Trí tuệ nhân tạo góp phần hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam
00:00 11/12/2023
Từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 7 năm 2023, thông qua dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, AI đã được triển khai trong 38 chiến dịch cộng đồng và tại 11 cơ sở y tế tại 9 tỉnh thuộc dự án bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, và Tiền Giang. Các chiến dịch cộng đồng đã sàng lọc 77.507 người tham gia, trong đó phát hiện được 1072 ca lao. Tại cơ sở y tế, dự án đã hỗ trợ sàng lọc 66.337 trường hợp, phát hiện 1.494 người được chẩn đoán mắc bệnh lao.
VOV.VN - Hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2035, BV Phổi TW và Chương trình Chống lao Quốc gia đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào đọc phim và chẩn đoán bệnh lao, hỗ trợ bác sĩ nâng cao năng lực, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.
Trí tuệ nhân tạo là công cụ đắc lực hỗ trợ chẩn đoán, phát hiện bệnh lao
Trí tuệ nhân tạo, thuật ngữ tiếng Anh là Artificial Intelligence. Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, AI được ứng dụng bằng cách sử dụng các thuật toán và phần mềm phức tạp giúp mô phỏng nhận thức của con người trong việc phân tích, giải thích các dữ liệu y tế và hỗ trợ đưa ra kết luận.
Trong chẩn đoán phát hiện bệnh lao, các nhà khoa học đã tiến hành đưa vào máy tính các dữ liệu khổng lồ về hình ảnh X quang bất thường, X quang bình thường, các kết quả xét nghiệm chẩn đoán tương ứng với từng kết quả X quang, các chỉ số cơ thể. Những thông số này được các nhà khoa học “dán nhãn” và “đào tạo” cho các phần mềm trí tuệ nhân tạo. Từ đó máy tính có thể nhận diện, phân loại và nhanh chóng đưa ra các kết luận chẩn đoán chính xác khi chúng tiếp xúc trực tiếp với một phim X quang có các hình ảnh nghi lao. Vào năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến nghị về việc sử dụng AI hỗ trợ đọc kết quả XQ phổi cho những người trên 15 tuổi đang được sàng lọc bệnh lao.
Bác sĩ Trương Thị Thanh Huyền –Phó Trưởng phòng Chỉ đạo chương trình – BV Phổi Trung ương cho biết, hiện nay có thể nói AI đóng vai trò rất quan trọng trong sàng lọc, phát hiện bệnh lao với rất nhiều ưu điểm như:
- Hỗ trợ sàng lọc, phát hiện sớm bệnh nhân lao: Công nghệ AI có khả năng phân tích và xử lý một lượng lớn dữ liệu y tế, nó có thể nhanh chóng đưa ra những đánh giá sơ bộ về khả năng mắc bệnh lao trên phim XQ phổi cho từng trường hợp cụ thể. Những trường hợp được đánh giá là nghi lao trên XQ này sau đó được lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán xác định bệnh lao.
- Tăng hiệu suất và giảm tải công việc: Công nghệ AI có thể thực hiện các tác vụ chẩn đoán và phân loại tự động, giúp giảm gánh nặng công việc cho các bác sĩ và nhân viên y tế. Điều này cho phép họ tập trung hơn vào việc tư vấn và điều trị bệnh nhân.
- Đào tạo và cải thiện chất lượng liên tục: Việc đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ chẩn đoán hình ảnh trong đọc phim X quang chẩn đoán lao luôn là một thách thức lớn do hạn chế về nguồn lực. Trí tuệ nhân tạo có thể nói cũng đã góp phần hỗ trợ thêm cho việc nâng cao năng lực cho cán bộ chẩn đoán hình ảnh.
- Tăng khả năng tiếp cận: Các phần mềm AI dễ lắp đặt trên xe Xquang hay máy X quang (tại chỗ và cầm tay) nên những khu vực xa xôi và thiếu nguồn lực y tế, người dân có thể dễ dàng tiếp cận được với chẩn đoán và phát hiện bệnh lao đảm bảo chất lượng.
AI giúp tăng hiệu suất phát hiện bệnh nhân lao tại Việt Nam
Việt Nam đang áp dụng chiến lược 2X bao gồm X-quang ngực và xét nghiệm sinh học phân tử Xpert trong tìm kiếm chủ động và phát hiện tích cực ca bệnh lao nhắm vào những người tiếp xúc với người mắc lao và các nhóm nguy cơ cao. Để đạt được hiệu quả cao vẫn cần có các can thiệp bổ sung để việc sàng lọc được hiệu quả và tránh bỏ sót các ca bệnh trong cộng đồng. Do đó Chương trình chống lao Quốc gia đã triển khai sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo hỗ trợ đọc phim X quang phổi.
“Trước khi triển khai chúng tôi phối hợp với các đối tác cung cấp các dữ liệu cần thiết để đào tạo cho các phần mềm hiện có, thực hiện các phân tích hồi cứu để tìm kiếm và lựa chọn những phần mềm phù hợp về tính năng, tính chính xác, độ ổn định và giá thành. Ví dụ đối với dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, phần mềm AI được lựa chọn sau khi chương trình chống lao phối hợp với dự án phân tích hồi cứu hơn 51.000 phim X quang để so sánh kết quả do AI đọc với bác sĩ X-quang tuyến trung ương tại Bệnh viện Phổi Trung ương và từ kết quả này chúng tôi thiết kế các mô hình và chọn ngưỡng phù hợp để áp dụng cho sàng lọc lao.” – Bác sĩ Trương Thị Thanh Huyền cho biết.
Từ tháng 1 năm 2021 đến tháng 7 năm 2023, thông qua dự án USAID hỗ trợ chấm dứt bệnh lao, AI đã được triển khai trong 38 chiến dịch cộng đồng và tại 11 cơ sở y tế tại 9 tỉnh thuộc dự án bao gồm An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Hậu Giang, Khánh Hòa, Kiên Giang, Sóc Trăng, Tây Ninh, và Tiền Giang.
Các chiến dịch cộng đồng đã sàng lọc 77.507 người tham gia, trong đó phát hiện được 1072 ca lao. Tại cơ sở y tế, dự án đã hỗ trợ sàng lọc 66.337 trường hợp, phát hiện 1.494 người được chẩn đoán mắc bệnh lao. Hiệu suất phát hiện tại cơ sở y tế cao hơn đáng kể nếu so với tỷ lệ với không triển khai AI trong đọc phim X-quang.
BS Trương Thị Thanh Huyền cũng nhấn mạnh, tuy có nhiều ưu điểm song trí tuệ nhân tạo không thể thay thế vai trò của cán bộ y tế trong chẩn đoán, phát hiện sớm ca bệnh lao trong cộng đồng và cơ sở y tế. AI chỉ là công cụ hỗ trợ trong quá trình đọc phim X quang giúp xác định chính xác hơn những trường hợp có hình ảnh bất thường nghi lao trên phim để sau đó cán bộ y tế sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm Xpert chẩn đoán xác định bệnh lao. Những trường hợp xét nghiệm Xpert (-) còn cần thêm những xét nghiệm khác và có thể phải hội chẩn chuyên khoa mới có thể chẩn đoán xác định bệnh lao được.
Cũng theo bác sĩ Trương Thị Thanh Huyền, để mở rộng phạm vi tiếp cận công nghệ AI trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, cần tập trung phát triển, mở rộng sử dụng ứng dụng di động kết hợp các hoạt động sàng lọc phát hiện bệnh lao chủ động, tích cực, tăng cường đầu tư hạ tầng cho các cơ sở y tế, đồng thời cần tăng cường nguồn lực cho chương trình chống lao.
Hàng năm, cả nước phát hiện và đưa vào điều trị hơn 100.000 người mắc lao. Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân được phát hiện và báo cáo mới chỉ đạt 60%, có nghĩa là có tới 40% số bệnh nhân lao chưa được phát hiện hoặc được phát hiện nhưng chưa được báo cáo.
Lao là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan qua không khí. Phát hiện sớm, chủ động truy vết không những cứu sống được người bệnh mà còn giảm nhanh nguồn lây lan cho cộng đồng.
Ánh Tuyết/VOV.VN