Bâng khuâng giao thừa

Phút giây này tôi dành trọn hướng về nguồn cội. Cầu mong cho trời đất ôn hoà, lòng người nhân ái để thái bình an lành cho vạn vật. Cầu mong cho gia đình, người thân, bạn bè tôi luôn an yên, hạnh phúc.

Vậy là thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới sắp tới. Đã bao lần trải qua giây phút này nhưng giờ đây, chỉ còn hơn 30 phút nữa là khắc Giao thừa thì tôi vẫn vẹn nguyên cái cảm giác xốn xang, bồn chồn và bâng khuâng buồn y như ngày mới xa quê nhà. Nhìn nhà cửa trang hoàng đẹp hơn ngày thường, hoa tươi hiện diện khắp nhà, thức ăn Tết đủ đầy mà lòng chùng lại. Hình như cả một năm học tập và làm việc cật lực đang được đo thành quả vào phút giây này. Đủ đầy, ấm cúng nhưng trống thiếu một thứ gì đó...

Bâng khuâng giao thừa. Tản văn của Nguyễn Thu Hà SG
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nhà ai đó đã đốt đèn cầy, lên nhang sớm. Mùi khói nhang thơm nồng gắt phương Nam làm tôi quay quắt nhớ tới thứ hương của trầm pha rễ hương bài quê nhà. Nỗi nhớ lan xa và ùa dồn về từ mùi hương của bó mùi già nấu ám khói củi đun bánh chưng. Nỗi nhớ rưng rưng thứ mùi mưa ẩm, mùi lá khô mục quyện hương hoa cam trái mùa ngoài vườn. Giờ này, thường cha sẽ bưng đĩa trái cây mà tôi kì cạch gài từng trái quýt vàng cam, trái táo đỏ, trái bưởi vàng tươi vào nải chuối xanh lựa kĩ cuối buồng ra bày bàn cúng trời đất sang canh. Mùi hương của từng loại trái cây bình dân, quen thuộc đến nhắm mắt vẫn tưởng ra ấy giờ như lan quyện trước sống mũi. Nỗi nhớ tôi mênh mông xa hơn, trôi về phía tuổi thơ bịt chặt tai nhắm mắt khi tới khắc giao thừa bắt đầu đì đùng tiếng pháo đầu tiên. Này là pháo tép tạch tạch... rồi tới pháo cái xì xì.. đùng. Thêm vài đoạn tạch đùng nữa sẽ có một hai quả pháo cối nổ đoàng khiến nhiều người ré lên thích thú. Mùi pháo quyện với mùi hương và rượu đế đã rót ra năm chén hạt mít cúng mời, đậm như khắc vào kí ức tôi.

Có lẽ, còn một thứ mùi nữa gây nên nỗi nhớ. Đó là mùi của mưa lạnh. Giữa đất trời ngập tràn hương vị của mùa xuân ấy, chính mưa lạnh đã làm mọi thứ trở nên quyến rũ khó quên. Mưa xuân rắc phủ lớp hơi nước li ti làm bật nhanh chồi mầm hăng hăng nhựa. Mưa làm mái tóc dài của mẹ như gói chặt hương của nồi nước lá bưởi, sả và nắm hương nhu tím thẫm già cỗi vườn bà, nồng nàn. Mưa khiến cho lớp vỏ bánh chưng ẩm mềm, thoảng mùi lá dong quyện hương nếp và mùi mỡ ngầy ngậy. Mưa làm cho vai áo nằng nặng mùi mồ hôi dù giặt kĩ đến mấy, để rồi hoà lẫn mùi khói củi khi hong mẻ quần áo cuối cùng cho khô nỏ đảm bảo sang năm mới không còn chiếc áo nào không sạch...

Nỗi nhớ tôi chạm vào cái lạnh của những chiếc vại sành góc bếp. Lớp men bên ngoài vại gờn gợn lạnh, nham nhám rít theo những ngón tay tôi cọ rửa mỗi dịp đông về. Thành vại bên trong trơn láng, miệng vại cong bo tròn ôm cum lại tạo ra tiếng vang mỗi khi tôi đổ hành củ hay cải ngồng vào. Cho đến giờ, tôi vẫn thèm thứ mùi dân dã của hành trắng ngâm tro nén vàng ươm, mùi dưa chua lên men vàng đều quyện mùi mía chẻ gài ém mặt. Mùi chua toả đều át thứ mùi hăng hăng của tinh dầu cay cay trong củ hành, cây dưa ấy luôn hoà quyện với mùi món giò thủ xào thơm dậy tiêu, mùi thịt ba chỉ nguyên tảng kì công châm thủng da chiên nổ vàng xuộm béo giòn, hay nằm xen lẫn những khứa cá chép ruộng béo ních.

***

Nhìn mâm cơm cúng chiều 30 giữ nếp xưa như thể giữ từng hương vị quê hương mà gói vào trong tim cả hình bóng cha mẹ, gia đình ruột thịt, tôi chợt hiểu rõ hơn vì sao sống giữa quê hương ta thấy những nếp cũ thật bình thường. Để rồi, khi xa quê, những thứ bình thường ấy lại trở nên ngày một quý giá, ngày một linh thiêng trong tâm hồn ta, khiến ta trăn trở và đau đáu hướng về.

Gắp miếng giò xào thơm giòn, tự đâu đó thoảng vọng lại tiếng cười nói xôn xao phấn khởi ngày đông giá tái tê mẹ dứt chỗ tem thực phẩm cuối cùng đổi được. Giờ giò không xào với thịt lọc từ thủ lợn bởi ai cũng sợ mỡ, thay bằng thịt ở những phần khác ngon hơn, bổ béo hơn. Vậy nhưng sao nghe mùi vị giờ đây không đủ đầy được như cái đã miệng của trẻ con ngày đó. Nhấp chút nước miến đậm vị của gà thêm cua biển, lại rưng rưng tô miến chỉ có xương và lòng gà ngày nào. Bát bóng bì con nấu cho đủ lời dặn cỗ cúng đủ đầy ba tô sáu đĩa, nghe có chút cay trên mắt khi nhớ bóng lưng cha lụi cụi cạo, phơi để nổ chút da lưng để dành làm món cúng.

Này là chỗ cánh gà thằng em trai thích nhất, đây là món chim câu hầm mà đứa em gái chỉ lựa ăn hết hạt sen. Xa quê, món dưa muối, hành chua như cũng âm thầm rưng rưng thiếu người trân trọng.

Có những nỗi nhớ nguôi ngoai dần vơi theo tháng năm, nhưng mỗi năm cứ chiều 30 thì nỗi nhớ của những đứa con xa quê hình như sẽ càng đầy thêm. Vẫn biết, Tết là sum họp. Nhưng mỗi cá nhân luôn có hoàn cảnh, điều kiện và cơ hội mỗi khác. Với tôi, được sum họp gia đình là những ngày rất hạnh phúc. Nhưng những cái Tết không thể tụ về, trong nỗi buồn sâu thẳm mênh mông về cả bầu trời yêu thương kí ức, có thứ hạnh phúc vẫn nhen lên giúp tôi thấy giá trị của cuộc sống, của gia đình và của bản thân thật rõ ràng.

Xa, không có nghĩa là quên.

Xa, không có nghĩa là thiếu dần đi trân trọng

Mà có trải qua những cảm xúc khi xa những gì mình yêu, tình yêu ấy càng lớn hơn rất nhiều, rõ hơn rất nhiều.

Và xa, khiến những thứ ta dễ bỏ qua trở nên phát sáng lấp lánh những giá trị để ta trân trọng gìn giữ hơn.

Một mùa Xuân nữa lại đến. Phút giây này tôi dành trọn hướng về nguồn cội. Cầu mong cho trời đất ôn hoà, lòng người nhân ái để thái bình an lành cho vạn vật. Cầu mong cho gia đình, người thân, bạn bè tôi luôn an yên, hạnh phúc. Và cầu mong cho chính tôi luôn được tròn đầy một tôi tận hiến với cuộc đời!

1a2-1737512455.jpg
 

Nguyễn Thu Hà SG