Tham vấn quốc tế về chiến lược phát triển BHXH Việt Nam đến năm 2030

  • www.doanhtri.net
  • 29-10-2021
  • 393 lượt xem
Ngành BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu các tham vấn quốc tế trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển ngành - Ảnh: VGP
(Chinhphu.vn) – Ngày 28/10, Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội thảo trực tuyến tham vấn quốc tế về Định hướng chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị do Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh chủ trì.
 
"Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045" đang được BHXH Việt Nam xây dựng. Chiến lược phát triển này nhằm cụ thể hoá những nội dung cần sửa đổi bổ sung về chính sách pháp luật và việc tổ chức thực hiện tốt chính sách pháp luật BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) với một lộ trình phù hợp với giai đoạn phát triển mới của kinh tế - xã hội.
 
Theo dự thảo Chiến lược, việc phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu chung thực hiện tốt các chính sách, chế độ BHXH, BHYT linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế hướng tới bao phủ toàn dân.
 
Cùng với đó, phát triển ngành BHXH Việt Nam tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả dựa trên quyền được bảo đảm an sinh xã hội của người dân.
 
Ngoài ra, BHXH Việt Nam còn hướng đến 12 mục tiêu cụ thể khác, gồm: Chủ động, tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; hoàn thành các chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHTN, BHYT; kiểm soát chặt chẽ, minh bạch tài chính quỹ BHXH, BHTN, BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư các Quỹ bảo hiểm theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; cải thiện, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp; đổi mới toàn diện nội dung hình thức, phương pháp truyền thông; đẩy mạnh cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp; mở rộng năng lực ứng dụng CNTT và chuyển đổi số theo mô hình Chính phủ điện tử theo Nghị quyết 17/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ…
 
Phát biểu tại Hội thảo, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, BHXH Việt Nam ngày càng được cộng đồng an sinh xã hội khu vực và thế giới ghi nhận và đánh giá tích cực về những thành công và phát triển so với các hệ thống an sinh xã hội tại các quốc gia có GDP và trình độ phát triển tương đồng. Hệ thống cơ sở dữ liệu về hộ gia đình và hệ thống giám định thanh toán BHYT tập trung kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh; giao dịch theo hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4; tỉ lệ người dân hài lòng với dịch vụ do BHXH Việt nam cung cấp trên các nền tảng mới và truyền thống tương đối cao. Quỹ BHXH trở thành quỹ an sinh xã hội lớn nhất, được quản lý thống nhất, an toàn và có những đóng góp nhất định vào sự phát triển của kinh tế đất nước; mô hình quản lý và thực hiện chính sách BHXH thống nhất toàn quốc đang nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của cộng đồng khu vực và thế giới.
 
“Đặc biệt, Việt Nam cũng đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch COVID-19 thông qua các giải pháp: Đơn giản hóa thủ tục hành chính, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan quản lý, tiếp tục đẩy mạnh giao dịch điện tử; chi trả kịp thời chế độ BHXH, BHTN, BHYT cho người lao động, theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho người tham gia được thụ hưởng chính sách một cách thuận tiện và đảm bảo phòng chống dịch”, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết.
 
BHXH Việt Nam đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHTN; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt mức 90%.
 
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đến từ một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB)... đã chia sẻ, thảo luận về các nội dung như: Định hướng chiến lược đầu tư quỹ của BHXH Việt Nam; chiến lược BHYT của BHXH Việt Nam; thách thức an sinh xã hội toàn cầu, chiến lược phát triển an sinh xã hội… "Những ý kiến đóng góp này “không chỉ góp phần định hướng phát triển cho ngành BHXH Việt Nam mà còn góp phần xây dựng và hoàn thiện chính sách an sinh xã hội hướng đến mọi người dân và mọi người lao động trong xã hội”, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhấn mạnh.
 
Tổng giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho biết, ngành BHXH Việt Nam sẽ nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 hiệu quả, phù hợp, thích ứng với quá trình phát triển của Việt Nam và thế giới.
 

Xem thêm Thời sự