Cần sa được xếp vào loại ức chế giảm trì thần kinh và gây ảo giác chứ không phải kích thích như nhiều người tưởng.
Định nghĩa về cần sa
Cần sa được Tổ chức Y tế Thế giới định nghĩa là một loại ma túy lấy từ cây dầu gai có tên là Cannabis Sativa. Chất hóa học có tác dụng mạnh trong cây cần sa được gọi là THC (Delta 9 tetrahydrocannobinol). THC gây ảnh hưởng đến tính khí và sự nhận thức của người sử dụng. THC vào máu qua thành phổi (nếu hút), hoặc qua màng bao tử và ruột non (nếu ăn). Máu chuyển THC lên não và tạo ra cảm giác ‘phê’. Ma túy vào máu qua việc hút nhanh hơn là qua việc ăn.
Cần sa - tiếng lóng hiện nay gọi là “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “pin” - bắt nguồn từ loại thực vật có tên khoa học là cannabis sativa L., họ Cannabinaceae. Chất chính gọi là cannabinoid đã được tìm thấy, như tetrahydrocannabinol (THC) và cannabinol. Trong các chất đó, THC là hoạt chất chính gây tác dụng về mặt tâm thần.
Công thức cấu tạo THC trong cây cần sa
Phương thức sử dụng cần sa phổ biến là hút như thuốc lá. Do dễ tan trong chất béo nên khi hút vào, THC rất dễ xâm nhập mô phổi. Ở một số nước, người ta sử dụng cần sa không hút mà lại nhai và nuốt nhựa. Sử dụng phương cách này, sự hấp thu dù chậm và thay đổi theo lượng dùng nhưng tác dụng kéo dài hơn.
Chỉ cần một vài phút sau khi dùng cần sa, mạch có thể nhanh hơn 50% so với bình thường. Do đó, nếu đang dùng một số thuốc có tác dụng làm tim đập nhanh như nortrptyline mà lại hút cần sa thì rất nguy hiểm.
Thứ đến là THC làm đỏ kết mạc mắt và gây rối loạn thăng bằng, đi đứng lảo đảo, sự phối hợp các động tác không còn chính xác. Về mặt sinh lý, người hút thấy choáng váng, tai lùng bùng, đầu nhẹ lâng lâng nhưng tay chân thì có cảm giác nặng hơn, cảm thấy đói và thèm ngọt (thích ăn kẹo). Có vài trường hợp bị nôn mửa hoặc muốn đi tiêu, đi tiểu, cay mắt, nhìn cảnh vật bị mờ đi, tim đập nhanh.
Về mặt tinh thần, người hút cần sa trước hết có cảm giác lo lắng, bồn chồn - đặc biệt đối với người mới dùng lần đầu - nhưng rất nhanh chóng đạt được cảm giác sảng khoái, kích thích và có sự rối loạn trong suy nghĩ, trí nhớ, rất dễ cười mà không kiểm soát được. Sau đó là đến các ảo giác, người hút cần sa có cảm tưởng tay chân mình dài ra, nhìn cảnh vật xung quanh thấy hình dạng méo mó, những gì ở xa trở thành gần. Đã có trường hợp người hút cần sa trong cơn say thuốc nhảy từ lầu cao xuống đất chỉ vì anh ta có cảm giác mặt đất quá gần và hai cánh tay dài ra.
Nhiều thử nghiệm cho thấy nam giới hút cần sa lâu ngày sẽ bị giảm lượng testosterone (nội tiết tố sinh dục nam) trong máu; khối lượng tinh hoàn, sự sinh tinh trùng và khả năng sinh dục cũng giảm. Thử nghiệm trên súc vật cái như chuột, thỏ, khỉ, THC ức chế sự phóng noãn (rụng trứng). Nhiều phụ nữ hút cần sa cũng được ghi nhận chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Sử dụng cần sa nhiều sẽ tạo thành thói quen rất khó bỏ và nghiện.
Hiện cần sa có 3 dạng chính là: Marijuana, Hash (hay Hashish) và dầu Hashish.
Marijuana là lá và hoa khô của cây cần sa (Cannabis). Marijuana mạnh nhất nằm ở đầu hoa gọi là "heads". Màu sắc có thể từ xám xanh đến xanh nâu, hình dạng mịn như cỏ khô hay thô giống như trà. Marijuana thường được vấn thành điếu để hút gọi là "joints" hoặc hút bằng ống điếu gọi là "bong". Marijuana còn được dùng để nêm canh hoặc trộn với bánh. Trong ba dạng cần sa, Marijuanachứa ít chất THC nhất và kém tác dụng nhất.
Hashish hay Hash là nhựa của cần sa. Nhựa cần sa phơi khô và ép lại thành cục, bán theo từng miếng có màu sắc từ nâu lợt đến đen. "Hash" thường được trộn với thuốc lá để hút, nhưng cũng có thể bỏ vào đồ ăn để ăn. Hash mạnh hơn Marijuana.
Dầu Hashish (Hashish oil) là chất dầu đặc được chế biến từ Hash, là sản phẩm cần sa mạnh nhất. Màu sắc từ nâu vàng đến đen. Dầu Hashish thường được bôi trên đầu điếu thuốc hay trên giấy điếu thuốc lá để hút.
Những tác hại khó lường
Theo một nghiên cứu của Trung tâm PSD, cho thấy, cần sa có khả năng gây nghiện (thói quen sử dụng thường xuyên và ngày càng sử dụng nhiều hơn). Sự giảm sút liều lượng hoặc dừng sử dụng của một người dùng cần sa hằng ngày có thể kéo theo những triệu chứng như đã nêu ở trên: Khó chịu, lo lắng, mất khoái cảm, đau đầu, không cảm thấy thoải mái, khó ngủ và thèm muốn tái sử dụng cần sa (trong khoảng thời gian từ 1 tới 6 tuần sau khi dừng sử dụng). Đây có thể được xem là hội chứng cai cần sa.
Lạm dụng cần sa sẽ gây ra rất nhiều tác hại cho xã hội, gia đình và chính bản thân người sử dụng. Cần sa gây tác động lên hệ thần kinh trung ương gây ra ảo giác rất nguy hiểm, người sử dụng sẽ không làm chủ được hành vi, từ đó dẫn đến các hành vi như chém giết người khác, tự chém bản thân hoặc tự tử. Do cần sa có tính kích thích mạnh nên khi sử dụng làm cho con người không có cảm giác đau đớn, rơi vào trạng thái mơ mộng ảo huyền nhưng khi hết tác dụng bản thân lại trở nên yếu ớt, mệt mỏi và suy nhược thần kinh, suy dinh dưỡng,…Cùng với đó, cần sa có tính gây nghiện rất cao, tính chất gây nghiện của cần sa cũng giống như heroin, người sử dụng càng ngày càng muốn tăng liều.
Trong cuốn “Marijuana and Medicine (1998), tác giả Christian Ratsch, có viết rằng cần sa ảnh hưởng không tốt đến trí nhớ: “Một trong những ảnh hưởng chính của cần sa với con người là gây nên sự rối loạn trí nhớ ngắn hạn. Tetrahydrocannabinol (THC) gây ra những tổn thương tạm thời cho não bộ”. Theo nghiên cứu, trong cần sa có chất tetrahydrocannabinol (THC) làm cho những hoạt động trong vùng hippocampus của não bị đình trệ, làm chậm sự hoạt động của ký ức. Khi khả năng lưu trữ ký ức bị chậm lại, não bộ sẽ lưu trữ thông tin đang được tiếp nhận ít hơn…
Cùng với đó THC làm cho hệ thống dopamine trong cơ thể người hoạt động mạnh, điều này tạo cho cơ thể cảm giác hưng phấn, bồn chồn… Sự hưng phấn này làm cho cơ thể người sử dụng xuất hiện những rối loạn về thời gian phản ứng, về sự phối hợp giữa các hoạt động cơ học và cảm xúc về thị giác. Những sự sai biến về khái niệm thời gian, trong thị giác (thấy những hình ảnh biến dạng kỳ lạ) và thính giác (nghe thấy những tiếng động bất thường) có thể xảy ra với người dùng cần sa.
Không chỉ khiến người dùng mất kiểm soát hành vi (do bị ảo giác sau khi dùng cần sa), hay rối loạn trí nhớ ngắn hạn, cần sa còn khiến người dùng suy giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh về đường hô hấp. Viện Dược liệu Việt Nam phân tích: “Tổng hợp từ nhiều nghiên cứu, các nhà khoa học khẳng định rằng người hút cần sa mỗi ngày thường hay bị đau ở đâu đó trong người, bị ốm vặt. Cần sa làm tiêu hao T- cell (tế bào chính để chống nhiễm khuẩn), dẫn đến suy giảm tính miễn dịch. Khi sử dụng lâu dài, cần sa gây ra các hiệu ứng bất lợi lớn như tăng nguy cơ các bệnh về đường hô hấp liên quan đến hút thuốc, bao gồm ung thư, giảm khả năng học tập, làm việc.
Cũng như thuốc lá, cần sa ảnh hưởng tới phổi. Một vài nghiên cứu cho thấy trong cần sa có nhiều chất ung thư hơn thuốc lá tới 50-60%. Cùng với đó, cần sa không có đầu lọc, đồng thời người hút thường hít mạnh hơn, giữ khói lâu hơn trong phổi. Các phản ứng khó chịu do cần sa gây ra cho cuống phổi và phổi đã được ghi nhận khá đầy đủ ở những người hút cần sa.
Tuy hút cần sa ngắn hạn gây ra sự tăng độ giãn nở của phổi, giảm sự co thắt cuống phổi ở người bệnh suyễn nhưng hút cần sa lâu dài lại gây ra những rối loạn về chức năng phổi. Dùng cần sa thường xuyên có thể gây ra các bệnh nghẽn phổi như sơ tế bào gian bào phổi. Ngoài ra khi nghiên cứu về thành phần hóa học có trong cần sa, so sánh khói cần sa với khói thuốc, các nhà khoa học đã phát hiện thấy tỉ lệ ammoniac trong khói cần sa gấp 20 lần, trong khi đó tỉ lệ hydrogen cyanide, nitơ-ôxit và một số loại amin thơm nhất định cũng cao hơn khói thuốc lá 3-5 lần.
Pháp luật của Việt Nam nghiêm cấm sử dụng cần sa
Vì cần sa gây ra nhiều tác hại như vậy cho nên tới nay, cần sa vẫn được coi là loại chất kích thích bất hợp pháp. Theo Công ước thống nhất 1961 về các chất ma túy, kí tại New York ngày 30/3/1961, đã sửa đổi theo Nghị định thư 1972, thì cần sa được xếp vào loại ma túy Bảng I- những chất nguy hiểm đối với sức khỏe cộng đồng và giá trị sử dụng trong y học chưa được minh chứng một cách rõ ràng, cụ thể.
Hiện nay, pháp luật Việt Nam cũng đã ban hành luật cấm sử dụng, buôn bán, tàng trữ trái phép đối với cần sa. Theo quy định của Nghị định 67/2001/NĐ-CP thì cần sa và nhựa cần sa được xếp vào Danh mục I- Các chất ma túy rất độc, tuyệt đối cấm sử dụng trong lĩnh vực y tế; việc sử dụng các chất này trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quy định đặc biệt của cơ quan có thẩm quyền. Như vậy theo Nghị định này, cần sa là chất ma túy độc hại và bị cấm sử dụng tại Việt Nam.
Hơn nữa, tại Điều 194 Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) có quy định các khung hình phạt cho tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy. Trong đó có cần sa. Cụ thể, phạt tù từ 7-15 năm với người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép nhựa cần sa có trọng lượng từ 500g - dưới 1 kg; lá, hoa, quả cây cần sa có trọng lượng từ 10 kg- dưới 25 kg. Phạt tù từ 15 năm-20 năm nếu phạm tội thuộc trường hợp: Tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép nhựa cần sa có trọng lượng từ 1 kg- dưới 5 kg; hoặc lá, hoa, quả cây cần sa có trọng lượng từ 25 kg-dưới 75 kg. Khung hình phạt cao nhất là bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình nếu tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép từ 5 kg nhựa cần sa trở lên; lá, hoa, quả cây cần sa từ 75 kg trở lên.
Tựu chung lại, cần sa là một dạng của ma tuý, là chất gây nghiện nguy hiểm và gây nhiều tác hại đến cơ thể con người. Việc dùng cần sa để chữa bệnh phải qua kiểm duyệt gắt gao của những chuyên gia y tế. Do đó, không nên tuỳ tiện sử dụng cần sa để không gặp phải những nguy hiểm và những vấn đề đáng tiếc sau này.
Thế giới tiếp tục nghiên cứu cần sa dùng trong y tế
THC là một trong những hợp chất hoá học được gọi là phyto-cannabinoids được tìm thấy bên trong các tuyến nhựa chủ yếu trong nụ hoặc hoa của cây cần sa giống cái.
Trong hóa học hữu cơ, phyto-cannabinoids hoạt động như các chất chuyển hóa thứ cấp hoặc các chất bổ sung, được cây cần sa sản xuất và không chịu một tác động trực tiếp nào đến sự phát triển của cây hoặc sinh sản.
Qua các nghiên cứu, các nhà khoa học thế giới phát hiện ra rằng, cây cần sa sản xuất ra các chất chuyển hóa thứ cấp ở hệ thống miễn dịch nội bộ, chống đỡ được ký sinh trùng, virus, vi khuẩn và động vật ăn thịt tự nhiên khác. Trong khi THC tự nó không có đặc tính chống vi khuẩn ở người, thì những hợp chất phyto-cannabinoids khác như cannabigerol (CBG) được biết là có thể giết hoặc làm chậm sự tăng trưởng của vi khuẩn trong người và các loại thực vật tương tự.
Trong hơn 85 cannabinoid riêng biệt được tìm thấy ở cần sa, chỉ có duy nhất một chất cho ra hiệu ứng high. Đó là THC (cụ thể là hình dạng hoá học của nó).
THC tình cờ có được cấu trúc phân tử chuẩn phù hợp với các mối liên kết đặc biệt trong các tế bào được gọi là chất dẫn truyền thần kinh trong những phần riêng biệt của não bộ. Những vùng cụ thể này là bộ phận của một hệ thống lớn hơn-hệ thống endocannabinoid.
Mặc dù THC được cô lập vào năm 1964, nhưng chỉ đến năm 1988, Giáo sư, bác sĩ Allyn Howlett của Đại học Wake Forest mới phát hiện ra mối liên kết giữa THC và bộ não con người.
Những phát hiện của Howlett chỉ là một bước tiến nhỏ của cuộc cách mạng: THC tự kết dính nó với các liên kết tế bào đặc biệt ở hippocampus (nằm trong thuỳ trung gian của não, chịu trách nhiệm cho trí nhớ của chúng ta), vỏ não vùng trán (nơi chúng ta suy nghĩ), và tiểu não (điều khiển hành động).
Những liên kết tế bào này được gọi là “thụ thể cannabinoid”, và mỗi một thụ thể này là phần của hệ thống lớn hơn có tên là endocannabinoid.
Như âm và dương, sự liên kết giữa THC và một thụ thể cannabinoid thúc đẩy một phản ứng hoá học gây ra những thay đổi trong não bộ, tác động trực tiếp lên hành động và khả năng nhận thức của một người.
Khi các nhà khoa học phát hiện ra phương thức THC được sử dụng bởi cơ thể người qua hệ thống endocannabinoid, họ đã phải mất thêm 5 năm nữa để cô lập được hợp chất tương tự THC, được tạo ra một cách tự nhiên từ chính cơ thể con người. Hợp chất đó có thể miêu tả như là THC phiên bản ở người thay vì ở cây cần sa, nó có tên là anandamide.
Tuy nhiên, những nhà khoa học ngày nay vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tìm ra chính xác vai trò phức tạp đối với cơ thể con người của anandamide là gì, nhưng họ tìm ra chức năng quan trọng khiến cho hợp chất này tách biệt hơn hẳn.
Anandamide giúp loại bỏ mọi trở ngại, cho phép con người ghi nhớ chỉ những điều quan trọng. Am hiểu về một vài chức năng chủ yếu của anandamide thật sự có ích đối với việc tìm ra cái cách THC tác động lên cơ thể con người, và đem lại một vài hy vọng đới với việc dùng THC trong điều trị một số bệnh rối loạn tâm thần như PTSD (Post-Traumatic Stress Disorder)-rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lí-căn bệnh này khiến bệnh nhân phải vật vã để vượt qua những kí ức tiêu cực xung quanh sự kiện gây ra chấn thương.
Mặc dù vậy, các nhà khoa học cũng nhấn mạnh, không thể ăn sống cần sa. Khi ở trạng thái nguyên thủy dưới dạng thực vật, THC không thật sự tồn tại ở hình dạng sẽ kích hoạt được hiệu ứng thức thần ở con người.
Theo một công bố mới đây của Tạp chí tin tức về cần sa (Green Flower) thì sau khi chiết xuất, phân tách, cần sa có tác dụng giảm chứng trầm cảm cho bệnh nhân. Theo Samir Haj-Dahmane, người dẫn đầu nhóm nghiên cứu ở trường Đại học Buffalo thì việc sử dụng các hợp chất có nguồn gốc từ cần sa sẽ phục hồi chức năng bình thường của hệ thống endocannabinoid có khả năng tiềm tàng giúp cân bằng tâm trạng và làm dịu đi chứng trầm cảm.Tuy nhiên nghiên cứu này cũng chỉ mới qua giai đoạn khởi đầu.
Tương tự, nhiều quốc gia đã cho phép sử dụng cần sa trong y tế để thay thế các loại thuốc giảm đau, buồn nôn khác trong việc điều trị bằng hóa trị ở những người bị ung thư và sụt cân ở bệnh nhân HIV/AIDS. Một số nghiên cứu cũng cho thấy cần sa có thể làm giảm cơn động kinh ở những người bị bệnh động kinh; giảm bớt nhiều triệu chứng xơ cứng như tê cứng cơ, co thắt, đau đớn và đi tiểu thường xuyên.
Trần Thúy https://tiengchuong.vn