.
Vẫn xôn xao tiếng nô đùa tuổi trẻ.
Tà áo nào thẫn thờ không vui vẻ.
Mặt trầm tư lo về những kỳ thi.
Ai bâng khuâng cho cuộc chia li.
Mà thơ thẩn bên hàng Phượng đỏ.
Áo trắng ơi... tóc bồng gương mặt nhỏ.
Ánh mắt buồn thương quá tuổi thơ qua.
Nhặt hoa rơi hình như mắt nhạt nhoà.
Khép trang sách tiễn bạn tình ra trận.
Người ra đi thư quay về mấy bận.
Gửi nhớ nhung với nét chữ vội vàng.
Nhiều hè sau trang thư cứ dần vàng.
Còn thư mới bưu điện nào vẫn giữ.
Mùa phượng này mái tóc bồng sao cứ.
Trắng dần ra chỉ còn ít là xanh.
Em vẫn còn và một nửa vắng anh.
Một nửa gối vẫn để không từ đó.
Đôi mắt huyền mộng mơ như dòng sông nhỏ.
Ngơ ngác buồn nay đã chuyển màu nâu.
Khi tiễn anh con sông chửa có cầu.
Nay cầu đã nối hai đầu nỗi nhớ.
Tình ngày xưa gửi gió ngàn than thở.
Và bến sông chiều nay một mình em...
CÂY CẦU DÒNG SÔNG VÀ NỖI NHỚ
Cây cầu cong
nối hai đầu nỗi nhớ.
Anh bên này còn bên ấy là em.
Con sông quê
nước vẫn chảy êm đềm.
Chẳng gì khác một bên bồi bên lở.
Dòng sông quê
nhận vào lòng bao nỗi nhớ.
Chở bao nhiêu kỷ niệm ngày xưa.
Sông quê cong
cong cả triền đê.
Uốn cong cả cánh diều ai mới thả.
Tiếng sáo du dương
hay tiếng em giục giã.
Gọi anh mau chân bước qua cầu.
Vẫn bên kia
Là em một đầu.
Còn bên này
Anh một đầu nỗi nhớ.!
Dòng sông chảy
đến khi nào không biết nữa.
Chỉ biết rằng cây cầu nối giữa chúng tôi...
ĐÊM BUỒN
Tôi rất thích những gì lòng dục dã.
Và rất yêu tất cả những giấc mơ.
Một chút thôi em nhé một vần thơ.
Ai đã tặng lúc nỗi buồn dan díu.
Đêm đông nay gió lòng ai thấu hiểu.
Một chút buồn trăng lạnh cứ nghiêng nghiêng.
Gửi đêm dài đi nhé nỗi niềm riêng.
Như chuông chùa ai thả vào đêm vắng.
Trả lại hư không một chút cay chút đắng.
Gửi lại cho đời bao ký ức buồn vui.
Còn gì nhiều đâu lắm những tiếng cười.
Tắm nỗi buồn trong mưa phùn gió bấc.
Giữa canh khuya ai thở dài thao thức.
Trăn trở gì với nỗi nhớ niềm thương.
Ngàn dặm xa, nối ngắn lại con đường.
Chân hờ hững đếm bước đời hụt hẫng.
Con đường nào cứ trải dài bằng phẳng.
Con đường nào vuốt thẳng cứ cong queo.
Con đường đời phải có lúc gieo neo.
Con đường tình bẻ cong sao có thẳng.
Đêm càng khuya ngoài trời kia càng lặng.
Ánh trăng thơ để rơi ở bên thềm.
Gió heo may buốt cả ánh sao đêm.
Ngọn nến tắt căn phòng buồn hiu hắt...
CÔ LÁI ĐÒ XƯA
Nhớ lại chuyện xưa thấy nặng lòng
Một thời quấn quýt với dòng sông
Bến đò đông lắm người qua lại
Cô lái đò xưa chửa có chồng.
Bóng cô thôn nữ chở đò chiều .
Khoát mạnh tay chèo dáng xiêu xiêu.
Đò cô đã chở bao ngày tháng.
Đưa khách qua sông chẳng tiền nhiều.
Đây cô thôn nữ chở đò chiều.
Đò nặng cô chèo cứ xiêu xiêu.
Đò cô cặp bến bao nhiêu lượt.?
Duyên phận sao mà mãi cô liêu.?
Ơi cô thôn nữ chở đò chiều.
Lữ khách đâu mà bến vắng teo?
Đò cô hờ hững nơi bến đỗ.
Để lại dòng sông đỏ ráng chiều.
Hôm nay sao bến lại vắng hưu...
Vắng cô thôn nữ chở đò chiều
Còn con đò ấy đâu rồi nhỉ?
Để khách sang sông đứng buồn thiu...
Con đò nay chắc đã sang ngang.
Cô lái đò xưa đã qua đàng.
Nằm nghe gió thổi trên đồi vắng.!
Sao để cho mình phải dở dang...
Giờ về thăm lại bến đò ngang.
Hỏi thăm cô lái phận lỡ làng.
Nén hương xin gửi cô thôn nữ
An nghỉ ở nơi cảnh cồn hoang...
GỬI VỀ NƠI EM
Yêu em anh viết thơ tình...
Chỉ mong hai đứa chúng mình gần nhau.
Trầu xanh vôi trắng cùng cau.
Quyện hương say nhé thắm màu nhớ thương.
Hồng má thắm ngọt môi hường.
Bén duyên ngắn lại con đường mà thôi.
Gửi em một chút lả lơi.
Tan vào trong nhé mấy lời ái ân.
Nhớ là xa...thương thì gần.
Cau kia bổ tám khi cần bổ tư.
Vương chút tình đã ngất ngư.
Của trai xứ Bắc hình như mơ màng.
Mấy lần lỡ chuyến đò ngang...
Em ơi...có sợ lỡ làng mùa xuân.
Phương Nam xa cũng sẽ gần.
Dẫu đò đầy cũng một lần sang sông.
Chẳng đành lỗi hẹn bạn lòng.
Để thơ tan cả vào dòng sông quê.
Đò chiều chở ánh trăng thề.
Tình yêu nỗi nhớ gửi về nơi em...
EM ĐI
Em đi
về phía chân trời.
Để cho anh nửa cuộc đời chênh vênh.
Đường ơi...
đừng nhé gập ghềnh.
Nâng bàn chân để bồng bềnh theo mây.
Một chút
gì cứ vơi đầy.
Như gió chiều vẫn mãi say trăng ngà.
Cầu Kiều
ngang dải Ngân Hà.
Sông Tương Tư gọi lòng ta bồi hồi.
Hãy về
thôi nhé trăng ơi...
Chứ đừng đi mãi cuối trời chân mây.
Hoàng hôn
buông sợi nắng gầy.
Cho con diều nhỏ cứ say gió chiều.
Em đi
khép lại vườn yêu.
Để mình anh ngắm trăng chiều chơi vơi...!
VỀ VỚI BIỂN ANH ƠI.!
Em hẹn tôi mai mình về biển nhé.
Nơi ấy bình yên cùng ngồi ngắm trời chiều.
Nghe em đi hãy nhớ đấy anh yêu.
Đừng lỗi hẹn em buồn nhiều anh nhé.
Về với biển cho mình thêm tươi trẻ.
Một màu xanh với ngọn sóng bạc đầu.
Dưới hàng dương mình cùng nắm tay nhau.
Nghe biển hát không lời nhưng tha thiết.
Biển mênh mang gọi mời anh có biết.
Em nhớ nhiều nhiều lắm biển quê hương.
Biển gầm gào tung ngọn sóng lúc triều cường.
Rồi tím lại khi trăng chiều e ấp.
Biển dịu êm khi bình minh thức giấc.
Vầng Dương hồng tô biển thắm phải không anh.
Đã bao lần hẹn đến vẫn chưa thành.
Nơi phố thị mà quên về với biển.
Về đi anh nghe hàng Dương kể chuyện.
Nghe biển chiều với sóng hát tình ca.
Biển thân thương biển cũng rất hiền hoà.
Để biển tắm cho tình mình tươi lại.
Hãy về nhé anh ơi đừng ngại.
Về cùng em mình lại ngắm biển chiều.
Hãy về đi...
Cùng em nhé anh yêu...
VỀ QUÊ
Mênh mang
một khúc sông quê.
Cho cơn gió ngọt gọi về mùi hương.
Nắng lên
cho thắm má hường,
Hong khô nhanh một đoạn đường tôi qua.
Mây trời
lơ lửng xa xa.
Sợi thương sợi nhớ mượt mà tình quê.
Sông uốn
cong lối ta về.
Cong trăng chiều với con đê đầu làng.
Sông quê
với bến đò ngang.
Sông cong cong cả mấy hàng tre xanh.
Quê nhà
như thể bức tranh.
Người đi mà dạ vẫn dành nhớ quê...
Chiều đông
lối cũ ta về.
Lả lơi nửa mảnh trăng thề đi theo.
Mây chiều
vương ở lưng đèo.
Còn tôi vẫn nhớ quê nghèo tôi xưa...
Nho Đoàn
NHỚ TRĂNG CHIỀU
Cũng chẳng hiểu tôi yêu và thích trăng chiều từ khi nào, chỉ biết rằng khi đi học cấp một (tiểu học bây giờ) tôi đã thích ngắm trăng rồi. Tôi thích ngắm trăng non buổi chiều khi trời chạng vạng nửa mảnh trăng nhìn như chiếc bánh quy tròn bẻ đôi vết đứt không thẳng nhìn ánh trăng nhạt nhoà mà tâm hồn mình thấy chơi vơi man mác buồn. Ánh trăng cuối tháng mà tôi gọi là trăng già thì nửa mảnh rõ ràng, tôi thường tưởng tượng như miếng dưa hấu, mà càng về ngày cuối tháng nó càng vơi dần rồi cong như một lưỡi liềm vậy. Tôi thường ngắm trăng muộn sau các giờ học đêm lúc đó đêm vắng lặng mọi người đang chìm trong giấc ngủ còn tôi thì thả cửa mà mơ, tôi mơ một lúc nào đó mình được ngồi trên một chiếc máy bay bay trên trời ngắm trăng và ngắm cả bóng trăng trên biển để cảm nhận hết được sự bao la vời vợi của thiên nhiên, tôi ngồi ngắm trăng và mơ ước sau này mình sẽ là một kiến trúc sư và thiết kế những ngôi nhà lý tưởng đầy cây cối xum xuê có một khoảng sân rộng cho mình được thoả sức ngắm trăng chiều gửi vào đó những ước mơ của mình.
Thời đó quê tôi còn nghèo lắm chẳng có điện tối học bài thì mấy anh em chỉ có một chiếc đèn dầu mà chỉ là đèn "Hoa Kỳ" nó nhỏ thôi mắt cứ gí sát vào trang sách mới đọc được, bởi vậy sau mỗi ngày tôi hay tranh thủ lúc trời còn sáng thì học các bài thuộc lòng chỉ đến tối mới làm bài tập. Khi anh em học thì tôi ngắm trăng và nhẩm lại bài học thuộc vài lần còn lại thì ngắm trăng để mơ, cho đến lúc không còn ai học thì tôi mới làm bài, đã thế lại còn hay có máy bay Mỹ ném bom mỗi khi có báo động là phải che kín đèn lại có đêm vài ba lần báo động.
Tôi lớn dần hàng năm đều lên lớp, rồi chuyển cấp chiến tranh ngày càng khốc liệt, tiếng máy bay, tiếng bom, tiếng đạn rốc két mà máy bay Mỹ ném xuống bất kể khi nào, chỗ nào nghi vấn có bộ đội nơi có kho tàng... rồi tiếng đạn pháo các loại của ta bắn trả máy bay Mỹ, vào các đêm cứ rực sáng cả bầu trời. Trường của chúng tôi thường học trong các đình chùa, hoặc nhờ nhà dân phía ngoài cửa lớp luôn có một bức tường đắp bằng đất dầy khoảng một mét cao khoảng mét rưỡi, giữa lớp có một đường hào sâu chừng một mét thông ra các hầm chữ A, đến trường ai cũng mang sẵn một mũ rơm đeo phía sau lưng, trên đường cứ khoảng 50-60 m là lại có một hố đường kính khoảng hơn một mét sâu hơn mét (gọi là hố tăng xê) khi có máy bay đến thì trú vào đó, ban ngày thì đi học, không học thì ra đồng giúp gia đình, buổi tối nhiều khi thiếu lớp học chúng tôi còn phải học thêm, mỗi người một chiếc đèn dầu đến lớp mới thắp đèn, dầu hoả hồi đó cũng thiếu mỗi gia đình chỉ được mua vài lít một tháng nên thắp đèn vào buổi tối cũng rất sa xỉ, nói chung là tiết kiệm, vào những đêm sáng trăng nếu được nghỉ chúng tôi kéo nhau ra sân kho chơi trò đuổi bắt, người lớn thì tụ tập nghe đài, nói chuyện.
Với tôi mỗi tối, sau mấy lần chơi tôi thường bỏ ra ngồi một mình trên bờ đê ngắm trăng rơi trên sông, mùa hè ngắm ánh trăng, vàng cả bãi ngô mùi thơm thoang thoảng nhẹ nhàng trong lòng dậy cảm giác buồn mênh mang. Các bạn hỏi, tôi thường nói tôi rất thích được ngắm trăng như vậy. Ở nhà tôi những đêm hè mải ngắm trăng một mình tôi còn ngủ quên trên manh chiếu trải ở sân, mà sương rơi ướt cả tóc người lạnh cóng.
Thế rồi tôi cũng đến tuổi nhập ngũ, chiến tranh, cuộc sống đời binh nghiệp, rồi cái gia đình nhỏ của tôi cũng hình thành, tôi cứ cuốn vào công việc, cuốn vào việc mưu sinh. Thói quen tình yêu với trăng chiều cũng không còn nhiều ở trong tôi nữa, mà nó chỉ thỉnh thoảng quay về chốc lát trong những giấc mơ. Gia đình tôi sống trong con phố nhỏ ở cái thành phố đã có từ rất lâu rồi mà cũng chả có gì thay đổi nhiều so với các đô thị khác phát triển như vũ bão, cái thành phố nhà tôi vẫn nhỏ nhoi bình dị như cái tên của nó từ bao đời nay, chỉ khác là bây giờ sáng lắm ánh điện sáng át cả ánh trăng rằm, chứ chả nói gì đến ánh trăng chiều bởi vậy niềm đam mê của tôi cũng phai dần.
Vài năm nay tôi được nghỉ chế độ cuộc sống chẳng còn tất bật như trước nữa, thời gian với tôi cũng chả kém gì tiền của ngài BinGet. Ban ngày thì ngủ dài, ban đêm thì thức khuya, lên sân thượng ngắm trăng thoả thích chả có ai làm phiền, nhưng mơ màng và ao ước của tuổi thơ thì nó biến đi đâu không biết nữa. Chỉ còn lại những suy tư, rồi nhớ về cha mẹ, anh em bè bạn, những hứng thú đam mê, tưởng tượng cũng nhạt dần, nhiều lúc cũng cảm thấy buồn, chẳng lẽ mình đã già rồi sao, cũng có thể bởi vì tôi sờ lên đầu thấy mái tóc mình giờ cũng mỏng dần lẫn trong đó còn có cả những sợi lơ thơ bạc.
Đêm nay tôi lại đắm mình ngắm trăng để tìm lại kỷ niệm và những ước mơ xưa, nhưng sao ánh trăng hôm nay nhạt thế, chẳng vàng xuộm như thuở nào, nửa mảnh trăng vẫn lửng lơ mà chả gợi cho tôi sự mơ màng xốn sang vốn có, nó chỉ thả vào lòng tôi nỗi buồn vô cớ.
Đúng rồi hôm nay gần tới ngày Noel đèn điện được trang hoàng rực rỡ khắp nơi ánh điện đã làm mờ đi cái ánh trăng của tôi thời thơ ấu...
Nho Đoàn
TÊN XẤU, NICK XẤU, TẠI SAO THẾ?
Tôi cũng không hiểu nổi tại sao một người tham gia facebook phải chọn một cái tên xấu, một cái nick xấu cho mình,... Ngày xưa, cũng chưa phải là lâu lắm, chỉ trước thời của tôi độ một thế hệ, khoảng vài chục năm trước, các cụ khi sinh con ra thường tìm những cái tên xấu xí nhất để đặt tên cho đứa con mà mình đứt ruột đẻ ra.
TÂM SỰ - CUỘC SỐNG
Không ít người tôi gặp, bày tỏ về nỗi buồn, nỗi thất vọng. Có những người tưởng như không vượt qua được trước sự nghiệt ngã của cuộc sống, thế nhưng họ đã vượt lên chính bản thân mình, vượt qua sóng gió khó khăn, tạo dựng nên cuộc sống khá giả, là niềm mơ ước của nhiều người có đầy đủ các điều kiện mà không có được. Với cá nhân tôi, ai cũng nói làm gì mà phải thất vọng, con cái đã lớn, học hành tới nơi tới chốn, về nghỉ không phải vướng bận gì, thế mà nói thất vọng.