Vanvn- Mối quan hệ giữa giáo dục các giá trị văn hoá dân tộc với việc dạy học Tiếng Việt thông qua các ngữ liệu văn học dân gian Việt Nam là một vấn đề nghiên cứu đáng quan tâm. Bài viết này vận dụng các tri thức về văn hoá – folklore – văn học dân gian Việt Nam và Lý luận dạy học – Phương pháp dạy học Tiếng Việt- Ngữ văn để nghiên cứu và giải quyết vấn đề “Giáo dục các giá trị văn hoá Việt Nam trong dạy học tiếng Việt ở Tiểu học qua việc sử dụng các ngữ liệu văn học dân gian”.
I – GIỚI THIỆU
Ý nghĩa sâu xa của văn hoá chính là nhấn mạnh quá trình và vai trò của con người xã hội tác động vào thế giới tự nhiên và xã hội khiến đời sống con người trở nên tốt đẹp, văn minh hơn, có giá trị hơn. Vì thế, giá trị văn hoá có thể được hiểu trên nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tựu chung, chúng tôi cho rằng: Giá trị văn hoá là những chuẩn mực văn hoá phù hợp từng giai đoạn xã hội, cộng đồng- dân tộc có ý nghĩa nhân văn hướng thượng trên nền tảng chân- thiện- mỹ.
Quan điểm giáo dục tiên tiến hiện nay không chỉ chú trọng phát triển năng lực và phẩm chất của người học mà còn rất đề cao vai trò của việc giáo dục ý thức giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá của mỗi một quốc gia, dân tộc. Trong xu thế phát triển nhanh gấp của cuộc sống hôm nay với áp lực toàn cầu hoá diễn ra ngày càng mãnh liệt thì việc nhìn nhận, duy trì những giá trị văn hoá cốt lõi và phù hợp là yêu cầu cấp thiết đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Việc thay đổi quan điểm giáo dục từ định hướng nội dung sang định hướng phát triển năng lực và phẩm chất cho người học đã tạo ra những thay đổi về cách tiếp cận, xây dựng nội dung chương trình- sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, đánh giá…
Trên quan điểm đó, Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục: “Nội dung giáo dục phải đảm bảo tính cơ bản, toàn diện, thiết thực, hiện đại, có hệ thống và được cập nhật thường xuyên; coi trọng giáo dục tư tưởng, phẩm chất đạo đức và ý thức công dân; kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; phù hợp với sự phát triển về thể chất, trí tuệ, tâm sinh lí lứa tuổi và khả năng của người học” (Luật Giáo dục, 2019).
Cụ thể hơn, chương trình phổ thông tổng thể chỉ ra: “Giáo dục ngôn ngữ và văn học có vai trò quan trọng trong việc bồi dưỡng tình cảm, tư tưởng và hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực cho học sinh. Thông qua ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật, nhà trường bồi dưỡng cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, đặc biệt là tinh thần yêu nước, lòng nhân ái, tính trung thực và ý thức trách nhiệm; hình thành, phát triển cho học sinh các năng lực chung và hai năng lực đặc thù là năng lực ngôn ngữ, năng lực văn học”. “Môn Ngữ văn (Tiếng Việt) giúp học sinh sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống và học tập tốt các môn học và hoạt động giáo dục khác; hình thành và phát triển năng lực văn học, một biểu hiện của năng lực thẩm mĩ; đồng thời bồi dưỡng tư tưởng, tình cảm để học sinh phát triển về tâm hồn, nhân cách. Chương trình được thiết kế theo các mạch chính tương ứng với các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe. Kiến thức tiếng Việt và Văn học được tích hợp trong quá trình dạy học đọc, viết, nói và nghe. Các ngữ liệu được lựa chọn và sắp xếp phù hợp với khả năng tiếp nhận của học sinh ở mỗi cấp học. (Chương trình tổng thể Chương trình giáo dục phổ thông).
Trên đặc thù mục tiêu – nội dung môn học, môn Tiếng Việt ở Tiểu học và Văn học ở THCS và THPT là môn học cơ sở phù hợp để lồng ghép giáo dục các giá trị văn hoá cho học sinh. Nội dung tổng thể của môn Tiếng Việt và Ngữ văn được chọn lọc biên soạn từ những ngữ liệu Văn học Việt Nam với hai bộ phận Văn học dân gian và Văn học viết đã thể hiện đầy đủ và khái quát đời sống tâm hồn- văn hoá của con người Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó, văn học dân gian Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng những nền tảng tư duy nghệ thuật và quan niệm nhân sinh truyền thống, đậm đà bản sắc.
Như vậy, từ góc độ tổng quan có thể nhận thấy có một mối quan hệ mật thiết giữa giáo dục các giá trị văn hoá với việc dạy học Tiếng Việt thông qua các ngữ liệu văn học dân gian Việt Nam. Bài viết này vận dụng các tri thức về văn hoá- folklore- văn học dân gian Việt Nam và Lý luận dạy học - Phương pháp dạy học Tiếng Việt- Ngữ văn để nghiên cứu và giải quyết vấn đề “Giáo dục các giá trị văn hoá Việt Nam trong dạy học tiếng Việt ở Tiểu học qua việc sử dụng các ngữ liệu văn học dân gian”.
II. CÁC NGỮ LIỆU VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC PHỔ THÔNG 2018 MÔN TIẾNG VIỆT CẤP TIỂU HỌC
II.1. Tổng quan
Chương trình giáo dục Tiểu học được xây dựng với mục tiêu “nhằm hình thành cơ sở ban đầu cho sự phát triển về đạo đức, trí tuệ, thẩm mĩ, năng lực của học sinh; chuẩn bị cho học sinh tiếp tục học trung học cơ sở” (Luật Giáo dục, 2019). Cụ thể hơn, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ Văn 2018, phần Nội dung giáo dục, mục Ngữ liệu và Nội dung chỉ ra cụ thể những nội dung ngữ liệu Văn học dân gian được sử dụng trong chương trình như sau: Cổ tích, truyện cổ các dân tộc thiểu số, truyện dân gian, ngụ ngôn, ca dao, đồng dao, vè, tục ngữ.
Hiện nay, lý luận về thể loại văn học chia văn bản văn học thành 3 loại hình: “Ba loại hình đó cũng thể hiện ba kiểu tư duy nghệ thuật khác nhau: tư duy bằng con đường tưởng tượng hay tư duy tự sự, tư duy bằng con đường thể nghiệm bản thân hay tư duy trữ tình và tư duy thông qua sự chứng kiến trực tiếp hay tư duy sân khấu. Có sự thâm nhập, chuyển hóa, kết hợp giữa ba loại văn bản trên là vì có sự tác động, giao thoa, ảnh hưởng qua lại giữa ba kiểu tương giao và ba kiểu tư duy vừa nói.” (Huỳnh Như Phương, Tác phẩm và Thể loại văn học, tr 59).
Theo Bạch Văn Hợp, văn học dân gian được phân loại theo hai cách sau:
– Dựa phương thức biểu diễn có: Nói, kể, hát, diễn
– Dựa vào phương thức phản ánh (hoặc phương thức sáng), có: Luận lý (nói), Tự sự ( kể), Kịch (diễn).
Kết hợp cả hai tiêu chí trên ta có bảng phân loại văn học dân gian:
Phương thức phản ánh và biểu diễn | Các thể loại văn học dân gian truyền thống tương ứng |
– Luận lý – nói | Tục ngữ, câu đố |
– Tự sự – kể | Truyện: thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyền cười, truyện ngụ ngôn, truyện thơ, vè |
– Trữ tình – hát | Ca dao, dân ca |
– Kịch – diễn | Chèo, tuồng |
(trích trang 6, Đại cương văn học VN, Bạch Văn Hợp)
Căn cứ vào các cách phân loại thể loại văn học hiện nay và bảng phân loại trên, chúng tôi nhận thấy các thể loại văn học dân gian được sử dụng trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 cung cấp ngữ liệu các thể loại văn học dân gian vừa thừa về tên gọi thể loại vừa chưa chính xác theo tiêu chí. Cụ thể: Cổ tích, truyện cổ các dân tộc thiểu số, truyện dân gian, ngụ ngôn là thuộc thể loại tự sự. Truyên cổ các dân tộc thiểu số, truyện dân gian thực chất là các tên gọi khác nhau của thể loại tự sự dân gian và không đồng nhất về nội hàm thi pháp của từng tiểu thể. Truyện cổ tích là một thể loại của truyện dân gian, và truyện cổ các dân tộc thiểu số thì không phải chỉ có thể loại cổ tích mà còn gồm nhiều thể khác như thần thoại, sử thi, truyền thuyết, ngụ ngôn, truyện cười. Và theo đó, thể đồng dao là một tiểu thể của ca dao và thuộc thể loại trữ tình dân gian. Thể vè là thể loại giao giữa tự sự và trữ tình với cách tổ chức tự sự đặc biệt theo kiểu vừa kể vừa hát ở cấp độ giản đơn. Tục ngữ là một tiểu thể thuộc thể luận lý. Đối với dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học, cách phân loại chưa rõ ràng về văn học dân gian và văn học thiếu nhi khiến nhiều giáo viên nhầm lẫn tác phẩm văn học thiếu nhi là văn học dân gian và ngược lại. (Xem thêm phần Nội dung giáo dục, mục 3.1, Chương trình Tổng thể, Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018). Vì thế, đề xuất Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phải thống nhất cách phân chia thể loại văn học dân gian để cung cấp nguồn thể loại ngữ liệu chính xác, từ đó xác định phương pháp dạy học Văn ở cấp học THCS và THPT phù hợp theo cách tiếp cận thể loại. Hơn nữa, việc cung cấp nguồn thể loại ngữ liệu văn học dân gian đồng bộ về tiêu chí, cách phân loại dẫn đến sự linh hoạt nhưng thống nhất trong mở rộng nguồn ngữ liệu văn học dân gian các dân tộc thiểu số trong giáo dục địa phương.
Cũng từ phân tích trên cho thấy, các ngữ liệu văn học dân gian trong chương trình dạy học tiểu học hiện nay là một trong những nội dung dạy học cơ bản của môn Tiếng Việt. Từ “Danh mục văn bản (ngữ liệu) gợi ý lựa chọn ở các lớp” (trang 92, chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018) chúng tôi nhận thấy có 17 văn bản (ngữ liệu Văn học dân gian Việt Nam) trên tổng số 95 văn bản (ngữ liệu) được gợi ý lựa chọn biên soạn chương trình sách giáo khoa tiểu học. Như vậy, ngữ liệu văn học dân gian Việt Nam chiếm trọng số gần 1/5 trên tổng số văn bản được gợi ý biên soạn.
Cũng từ danh mục trên chúng tôi lập bảng sau:
Bảng 2: Danh mục văn bản (ngữ liệu) văn học dân gian Việt Nam gợi ý lựa chọn ở cấp Tiểu học
Lớp | Tên văn bản | Thể loại |
Lớp 1, lớp 2, lớp 3 | Con rắn vuông | Truyện cười Việt Nam |
Con cò thông minh | Truyện cổ Khmer | |
Há miệng chờ sung | Truyện cười Việt Nam | |
Mồ côi xử kiện | Cổ tích Việt Nam | |
Sự tích dưa hấu | Cổ tích Việt Nam | |
Sự tích cây vú sữa | Cổ tích Việt Nam | |
Cái Bống | Ca dao Việt Nam | |
Ca dao về cảnh đẹp quê hương, đất nước | Ca dao Việt Nam | |
Chim chích cắn cổ diều hâu | Đồng dao | |
Nhớ ơn | Đồng dao Việt Nam | |
Vè chim | Vè | |
Lớp 4, lớp 5 | Chuyện của Thần Nông | Cổ tích Việt Nam |
Có con giun đất | Truyện cười dân gian Việt Nam | |
Mua kính | Truyện cười dân gian Việt Nam | |
Phân xử tài tình | Cổ tích Việt Nam | |
Sự tích cây nêu ngày Tết | Cổ tích Việt Nam | |
Ca dao về tình cảm gia đình | Ca dao Việt Nam |
Bảng kê trên cho thấy, các ngữ liệu văn học dân gian Việt Nam được gợi ý biên soạn chương trình bao gồm hai thể loại chính của văn học dân gian là tự sự và trữ tình. Qua đó, người học được cung cấp khá toàn diện những kiến thức về văn hoá dân gian Việt Nam, về các giá trị văn hoá truyền thống.
Các văn bản cổ tích cung cấp các kiến thức về phong tục tập quán tốt đẹp của người Việt, về các giá trị văn hoá gia đình, tình yêu quê hương đất nước, các giá trị văn hoá giao tiếp- ứng xử thông minh, các phẩm chất trung thực, chăm chỉ, lương thiện… Bên cạnh đó, các ngữ liệu cũng chỉ ra những bài học nhân sinh về các hiện tượng xã hội phản giá trị nhằm giúp định hướng năng lực xã hội, năng lực giao tiếp và hình thành các phẩm chất nhân cách tốt đẹp. Bên cạnh đó, các ngữ liệu thuộc thể trữ tình dân gian gồm ca dao, và tiểu thể loại của nó là đồng dao là những bài ca dân gian dành cho trẻ em, có ý nghĩa giáo dưỡng đời sống tâm hồn con người Việt Nam qua những nội dung tình cảm tốt đẹp được tác giả dân gian ngợi ca và nhắn nhủ, trao truyền. Ngoài ra, với các ngữ liệu tục ngữ, học sinh được tiếp cận những tri thức dân gian cổ truyền về thế giới tự nhiên- xã hội, về những kỹ năng cơ bản hữu ích và thiết thực, qua đó học sinh được hình thành các năng lực và phẩm chất nhân cách cần có.
II.2. Khảo sát chương trình các bộ sách giáo khoa hiện nay
BỘ SÁCH | TẬP | NGỮ LIỆU LÀ TÁC PHẨM VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM | |||
LỚP 1 | LỚP 2 | LỚP 3 | |||
KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | Tập 1 | Voi, hổ và khỉ (Truyện cổ dân gian Khơ-me) | Câu chuyện bó đũa (Ngụ ngôn Việt Nam) | Sự tích nhà sàn (Truyện cổ dân tộc Mường) | |
Sự tích cây vú sữa (Truyện dân gian Việt Nam) | Những bậc đá chạm mây (Truyện cổ Việt Nam) | ||||
Tập 2 | Nhớ ơn (Đồng dao) | Vè chim (Đồng dao) | Cóc kiện Trời (Truyện cổ Việt Nam) | ||
Sự tích cây thì là (Truyện dân gian Việt Nam) | Sự tích hoa mào gà (Truyện cổ tích Việt Nam) | ||||
Mai An Tiêm (Truyện dân gian Việt Nam) | Sơn Tinh, Thủy Tinh (Truyện cổ Việt Nam) | ||||
Ăn quả nhớ kẻ trồng cây (Tục ngữ) | Thánh Gióng (Truyền thuyết) | Sự tích ông Đùng, bà Đùng (Truyện cổ dân tộc Mường) | |||
Trên các miền đất nước (Ca dao) | Thần Sắt (Truyện cổ Việt Nam) | ||||
Chuyện quả bầu (Truyện dân gian Khơ–mú) | Đi chợ (Truyện cười dân gian Việt Nam) | ||||
CÁNH DIỀU | Tập 1 | Chậm… như thỏ (Vè) | Ca dao về cha mẹ (Ca dao) | ||
Sự tích cây vú sữa (Truyện dân gian Việt Nam) | |||||
Quạ và công (Truyện dân gian Việt Nam) | Tình anh em, chị em (Tục ngữ, ca dao) | ||||
Câu chuyện bó đũa (Ngụ ngôn Việt Nam) | |||||
Người trồng na (Truyện dân gian Việt Nam) | |||||
Tập 2 | Mèo dạy hổ (Truyện dân gian Việt Nam) | Con Rồng cháu Tiên (Truyện dân gian Việt Nam) | Sự tích thành Cổ Loa (Truyện cổ Việt Nam) | ||
Ba lưỡi rìu (Truyện dân gian Việt Nam) | Phố phường Hà Nội (Ca dao) | ||||
Cây khế (Truyện dân gian Việt Nam) | Chuyện quả bầu (Truyện dân gian Khơ–mú) | Rừng gỗ quý (Truyện dân gian Tày – Nùng) | |||
Mưu chú thỏ (Truyện dân gian Việt Nam) | Gươm thần (Truyện dân gian Ba-na) | ||||
Ông giẳng ông giăng (Đồng dao) | Những bậc đá chạm mây (Truyện cổ Việt Nam) | ||||
CHÂN TRỜI SÁNG TẠO | Tập 1 | Sự tích đèn Trung thu (Cổ tích) | Thử tài (Truyện cổ dân tộc Dao) | Mèo đuổi chuột (Đồng dao) | |
Ca dao về cha mẹ (Ca dao) | Tập tầm vông (Đồng dao) | ||||
Gánh gánh gồng gồng (Đồng dao) | |||||
Tập 2 | Sự tích mùa xuân và bộ lông trắng của thỏ (Truyện cổ tích Việt Nam) | Hạt mưa hạt móc (Vè) | |||
Trăng mọc (Đồng dao) | |||||
Vè loài vật (Vè) | Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ (Ca dao) | ||||
Sự tích Hồ Gươm (Truyện cổ tích Việt Nam) | Non xanh nước biếc (Ca dao) | ||||
Sự tích hoa mào gà (Truyện cổ tích Việt Nam) | |||||
Chuyện quả bầu (Truyện dân gian Khơ–mú) | Cóc kiện Trời (Truyện cổ Việt Nam) | ||||
Kiến đền ơn (Truyện cổ Việt Nam) |
Bảng liệt kê trên chỉ ra, các bộ sách giáo khoa tiểu học hiện nay đều nhất quán quan điểm vận dụng khá đủ các tiểu thể loại văn học dân gian, như: các thể loại truyện cổ của dân tộc Kinh và các dân tộc ít người (thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn); ca dao (gồm cả đồng dao); vè, tục ngữ. Và hẳn nhiên, theo quan điểm của khoa học giáo dục kinh điển, tác phẩm được chọn biên soạn sách giáo khoa là những tác phẩm chuẩn về giá trị nghệ thuật và nội dung theo quan điểm giáo dục đương thời. Trên nền tảng quan điểm đó, các ngữ liệu văn học dân gian Việt Nam được chọn lọc biên soạn tiêu biểu đó đã thể hiện các giá trị nội dung và thẩm mỹ dân gian từ trong quá trình vận động của văn hoá và văn học Việt Nam thông qua nghệ thuật ngôn từ được đúc kết.
Từ các phân tích- khảo sát khái quát trên, chúng tôi cho rằng việc giáo dục các giá trị văn hoá Việt Nam trong dạy học Tiếng Việt ở tiểu học nói chung, trong dạy học các văn bản văn học dân gian Việt Nam là vấn đề đáng quan tâm nghiên cứu và các kết quả nghiên cứu này có cơ sở và giá trị ứng dụng thực tiễn.
III. ĐỊNH HƯỚNG HỆ GIÁ TRỊ VĂN HOÁ VIỆT NAM HIỆN NAY VÀ MỐI QUAN HỆ GIỮA DẠY HỌC TIẾNG VIỆT VÀ VIỆC GIÁO DỤC CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ VIỆT NAM
III.1. Khái luận về định hướng các giá trị văn hoá Việt Nam hiện nay
Trong chuyên luận “Hệ giá trị Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm đã khẳng định: “Để hình thành hệ giá trị Việt Nam mới, dân chủ và pháp quyền là hai giá trị phải đi liền với nhau”.
Theo ông, ngoài hai giá trị dân chủ và pháp quyền, 8 giá trị còn lại đều là những giá trị trước hết thuộc về con người cá nhân: yêu nước và nhân ái, trung thực và bản lĩnh, trách nhiệm và hợp tác, tính khoa học và sáng tạo. Song song đó, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm phác thảo các nhóm giải pháp hiện thực hóa hệ giá trị định hướng cốt lõi trọng điểm, gồm: nhóm giải pháp về thể chế, nhóm giải pháp tổ chức, nhóm giải pháp giáo dục – tuyên truyền, nhóm giải pháp hành động và nhóm giải pháp phát triển.” Như vậy, GS. Trần Ngọc Thêm đã chỉ ra: định hướng xác lập hệ giá trị Việt hiện nay rất cần đến vai trò của hệ thống giáo dục.
Theo Đỗ Huy và Nguyễn Thu Nghĩa trong “Bảng giá trị của văn hóa Việt Nam trong hành trình chuyển từ truyền thống sang hiện đại”: “Chân – thiện – mỹ; dân tộc – hiện đại – nhân văn; dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh là nhân cách văn hóa Việt Nam, là bảng giá trị văn hóa Việt Nam của thời đại Hồ Chí Minh.”
Theo Hoàng Chí Bảo trong “Hệ giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong đổi mới và hội nhập”: “Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong điều kiện hiện đại hóa xã hội đòi hỏi phải thấm nhuần quan điểm và phương pháp biện chứng về phát triển. Đây chính là xử lý mối quan hệ giữa cái cũ và cái mới, giữa kế thừa và phát triển các di sản, các giá trị truyền thống.”
Các nghiên cứu trên cùng quan điểm về hệ giá trị văn hoá Việt Nam hiện nay là chọn lọc tinh hoa văn hoá truyền thống tích hợp với các giá trị nhân văn hiện đại trên định hướng Chân- Thiện- Mỹ.
II.2. Mối quan hệ giữa dạy học Tiếng Việt và việc giáo dục các giá trị văn hoá Việt Nam
Mục tiêu của dạy học Tiếng Việt là “giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất chủ yếu với các biểu hiện cụ thể: yêu thiên nhiên, gia đình, quê hương, có ý thức đối với cội nguồn; yêu thích cái đẹp, cải thiện và có cảm xúc lành mạnh; có hứng thú học tập, ham thích lao động; thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống; có ý thức thực hiện trách nhiệm đối với bản thân, gia đình, xã hội và môi trường xung quanh; giúp học sinh bước đầu hình thành các năng lực chung, phát triển năng lực ngôn ngữ ở tất cả các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe với mức độ căn bản đọc đúng, trôi chảy văn bản, hiểu được nội dung, thông tin chính của văn bản; liên hệ, so sánh ngoài văn bản; viết dùng chính tả, ngữ pháp; viết được một số câu, đoạn, bài văn ngắn (chủ yếu là bài văn kể và tả); phát biểu rõ ràng, nghe hiểu ý kiến người nói; phát triển năng lực văn học với yêu cầu phân biệt được thơ và truyện, biết cách đọc thơ và truyện; nhận biết được vẻ đẹp của ngôn từ nghệ thuật; có trí tưởng tượng, hiểu và biết xúc động trước cái đẹp, cái thiện của con người và thế giới xung quanh được thể hiện trong các văn bản văn học.
Theo nhóm nghiên cứu Đoàn Thị Thúy Hạnh và Võ Thanh Hà trong “Giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học trong giai đoạn mới”:
“Mục tiêu giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học:
– Mục tiêu chung: Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học nhằm góp phần hình thành và phát triển những phẩm chất năng lực cần thiết để trở thành người công dân tốt, đáp ứng được yêu cầu phát triển của cá nhân và xã hội trong bối cảnh hội nhập hiện nay. Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học được coi là cái căn bản, cái gốc cho sự hình thành và phát triển nhân cách.
– Mục tiêu cụ thể: Giáo dục giá trị văn hóa nhằm xây dựng và bồi dưỡng cho các em những quy tắc ứng xử, những hành vi đạo đức được thể hiện trong giao tiếp, ứng xử với bạn bè, với mọi người xung quanh; giúp các em biết suy nghĩ tích cực, biết lắng nghe, học hỏi, tự xây dựng cho mình một nền tảng vững chắc về nhân cách để các em có thể vươn lên trong cuộc sống; giúp các em biết tôn trọng bản thân và người khác, biết cách hợp tác, xây dựng và duy trì tình đoàn kết, thích ứng trước những đổi thay của cuộc sống; giúp các em biết chia sẻ, chịu trách nhiệm…; góp phần làm thay đổi nhận thức, hành vi của học sinh, qua đó giúp các em có ý thức trong từng việc làm, từng hành động, giúp các em sống có lí tưởng, có ước mơ và hoài bão, nhận thức được cái hay, cái đẹp, cái tốt trong cuộc sống.”
Chương trình tổng thể 2018 chỉ ra yêu cầu cần đạt về các năng lực chung: năng lực tự chủ và tự học; năng lực giao tiếp và hợp tác; năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo. Về các năng lực đặc thù thông qua môn học, thì môn Ngữ Văn hướng đến hình thành các năng lực ngôn ngữ và năng lực thẩm mĩ. Học sinh từ cấp tiểu học được trang bị các kỹ năng để hình thành năng lực ngôn ngữ nhằm phát triển tư duy và trí tuệ trên các ngữ liệu tiếng Việt ở các môn học mà đặc biệt là môn Tiếng Việt. Qua các văn bản văn học nói chung, ngữ liệu văn học dân gian nói riêng, học sinh được học những giá trị văn hoá tốt đẹp từ điều hay lẽ phải cụ thể mà bài học cung cấp. Ví dụ qua các ngữ liệu truyện cổ dân gian Việt Nam về sự tích con Rồng cháu Tiên (bài giáo dục định hướng những giá trị văn hoá tốt đẹp
Từ các phân tích và dựa vào các kết quả nghiên cứu trên, chúng tôi cho rằng việc sử dụng các ngữ liệu văn học dân gian Việt Nam là một cách tiếp cận hiệu quả để giáo dục các giá trị văn hoá nhằm hình thành thế hệ người Việt Nam hiện đại- dân tộc và văn minh cho tương lai.
Trong “Giải pháp giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh tiểu học trong giai đoạn mới”, nhóm nghiên cứu Đoàn Thị Thúy Hạnh và Võ Thanh Hà đã chỉ ra các giá trị văn hoá cần được giáo dục cho học sinh tiểu học gồm:
– Giá trị yêu nước
– Giá trị khoan dung
– Giá trị hoà bình
– Giá trị hợp tác
– Gía trị tự trọng
– Giá trị trách nhiệm
– Giá trị kỷ luật
– Giá trị trung thực
– Giá trị tự tin
– Giá trị sáng tạo
Từ những nghiên cứu tiền đề về hệ giá trị Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi cho rằng 10 giá trị văn hoá cho học sinh tiểu học hiện nay của nhóm nghiên cứu trên là một kênh tham khảo có giá trị vận dụng. Tuy nhiên, theo quan điểm của chúng tôi về vấn đề nội hàm nghĩa của các nội dung giá trị trên, chúng tôi đề xuất tích hợp các nội dung hàm nghĩa gần nhau lại thành những tên gọi tinh gọn thành 04 giá trị sau:
– Giá trị Nhân ái – Yêu nước (đề xuất thêm giá trị Nhân ái bên cạnh Hoà bình, Khoan dung)
– Giá trị Hợp tác – Tự tin
– Giá trị Tự trọng – Kỷ luật (bao gồm: tự trọng- trách nhiệm- kỷ luật- trung thực)
– Giá trị Sáng tạo
IV. CÁC ĐỀ XUẤT VỀ VIỆC LỒNG GHÉP GIÁO DỤC CÁC GIÁ TRỊ VĂN HOÁ QUA DẠY HỌC CÁC VĂN BẢN VĂN HỌC DÂN GIAN VIỆT NAM Ở CẤP TIỂU HỌC
IV.1 Giáo dục các giá trị văn hoá qua việc bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học trong dạy học môn Tiếng Việt
Đây là một việc làm quan trọng trong giáo dục phát triển tư duy và trí tuệ cảm xúc cho người học. Tiếp cận các văn bản văn học là những tác phẩm văn học dân gian là cách tiếp xúc trực tiếp với ngôn ngữ nghệ thuật dân gian đã được chọn lọc một cách tinh tuý. Thông qua ngôn từ văn học, người học vừa được cung cấp nguồn dữ liệu ngôn ngữ tiếng Việt nghệ thuật, vừa được bồi đăp thêm về trí tuệ cảm xúc qua các tầng ngữ nghĩa giàu có, từ đó, học sinh Tiểu học được bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học từ những bước phát triển nền tảng đầu đời. Giáo viên qua việc dạy học Tiếng Việt từ những văn bản văn học dân gian Việt Nam, định hướng giáo dục cảm xúc thẩm mỹ qua những ngữ nghĩa gợi mỹ cảm, giàu nội dung văn hoá dân tộc, từ đó, trực tiếp tác động đến tư duy tri nhận của các em về những giá trị văn hoá định hướng. Ví dụ qua các ngữ liệu sau:
Từ phân tích nội dung ngữ liệu trên, học sinh tiểu học sẽ được giác ngộ bài học đền ơn trong cuộc sống như một đạo lý mà cha ông ta đã dạy từ xa xưa. Qua đó, các em được hiểu thế nào là giá trị Nhân ái và hướng vận dụng nó trong nhiều hoàn cảnh sống cụ thể để hiểu thêm về giá trị Hoà bình trong cuộc sống.
Các ngữ liệu này là minh chứng cụ thể về việc giáo dục giá trị Yêu nước, tôn kính và tự hào về nguồn gốc dân tộc. Tình yêu đất nước qua những địa danh được ngợi ca trong ca dao là một cách trực tiếp gợi lên trong tâm cảm các em một sự rung động thẩm mỹ về tình yêu những giá trị dân tộc. Qua ca dao, những hạt mầm cảm xúc cao đẹp về quê hương đất nước, giống nòi và tình nhân ái, lòng biết ơn, sự yêu chuộng hoà bình và lòng khoan dung được ươm trồng trong tiếp nhận văn học từ cấp độ sơ đẳng nhất.
Ngoài ra, qua những bài học căn bản này, giáo viên có thể mở rộng ra thêm về nguồn dữ liệu văn học dân gian địa phương để các em biết thêm và tự hào thêm về nguồn gốc dân tộc vùng miền mà mình đang sống.
Hình 4.4. Truyện “Những bậc đá chạm mây” – sách Tiếng Việt 3 tập một (Kết nối tri thức với cuộc sống)
Ngữ liệu trên được sử dụng trong cả hai bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống và Bộ sách Cánh diều- Tiếng Việt lớp 3. Nội dung ngữ liệu này giáo dục bài học về giá trị của lòng kiên trì như một giá trị sống tốt đẹp về sự sáng tạo và lòng tự tin. Học sinh khi tiếp cận nội dung ngữ liệu sẽ được giáo viên liên hệ vào những ngữ cảnh khác để định hướng các em ý chí tự lực, sự sáng tạo chủ động trong cuộc sống để vượt qua những trở ngại mà cuộc đời ai cũng gặp phải. Nhờ có lòng kiên trì, con người vùng đất gian khó Nghệ An- Hà Tĩnh đã được luyện rèn và tạo nên phẩm tính tốt đẹp của những danh nhân văn hoá và lịch sử như đại thi hào Nguyễn Du, như chủ tịch Hồ Chí Minh…
Bồi dưỡng năng lực cảm thụ văn học từ cấp độ nền tảng ngoài việc hình thành năng lực ngôn ngữ còn có thêm ý nghĩa kép là việc giáo dục các giá trị văn hoá dân tộc cần thiết cho học sinh tiểu học.
IV.2. Giáo dục các giá trị văn hoá dân tộc qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục Tiểu học
Từ thực tiễn việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo lâu nay vẫn đang thực hiện, chúng tôi đề xuất nhà trường chú trọng hơn trong định hướng giáo dục các giá trị văn hoá dân tộc bằng cách sử dụng chọn lọc và linh hoạt hơn các ngữ liệu văn học dân gian Việt Nam một cách sáng tạo và thêm nhiều chủ điểm văn hoá dân gian địa phương phù hợp. Việc mở rộng nguồn tư liệu văn hoá dân gian và khai thác các điểm mạnh văn hoá vùng miền qua việc tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm tại các di tích văn hoá, Viện bảo tàng, làng nghề truyền thống, kết hợp trải nghiệm du lịch homestay an toàn (dành cho lứa tuổi phù hợp) là việc làm có thể mang lại nhiều lợi ích trải nghiệm và kỹ năng mềm cần thiết. Thông qua các hoạt động trải nghiệm này, việc lồng ghép giáo dục các giá trị Nhân ái- Hoà bình, Hợp tác- Tự tin cho học sinh tiểu học là khả thi và mang lại ấn tượng tốt đẹp- sâu đậm trong hành trang học tập của các em. Các em sẽ được học cách chơi những trò chơi dân gian, học thêm những bài đồng dao mới vận dụng trong khi thực hiện trò chơi, trong những cuộc thi thố kỹ năng phù hợp lứa tuổi trong môi trường tự nhiên. Các em sẽ có thêm những cơ hội để biết đến các giá trị khác cần được tôn vinh trong cuộc sống đó là giá trị Sáng tạo. Các em được trải nghiệm phát hiện những kỹ năng của cá nhân, được đánh thức những tiềm năng khi được sống trong môi trường mở ngoài lớp học. Từ đó, các em được bồi đắp dày thêm ý thức về các giá trị Nhân ái- Hoà bình từ những bài học lịch sử của dân tộc.
Đối với học sinh Tiểu học học tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai thì việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo về cội nguồn dân tộc là việc làm hết sức cần thiết. Qua đó, các em được có cơ hội tự mình giới thiệu và tôn vinh văn hoá dân tộc mình với các bạn cùng trang lứa, các em được bồi dưỡng giàu thêm các giá trị về tình yêu Hoà bình, lòng Tự hào dân tộc và giá trị Tự tin. Các em được trao các cơ hội để giới thiệu những nét đẹp bản sắc của dân tộc mình qua việc hướng dẫn các trò chơi dân gian của dân tộc, qua việc tự mình kể lại những câu chuyện cổ mà các em được ông bà cha mẹ kể cho bằng tiếng dân tộc mình. Các em sẽ tự phiên dịch, chuyển ngữ các truyện cổ dân gian dân tộc mình, các bài đồng dao, các bài ca dao… sang tiếng Việt, qua đó, các em sẽ rèn luyện thêm các kỹ năng giao tiếp, hợp tác, đóng vai sân khấu hoá, cũng như sẽ điêu luyện hơn trong năng lực sử dụng tiếng Việt …
Để thực hiện hiệu quả các ý tưởng này, cơ quan quản lý giáo dục địa phương phải có những hoạch định mang tính nền tảng lâu dài và cập nhật thường xuyên về giáo dục văn hoá địa phương, phải có những “chuyên gia” đảm trách chọn lọc- giới thiệu các nội dung văn hoá dân tộc ở địa phương nhằm chủ động về nguồn tư liệu dân gian được giới thiệu qua các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong giáo dục địa phương. Hoạt động này có thể là những đề tài nghiên cứu khoa học vừa phát triển năng lực nghiên cứu khoa học của những người làm công tác văn hoá- giáo dục địa phương vừa có giá trị vận dụng thực tiễn trước mắt và lâu dài.
Về ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chúng tôi thử đề xuất ý tưởng cho các nhóm nghiên cứu như sau:
– Tạo các app dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, chú trọng sử dụng các hình ảnh, tư liệu văn hoá dân tộc nhằm đề cao các giá trị- bản sắc văn hoá dân tộc một cách sống động và trực quan.
– Hoặc nhân bản các hướng nghiên cứu cho đối tượng Giáo dục tiểu học từ đề tài nghiên cứu khoa học đang thực hiện ở Trường Đại học Đà Lạt “Ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả dạy học nội dung giáo dục địa phương tại các trường THPT trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng”, qua Nghiên cứu công nghệ 360 VR và các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ trong môi trường giáo dục để mô hình hóa 3D các địa danh, hiện vật.
KẾT LUẬN
Giá trị văn hoá dân tộc là những cốt lõi bản sắc để định danh một nền văn hoá một dân tộc có những phẩm tính tốt đẹp đáng trân trọng trong xu hướng toàn cầu hoá ngày nay. Việc nhìn nhận vai trò của di sản văn hoá tinh thần có chọn lọc để đưa vào giáo dục là việc làm cần thiết vừa căn bản lâu dài vừa cấp thiết trước mắt. Việc sử dụng những văn bản văn học dân gian trong dạy học Tiếng Việt lồng ghép giáo dục các giá trị văn hoá cho học sinh tiểu học là một đề xuất có ý nghĩa giáo dục và giá trị văn hoá cần được quan tâm nghiên cứu sâu hơn. Hy vọng, bài viết này góp thêm một kiến giải có ý nghĩa thực tiễn từ điểm nhìn của những người làm công tác nghiên cứu khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên từ Trường Đại học Đà Lạt, một đơn vị đào tạo góp phần cung cấp nguồn nhân lực đáng kể cho giáo dục Lâm Đồng nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên, Trung bộ và các nơi khác trong cả nước.
ĐỖ THỊ PHƯƠNG LAN – TRẦN THỊ TÚ QUYÊN
(Khoa Sư phạm Trường Đại học Đà Lạt)
_________________________
https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/2279/he-gia-tri-van-hoa-truyen-thong-viet-nam-trong-doi-moi-va-hoi-nhap.aspx
https://vjol.info.vn/index.php/khxhvn/article/download/23597/20176/
http://vjes.vnies.edu.vn/sites/default/files/khgdvn_-_vol18_-_is04_-_no09-55-61.pdf
file:///Users/landothiphuong/Downloads/30truong-thi-thuy-anh-ngo-manh-dung%20(1).pdf