Tú Xương với những vần thơ tự trào nổi tiếng

Nếu chỉ đọc thơ trào lộng của ông, dễ hiểu ông bất mãn thời thế, nhìn đời tiêu cực. Nhưng, lắng lòng thấu cảm sẽ nhận thấy đầy đủ tình yêu thương ông dành cho cuộc đời này; sẽ hiểu một trái tim nhân ái, một tình thương rộng mở...

Tú Xương là một tác giả có nhiều đóng góp cho sự phát triển văn học nghệ thuật và văn hóa nước nhà thế kỷ XIX. Tú Xương tên thật là Trần Tế Xương sinh ngày 5 tháng 9 năm 1870 (tức 10 tháng 8 Âm lịch) tại số nhà 247 phố Hàng Nâu thành phố Nam Định với tên húy là Trần Duy Uyên. Ông thuộc dòng dõi nho gia, ông cụ thân sinh cũng là một nhà nho, thi nhiều khoa không đậu, sau làm Tự thừa ở dinh đốc học Nam Định, sinh được 9 người con, 6 trai, 3 gái, Tú Xương là con trưởng. Trong tất cả các tài liệu nói về Tú Xương đều không thấy có ảnh, nhưng dáng hình cụ Tú được người bạn học của cụ là Hạc Phong Lương Ngọc Tùng viết trong bài thơ Nhớ rõ hình dung…”.

Nhà thơ Tú Xương

Cùng làng, cùng phố, học cùng trường

Nhớ rõ hình dung cụ Tú Xương,

Trán rộng, tai dày, da tựa tuyết,

Mồm tươi, mũi thẳng, mắt như gương.

Tiếng vàng sang sảng ngâm thơ phú,

Gót ngọc khoan khoan dạo phố phường.

Mấy chục năm trời đà vắng bóng,

Nghìn năm còn rạng dấu thư hương.

Qua bài thơ này, chúng ta đủ hình dung nhà thơ Tú Xương khá điển trai: trán rộng, miệng tươi, mũi thẳng, mắt sáng, giọng nói hay, phong thái đàng hoàng… khác xa những nét biếm họa tự trào ông viết về mình, nào là Con người phong nhã/ Ở chốn thị thành /Râu rậm như chổi/ Đầu to tầy giành” (Phú thầy đồ); nào là Ở phố Hàng Nâu có phỗng sành/ Mắt thời thao láo, mặt thời xanh” (Tự cười mình). Tú Xương đi học sớm và cũng sớm nổi tiếng thông minh. Cuộc đời ngắn ngủi có 37 năm của ông đã nằm gọn trong một giai đoạn bi thương nhất của đất nước. Trước lúc ông ra đời 3 năm thì 6 tỉnh Nam Kỳ mất trọn cho Pháp. Khi Tú Xương ba tuổi thì Bắc Kỳ trong đó có Nam Định bị tấn công lần thứ nhất. Tú Xương 12 tuổi, Bắc Kỳ, Nam Định bị tấn công lần thứ 2.  Hiệp ước Harmand 1883 rồi hiệp ước Patenôtre 1884 thừa nhận quyền thống trị của Pháp trên đất Việt Nam. Giai đoạn đó, các phong trào kháng chiến chống Pháp diễn ra sôi nổi nhưng lần lượt thất bại. Tú Xương sinh ra và lớn lên trong bối cảnh lịch sử đáng buồn như vậy. Điều đó giải thích phần nào về việc Tú Xương hay làm thơ trào lộng, châm biếm, có cái nhìn như cay nghiệt, như bất mãn với cuộc đời.

Trước hết, tôi quan tâm bài thơ Mùa nực mặc áo bông

Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông

Tưởng rằng ốm dậy hoá ra không!

Một tuồng rách rưới con như bố

Ba chữ nghêu ngao vợ chán chồng

Đất biết bao giờ sang vận đỏ?

Trời làm cho bõ lúc chơi ngông!

Gần chùa gần cảnh ta tu quách

Cửa Phật quanh năm sẵn áo sồng

Hài hước nhưng thấm đầy nước mắt bởi hai câu thơ phá đề

Bức sốt nhưng mình vẫn áo bông

Tưởng rằng ốm dậy hoá ra không!

Lời thơ giản dị, ý thơ chân thật, lộ diện trên từng câu chữ. Cái nghèo này sánh ngang Chử Đồng Tử trong truyện cổ tích: Hai cha con chung nhau cái khố. Cổ tích còn có việc hư cấu, với Tú Xương đó là hiện thực: cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. “Một tuồng rách rưới con như bố”. Hoàn cảnh ấy không thấy chua xót mới là lạ, không thấy chua xót là không thực tế. Nhất là với Tú Xương, người thông minh, có học nhưng luôn thi trượt “Thi không ăn ớt thế mà cay”, để rồi cuộc sống của cả gia đình vật vã bởi gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Từ thực tại đó, có lúc nhà thơ mơ ước về một ngày tươi sáng, nơi đó có tiếng nói tiếng cười rộn rã:

Bỗng thấy chiêm bao thấy những người

Thấy người nói nói lại cười cười

Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng

Mộng thế thì bằng tỉnh mấy mươi

(Chiêm bao)

Ở đâu có đông người? Ở đâu rộn rã tiếng nói cười? Đó chắc chắn là nơi cuộc sống đầy đủ về vật chất, hoặc ít nhất cũng là tạm ổn về vật chất. Khi thiếu gì người ta hay mơ về cái đó. Cũng vì cuộc sống khốn khó, cơ hàn về vật chất nên thiếu vắng tiếng cười, và tác giả mơ về tiếng cười và đã gặp tiếng cười trong mộng. Giấc mơ trong đêm thường ngắn ngủi, nhất là những giấc mơ về hạnh phúc, do đó, khi tỉnh dậy cái cảm giác tiếc nuối xuất hiện và

Tỉnh ra lại tiếc người trong mộng

Mộng thế thì bằng tỉnh mấy mươi

Ta nhìn ra độ chân thành tái tê trong nỗi niềm tiếc nuối của nhà thơ.

Nhà thơ còn nhiều nữa những vần thơ chua xót, những vần thơ làm trong đêm:

Có đất nào như đất ấy không?

Phố phường tiếp giáp với bờ sông

Nhà kia lỗi phép con khinh bố

Mụ nọ chanh chua vợ chửi chồng

Keo cú người đâu như cứt sắt

Tham lam chuyện thở rặt hơi đồng

Bắc Nam hỏi khắp người bao tỉnh

Có đất nào như đất ấy không?

Hoặc bài thơ

Sực tỉnh trông ra ngỡ sáng loà

Đêm sao đêm mãi thế ru mà?

Lạnh lùng bốn bể ba phần tuyết

Xao xác năm canh một tiếng gà

Chim chóc hãy còn nương cửa tổ

Bướm ong chưa thấy lượn vườn hoa

Nào ai là kẻ tìm ta đó

Đốt đuốc mà soi kẻo lẫn nhà!

(Đêm dài)

Bên cạnh những đêm dài mơ mộng còn là những đêm dài vì suy tư, trăn trở, thậm chí thức trắng đêm. Để rồi sau đó lại bàng hoàng kéo bản thân về thực tại với lời tự vấn “Việc gì phải thức một mình ta?” trong bài thơ “Chợt giấc”:

Nằm nghe tiếng trống, trống canh ba

Vừa giấc chiêm bao chợt tỉnh ra

Thiên hạ dễ thường đang ngủ cả

Việc gì mà thức một mình ta?

“Việc gì mà thức một mình ta?” vừa là chất vấn vừa là thức tỉnh. Câu hỏi tu từ day dứt tâm can cả tác giả và độc giả. Hỏi mà chính là trả lời, trả lời cho thực tại bất lực trước thời thế, có suy tư, có trăn trở, có mất ngủ thế hay nữa thì hiện thực vẫn không thay đổi được. Đứng ngoài cuộc thì nghĩ bình thường nhưng ở trong cuộc mới thấy để nhận ra thực tế đó không phải một sớm, một chiều. Điều đó cũng phản ánh thực tại Tú Xương là người có lòng yêu nước, thương dân, mong muốn thực tại thay đổi để những người lao động chân chính ở nông thôn nói chung và người vợ tảo tần lam lũ của mình nói riêng có cuộc sống khấm khá hơn.

Nếu chỉ đọc thơ trào lộng của ông, dễ hiểu ông bất mãn thời thế, nhìn đời tiêu cực. Nhưng, lắng lòng thấu cảm sẽ nhận thấy đầy đủ tình yêu thương ông dành cho cuộc đời này; sẽ hiểu một trái tim nhân ái, một tình thương rộng mở ông dành cho vợ con, cho những mảnh đời yếu thế trong xã hội: Thương vợ, Văn tế sống vợ là những tác phẩm để đời cho hậu thế về việc khắc sâu trách nhiệm của người đàn ông, người trụ cột trong ngôi nhà gia đình.

Tú Xương lấy vợ năm 16 tuổi, vợ ông là bà Phạm Thị Mẫn, đẹp người, đẹp nết, tảo tần lam lũ và giàu đức hy sinh. Trong bài thơ “Tự cười mình” số 2, Tú Xương thừa nhận công lao của vợ: “Tiền bạc phó cho con mụ kiếm”.

Toàn văn bài thơ:

Lúc túng toan lên bán cả trời

Trời cười thằng bé nó hay chơi

Cho hay công nợ âu là thế

Mà vẫn phong lưu suốt cả đời

Tiền bạc phó cho con mụ kiếm

Ngựa xe chẳng thấy lúc nào ngơi

Còn dăm ba chữ nhồi trong bụng

Khéo khéo không mà nó cũng rơi.

Và thể hiện sâu sắc nhất tình yêu thương và lòng biết ơn là bài thơ Thương vợ, thương người phụ nữ “Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ”, thương người phụ nữ hội tụ nhiều đức tính quý giá nhưng không được nhờ vả chồng mà lại thay chồng gánh trách nhiệm cơm áo gạo tiền, lo cho chồng, lo cho con.

Quanh năm buôn bán ở mom sông,

Nuôi đủ năm con với một chồng.

Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông.

Một duyên hai nợ, âu đành phận,

Năm nắng mười mưa, dám quản công.

Cha mẹ thói đời ăn ở bạc:

Có chồng hờ hững cũng như không!

Những đêm thức trắng cũng phản ánh nỗi niềm nhân thế, nhưng đồng thời cũng là phản ánh tình yêu thương của ông với dân, với nước, với những người thân yêu trong gia đình, mong muốn cho những người phụ nữ như bà Tú không phải

“Lặn lội thân cò khi quãng vắng,

Eo sèo mặt nước buổi đò đông”

và những người đàn ông có học thức như Tú Xương có “đất dụng võ”, không phải dằn vặt bởi mình như kẻ vô tích sự, đã không gánh vác được kinh tế cho gia đình, lại còn “ăn bám vợ”. Cái đôi quang thúng trên đôi vai gầy của vợ một bên là năm con, bên kia “với một chồng”, dăn vặt, hổ thẹn và không có giải pháp để thay đổi, do đó, như hòn đá tảng đè nén lên tâm can. Cả cuộc đời, Tú Xương vẫn không thôi day dứt, trong bài Văn tế sống vợ, ông viết

Con gái nhà dòng, lấy chồng kẻ chợ

Tiếng có miếng không, gặp chăng hay chớ

Mặt nhẵn nhụi, chân tay trắng trẻo, ai dám chê rằng béo rằng lùn?

Người ung dung, tính hạnh khoan hoà, chỉ một nỗi hay gàn hay dở!

Đầu sông bãi bến, đua tài buôn chín bán mười

Trong họ ngoài làng, vụng lẽ chào dơi nói thợ

Gần xa nô nức, lắm gái nhiều trai

Sớm tối khuyên răn, kẻ thầy người tớ

Ông tu tác cửa cao nhà rộng, toan để cho dâu

Anh lăm le bia đá bảng vàng, cho vang mặt vợ

Thế mà:

Mình bỏ mình đi, mình không chịu ở

Chẳng nói chẳng rằng, không than, không thở.

Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?

Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ?

Thôi thôi

Chết quách yên mồ

Sống càng nặng nợ

Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay

Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ

Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ

Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ

Đây là một trong những Văn tế để đời của Tú Xương, viết về vợ thuộc nhóm đề tài “Xưa nay hiếm”, nhất là thời phong kiến. Ấy vậy mà Tú Xương đã có nhiều bài thơ, nhiều vần thơ viết về vợ. Và cái cách thể hiện nỗi đau tiễn biệt vợ cũng độc đáo vô cùng. Thơ Tú Xương đúng là thơ của một tính cách khác biệt, có cái gì đó như “chơi ngông” nhưng lại rất trữ tình.

Lúc túng toan lên bán cả trời

Trời cười thằng bé nó hay chơi

Vẫn là kiểu “hỏi trời”, chất vấn ông trời như cái ngông của nhà thơ Tản Đà, nhưng tính hướng nội cao hơn (nói chính xác là Tản Đà hướng ngoại nhiều hơn). Trong bài Văn tế sống vợ, là cả một bầu trời day dứt, ân hận, là cái cách tự kiểm điểm, tự chất vấn, tự dằn vặt bản thân đầy tinh thần trách nhiệm. Tiếp đó là cách bày tỏ tình thương sâu sắc dành cho vợ, cái kiểu “nói hờn dỗi”, “nói bỏ đi” kia chính xác là sự gồng mình lên để kìm nén, để giấu đi nỗi niềm cảm xúc trào dâng khi người vợ qua đời

Hay mình thấy tớ: nay Hàng Thao, mai phố Giấy mà bụng mình ghen?

Hay mình thấy tớ: sáng Tràng Lạc, tối Viễn Lai, mà lòng mình sợ?

Thôi thôi

Chết quách yên mồ

Sống càng nặng nợ

Những câu văn ngắn bất ngờ đan xen các câu dài trước đó tựa như muốn diễn đạt sự dứt khoát, dứt khoát chối bỏ thực tại, dứt khoát buông bỏ để ra đi nhưng kỳ thực lại là sự day dứt, day dứt khôn nguôi. Và cuối bài là những dòng văn đầy tinh thần trách nhiệm, như muốn cố gắng bù lấp đi những khoảng trống, bù đắp những thiệt thòi cho vợ trong suốt quãng đời làm vợ Ông Tú vô tích sự

Chữ nhất phẩm ơn vua vinh tứ, ngày khác sẽ hay

Duyên trăm năm ông Nguyệt xe tơ, kiếp này đã lỡ

Mình đi tu cho thành tiên thành phật, để rong chơi Lãng Uyển, Bồng Hồ

Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ

Tác giả bài viết: Nhà phê bình Đỗ Nguyên Thương

Diễn đạt theo một cách khác là mình yên tâm thanh thản ra đi, có kiếp khác sẽ cùng mình trả nợ, và chốt câu “Tớ nuôi con cho có rể có dâu, để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ” đã lột tả chính xác tâm can nhà thơ. Lời hứa trước linh hồn người đã khuất có sức nặng ngàn cân, theo quan niệm cũ. Tất nhiên, đây là tưởng tượng, là Văn tế sống chứ không phải làm khi vợ sắp qua đời. Nhưng lời hứa ấy rất giá trị. Tú Xương đã hứa tiếp tục nuôi con, không chỉ đến khi con trưởng thành đủ 18 tuổi mà là cho con được dựng vợ gả chồng “có rể có dâu” bởi ông quan niệm có như vậy mới “để trọn vẹn đạo chồng nghĩa vợ”. Đây là câu văn đỉnh cao của tình yêu và trách nhiệm. Trong xã hội phong kiến, làm thơ bày tỏ tình yêu thương vợ đã là dũng cảm, làm văn tế sống vợ lại càng dũng cảm hơn gấp nhiều lần.

Tú Xương là người thông minh, đi thi nhiều lần không đỗ đạt cao, chỉ là một tú tài. Thơ ông có nỗi buồn hỏng thi, có nỗi đau nhân thế và đáng trân trọng hơn cả là nặng nghĩa nặng tình với nhân tình thế thái, với vợ con. Khai thác thơ Tú Xương, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng có mảng thơ trào phúng và mảng thơ trữ tình. Kỳ thực, mỗi bài thơ trào phúng đều ẩn chứa chất trữ tình và mảng thơ trữ tình cũng ẩn trong đó là ý vị trào phúng. Tựu chung, thơ ông có giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc, ông có đóng góp, có cống hiến nhiều về phương diện thi ca và văn hóa của dân tộc. Không phải ngẫu nhiên nhà thơ Xuân Diệu xếp Tú Xương đứng thứ năm, sau bốn nhà thơ lớn của dân tộc Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm.

ĐỖ NGUYÊN THƯƠNG