Ngày Thơ Việt Nam là sự kiện góp phần tôn vinh những giá trị thi ca của dân tộc, khơi dậy tinh thần sáng tạo, gắn kết và trách nhiệm. Với ý nghĩa ấy, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 23, năm 2025 đã được Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thành phố Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình với chủ đề “Tổ quốc bay lên”, hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.
![]() |
Điểm nhấn của chương trình là đêm thơ đặc sắc mang tên “Tổ quốc bay lên”, nơi hội tụ những tiếng nói thi ca từ nhiều thế hệ nhà thơ. Công chúng được thưởng thức các tiết mục ngâm thơ: “Nguyên Tiêu” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Vũ Lâm thu vãn” của Vua Trần Nhân Tông, “Dục Thúy Sơn” của Trương Hán Siêu, “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân, “Nhớ” của Nguyễn Đình Thi. “Đất nước” (trích trường ca “Mặt đường khát vọng”) của Nguyễn Khoa Điềm…
Sự kiện còn có sự tham gia của nhà thơ, cựu binh Mỹ Bruce Weigl với bài thơ về Mẹ Việt Nam Anh hùng. Không gian Ngày thơ Việt Nam cũng trưng bày poster vinh danh các nhà thơ Việt Nam tiêu biểu được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; các bài thơ cổ và hiện đại nổi bật về vùng đất Ninh Bình. Trong khuôn khổ sự kiện, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tọa đàm “Trách nhiệm và khát vọng của nhà thơ”.
Từ những câu chuyện về lịch sử gắn với văn chương, nhà thơ Vũ Quần Phương dẫn chứng về thơ Tố Hữu với nhiều đề tài đời thường, quen thuộc từ lời mẹ ru, tiếng chổi tre quét trên đường phố đêm… nhưng bao giờ cũng tạo nên niềm xúc động, hướng vào chủ đề cách mạng, cổ động các phong trào. Các văn nghệ sĩ thời kỳ Thơ mới đã có nhiều thay đổi khi Cách mạng Tháng Tám diễn ra. Hầu hết họ đã tập hợp dưới cờ Mặt trận Việt Minh, khởi nghĩa giành chính quyền, tham gia kháng chiến.
Quan trọng là họ sẵn sàng vượt qua những tác phẩm từng có tiếng tăm trong quá khứ để trở thành người lính cách mạng, lấy bút mực làm vũ khí, cống hiến cho nền văn chương cách mạng, đóng góp máu xương giành độc lập, tự do, thống nhất cho đất nước. Khát vọng đổi thay bắt đầu bằng sự đoạn tuyệt với thành tựu văn chương của chính mình.
Tiến sĩ, nhà thơ Nguyễn Kiến Thọ (Thái Nguyên) chia sẻ: Chúng ta đang sống trong một thế giới đầy biến động, với sự thay đổi đến chóng mặt của các hệ giá trị, với sự đấu tranh không khoan nhượng của cái mới và cái cũ, của những cách tân và cũ mòn trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trách nhiệm lớn nhất của nhà thơ là phải đánh thức được ý thức cá nhân độc lập trong mỗi con người. Chỉ khi ý thức độc lập ấy trở thành ý thức chung của cộng đồng, của cả dân tộc, thì đấy là lúc chúng ta thật sự lớn mạnh, mới thật sự bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Là một nhà thơ trẻ thuộc thế hệ cuối 9x, sinh ra và lớn lên tại Đắk Nông, từng sống ở một thung lũng phía bắc nước Lào, giáp Thái Lan với đủ mọi khắc nghiệt và thử thách để rồi tiếp tục học tập, sáng tạo tại Thủ đô Hà Nội, nhà thơ Nguyên Như bày tỏ trăn trở, tại sao thơ ca nước nhà chưa thể vươn tầm, thậm chí người đọc trong nước cũng chưa mấy mặn mà và quan tâm dù thơ Việt cũng có không ít tác phẩm hay: “Có lẽ, người viết cần phải đối xử với thơ bằng cả tâm hồn mình; mỗi cá nhân, tổ chức văn chương cần xây dựng chiến dịch, đội ngũ dịch thuật và truyền thông chất lượng nhằm tinh lọc, chọn lựa tác phẩm và một cách nào đó đưa tác phẩm vươn xa hơn”.
Đồng cảm với điều đó, Phùng Thị Hương Ly đến từ Bắc Kạn vừa đoạt giải thưởng Tác giả Trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Viết là sự lao động sáng tạo nghiêm túc với chữ nghĩa, là cách đối thoại với thế giới và với chính mình, thông qua ngôn ngữ thơ, khơi dậy những ước mơ, khát khao, những suy tư, cảm xúc trong lòng người đọc. Để làm được điều đó, đòi hỏi người viết, ngoài sự tài hoa, còn phải có sự sâu sắc và lòng nhân ái.
Hòa chung nhịp rộn ràng của thơ ca, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã tổ chức Ngày thơ Việt Nam với những nét đặc sắc, phong phú. Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều khẳng định, Ngày thơ năm nay chọn tinh thần từ tác phẩm “Dáng đứng Việt Nam” của nhà thơ Lê Anh Xuân trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm đất nước thống nhất, nhằm bày tỏ sự tôn vinh, lòng biết ơn đối với tất cả những người con trên mảnh đất Việt Nam đã dâng hiến trọn đời mình cho độc lập, tự do và thống nhất đất nước. Dáng đứng của họ là dáng đứng của một dân tộc đầy khát vọng chân chính và ý chí hành động cho khát vọng sống ấy.
MAI LỮ