Yêu cầu dừng đào tạo chương trình liên kết đào tạo nước ngoài không thực hiện đúng cam kết

Chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nào không thực hiện đúng cam kết, hoặc không bảo đảm theo Nghị định số 86 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu dừng đào tạo. Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước nếu đủ điều kiện tự chủ theo quy định của luật được tự chủ mở ngành đào tạo và mở chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
Các đại biểu phát biểu tại tọa đàm
 
(NLĐO)- Chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nào không thực hiện đúng cam kết, hoặc không bảo đảm theo Nghị định số 86 của Chính phủ, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu dừng đào tạo
 
Theo quy định hiện hành, các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước nếu đủ điều kiện tự chủ theo quy định của luật được tự chủ mở ngành đào tạo và mở chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
 
Cơ hội và thách thức
 
Tại cuộc tọa đàm "Liên kết đào tạo đại học với nước ngoài tại Việt Nam: Thực trạng và định hướng phát triển" vừa được báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tại Hà Nội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định việc liên kết đào tạo với các nước góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Du nhập các chương trình tiên tiến của các nước giúp cho các trường đại học được tiệm cận dần với các chương trình tiên tiến. Đây là cơ hội để giáo dục đại học nước ta rút ngắn khoảng cách với các nước trong khu vực và thế giới.
 
"Chúng ta cần xem việc liên kết đào tạo này vừa là cơ hội vừa là thách thức. Liên kết đào tạo có nhiều cái lợi nếu chớp được cơ hội, trong quá trình tiếp cận các nội dung liên kết đào tạo, đối tác đào tạo đúng sẽ nâng tầm giáo dục đại học, người học của chúng ta có lợi. Nhưng nếu lựa chọn không chuẩn xác, đối tác liên kết không đúng tầm, sẽ là bất lợi. Đây là những điều cần lưu ý trong quá trình thực hiện" - bà Nguyễn Thị Mai Hoa khẳng định.
 
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, cả nước có 408 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài đang hoạt động, trong đó có tới 62,71% cơ sở giáo dục đại học đối tác nước ngoài không được xếp hạng hoặc nằm ngoài danh sách 1.000 trường đại học trên thế giới. Trong khi đó, Việt Nam hiện nay có rất nhiều trường đại học, nhiều chương trình đại học đã được xếp hạng và lọt top 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới. 
 
Bên cạnh đó, còn hạn chế trong chất lượng tuyển sinh đầu vào và hạn chế về việc hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam không thu được những tác động tích cực từ các Chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài… Thực tế này đã làm mất đi phần nào ý nghĩa và sứ mệnh của các chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài.
 
Trước những băn khoăn về đối tác nước ngoài liên kết với các trường ĐH Việt Nam có thực sự chất lượng, PGS-TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho rằng tiêu chí về xếp hạng không phải là tiêu chí bắt buộc để lựa chọn liên kết đào tạo, cũng không nằm trong quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cũng như Nghị định 86/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, tất cả các chương trình, bao gồm cả các chương trình liên kết đào tạo được mở ra tại các trường đều được kiểm định, bảo đảm theo các yêu cầu của Luật và Nghị định trên. Dự kiến, trong năm 2023, Bộ GD-ĐT sẽ có thông tư về quản lý và đào tạo của chương trình liên kết đào tạo nước ngoài.
 
"Việc xếp hạng của các trường đối tác trên thế giới không phải là tất cả, bởi lẽ có những trường tốt nhưng không tham dự bất kỳ bảng xếp hạng nào. Tại Việt Nam, việc nhiều trường xuất hiện trong các bảng xếp hạng là động lực để các đối tác chọn lựa liên kết tốt hơn, bởi lẽ, không trường nào muốn liên kết với trường kém hơn mình. Với 6 cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam được xếp hạng trên thế giới đã mở ra cơ hội cho chính các nhà trường trong việc liên kết đào tạo với các trường đại học ở quốc gia khác" - Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nói.
 
Yêu cầu dừng đào tạo nếu không thực hiện đúng cam kết
 
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Nguyễn Thu Thủy cho hay chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nào không đúng cam kết, hoặc không bảo đảm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì Bộ sẽ yêu cầu dừng đào tạo
 
Một trong những hạn chế của chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài hiện nay của chương trình đại học là chất lượng tuyển sinh đầu vào như năng lực ngoại ngữ, kết quả học bạ và điểm thi THPT tương đối thấp mà nhiều trường đại học đã tuyển…
 
Trả lời câu hỏi chất lượng đầu vào như vậy có ảnh hưởng đến chất lượng của chương trình đào tạo không, PGS Nguyễn Thu Thuỷ cho rằng theo xu hướng trên thế giới, các trường đào tạo có tiếng thường chú trọng thắt chặt đầu ra, hướng đi này nhằm bảo đảm cơ hội học tập cho người học. Còn ở Việt Nam, theo quy định hiện hành tại Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ, trường hợp cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài và trường hợp đồng thời cấp văn bằng của cơ sở giáo dục đại học Việt Nam và văn bằng của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài, đối tượng tuyển sinh ít nhất phải có trình độ Bậc 4 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam hoặc tương đương (ít nhất IELTS 5.5).
 
"Năng lực ngoại ngữ như vậy mới có thể học tập hoàn toàn bằng tiếng Anh không qua phiên dịch. Với các điều kiện đầu vào này, tôi cho rằng, sinh viên Việt Nam khi cầm được các tấm bằng do các nhà trường liên kết đào tạo cấp là xứng đáng với năng lực của các em" - bà Nguyễn Thu Thủy khẳng định. 
 
Liên quan đến việc bảo đảm chất lượng của các chương trình liên kết đào tạo, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho hay thêm căn cứ vào kết quả kiểm tra hậu kiểm, chương trình liên kết đào tạo nước ngoài nào không đúng cam kết, hoặc không bảo đảm theo Nghị định số 86/2018/NĐ-CP của Chính phủ thì Bộ sẽ yêu cầu dừng đào tạo. Trong trường hợp đó, dĩ nhiên, người học không có lỗi, lỗi là ở các nhà trường, vì vậy, các em được tạo điều kiện để chuyển sang học các chương trình tương tự khác. 
 
Yến Anh   https://nld.com.vn