Thơ: Nguyễn Du Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)

THÚY KIỀU VÀ TỪ HẢI

Từ Hải là nhân vật "đàn ông" nhất của Truyện Kiều. Một là, chàng có tướng mạo oai phong: Râu hùm, hàm én, mày ngài, Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao. Đường đường một đấng anh hào, Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài. Hai là, chàng không thèm chấp nhất với kẻ tiểu nhân: Phong trần mài một lưỡi gươm, Những phường giá áo túi cơm sá gì. Mài một lưỡi gươm đâu phải để chém loại người vô tích sự (chúng chỉ như cái "giá" mang áo hay cái "túi" chứa cơm thôi mà). Ba là, chàng có sự nghiệp phi thường: Triều đình riêng một góc trời, Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà. Bốn là (điều này quan trọng nhất), chàng biết tin yêu một người phụ nữ: Từ rằng ân oán hai bên, Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh. Cho dù, vì tin yêu người phụ nữ này (Thúy Kiều) nên Từ Hải mới chết. Số là: Có quan tổng đốc trọng thần, Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài... Người này được cử đi đánh Từ Hải nhưng sợ đánh... không lại nên dùng mưu: Đóng quân làm chước chiêu an, Ngọc vàng, gấm vóc sai quan thuyết hàng. Vì ông ta biết được điểm yếu của Thúy Kiều: Nàng thì thật dạ tin người, Lễ nhiều, nói ngọt nghe lời dễ xiêu... Hơn nữa, gia đình nàng lại đang sống tại "nửa sơn hà" thuộc về Triều đình nên gã Hồ này dễ "đánh" vào nỗi nhớ nhà của nàng: "Cũng ngôi mệnh phụ đường đường, Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha. Trên vì nước, dưới vì nhà, Một là đắc hiếu hai là đắc trung. Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng, E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa... " Quả nhiên, Thúy Kiều bị "dụ": Nhân khi bàn bạc gần xa, Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào. Từ Hải lúc đầu phản bác lại bằng những câu chí lý: "Bó thân về với Triều đình, Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu? Áo xiêm ràng buộc lấy nhau, Vào luồn ra cúi công hầu mà chi? Sao bằng riêng một biên thùy, Sức này đã dễ làm gì được nhau?" Nhưng Thúy Kiều "lý sự" không kém: "Ngẫm từ đấy việc binh đao, Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu. Làm chi để tiếng về sau, Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào... " Thực ra lời nàng phân tích cũng không hợp lý lắm đâu nhưng chính "giọng nói" của nàng mới "dễ chết" đối với Từ: Nghe lời nàng nói mặn mà, Thế công Từ mới trở ra thế... hàng! Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng, Hẹn kỳ thúc giáp, quyết đàng giải binh. Và đây là kết cuộc cho người đàn ông chung tình: Từ công hờ hững biết đâu, Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên. Hồ công ám hiệu trận tiền, Ba bề phát súng bốn bên kéo cờ. Đang khi bất ý chẳng ngờ, Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn. Nhưng Từ Hải vẫn là Từ Hải: Tử sinh liều giữa trận tiền, Dạn dày cho biết gan liền tướng quân. Một cái chết đẹp, rất kiêu hùng của một chiến binh: Khí thiêng khi đã về thần, Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng. Trơ như đá, vững như đồng, Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời. Nỗi oan của chàng chỉ có nàng giải được, chứng tỏ chàng vẫn chỉ tin và chỉ yêu nàng kể cả sau khi đã "về thần" vì nàng: Trong vòng tên đá bời bời, Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ. Kiều rằng: "Trí dũng có thừa, Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này. Mặt nào trông thấy nhau đây, Thà liều sống thác một ngày với nhau... " Dòng thu như xối cơn sầu, Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên. Lạ thay oan khí tương triền, Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra... Từ Hải chết vì lòng tin yêu chung thủy đối với một hồng nhan tri kỷ âu cũng là cách chết... đẹp. Thử hỏi mấy ai dám sống như Từ Hải để rồi chết như Từ Hải?

Từ Hải là nhân vật "đàn ông" nhất của Truyện Kiều.

Một là, chàng có tướng mạo oai phong:

Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

Hai là, chàng không thèm chấp nhất với kẻ tiểu nhân:

Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì.

Mài một lưỡi gươm đâu phải để chém loại người vô tích sự (chúng chỉ như cái "giá" mang áo hay cái "túi" chứa cơm thôi mà).

Ba là, chàng có sự nghiệp phi thường:

Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.

Bốn là (điều này quan trọng nhất), chàng biết tin yêu một người phụ nữ:

Từ rằng ân oán hai bên,
Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh.

Cho dù, vì tin yêu người phụ nữ này (Thúy Kiều) nên Từ Hải mới chết.

Số là:

Có quan tổng đốc trọng thần,
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài...

Người này được cử đi đánh Từ Hải nhưng sợ đánh... không lại nên dùng mưu:

Đóng quân làm chước chiêu an,
Ngọc vàng, gấm vóc sai quan thuyết hàng.

Vì ông ta biết được điểm yếu của Thúy Kiều:

Nàng thì thật dạ tin người,
Lễ nhiều, nói ngọt nghe lời dễ xiêu...

Hơn nữa, gia đình nàng lại đang sống tại "nửa sơn hà" thuộc về Triều đình nên gã Hồ này dễ "đánh" vào nỗi nhớ nhà của nàng:

"Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Một là đắc hiếu hai là đắc trung.
Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa... "

Quả nhiên, Thúy Kiều bị "dụ":

Nhân khi bàn bạc gần xa,
Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.

Từ Hải lúc đầu phản bác lại bằng những câu chí lý:

"Bó thân về với Triều đình,
Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này đã dễ làm gì được nhau?"

Nhưng Thúy Kiều "lý sự" không kém:

"Ngẫm từ đấy việc binh đao,
Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào... "

Thực ra lời nàng phân tích cũng không hợp lý lắm đâu nhưng chính "giọng nói" của nàng mới "dễ chết" đối với Từ:

Nghe lời nàng nói mặn mà,
Thế công Từ mới trở ra thế... hàng!
Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng,
Hẹn kỳ thúc giáp, quyết đàng giải binh.

Và đây là kết cuộc cho người đàn ông chung tình:

Từ công hờ hững biết đâu,
Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên.
Hồ công ám hiệu trận tiền,
Ba bề phát súng bốn bên kéo cờ.
Đang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.

Nhưng Từ Hải vẫn là Từ Hải:

Tử sinh liều giữa trận tiền,
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân.

Một cái chết đẹp, rất kiêu hùng của một chiến binh:

Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.

Nỗi oan của chàng chỉ có nàng giải được, chứng tỏ chàng vẫn chỉ tin và chỉ yêu nàng kể cả sau khi đã "về thần" vì nàng:

Trong vòng tên đá bời bời,
Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.
Kiều rằng: "Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này.

Mặt nào trông thấy nhau đây,
Thà liều sống thác một ngày với nhau... "
Dòng thu như xối cơn sầu,
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.
Lạ thay oan khí tương triền,
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra...

Từ Hải chết vì lòng tin yêu chung thủy đối với một hồng nhan tri kỷ âu cũng là cách chết... đẹp.

Thử hỏi mấy ai dám sống như Từ Hải để rồi chết như Từ Hải?

Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)

Thơ: Nguyễn Du Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)