Trách nhiệm xã hội – Đạo đức kinh doanh dưới góc nhìn pháp lý và chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiệp

Trong bối cảnh khu vực kinh tế tư nhân được khẳng định là “Lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới”, thì câu chuyện về đạo đức, bản sắc và trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp cũng được đặc biệt quan tâm. Nhằm làm rõ bản chất CSR dưới góc nhìn pháp lý và quản trị, Tạp chí Pháp lý đã phỏng vấn PGS.TS Dương Anh Sơn – Trưởng khoa Luật, Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM.
image001-1742823674.jpg
PGS. TS Dương Anh Sơn - Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh Tế - Tài Chính TP.HCM

PV: Thưa PGS. TS Dương Anh Sơn, ông đã có bài tham luận khá ấn tượng tại Hội thảo khoa học quốc gia “Luật, Công lý và Phát triển” (LJDC) 2025 về “Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR)”. Ông có thể chia sẻ đâu là quan điểm cốt lõi mà ông muốn nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình?

PGS.TS Dương Anh Sơn: Tôi đi thẳng vào vấn đề. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, theo tôi, không thể bị rút gọn thành việc đi làm từ thiện, quyên góp vài tỷ đồng hay tổ chức một vài chiến dịch trồng cây. Đó chỉ là biểu hiện phụ – nhiều khi còn mang tính hình thức. Điều tôi muốn nhấn mạnh là: CSR thực chất là văn hóa vận hành của doanh nghiệp, là việc anh lựa chọn sống tử tế, hành xử đúng đắn và tạo ra giá trị thật ngay từ những sản phẩm, dịch vụ đầu tiên mà anh đưa ra thị trường.
Trong thời buổi kinh tế thị trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều người hiểu CSR như một cách “Làm hình ảnh” để PR. Nhưng nếu không xuất phát từ cái tâm, từ đạo đức nghề nghiệp, thì đó chỉ là lớp vỏ trơn tru không có lõi. Một doanh nghiệp muốn bền vững thì trước hết phải cam kết chất lượng, trung thực với khách hàng, công bằng với người lao động và có ý thức trong mối quan hệ với xã hội và môi trường. Trách nhiệm xã hội, trong góc nhìn của tôi, chính là đạo đức được thể chế hóa trong từng quyết định kinh doanh.

PV: Vậy, theo ông, CSR nên được nhìn nhận và thực hiện như thế nào trong doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?

PGS.TS Dương Anh Sơn: Tôi cho rằng, muốn hiểu đúng và thực hiện tốt CSR, doanh nghiệp cần rời xa cách nghĩ "Làm từ thiện là CSR". CSR phải được “Nội hóa” vào chiến lược kinh doanh, vào mô hình quản trị và cả văn hóa doanh nghiệp. Nó không phải là một nghĩa vụ áp đặt từ bên ngoài, mà là một lựa chọn tự nguyện của người làm ăn có tầm nhìn xa và có đạo đức.

Thứ nhất, về trách nhiệm kinh tế, doanh nghiệp phải sản xuất ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng, giá cả hợp lý và an toàn. Làm ra hàng tốt đã là đang thực hiện CSR rồi. Thứ hai, về trách nhiệm xã hội, đó là tôn trọng người lao động, trả lương xứng đáng, tạo môi trường làm việc lành mạnh, đóng bảo hiểm đầy đủ và tham gia tích cực vào các vấn đề cộng đồng, từ giáo dục đến y tế. Thứ ba, về trách nhiệm môi trường, doanh nghiệp không thể thờ ơ với không khí, nguồn nước, đất đai và sinh thái mà mình đang sử dụng.

PV: Nhiều doanh nghiệp lo ngại rằng thực hiện CSR sẽ làm tăng chi phí và ảnh hưởng đến lợi nhuận. Quan điểm của ông về điều này như thế nào?

PGS.TS Dương Anh Sơn: Một doanh nghiệp đầu tư vào CSR là đang đầu tư vào sự ổn định và lợi ích dài hạn. Anh có thể phải bỏ ra một khoản tiền lớn hơn trong ngắn hạn, ví dụ như đầu tư xử lý chất thải đúng tiêu chuẩn, cải thiện điều kiện làm việc, chọn nguồn nguyên liệu bền vững nhưng chính điều đó sẽ giúp anh giảm rủi ro pháp lý, nâng cao uy tín thương hiệu, giữ chân nhân tài và xây dựng lòng tin từ người tiêu dùng.

image002-1742823674.jpg
PGS. TS Dương Anh Sơn trình bày tham luận tại Hội thảo quốc gia “Luật, Công lý và Phát triển” (LJDC) 2025

PV: Ông có thể chia sẻ một ví dụ thực tiễn cho thấy hiệu quả của việc áp dụng CSR một cách đúng đắn tại Việt Nam?

PGS.TS Dương Anh Sơn: Tôi nghĩ Vinamilk là một ví dụ điển hình. Họ không chỉ đầu tư vào hệ thống sản xuất sạch, phát triển trang trại bò sữa hữu cơ đạt chuẩn châu Âu, mà còn kiểm soát chặt chuỗi cung ứng, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ở mức cao. Đó là trách nhiệm kinh tế gắn liền với sức khỏe cộng đồng.

Bên cạnh đó, Vinamilk triển khai các chương trình xã hội rất thực chất như “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” không phải để đánh bóng tên tuổi, mà để phục vụ một mục tiêu rõ ràng: góp phần nâng cao thể chất trẻ em Việt Nam. Nhờ thế, họ không chỉ giữ vững thị phần trong nước mà còn mở rộng thành công ra nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản.

PV: Nếu nhìn từ góc độ pháp lý, CSR có nên được luật hóa không, thưa ông?

PGS.TS Dương Anh Sơn: Câu hỏi rất đáng suy ngẫm. Ở Việt Nam hiện nay, CSR chủ yếu vẫn mang tính khuyến khích. Nhưng tôi cho rằng, đến một giai đoạn nhất định, chúng ta cần xây dựng khung pháp lý cứng và mềm linh hoạt về CSR tức là có quy định rõ ràng về nghĩa vụ, nhưng cũng có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, và tôn vinh doanh nghiệp thực hiện tốt.

PV: Trong một bài viết gần đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh rằng “Kinh tế tư nhân là lực lượng tiên phong trong kỷ nguyên mới, góp phần xây dựng một Việt Nam năng động, tự chủ và thịnh vượng”. Với gần một triệu doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động, theo ông, liệu trách nhiệm xã hội có phải là một phần tất yếu để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực bền vững cho đất nước?

PGS.TS Dương Anh Sơn: Kinh tế tư nhân không chỉ là động lực tăng trưởng về mặt số lượng hay quy mô thị trường, mà còn phải là người đi đầu trong việc thiết lập chuẩn mực ứng xử đạo đức trong kinh doanh. Chính vì vậy, trách nhiệm xã hội không thể chỉ là “Phụ kiện đi kèm”, mà cần trở thành trụ cột cấu thành bản sắc doanh nghiệp Việt Nam hiện đại.

Khi khu vực tư nhân vươn lên mạnh mẽ, tạo ra việc làm, thu hút đầu tư, xây dựng thương hiệu quốc gia, thì đồng thời họ cũng phải gánh vác một phần sứ mệnh phát triển xã hội. Một doanh nghiệp tư nhân không quan tâm đến môi trường, coi nhẹ người lao động, hay né tránh nghĩa vụ thuế… thì không thể là lực lượng tiên phong. Ngược lại, nếu doanh nghiệp tư nhân chủ động thực hành CSR, họ không chỉ nâng tầm chính mình, mà còn làm giàu cho đất nước bằng giá trị bền vững.

PV: Vậy có thể hiểu rằng CSR chính là “Chứng chỉ đạo đức” của doanh nghiệp tư nhân trong hành trình hội nhập?

PGS.TS Dương Anh Sơn: Chính xác. Trong môi trường toàn cầu hóa, nơi mà sản phẩm của bạn cạnh tranh không chỉ bằng giá, mà bằng giá trị đạo đức, trách nhiệm xã hội trở thành “Giấy thông hành” cho doanh nghiệp tiến xa. Một doanh nghiệp tư nhân Việt Nam muốn đưa sản phẩm ra thế giới thì không thể làm ngơ trước các tiêu chuẩn lao động, môi trường hay quản trị minh bạch. CSR không chỉ là hành động có trách nhiệm  mà còn là năng lực cạnh tranh chiến lược trong thời đại mà người tiêu dùng, nhà đầu tư và xã hội đều ngày càng khắt khe hơn.

PV: Trân trọng cảm ơn PGS. TS Dương Anh Sơn  đã dành thời gian cho cuộc trao đổi thẳng thắn và nhiều chiều sâu. Chúng tôi tin rằng những phân tích của ông sẽ mang lại giá trị tham khảo thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các nhà hoạch định chính sách.

Trần Hơn (thực hiện)

Theo Phaply.net