Trong kỷ yếu Nhà văn Việt Nam hiện đại (NXB Hội Nhà văn, 2020) nhà thơ Anh Ngọc tự bạch: "Yêu thật- đau thật -viết thật. Còn lại là một ít tài năng cộng với rất nhiều tâm huyết và lao động".
Ông viết thật về sự "bối rối" của cây xấu hổ, của thiên nhiên khi nó cứ xanh như "một niềm ấp ủ" giữa "lửa cháy bom rơi" thời chiến. Cách xanh như thách thức, như ước vọng kín đáo ấy có vẻ đẹp của nó. Bài thơ Cây xấu hổ của Anh Ngọc được giải Nhì cuộc thi thơ 1972-1973 của tuần báo Văn nghệ. Vẫn yêu thật viết thật, vẫn tìm đề tài ở những góc riêng tư ẩn giữa đời chung, năm 1992, Anh Ngọc viết bài Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi, in trong tập thơ cùng tên (NXB Văn học, 1997). Tới năm học mới 2022-2023, bài thơ này được chọn vào sách Ngữ văn 7, tập 2, bộ Chân trời sáng tạo.
Từ cây tới con
Bài thơ được dạy để học sinh hiểu về thơ và từ đó biết "Lắng nghe trái tim mình" (bài số 10, trang 96). Ngay trong khổ thơ đầu, thái độ sống ấy đã hiển hiện từ hình tượng thị giác tới hình tượng thính giác:
Một con mèo nằm ngủ trên ngực tôi
Dưới con mèo trái tim tôi đang đập
Tôi nằm nghe nhịp nhàng thánh thót
Trái tim tôi hòa nhịp trái tim mèo.
Sự "hòa nhịp" giữa thiên nhiên và con người được bảo đảm bằng một khế ước ngầm đầy lãng mạn khi bên này biết "khép lại", "răng dài nhọn hoắt" và "móng vuốt" vẫn mang tới những "kinh hoàng" cho bên kia. Và phía con người nhỏ nhoi thì hào phóng, nhún nhường:
Được âu yếm, được vuốt ve, đùm bọc
Được âm thầm cất tiếng ca ru.
Bài thơ có cấu tứ như một truyện kể, dài 28 dòng, cao trào trong khổ thơ dùng điệp khúc "ngủ đi, ngủ đi" kiểu hát ru, kết nối những dáng nét ngoại hình dễ thấy, nhằm đặc tả những phẩm cách đẹp bên trong:
Ngủ đi, ngủ đi đôi tai vểnh ngây thơ
Ngủ đi, ngủ đi cái đuôi dài bướng bỉnh
Ngủ đi, ngủ đi con hổ con kiêu hãnh
Hàng ria mép ngang tàng đôi mắt biếc trong veo...
Nhóm từ "trên ngực tôi", xuất hiện tới ba lần trong bài, cũng là một xử lý nghệ thuật hay. Đó là ba lần xác định trách nhiệm của cá nhân mình. Những chữ trách nhiệm kiên quyết, mà dịu dàng ấy, có ở cả dòng đầu và dòng cuối bài, khiến kết cấu đầu cuối tương ứng, kết mà như mở.
Vậy là từ "nghìn con mắt lá" xấu hổ, tới "con hổ con kiêu hãnh", từ cây đến con, dù khẽ khàng thôi, nhịp đập của văn học sinh thái đã sớm hình thành trong thơ Anh Ngọc.
Nếp nhà trọng chữ nghĩa
Anh Ngọc được sinh ra trong dòng họ Nguyễn Đức ở Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, một nếp nhà trọng chữ nghĩa. Dòng Nguyễn Đức tính đến nay có 7 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Đó là nhà phê bình Hoài Thanh (Nguyễn Đức Nguyên), cùng người em Hoài Chân (Nguyễn Đức Phiên), tác giả Thi nhân Việt Nam. Đó là nhà văn Từ Sơn (Nguyễn Đức Dũng), nhà văn Phan Hồng Giang (Nguyễn Đức Hân), nhà thơ Thúy Bắc (Nguyễn Thị Thúy Bắc), nhà văn - nhà giáo Nguyễn Đức Nam, nhà nghiên cứu - lý luận Nguyễn Đức Đàn. Anh Ngọc là Nguyễn Đức Ngọc.
Chưa tính đến những tác giả ngoài Hội Nhà văn Việt Nam như Nguyễn Đức Bính, nhà văn - nhà báo viết tiếng Pháp nổi tiếng thời Đông Dương. Chưa tính các nhà báo - nhà văn Nguyễn Đức Giáp (nguyên Phó TGĐ Thông tấn xã Việt Nam), nhà văn - nhà văn hóa Nguyễn Chí Tình (Nguyễn Đức Nhật). Đấy là còn chưa kể, nếu tính cả dòng họ, thì dâu rể còn có nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát, giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Đình Chú…
Nhà thơ Anh Ngọc cho biết cha mình là ông đồ Nguyễn Đức Vân, người tự học mà tinh thông chữ Nho và chữ Pháp, từng công tác ở bộ phận Hán-Nôm của Viện Văn học Việt Nam. Anh kể: "Còn nhớ, dạo ấy dịch Tùy viên thi thoại của Viên Mai (1716-1797), dịch đến đâu thì cha lại giao bản thảo cho tôi, vừa để đọc, vừa để rà lại, giúp sửa những lỗi đánh máy. Với một người yêu thơ, hơn thế, một người đã bắt đầu làm thơ và tập sự viết phê bình thơ, bản dịch Tùy viên thi thoại với tôi là một kho báu thực sự. Tôi biết ơn cha mình! Những bản dịch xuất sắc khác như Hồng lâu mộng, Hoàng Lê nhất thống chí, Kim Vân Kiều truyện, Thơ văn Lý Trần… đã giúp tôi rất nhiều về quá trình nhận thức, thẩm mỹ văn chương và hoàn thiện cuộc sống".
Ông nội của Anh Ngọc là chí sĩ Nguyễn Ðức Công (tức Hoàng Trọng Mậu), được danh nhân Phan Bội Châu khen có tài "văn chương trác lạc", đỗ đầu xứ (nên được gọi là Ðầu xứ công). Nước mất, ông bỏ chốn khoa trường, gác bút nghiên, trở thành nhà cách mạng trong phong trào Ðông Du. Năm 1916, trong cuộc khởi nghĩa nhằm lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp, vua Duy Tân đã mật phong Hoàng Trọng Mậu làm Tổng tư lệnh. Khởi nghĩa thất bại, ông bị thực dân Anh bắt giao cho thực dân Pháp đem về nước xử bắn, để lại vợ trẻ cùng 5 con trai, con gái thơ dại. Tên ông - Hoàng Trọng Mậu - được đặt cho một số con đường tại Việt Nam.
Ngày 1/9/2022, dòng họ Nguyễn Đức đã làm lễ khánh thành đài tưởng niệm ông và bạn chiến đấu nằm cùng một mộ -chí sĩ Trần Hữu Lực (Nguyễn Thức Đường) - tại mộ phần gia tộc.
"Từ thơ tới thơ"
"Yêu thật - đau thật - viết thật", nên Anh Ngọc từng viết thật về Trịnh Công Sơn:
Trong những ngày tuyệt vọng nhất đời tôi
Tôi sống được nhờ thơ và nhạc Trịnh
Anh hát giùm tôi
Anh khóc giùm tôi
Hát hay khóc với anh thì cũng thế
Khóc rưng rưng
Và hát thì rơi lệ
Và lệ rơi thì như thể máu đang rơi.
Bằng văn xuôi, trong tác phẩm Từ thơ tới thơ (NXB Thanh niên, 2000), Anh Ngọc kể chuyện "máu đang rơi" nhân nói tới một bạn thơ của mình phía bên kia chiến tuyến: "Tôi và Nguyễn Bắc Sơn cùng đứng trong quân ngũ, nhưng mặc hai thứ sắc phục khác nhau, cầm hai thứ vũ khí khác nhau, kẻ ở bìa rừng, người bên lưng núi, nếu mà gặp nhau lúc ấy đương nhiên phải cho nhau ăn đạn". Nhưng nhờ trời, họ không gặp nhau "lúc ấy", thời đất nước chia cắt, mà được gặp nhau trên đường đi tới thống nhất non sông.
Người lính thi sĩ Anh Ngọc kể: "18/4/1975 vừa ăn cơm tối xong, chúng tôi đang quây quần bên nắp hầm uống trà Blao, thì nghe tiếng súng, tiếng xe tăng của ta nổ như gõ trống. Cả một vòm trời rực sáng. Chúng tôi vội vàng cuốn võng hành quân ngay trong đêm để kịp vào thị xã Phan Thiết. Ở đấy, trong cuộc mít-tinh của giáo chức thị xã chào mừng ủy ban quân quản tổ chức trong trường Phan Bội Châu, tôi giật mình nghe giới thiệu thi sĩ Nguyễn Bắc Sơn, người tôi đã đọc, đã thuộc thơ từ lúc ở ngoài Bắc, lên phát biểu. Nếu tôi nhớ không nhầm, anh Sơn chỉ nói đúng ba câu: "Từ nay tôi sẽ được cởi bỏ bộ quân phục mà không phải mất một cắc hối lộ. Từ nay tôi sẽ được nói những điều tôi nghĩ. Từ nay tôi sẽ được làm những điều tôi nói".
Tôi vội vã đón đầu và chỉ sau năm phút hàn huyên, tôi đã biến Nguyễn Bắc Sơn thành bạn tri kỷ. Anh chở tôi về căn nhà yên tĩnh, ở góc phố yên tĩnh, bằng chiếc xe đạp mini. Ngay trong buổi đầu gặp gỡ ấy, anh Sơn và chị Hồng vợ anh, gần gũi như người tôi đã thân quen từ bao giờ. Tôi ngồi bên anh chị như ngồi giữa nhà mình".
Sau ngày ấy, Anh Ngọc - Bắc Sơn còn thù tạc thơ phú. Thơ Nguyễn Bắc Sơn gửi ra:
Một sớm phiêu bồng qua bên sông
Bỗng nhiên hiểu Phật cũng đau lòng
Phật cũng khổ như người khốn khổ
Cúi đầu quay lại bên này sông.
Thơ Anh Ngọc gửi vào:
Hai thằng trai trẻ ngày xưa
Tranh nhau ta thắng địch thua một thời
Giáo gươm một trận tơi bời
Rồi ra ai biết ai người thắng thua
Bây giờ hai lão già nua
Bạc đầu ngoảnh lại trò đùa mà thôi
Ta già, địch cũng già rồi
Dắt nhau đến trước ông trời phân bua
Trời cười đã biết hay chưa
Thắng thua thì cũng đều thua ông trời
(Dẫn theo báo Công an nhân dân, số ra 30/11/2021).
Quả là còn rất nhiều chuyện thú vị để thầy cô giáo có thể kể với học sinh khi dạy về thơ của về nhà thơ Anh Ngọc.
Anh Ngọc sinh 1943 tại Nghi Trung, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Năm 1964, tốt nghiệp ngành văn tại Đại học Tổng hợp Hà Nội. Từng dạy học, nhập ngũ, làm báo và sáng tác. Là tác giả của 19 tác phẩm đã xuất bản, bao gồm thơ, ký sự, phê bình và dịch thuật. Là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ năm 1980. Hiện cư ngụ tại Hà Nội.
Trần Quốc Toàn