Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử
00:00 03/08/2024
Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để bảo đảm quyền lợi người dùng.
(Chinhphu.vn) – Nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để bảo đảm quyền lợi người dùng.
Đây là ý kiến của bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA tại Hội thảo "Kiểm soát rủi ro về thuế khi kinh doanh thương mại điện tử" do Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) phối hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) và Công ty Cổ phần MISA (MISA) tổ chức ngày 2/8 tại Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA khẳng định, cùng với sự phát triển của nền kinh tế số, hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt có những phiên livestream bán hàng đạt doanh thu kỷ lục 100 tỷ đồng đến 150 tỷ đồng mỗi phiên.
Đây là cơ hội lớn cho các nhãn hàng gia tăng doanh thu và thúc đẩy kinh tế chung của toàn xã hội. Bà Nguyễn Thị Cúc lưu ý, các hộ và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử phải tuân thủ nghĩa vụ nộp thuế, tự khai, tự tính, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về số liệu kê khai.
Đại diện VTCA nhấn mạnh, nếu gặp khó khăn trong việc nộp thuế, các hộ và cá nhân kinh doanh có thể tìm đến các đơn vị kế toán dịch vụ hoặc đại lý thuế chuyên nghiệp để được hỗ trợ nghiệp vụ. Bên cạnh đó, các cá nhân livestream bán hàng cũng cần chú ý chọn lọc những sản phẩm chất lượng thuộc những nhãn hàng uy tín để bảo đảm quyền lợi người dùng.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch VTCA trao đổi tại Hội thảo - Ảnh: VGP/HT
Theo Tổng cục Thuế, thời gian qua, cơ quan này đã rà soát, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đối với người nộp thuế có hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số, livestream bán hàng online.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, cơ quan thuế đã rà soát, xử lý vi phạm 4.560 người nộp thuế (gồm 1.274 doanh nghiệp (DN), 3.286 cá nhân) với số thuế xử lý truy thu và phạt là 297 tỷ đồng. Cũng trong 6 tháng đầu năm, doanh thu TMĐT trong nước ước khoảng 1,98 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp khoảng 54.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, con số này vẫn chưa phản ánh đầy đủ quy mô doanh thu TMĐT tại Việt Nam, dư địa cho thu thuế vẫn còn nhiều.
Do đó, với những giải pháp công nghệ sẽ giúp tăng cường đồng hành cùng các đơn vị, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử nắm vững kiến thức, kinh nghiệm để thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng quy định, kiểm soát rủi ro về quản lý thuế trong lĩnh vực TMĐT.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM) chia sẻ: Nắm bắt được những khó khăn của hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam trong vấn đề kê khai và nộp thuế, VECOM kết hợp cùng VTCA và MISA tổ chức tọa đàm nhằm hỗ trợ cung cấp kiến thức, quy định pháp luật và giải pháp công nghệ giúp các hộ, cá nhân kinh bảo đảm tuân thủ pháp luật về thuế.
Bà Đinh Thị Thúy, Tổng Giám đốc MISA - đại diện DN công nghệ chuyên cung cấp giải pháp tài chính - kế toán cho biết: Là DN công nghệ với thế mạnh tài chính - kế toán, MISA cam kết đồng hành kết nối chuyên gia, các đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp cũng như phát triển giải pháp công nghệ giúp hộ, cá nhân kinh doanh đáp ứng triển khai nghĩa vụ thuế theo đúng quy định của ơ quan Thuế.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, đại diện TikTok Việt Nam, chia sẻ về mô hình kinh doanh tiếp thị liên kết hiện đang rất phổ biến trên tính năng thương mại điện tử TikTok Shop.
Trên cơ sở đó, ông Nguyễn Lâm Thanh cũng nêu ra một số các vấn đề về thuế được nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đặc biệt quan tâm như: Những khoản thuế phải nộp của nhà bán hàng và người sáng tạo khi có doanh thu, thu nhập từ TikTok Shop; nghĩa vụ nhà bán hàng và nhà sáng tạo nội dung đối với thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động tiếp thị liên kết…
Các nhà bán hàng phải có trách nhiệm thay mặt và lấy mã số thuế của nhà sáng tạo để kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân cho cơ quan thuế. Riêng nhà bán hàng cá nhân sẽ tự liên hệ cơ quan Thuế hoặc trao đổi với đơn vị tư vấn thuế chuyên nghiệp để được hướng dẫn thêm.
"Theo quy định, TikTok Shop không có quyền và trách nhiệm khấu trừ thuế từ nhà bán hàng, do vậy sẽ không thực hiện kê khai và nộp thuế thay nhà bán hàng. Song tùy từng trường hợp cụ thể, TikTok Shop sẽ làm việc với cơ quan Thuế khi có yêu cầu dựa trên quy định hiện hành", ông Nguyễn Lâm Thanh nói.
Đại diện đơn vị tư vấn thuế, bà Đặng Thị Huyền Trang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn thuế SAVITAX đã có những tư vấn cụ thể một số vấn đề vướng mắc và khẳng định đồng hành cùng các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử giải quyết các vấn đề liên quan đến kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của cơ quan nhà nước.
Tại Hội thảo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thương mại điện tử và thuế cũng như sự hỗ trợ từ các nền tảng công nghệ và dịch vụ kế toán chuyên nghiệp, VTCA, VECOM và MISA cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ cộng đồng hộ kinh doanh, và cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trong việc tuân thủ pháp luật thuế và phát triển kinh doanh một cách bền vững.
Anh Minh (baochinhphu.vn)