Văn hóa Đồng bằng Sông Cửu Long nhìn từ ngôn ngữ học văn hóa

Thành tựu nghiên cứu về văn hóa Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung, đã đạt được những thành tựu rất lớn. Tuy nhiên, một số đặc điểm văn hóa được đúc kết, do ảnh hưởng của khuynh hướng phản ánh luận, các công trình đi trước...

Do nhiều lý do khác nhau, cách tư duy thông qua lược đồ sông nước cũng đã hằn sâu trong tâm thức người dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Với tư cách là miền ý niệm nguồn, sông nước và những thực thể liên quan đến sông nước được kích hoạt, ánh xạ lên nhiều miền ý niệm đích rất đa dạng. Đặc điểm nổi bật nhất là các lược đồ ở đây thường được chi tiết hóa (elaboration) để thích nghi với môi trường sống. Chẳng hạn, biểu thức ẩn dụ tình yêu/ đời người là một cuộc hành trình, tính chất phổ niệm của nó được dẫn giải bằng hình ảnh con đường, nếu như trong ca dao Bắc Bộ và Trung Bộ, chủ yếu là hành trình đi bộ, thơ ca giai đoạn 1930 – 1945, với chủ nghĩa xê dịch, thường hình dung đến phương tiện tàu hỏa: Dọc đời rải rác muôn ga đón/ Khó nỗi ngồi chung một chuyến tàu (Huy Cận).

Nhà nghiên cứu Trịnh Sâm

Ngôn ngữ học văn hóa

Thành tựu nghiên cứu về văn hóa Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng, văn hóa Việt Nam nói chung, đã đạt được những thành tựu rất lớn. Tuy nhiên, một số đặc điểm văn hóa được đúc kết, do ảnh hưởng của khuynh hướng phản ánh luận, các công trình đi trước, hầu như chưa chú ý, hoặc chú ý chưa đúng mức đến vai trò tương tác của chủ thể tri nhận và ngôn ngữ thường được xem như phương tiện phản ánh trực tiếp hiện thực, chủ yếu là cung cấp nghĩa thông tin. Trào lưu tri nhận luận đề cao vai trò của trí não và không gian tinh thần của con người, xác tín rằng, ngôn ngữ không phản ánh trực tiếp hiện thực mà thông qua sự tái cấu trúc, diễn giải một cách tinh tế và sáng tạo của trí tuệ con người. Ngôn ngữ, một mặt, là kho tàng lưu trữ tri thức văn hóa, mặt khác, là công cụ để con người ý niệm hóa, phạm trù hóa thế giới. Văn hóa không chỉ đơn thuần là những đặc điểm cố hữu, khách quan, tĩnh tại mà là hệ thống giá trị, niềm tin, môi trường, được hình thành qua trải nghiệm, qua thời gian và không gian, bao gồm những nhận thức, chia sẻ, suy nghĩ, hành động với chính mình, với tự nhiên và với xã hội, dù nhiều khi chỉ là vô thức. Ngôn ngữ còn là phương tiện chủ quan, năng động chuyển tải nghĩa tri nhận, trong đó có nghĩa văn hóa.

Ngôn ngữ học văn hóa kế thừa, khai thác bộ máy khái niệm của khoa học tri nhận, nhất là ngôn ngữ học tri nhận, tạo nên một phân ngành còn non trẻ nhưng rất có triển vọng.

Trước khi nêu lên một số nhận xét về văn hóa Đồng bằng Sông Cửu Long, thiết tưởng cần minh định rõ một số tiền đề lý thuyết hữu quan, xuất phát điểm của nghiên cứu này.

Trong một cộng đồng diễn ngôn, bên cạnh các hệ giá trị văn hóa vĩ mô như một dòng chảy chủ đạo, có tính cách chi phối, còn có hệ giá trị được chia sẻ trong từng nhóm văn hóa. Nhóm văn hóa có thể được hình thành từ một giai tầng xã hội có chung một số đặc điểm nào đấy như trình độ, nghề nghiệp, lứa tuổi, giới tính, sở thích nhưng cũng có thể là một tiểu nhóm cộng cư trên một khu vực địa lý, có cùng chung môi trường văn hóa, cùng chung phương ngữ, có lối sống, hệ thống niềm tin, cách thế ứng xử, giá trị tri nhận giống hoặc gần giống nhau. Với ý nghĩa vừa minh định, hoàn toàn có thể xem cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long là một nhóm văn hóa, trong đó có người Kinh, người Khmer, người Hoa và người Chăm. Hơn thế nữa, trong tình hình Việt Nam, nhóm văn hóa Đồng bằng Sông Cửu Long cũng chính là những biến thể của một nền văn hóa thống nhất. Đến lượt nó, nhóm văn hóa cũng lại có hệ tri nhận chung có tính tập thể đối lập với tri nhận cá nhân. Tuy có sự phân bố không đồng nhất về tri nhận ở mỗi cá nhân, nhưng trong nội bộ nhóm đều tồn tại sợi dây liên kết chung về tri thức, trong đó có tri thức văn hóa, thường được gọi là mã tri nhận của nhóm.

Trước một môi trường văn hóa, con người không chỉ tiếp thu,ứng xử một cách thụ động mà bao giờ cũng thông qua giác quan để tái nhận thức. Nói khác, cách thức mà con người tri nhận thế giới nói chung, hiện thực văn hóa nói riêng bị quyết định bởi cơ cấu tổ chức ý niệm áp đặt lên thông tin nhận thức đầu vào qua các giác quan. Đây là cách kiến tạo và sử dụng tri thức, cho nên mọi quá trình tri nhận là kết quả của việc ý niệm hóa. Và mọi kiến tạo ý niệm đều bị chi phối bởi kinh nghiệm nghiệm thân, trước hết là những trải nghiệm trực tiếp với chính cơ thể và sự điều hành độc đáo của hệ thần kinh chúng ta, thứ đến là sự tương tác với tự nhiên và xã hội.

Mối quan hệ giữa ngôn ngữ và văn hóa đã được bàn đến từ lâu. Riêng trong lĩnh vực tri nhận, có thể kể đến Langacker, R. W. (1994), Palmer, G. B. (1996), Sharifian, F. (2011, 2017a), Yu, N. (2017), Kóczy, J. B. (2017)… Ở Việt Nam, đây là vấn đề còn khá mới mẻ, chỉ có vài tác giả đề cập đến một cách sơ lược, riêng Trần Ngọc Thêm (chủ biên), trong chuyên khảo Văn hóa người Việt vùng Tây Nam Bộ (2013), có đề cập đến văn hóa nhận thức (aware culture, thuật ngữ của tác giả) nhưng cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt với ngôn ngữ học tri nhận và ngôn ngữ học văn hóa (cultural linguistics).

Đối tượng và cách tiếp cận của ngôn ngữ học văn hóa còn khá phân tán. Tuy nhiên, có hai vấn đề được nhiều học giả thừa nhận: (i) Nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ, văn hóa và cách thức ý niệm hóa văn hóa; (ii) Các lược đồ và các mô hình văn hóa là sản phẩm của tư duy, chi phối cách thức kiến tạo, suy nghĩ và hành động của con người, cũng là động lực để ngôn ngữ và văn hóa phát triển.

Nghiên cứu này chấp nhận khung lý thuyết các kiến giải của Sharifian, F. (2011, 2017), lần lượt khảo sát các cách ý niệm hóa văn hóa của người Đồng bằng Sông Cửu Long thông qua một số bình diện dễ quan sát nhất. Và cũng cần lưu ý rằng, việc phân xuất thành các bình diện như: Lược đồ văn hóa, phạm trù văn hóa, ẩn dụ ý niệm văn hóa chỉ có ý nghĩa tương đối. Vì trên cùng một ngữ liệu, tùy theo góc nhìn, có thể xếp chúng vào những bình diện khác nhau.

1. Lược đồ văn hóa

Lược đồ văn hóa là một loại mô hình con, được khái quát từ nhận thức tập thể liên quan đến văn hóa, kết quả của sự tương tác, là những kinh nghiệm được chia sẻ trong quá trình giao tiếp, nó còn là một quá trình tri nhận, tồn tại trong đầu óc chúng ta. Lược đồ văn hóa, tùy theo quan niệm, còn có thể phân xuất thành những lược đồ nhỏ hơn.

Tư duy qua lược đồ hình ảnh sông nước là một hiện tượng phổ biến trên thế giới. Châu Âu với xã hội công nghiệp, hiện thực sông nước tuy không quan yếu, nhưng lược đồ này thỉnh thoảng cũng xuất hiện: Traffic is river (Giao thông là một con sông, Stockwell, P., 2005), The solution is an object in water (Giải pháp là một vật thể trong nước, Lakoff, G., 1994), Emotion is river water (Cảm xúc là nước sông, Kóczy, J. B., 2017).

Người Trung Quốc sớm nhận ra vai trò tồn tại tích cực của nước và đã kiến tạo nhiều ẩn dụ, hoán dụ ý niệm văn hóa rất lý thú.

Do nhiều lý do khác nhau, cách tư duy thông qua lược đồ sông nước cũng đã hằn sâu trong tâm thức người dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Với tư cách là miền ý niệm nguồn, sông nước và những thực thể liên quan đến sông nước được kích hoạt, ánh xạ lên nhiều miền ý niệm đích rất đa dạng. Đặc điểm nổi bật nhất là các lược đồ ở đây thường được chi tiết hóa (elaboration) để thích nghi với môi trường sống. Chẳng hạn, biểu thức ẩn dụ tình yêu/ đời người là một cuộc hành trình, tính chất phổ niệm của nó được dẫn giải bằng hình ảnh con đường, nếu như trong ca dao Bắc Bộ và Trung Bộ, chủ yếu là hành trình đi bộ, thơ ca giai đoạn 1930 – 1945, với chủ nghĩa xê dịch, thường hình dung đến phương tiện tàu hỏa: Dọc đời rải rác muôn ga đón/ Khó nỗi ngồi chung một chuyến tàu (Huy Cận).

Riêng ở Đồng bằng Sông Cửu Long, hành trình ấy được hình dung trên đường thủy. Hãy quan sát: Đường trường nước chảy như reo/ Thương em chẳng nại mái chèo ngược xuôi/ Ghe của anh đi nước xuôi, bè của em đi nước ngược, làm sao ta trao được lời, thuận buồm xuôi gió nhờ trời kiếp sau…Trên hành trình đó, thời gian được diễn giải là sự vận động của nước hoặc / và của các phương tiện (ghe, xuồng, bè…) trên sông nước. Khái quát hơn, sông nước, phương tiện trên sông nước được ý niệm hóa là con người và/ hoặc thay cho con người. Nếu như, hành trình trên đường bộ, ta có một số thành ngữ biểu trưng cho sự thuận lợi / khó khăn tương thích thì trên đường thủy cũng có một số cách ý niệm hóa hữu quan. Thuận lợi thì là sông cận, biển kề; sông êm, sóng lặng… Khó khăn lại nói biển cạn, láng khô; gió dập, sóng dồi. Có thể nói, mọi hoạt động trên sông nước như: Bỏ neo cầm chừng; cắm sào đợi nước; nước vận cắm sào; xuôi nước; xuôi dòng; ngược nước; ngược dòng đều liên hội đến thái độ ứng xử của con người trong xã hội.

Cũng thuộc lược đồ văn hóa, tri nhận luận hay đề cập đến các nghi thức sự kiện truyền thống, đến vai trò, chức năng tương tác xã hội của con người liên quan đến giá trị văn hóa. Về địa hạt này, cái nhìn và cách lý giải của cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long cũng có những nét riêng. Chẳng hạn khi bàn về duyên nợ vợ chồng, truyền thống văn hóa Việt Nam hay nhắc đến chức năng xe duyên, kết tóc của ông Tơ bà Nguyệt, với tấm lòng hết mực sùng kính. Vẫn trên cái nền tri thức đó, các nhân vật mai dong này được kiến tạo gần gũi hơn, bình đẳng hơn, và người hơn, nói như ngôn ngữ học tri nhận, thang độ nhân tính được kiến tạo đậm nét hơn so với các nhóm văn hóa khác, vùng văn hóa khác.

Ở đây không chỉ có hành động ngôn từ khen ngợi: Anh thương em thấy mặt thương đành/ Hay ông Tơ, bà Nguyệt để dành cho anh; không chỉ cầu xin: Em vái ông Tơ vài ve rượu thiệt, cầu bà Nguyệt năm bảy con gà, xui cho đôi đứa hiệp hòa; không chỉ trách móc: Trách ông Tơ, bà Nguyệt chẳng xe, một mình ngồi lén bụi tre khóc ròng; không chỉ tra vấn: Phải gặp ông Tơ hỏi sơ cho biết, phải gặp bà Nguyệt gạn thiệt cho rành, vì đâu bông nọ bỏ cành?; mà đặc biệt còn có thể “cho ăn đòn roi” khi không hoàn thành nhiệm vụ: Bắt ông Tơ đánh sơ ít chục/ Mối chỉ sậm sờ, ông ngủ gục không xe; hay: Đánh ông Tơ cái trót, ông nhảy thót lên ngọn trâm bầu, ông xe đâu đó, ông thấy nhân ngãi nghèo, ông không xe.

Về hôn nhân gia đình, đâu đó thì phải môn đăng hộ đối, lễ hỏi, lễ cưới phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước, lễ vật cũng rất phức tạp thì ở đây mọi nghi thức, mọi “đất lề, quê thói” đều giản lược tối đa: Người ta giàu đầu heo nọng thịt, hai đứa mình nghèo cặp vịt đôi bông, cũng không câu nệ vào giờ giấc tốt xấu, tùy theo con nước thuận tiện lớn ròng hoàn toàn có thể rước dâu vào ban đêm, một điều tối kỵ ở vùng khác. Vật lễ thì tối giản nhiều khi chỉ cần đôi bông tai là đủ:

Gió lao xao, tàu cau nhỏng nhảnh

Bậu thương qua rồi thọ lãnh đôi bông

vì đôi bông ở đây nó tượng trưng cho duyên con gái. Cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long thường nói, thương con thì thương dâu, thương con thì thương rể cho nên các quan hệ: Mẹ – cha chồng / nàng dâu, cha – mẹ vợ / chàng rể không quá khắc nghiệt như ở vùng khác, thậm chí cái thiên hướng sui gia mở rộng, như kiểu đại gia đình với mục đích cố kết là chính:

Làm sui một nhà, biết ra cả họ,

Làm sui một họ biết ra cả làng

hay:

Sui gia đã xứng sui gia,

Rày mừng hai họ một nhà thành thân.

Sự kiện ma chay, cúng giỗ, lễ tết đều được tổ chức trên tinh thần thoáng mở như thế. Điều quan trọng trong quan hệ liên nhân, trước hết là cách sống có tính chất lý tưởng, là sao cho trọn, cho tròn và cho tròn trịa, cho vuông tròn, cho vẹn, cho toàn vẹn: Khó nghèo củi núi rau non; Nuôi cha, nuôi mẹ cho tròn nghĩa con; Quyết lòng tình nghĩa đá vàng/ Trăm năm cùng bậu cho toàn nợ duyên; Anh đi tu, em nguyền ở vãi/ Ta ở trong chùa trọn ngãi với nhau; Người còn thì của cũng còn; Miễn là nhân ngãi vuông tròn thì thôi, Biểu đừng nghe tiếng thị phi, Thủy chung giữ vẹn một nghì sắt son…

Vẫn trên quan hệ liên nhân, mở rộng quan sát, có thể thấy, cách tư duy ẩn dụ bản thể là phương thức thường gặp của cư dân Đồng bằng Sông Cửu Long. Cụ thể, dùng ý niệm vật thể, chất liệu, thông qua phép ánh xạ để miêu tả hệ ý niệm trừu tượng như đạo lý, phẩm hạnh, đạo đức, có thể đúc kết: Phẩm hạnh, đạo đức của con người là một vật thể, trong đó hình dáng vật thể tròn trịa, viên mãn là (hoặc thay cho) điều tốt lành, hướng lên và ngược lại.

Cần thấy, cách tư duy dùng hình dáng, kích thước, thuộc tính, màu sắc vật thể để biểu trưng cho nghĩa tốt / xấu kiểu này không xa lạ với văn hóa Âu Mỹ, có điều văn hóa phương Tây chỉ tập trung nhiều ở hình dáng, trạng thái bộ phận cơ thể con người, đặc biệt là trái tim.

Về lược đồ niềm tin, các nhà nghiên cứu hay đề cập đến sự hình thành của một số đạo (tôn giáo), một số cách bản địa hóa hệ tư tưởng ngoại lai khi du nhập vào Nam Bộ. Ở đây, ta chỉ đúc kết những biểu hiện từ nhận thức dân dã của cư dân địa phương. Đó là coi trọng và đề cao chữ đạo theo lẽ thường, tức đạo ở đời, đạo ứng xử, xuất phát từ nếp nghĩ: Đạo là quan hệ liên nhân; Đạo là một vật thể; Đạo là bổn phận; Đạo là sợi dây ràng buộc; Đạo là lẽ phải, đạo là tốt… Chúng gắn kết con người với con người: Đạo ông bà; đạo cha con; đạo vợ chồng; đạo con cái; đạo thầy trò; đạo xóm giềng; đạo chủ tớ; thậm chí là đạo vuông tròn; đạo nhơn ngãi; đạo trời đất; đạo thánh hiền… Như vậy, ý niệm đạo và cách kiến tạo nó, rất gần gũi, rất đời thường, dễ quan sát, dễ áp dụng, dễ đánh giá. Có thể nói, đó còn là một loại kinh nghiệm tinh thần (Mental experience), thước đo trong ứng xử của người Đồng bằng Sông Cửu Long: Lo nuôi cha mẹ hết lòng đạo con; Đạo dâu con khó lắm bạn ơi; Đạo chồng, nghĩa vợ sao đành vội vong; Mải mê cờ bạc, đạo vợ con anh lo chưa tròn… và nếu không hoàn thành vai trò / chức năng thì bị đánh giá là lỗi đạo, tức không giữ bổn phận, không giữ đạo nghĩa.

Ngoài ra, hoàn toàn có thể xếp hành động ngôn từ lạc quan vào lược đồ mệnh đề, một tiểu loại của lược đồ văn hóa, chúng hành chức như những mô hình tư tưởng và hành động bộc lộ nhân sinh quan, qua cách nói có vẻ nghịch ngôn về CÁI ĂN rất quen thuộc trên cửa miệng của người Đồng bằng Sông Cửu Long sau đây:

Người ta giàu, người ta nấu gạo đầy nồi,mình nghèo mình nấu ít,ăn rồi nấu thêm.

Người ta giàu, người ta ngủ trọn đêm, mình nghèo mình ngủ ít, ngủ thêm ban ngày.

Hay:

Người ta giàu, ăn cơm ngày ba bữa,

Nhà mình nghèo, nấu ít, ăn hết nồi, rồi lại nấu thêm.

Về cái mặc, hãy nghe:

Mần cho lắm, tắm cũng ở truồng,

Mần lay ray (lai rai), ngày thay hai ba bộ.

Hay:

Mần cho lắm, tắm cũng ở truồng,

Mần lay ray (lai rai), cái thay, cái đổi.

Xin được nhấn mạnh, trên cấp độ lược đồ văn hóa vĩ mô (Macro-level cultural shema) CÁI ĂN, CÁI MẶC(*) là chủ đề quan tâm thường xuyên, nỗi ám ảnh canh cánh bên lòng suốt cả cuộc đời tổ tiên chúng ta, rất khác biệt so với cái nhìn có phần nhẹ nhàng, đơn giản như ở Đồng bằng Sông Cửu Long. Có nhiều lý do về tri nhận để giải thích về hiện tượng này.

2. Phạm trù văn hóa

Tri nhận luận xác định đặc trưng của phạm trù có nhiều khác biệt so với truyền thống. Đó là một tập hợp bao gồm các yếu tố không đồng nhất mà chỉ tương đương, có thể giống nhau hoặc gần giống nhau. Nói rõ hơn, các thành viên trong một phạm trù được đánh giá, sắp xếp theo thang độ, thành viên nào tiêu biểu, chiếm ở vị trí trung tâm phạm trù, gọi là điển dạng, thành viên nào không tiêu biểu hoặc ít tiêu biểu nằm ở ngoại vi. Như vậy, phạm trù được tổ chức trên cơ sở tri nhận của trí não chứ không hề võ đoán và ranh giới giữa chúng không phải lúc nào cũng tách bạch, rạch ròi, trong đó, cấu trúc nội tại của từng phạm trù, ngay cả điển dạng cũng có thể thay đổi tùy thuộc và bối cảnh và mô hình văn hóa.

Nói đến phạm trù hóa là đề cập đến cách thức phân loại và cách thức khái quát hóa. Xin được minh họa qua một vài điển dạng văn hóa (Cultural prototype).

Trước môi trường cây cối, trái quả rất đa dạng, người Đồng bằng Sông Cửu Long rất tự tin về hoạt động nhận diện và phân loại của mình:

Vên vên cứng, dành dành cũng cứng,

Mù u tròn, trái nhãn cũng tròn,

Vàng thau tuy trộn một bồn,

Anh là tay thợ lựa, lần hồi rồi cũng ra.

Tri nhận là một quá trình tương tác, hiện thực nào gần gũi, chủ đề nào hằn sâu trong trí nhớ dài hạn của cộng đồng diễn ngôn thì thường xuất hiện trước nhất, xuất hiện nhiều nhất, có tầm tác động lớn nhất và được phân loại chi tiết nhất, đến lượt mình, chủ thể tri nhận không thể không phóng chiếu chính hình bóng của mình lên hiện thực .

Phân loại, khái quát và lược quy một cách tỉ mỉ, tinh tế các phạm trù tự nhiên quen thuộc theo hệ tôn ti dân dã là điều dễ nhận ra trong tri nhận của người dân Đồng bằng Sông Cửu Long.

Quả nhiên, quan sát cách định danh và phân loại các tên gọi sự vật bao chứa nước (vật chứa) tự nhiên hay nhân tạo như: bưng, biền, kinh, lạch, láng, lung, ngòi, ngọn, rãnh, rẻo, rọc, trấp, xẻo… với nhiều dáng vẻ, góc cạnh, độc đáo; cách kiến tạo địa danh với nhiều thuộc tính thể hiện sự cảm nhận tinh tế như Rạch Chỏi; Cầu cá Trê; Ao Bà Om; Giồng Dứa; Bàu Cá; Đầm Dơi… tất nhiên, không thể tách rời sự đa dạng, phong phú của môi trường, địa hình, địa thế, nhưng rõ ràng, trong đó có không ít thông tin tri nhận mà người địa phương gán cho.

Có thể tiếp tục quan sát cách ý niệm hóa văn hóa qua một số phạm trù khác. Trước hết là các phương tiện trên sông nước, theo thống kê của chúng tôi, có đến 70 loại ghe xuồng được phân loại. Vẫn trên cơ sở tri nhận, phương tiện trên sông nước là con người, phương tiện trên sông nước là người bạn đồng hành, phương tiện trên sông nước là vật chứa… nhưng không chỉ có thế, hệ thống phương tiện đang bàn ở Đồng bằng Sông Cửu Long còn cung cấp nhiều thông tin về tính cộng cư các chủ thể trên địa bàn, cung cấp nhiều tri thức lịch đại, góp phần làm cho bức tranh ý niệm về ghe xuồng mang đậm dấu ấn của nhiều trải nghiệm, chẳng hạn tên ghe xuồng mượn của người Khmer, người Hoa (Triều Châu) như ghe Cà Vom; ghe Ngo; ghe Sam Pu; ghe Chạp Phô… hay cách định danh xuất phát từ hoán dụ ý niệm: Phương tiện trên sông nước thay cho con người, gắn liền nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau, như ghe hầu; ghe lê; ghe tam sắc; ghe bất mãn; ghe quốc sự… và cả dấu vết di dân của miền Trung như: Ghe Bầu chở Lái Về kinh. Sự trải nghiệm và miêu tả về sự vận động của nước cũng thế, có đến mấy chục ý niệm khác nhau, chỉ các trạng thái khác nhau của nước, trong đó, về mặt tri nhận, đáng chú ý là loại ẩn dụ bản thể mở rộng, tức một loại nhân hóa, được khai thác triệt để như: nước bò; nước đứng; nước lăn; nước nằm; nước nhảy; nước dậm chưn tại chỗ… Rõ ràng, kiểu hình dung Thiên nhiên thay cho con người, Sông nước là con người, một mặt, ghi nhận cách sống gần gũi, hòa hợp với thiên nhiên, mặt khác, còn cho thấy sự gắn kết trong cách thức mà con người tương tác.

Liên quan đến phạm trù đang bàn, bên cạnh chuyện đi khơi, đi lộng, các hành vi ứng xử như coi gió bỏ buồm; lựa chiều bẻ lái; theo nước lượn thuyền – là những kinh nghiệm đã được đúc kết từ quê cha đất tổ, vẫn còn được sử dụng ở vùng đất mới, người Đồng bằng Sông Cửu Long còn qua quá trình chiêm nghiệm, tương tác đã phân loại cách thức điều khiển mái chèo / mái dầm trước dòng chảy xuôi / ngược, phải công nhận là rất đỗi chi tiết. Điều này cho thấy cách thức trải nghiệm trong môi trường sông nước và cách thức diễn giải hoạt động của công cụ cũng khác với các vùng khác, như: Mái nổi, mái chìm, mái dài, mái cuốc, mái buông, cầm lái vọt, lạu, liệc, móc, mé, cạy, bát. (Các ví dụ này mượn của Trần Ngọc Thêm, 2013, tr. 666-67, có bổ sung). Thứ đến, tiếp tục khảo sát cách phân loại các phạm trù hiện thực gần gũi ở Đồng bằng Sông Cửu Long như thực vật, hoa trái, có thể ghi nhận, sự sắp xếp và tri nhận chúng cũng theo nhiều tiêu chí khác nhau như ngữ nghĩa của tên gọi, hình dáng, giá trị sử dụng, môi trường tồn tại, có đến mấy chục loại cây (trái) bắp, mấy chục loại cây (trái) dừa. Ở mỗi chủng loại như thế, gốc, rễ, cành, lá, hoa, trái, hạt, đều được cảm nhận với nhiều màu sắc, nhiều công dụng khác nhau. Hiển nhiên, độ phân loại càng sâu, sự lựa chọn phạm vi biểu đạt càng rộng, chủ yếu là khai thác các tri nhận gián tiếp:

Bắp non xao xác trổ cờ,

Người thương đứng đó, giả đò ngó lơ.

Hay:

Tới đây ngồi tạm lá dừa,

Chiếu trải mặc chiếu anh chưa dám ngồi.

3. Ẩn dụ văn hóa

Ẩn dụ văn hóa loại ẩn dụ ý niệm liên quan đến hệ giá trị, cách thức ứng xử, gắn liền với bức tranh ý niệm về thế giới, có quan hệ mật thiết với văn hóa. Nổi bật nhất là những ẩn dụ được kích hoạt từ nghiệm thân sinh lý, tức dùng những hiểu biết, những trải nghiệm trực tiếp hay gián tiếp từ chính cơ thể của con người để nhận thức thế giới, thứ đến là những ẩn dụ có nguồn gốc từ nghiệm thân tự nhiên, tức kết quả từ sự tương tác của chủ thể với tự nhiên và cuối cùng là những ẩn dụ liên quan đến nghiệm thân xã hội. Tại đây, chỉ xin được phân tích cụ thể về hai loại ẩn dụ sau.

Vẫn trên cái nền tri thức phổ quát Đời người là đời thực vật (cỏ cây), với tư cách là miền nguồn, các giai đoạn phát triển của cây cối đều được ánh xạ đến các thời đoạn khác nhau ở miền đích của đời người, từ lúc lọt lòng đến khi chết. Nhưng đi vào phân tích chi tiết, chúng ta vẫn có thể tìm thấy nhiều trải nghiệm, nhiều lựa chọn đặc thù.

Hãy quan sát cách ý niệm hóa vườn và lập vườn qua ca dao:

Thương em, anh muốn lập vườn cưới em,

Lập vườn sao anh không sớm viếng, tối thăm,

Để trâu bò dẫm phá, biết mấy năm cho thành?

Và:

Ai đem con két vô vườn,

Để cho con két ăn buồng chuối tiêu,

Hay các câu: Anh đừng vạch vách phá rào, vườn quê mới lập, lựu với đào còn non; Từ ngày bạn cũ xa mình, lập vườn chỗ khác ngẫm sự tình tái tê… Dễ nhận ra, vẫn còn phảng phất hình ảnh vườn hồng / mận / đào của ca dao Bắc Bộ, nhưng kiến thức về tri nhận đã khác: Vườn tược là con người (nữ), vườn thay cho con người (nữ) và lập vườn là một cách kiến tạo ý niệm độc đáo, có thể khái quát: Sự kiện là hành động, Hành động là sự chuyển động, Hành động là sự thay đổi và lập vườn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong đời của một con người, bao trùm lên tất cả: Lập vườn là thiết lập (bắt đầu) một tình trạng mới, Lập vườn là bắt đầu một quan hệ (tình cảm) mới.

Từ chuyện lập vườn cụ thể ở miền ý niệm nguồn, phản ánh một công việc rất quen thuộc của nông dân vùng sông nước được dùng để ánh xạ lên chuyện tình cảm, tình yêu, hôn nhân ở miền ý niệm đích, rõ ràng phương thức này làm cho các hệ ý niệm hữu quan dễ hình dung thông qua những trải nghiệm hàng ngày. Còn có thể tiếp tục phân tích các hệ ý niệm kéo theo, như: Lập vườn thì phải khai mương; Vườn quê mới lập; Tiếc vườn cúc rậm, cả ngàn không bông; Vườn bông rào kỹ, nhụy vàng còn xinh – nghĩa là, tất cả mới chỉ bắt đầu, còn khá nhiều công việc phải tiếp tục đầu tư, phải chăm sóc và thành quả còn lệ thuộc vào công sức đầu tư, thái độ ứng xử, những nghĩa ngữ dụng hàm ẩn như thế, cũng có thể là một kiểu ánh xạ phức, nhờ vào những kinh nghiệm của việc lập vườn tách hộ gia đình ra ở riêng, lập vườn chia đất cho con cái. Công bằng mà nói, những ẩn dụ văn hóa có tính hướng ngoại như vừa phân tích ở Đồng bằng Sông Cửu Long xuất hiện không nhiều. Dễ nhận diện nhất vẫn là những ẩn dụ văn hóa hướng nội liên quan đến cơ thể con người, mà chúng tôi gọi là nghiệm thân sinh lý và những khác biệt chủ yếu được thể hiện rõ ràng ở cấp độ vĩ mô, giữa tiếng Việt và văn hóa Việt Nam với một số nền văn hóa khác hơn là ở cấp vi mô của nhóm văn hóa.

Tuy nhiên, nếu đối lập triệt để văn hóa chủ đạo với nhóm văn hóa, tiểu nhóm, vẫn có thể thấy ít nhiều khác biệt. Chẳng hạn, với đa số người Việt Nam thì vật chất, công cụ, phương tiện, nhà lầu, xe hơi… dù có cao cấp đến mấy, đắt giá đến mấy thì cũng chỉ là công cụ phương tiện, có điều sử dụng nhiều, gần gũi quen thuộc nên từ đó ta có ý niệm: Gần gũi vật chất là gần gũi con người; Phương tiện là người bạn đồng hành; Phương tiện (công cụ) thay cho con người. Thế nhưng, không ít người, nhóm người lại hành động, nhiều khi chỉ là vô thức theo kiểu: Giá trị vật chất của công cụ (Phương tiện) là giá trị của con người (chủ sở hữu phương tiện, công cụ). Quan sát cách ứng xử, tương tác với chính mình, với người khác, với môi trường, với xã hội, có thể cảm nhận, có lẽ phần đông người dân Đồng bằng Sông Cửu Long hình dung đơn giản hơn: xe cộ, ghe xuồng, nhà cửa… chỉ là phương tiện phục vụ cuộc sống của con người. Hiển nhiên, vật chất đầy đủ giúp cuộc sống dễ chịu hơn, tốt hơn, nhưng hệ giá trị, phẩm hạnh, đạo đức của con người được xây dựng theo một chuẩn tắc hoàn toàn khác, không thể đồng nhất với giá trị của chất liệu, của vật thể. Quả nhiên, “các nhóm văn hóa khác nhau của một nền văn hóa chủ đạo cùng chia sẻ các giá trị cơ bản nhưng lại gán cho các giá trị này những mức độ ưu tiên khác nhau” (Lakoff, G. & Johnson, M., 1980/2003, tr.24).

Vậy, chung quy, với tư cách là những tri thức tiềm năng, có thể tiếp tục khảo sát một số cách ý niệm hóa văn hóa như vai trò của trục ngang trong định vị không gian, tính chất nhất nguyên đa vị trong nghiệm thân sinh lý, tính chất nhìn nhận không gian (thoáng, rộng, mở, sáng thì hướng lên), cả tính chất tương tác trong quan niệm dùng từ ngữ đồng âm để tạo các hệ biểu trưng trong mâm ngũ quả ngày Tết, cả những kiêng kỵ như tránh dùng chuối (đồng âm) trong cúng giỗ, phản ứng tiêu cực với cách gọi tên Khờ Me, sự tác động từ hiện tượng ổng, chỉ, bả, ngoải… của tiếng Việt đến cách sử dụng hia, hía, hỉa; Khứa, khửa, khựa của tiếng Hoa (Triều Châu) và cách xưng gọi vay mượn quen thuộc như: tía, chế, hia của người Việt.

Tuy nhiên, xuất phát từ hệ giá trị của nhóm văn hóa, với ba bình diện, lược đồ văn hóa, phạm trù văn hóa và ẩn dụ văn hóa như sơ lược miêu tả và biện giải bên trên, có thể thấy, ngôn ngữ học văn hóa đã mở ra nhiều triển vọng trong nghiên cứu lý thuyết cũng như những ứng dụng cụ thể và đặc biệt vai trò của chủ thể tri nhận được đề cao, tư duy mô hình được chú ý thích đáng, tất cả rất phù hợp với xu thế nghiên cứu hoạt động trí óc của con người trong mối quan hệ khắng khít với trí tuệ nhân tạo.

(*)  Truyền thuyết về chú bé Thánh Gióng được ăn rất nhiều cơm và lớn lên như thổi…phần nào cũng cho thấy khát vọng, hơn thế nữa là ước mơ, được ĂN no đủ  của tổ tiên chúng ta. Còn truyền thuyết về chiếc khố của cha con Chử Đồng Tử, cũng cho thấy, vấn đề giải quyết CÁI MẶC của cha ông chúng ta ngày xưa, cũng không hề đơn giản.

TRỊNH SÂM