Tản mạn về một nhà văn hóa: Phan Ngọc

Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là về mảng nông thôn, Phan Ngọc đã rút ra được cái hồn cốt lâu đời để dẫn đến 7 điều hấp dẫn. Dân làng sinh ra trong quang cảnh nên thơ của làng…

Năm 1992, trong một cuộc gặp gỡ trí thức và văn nghệ sĩ ở TP. Vinh (Nghệ An), nhà văn Ngô Thảo nói với tôi: “Học giả Phan Ngọc là nhà văn hóa lớn hiện nay”; lúc này Phan Ngọc không còn trẻ nhưng cũng chưa già. Tôi được trực tiếp gặp ông hai lần, một lần với nhà văn Sơn Tùng ở Hà Nội, một lần với chị Phan Thị Quỳnh Trang ở TP. Vinh. Và chủ yếu là gặp ông trên nhiều lĩnh vực ở sách báo khi tìm hiểu học tập, với kết quả không là bao trong chiều rộng và chiều sâu những công trình đồ sộ của ông.

Ấn tượng đầu tiên gặp Phan Ngọc có lẽ là hai thuật ngữ “thao tác” “mẹo” – cũng là hai khái niệm, hai phương tiện xoáy sâu vào sự nghiệp nghiên cứu độc đáo của ông. Từ thao tác và mẹo riêng có, để tìm đến cách tiếp cận các công trình văn hóa bằng “thức nhận”, “vượt gộp” “độ khúc xạ” một cách khúc chiết tư duy, giản dị ngôn ngữ. Ở ông, văn hóa trùm lên tất cả. Thật khó chọn một bộ môn nào là đối tượng chính mà ông chạm tới: ngôn ngữ học, dân tộc học, triết học, mỹ học, hán học, chính trị, dịch thuật, văn học, lý luận phê bình…

Nhà văn hóa Phan Ngọc (1925 – 2020)

Hãy đi qua dịch thuật. Có thể nói sau Trương Vĩnh Ký (thế kỷ 19), Phan Ngọc là một trong những người Việt thông thạo nhiều ngoại ngữ ở thế kỷ XX. Nghiên cứu văn hóa dân tộc nào ông dành mấy tháng học ngôn ngữ dân tộc đó, có gần vài chục trường hợp như thế. Những công trình dịch thuật kèm theo văn bản giới thiệu của ông đã cuốn hút nhiều tầng lớp bạn đọc. Xin nêu một vài tác phẩm lớn: từ “Thần thoại Hy Lạp” tiếng Hy Lạp, “Spartacus” tiếng Ý, đến “Đạo Đức kinh”, “Sử Ký”, “Thơ Đỗ Phủ” tiếng Hán; từ “Shakespeare” tiếng Anh đến “Chiến tranh và Hòa bình” tiếng Nga; từ “Mỹ học Hegel” tiếng Đức đến “Kịch Molie” tiếng Pháp… Chỉ nói riêng việc dịch thơ Đỗ Phủ đã thấy cảm hứng nhân văn của ông dâng lên đến mức nào. Tôi kinh ngạc khi ông dịch một nghìn bài thơ Đỗ Phủ đáng giá cả về chất lẫn lượng, ông nói:

– Một giáo sư Pháp gọi Đỗ Phủ là “Nhà thơ nhân loại”. Đỗ Phủ viết về nỗi khổ của người dân ở 7 phương diện: vua, quan, nha, mưa, nắng, bão, lụt. Và mỗi phương diện có 7 bài tuyệt tác. Viết đúng cái huyệt cơ cực của dân. Tôi gọi Đỗ Phủ là “Nhà thơ dân đen”. Bác Hồ đã dẫn thơ Đỗ Phủ trong Di chúc…

Song tìm ra cách tiếp cận mới văn hóa Việt Nam, đặc biệt qua Truyện Kiều và tư tưởng Hồ Chí Minh mới là hướng chủ yếu của ông, Ông nói:

– Nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh phải nói đến cái bất biến của tư tưởng này là đã kiên trì tìm đường cứu nước, là đã Việt Nam hóa được chủ nghĩa Mác – Lênin khi “khúc xạ” qua tư tưởng Hồ Chí Minh để đem đến kết quả cho cách mạng Việt Nam. Bác Hồ theo chủ nghĩa Mác – Lênin với thái độ của một người bình luận, khác hẳn một tín đồ. Đây chính là con đường “thức nhận” tỉnh táo phân biệt châu Á không phải là châu Âu, không phải là toàn nhân loại. Mác nặng về kinh tế, Bác trích Mác ít, chỉ bốn năm lần, trong đó năm lần trích nguyên văn, còn thì qua qua. Bác chú ý chữ “Nhân”, trích Khổng Tử hơn một nghìn lần, cuối đời thăm viếng Khổng Tử. Mác không chú ý, không rõ phương Đông. Lênin có chú ý phương Đông. Lênin mềm mại, có khả năng tập hợp. Stalin không có khả năng đó nên phải dùng bạo lực… Về mặt này, việc đấu tranh giai cấp ở nước ta được ông Nguyễn khẳng định không được diễn ra giống như ở phương Tây… Cái sơ lược của Mác- Lênin là hạn chế làm ngoại thương, tuy Lênin có kêu gọi học buôn bán… Phê phán là quan trọng, phương pháp làm là quan trọng. Trước lúc đánh Mỹ, Bác Hồ rất chú ý đề xuất giáo sư Trần Đại Nghĩa: phải làm nhiều con đường, làm nhiều thủy lợi nhỏ để bom địch không thể phá hết được. Bác đặc biệt quan tâm biện pháp, đã dự báo đúng sự kiện, để làm cái làm được, nên luôn luôn thắng. Suy nghĩ độc lập, hành động khôn khéo, táo bạo, luôn luôn lấy nhân hòa làm sức mạnh quyết định. Đó là sự vượt gộp để bảo vệ chủ nghĩa Mác – Lênin trong hoàn cảnh thế giới đương thời. Bây giờ, Việt Nam là mục tiêu của cả Trung Quốc và Mỹ – đó là cơ hội, nhưng phải có minh quân, có tập thể minh quân đi theo con đường của Bác. Con đường đó là con đường văn hóa Việt Nam mà trước đây do hoàn cảnh khách quan đã không thực hiện được chu đáo. Nay hoàn cảnh thuận lợi không phải chịu sức ép lớn từ bên ngoài, Việt Nam sẽ đi đúng hướng của mình với văn hóa của chính mình. Còn gì hơn thế nữa!

Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đặc biệt là về mảng nông thôn, Phan Ngọc đã rút ra được cái hồn cốt lâu đời để dẫn đến 7 điều hấp dẫn. Dân làng sinh ra trong quang cảnh nên thơ của làng; con người lao động chân bùn tay lấm, thuần phong mỹ tục, công dung ngôn hạnh; thơ ca và những lời khấn; đồ tế lễ trên bàn thờ gia tiên; hàng thủ công mỹ nghệ riêng có… và rải rác mồ mả, nghĩa địa làng. Ông nói và viết về những vấn đề này bâng quơ nhưng nặng trĩu, đầy ám ảnh. Văn hóa làng đã là sợi dây bền chắc, níu kéo sự cố kết mọi người, mọi nhà, mọi dòng tộc. Một cuộc đời, nhiều cuộc đời và những cuộc đời vĩnh viễn mất đi – dù ai đi đâu, về đâu, thì cuối cùng đều nhận ra: chỗ quê hương đẹp hơn cả!

– Với Nghệ An. Tôi thấy bác có để thì giờ viết hai bài phú. Tôi không am hiểu về phú, chỉ biết văn học ta có “Phú Tây Hồ” của Chu Mạnh Trinh và “Phú Bạch Đằng Giang” của Trương Hán Siêu. Gần đây có “Phú lôm côm” của Sỹ Giàng – “làm thật ăn cháo, láo nháo ăn cơm”… có lẽ đây là một mạch riêng, được bác viết với rất nhiều tâm huyết?

– Đúng vậy. Thời lều chõng ngày xưa, các sĩ tử thắng thua ở bài phú. Khó, nhưng hấp dẫn. Phú không phải là thơ. Phú là trình bày, mục đích nói một tình hình. Đã trình bày thì có đối lập, nói cái này để ẩn một cái kia. Đằng sau cái kia là một cái này, rất cụ thể, sẽ tạo ra một sự suy nghĩ khác, đó là phương Đông. Một bài phú có bốn phần: khai, thừa, chuyển, hợp. Bốn phần này lại phải tiếp tục đối nhau… Nhiều nhà Nho đã tự nhận có thể mê phú đến quên việc nước! Tôi tập làm phú theo sự bày vẽ của cha tôi. Bài thứ nhất viết về giáo sư Đặng Thai Mai: “Thông minh vượt chúng, bụng chứa đầy văn hóa Việt, Pháp, Hoa. Kiến thức trùm đời, chí nào sá chi thi thư văn, sử, triết…”, “Đừng nói chết là hết, tấm gương nhân hậu trong thản nhiên lo khắc phục gian lao. Chớ bảo sống là yên, cuộc sống khiêm nhường, ngoài lặng lẽ, chứa đấu tranh quyết liệt…”, để phần nào nhớ Thầy, biết ơn Thầy, danh nhân lớn xứ Nghệ. Nhưng đến khi Tỉnh ủy Nghệ An giao cho tôi viết bài phú làm “Văn bia nghĩa trang liệt sĩ hữu nghị Việt – Lào tại Anh Sơn” thì thực sự tôi thấy rất hạnh phúc được thể hiện tình cảm đối với đất nước, trước “Sáu vạn thước vuông, mười nghìn nấm mộ”, “Bốn vạn người gục xuống để hai nước đứng lên, 50 năm trôi qua, khiến triệu nhà mong nhớ”, “Dựng tấm bia làm kỷ niệm, biết hạnh phúc có xương rơi, xây nghĩa trang nhắc toàn dân hiểu hòa bình nhờ máu đỏ”… Tôi cũng có nhiều người thân trong số liệt sĩ này. Tình riêng tưởng đã lớn, mà lúc đứng trước nghĩa trang thấy nhỏ bé trong cái tình chung quá lớn lao. Những hy sinh này vì đâu, do đâu, chúng ta và con cháu phải luôn luôn hiểu và nhớ.

Nhà văn Sơn Tùng và Nhà văn hóa Phan Ngọc (phải)

– Thưa bác, trong nghiên cứu khoa học tự nhiên, có lúc dùng phương cách khu biệt, hoặc trừu tượng hóa vấn đề; chính trị thì dựa vào phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”; còn địa bàn khoa học xã hội mênh mông trời đất, từ cái riêng kết lại cái chung, hoặc cái chung lẫn vào cái riêng. Trên “sa bàn thao tác” chắc bác đã có được những kiến thuật rạch ròi?

– Vấn đề này rộng, tôi chỉ nêu một vài ý. Ví dụ khi nghiên cứu phê bình tác phẩm nào, thì không thể biết hết đối tượng, mà phải chọn một số trang, số dòng hay nhất của họ thể hiện họ nhiều nhất, để mổ xẻ, để nêu bật – điều này dễ hiểu. Còn về sáng tác, điều quan trọng nhất là phải “có góc” của anh, cái góc đó không ai hơn anh được, để viết. Có khi 20 đến 30 năm sau mới công bố, và nó sẽ sống. Sinh thời sẽ đụng chạm, không đụng chạm thì không có giá. Khoa học, nghệ thuật là sự đụng chạm. Cái góc của Mác là tư bản. Mác lấy cái góc tư bản từ Ăng-ghen là một trong ba nhà tư bản lớn nhất nước Đức nên không ai hơn ông ấy được về vấn đề này, vấn đề tư bản. Mỗi người phải tự xác định cái góc của mình trước khi viết tác phẩm chủ yếu.. Tôi có cái góc của tôi, dù tôi vẫn viết về văn học phương Tây, không kém người ta lắm. Nhưng tôi chỉ là tôi khi tôi chọn viết Nho giáo và khó ai hơn tôi được. Nhân đây tôi có nhận xét là cuốn Chân trời lạ của anh hay, Hoa đại thì phảng phất Nhặt cánh hoa tàn của Lỗ Tấn… Nhưng cái góc của anh phải là Quỳnh Lưu, nơi thể hiện cái chất hùng, bi, hài và có cả chút cực đoan của cả một thời, của cả chế độ. Cả nước tập trung đầy đủ nhất ở đó. Anh viết đi, tôi sẽ đề tựa cho!

– Thưa bác, chị họ tôi – phó giáo sư, nhà văn Đặng Thị Hạnh, chuyên gia hàng đầu về văn học Pháp, cũng khuyên tôi như thế. Nhưng tôi đâu dám! Rất tiếc là anh Nguyễn Minh Châu thì mới chớm vào,… Bác có nói ông thân của bác (cụ Phó bảng Phan Võ) và ông nội tôi (cụ Cử nhân Hồ Phi Huyền) là hai người giỏi chữ Nho hơn cả người Tàu?

– Đúng thế. Đã có lần tôi viết cha tôi rất trọng thị, ông nội anh dám chống lại truyền thống khi thấy những điều không hợp. Ví dụ, việc phủ định thuyết ngũ hành trong y học: Y lý không dựa vào ngũ hành, các vị thuốc cũng vậy, dược tính là dược tính, y lý là y lý. Phải xét riêng từng trường hợp… Còn về tác phẩm Nhân đạo quyền hành của cụ Hồ Phi Huyền viết trước cách mạng Tháng Tám, thì đây là một khát vọng rất lớn, chưa nói nó đúng hay nó sai, khi muốn xây dựng một đạo đức học cho thời đại mình xuất phát ngay từ bản chất con người. Hơn nữa, đó là điều đạo đức học phương Tây xưa chưa làm được, trước sau họ đều xuất phát từ một ý niệm có sẵn chưa được kiểm chứng trong thực tế, giống như xuất phát từ một tiên đề. Cho nên thiếu tính phổ quát cần thiết chung cho con người, với tính cách con người, được xem là lý do biện hộ cho nó… Tôi chỉ nói qua tác phẩm này về mặt phương pháp luận của cụ Hồ Phi Huyền – một nhà tư tưởng hiếm có trong tầng lớp Nho học xưa…

Trong sự uyên thâm, phát sáng nghiên cứu văn hóa, đôi khi Phan Ngọc cũng có chút “nghênh ngang” như Nguyễn Tuân trong văn học, ở một tỷ lệ nào đó, ở một bóng dáng nào đó mang cốt cách phương Đông. Ông đã tiếp xúc và thuyết giảng nhiều lần ở các trường Đại học Mỹ, phương Tây, Trung Quốc, Đông Nam Á. Một lần, ở Hồng Công, vị học giả trưởng lão Nhiêu Tông Di đáng kính của Đôn Hoàng học, vốn biết Phan Ngọc cao đạo dịch Đạo Đức kinh (dễ hiểu) của Lão Tử và là một người Việt Nam thuộc hơn 1000 bài thơ Đường, điều mà không một người Trung Quốc nào làm được như vậy – đã đích thân xuống núi đàm đạo tri kỷ…

Trên mặt bằng chung, sự lo ngại “Những chân trời không có người bay” dường như yên tâm hơn, khi có những đôi cánh nghiên cứu độc đáo với cách tiếp cận hiện đại như Phan Ngọc, là rất cần thiết, để góp phần xác lập tầm nhìn văn hóa Việt Nam – một tầm nhìn tự tin, có bệ phóng bản sắc dân tộc vững vàng, tung cánh vào bầu trời hội nhập.

HỒ PHI PHỤC