Một số kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về Hợp đồng thông minh tại Việt Nam

Trong kỷ nguyên của công nghệ số, hợp đồng thông minh (smart contract) được coi là một trong những yếu tố then chốt giúp thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế số, đặc biệt là trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Tuy nhiên, việc áp dụng hợp đồng thông minh tại Việt Nam hiện nay gặp phải không ít thách thức, đặc biệt trong việc hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi các bên liên quan.
1-1745383132.png

Ảnh minh họa

Bài nghiên cứu tập trung vào các vấn đề sau đây: Những điểm mới quy định pháp luật về hợp đồng thông minh của pháp luật Việt Nam và kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng thông minh tại Việt Nam.

1. Những điểm mới của hợp đồng thông minh

Hiện nay, Việt Nam chưa có một văn bản pháp lý chuyên biệt điều chỉnh hợp đồng thông minh. Tuy nhiên, sự ra đời của Luật Giao dịch điện tử năm 2023 đã bước đầu xác lập cơ sở pháp lý rõ ràng hơn cho hợp đồng thông minh khi công nhận đây là một dạng hợp đồng điện tử. Trước đó, việc điều chỉnh hợp đồng thông minh chủ yếu dựa vào Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Giao dịch điện tử 2005, tuy nhiên các văn bản này chưa đủ bao quát để giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh từ công nghệ blockchain. Luật Giao dịch điện tử 2023 đã khắc phục điều này bằng cách mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung định nghĩa về giao dịch điện tử, hợp đồng điện tử và tạo nền tảng pháp lý cho việc ứng dụng hợp đồng thông minh .

Một điểm mới quan trọng là việc luật công nhận giá trị pháp lý tương đương giữa hợp đồng điện tử và hợp đồng truyền thống nếu đáp ứng điều kiện về giao kết theo Bộ luật Dân sự năm 2015. Đồng thời, luật cũng nhấn mạnh vai trò của dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử và hệ thống định danh trong việc đảm bảo tính hợp pháp của các giao dịch. Luật Giao dịch điện tử 2023 thừa nhận giá trị chứng minh của dữ liệu điện tử và chữ ký điện tử, trong đó chữ ký số được xác minh bởi tổ chức tin cậy sẽ có hiệu lực tương đương chữ ký viết tay – một yếu tố quan trọng với hợp đồng thông minh  vì các điều khoản hợp đồng được thực hiện qua hệ thống tự động.

2. Những thách thức pháp lý

Tuy nhiên, thực tiễn hợp đồng thông minh cũng đặt ra nhiều thách thức pháp lý. Do được thiết kế để tự thi hành thông qua mã lập trình và hệ thống blockchain, hợp đồng thông minh không có sự can thiệp của con người sau khi triển khai. Điều này làm phát sinh nhiều vấn đề như xác định năng lực chủ thể, tính tự nguyện, thời điểm giao kết, và cơ chế sửa đổi hợp đồng. Ngoài ra, vì blockchain có tính phi tập trung và xuyên biên giới, việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp, đặc biệt trong trường hợp xảy ra lỗi kỹ thuật hoặc bị tấn công mạng, trở nên phức tạp.

Luật cũng chưa giải quyết triệt để những thách thức như năng lực hành vi của các bên khi giao kết qua hệ thống tự động, đặc biệt là việc xác minh độ tuổi hay năng lực pháp lý của bên tham gia. Mặc dù Luật Giao dịch điện tử 2023 đã mở rộng cơ chế giải quyết tranh chấp bao gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài và tòa án, nhưng các quy định về tranh chấp liên quan đến hợp đồng thông minh vẫn chưa thực sự cụ thể. Trong bối cảnh đó, Việt Nam có thể học hỏi từ Luật mẫu UNCITRAL về hợp đồng tự động và thúc đẩy nội luật hóa các tiêu chuẩn quốc tế.

Cuối cùng, hợp đồng thông minh khác biệt so với hợp đồng truyền thống ở hình thức, nội dung và cách thức thực hiện. Trong khi hợp đồng truyền thống được thể hiện bằng ngôn ngữ con người, hợp đồng thông minh lại sử dụng ngôn ngữ lập trình, có tính bất biến và không thể sửa đổi sau khi triển khai. Ngoài ra, bên cạnh con người, hệ thống máy tính trong hợp đồng thông minh có thể đóng vai trò như một bên trong quan hệ hợp đồng – điều chưa từng có trong hợp đồng truyền thống.

Với sự phát triển của công nghệ Blockchain, hợp đồng thông minh giúp tự động hóa quá trình giao dịch mà không cần đến bên trung gian, từ đó giảm thiểu rủi ro và tăng cường tính minh bạch. Tuy nhiên, việc áp dụng hợp đồng thông minh tại Việt Nam hiện nay gặp phải không ít thách thức, đặc biệt trong việc hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh và bảo vệ quyền lợi các bên liên quan.

Việt Nam cần phải có những điều chỉnh pháp lý cụ thể để công nhận giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh, nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ này vào các lĩnh vực như tài chính, bất động sản, và thương mại điện tử. Đồng thời, các quy định về giao kết hợp đồng, thực hiện hợp đồng và giải quyết tranh chấp cần được làm rõ để đảm bảo hợp đồng thông minh có thể phát huy tối đa hiệu quả trong môi trường pháp lý của Việt Nam.

2-1745383219.jpg

Ảnh minh họa

3. Một số kiến nghị hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng thông minh tại Việt Nam

Hiện nay, hợp đồng thông minh tại Việt Nam chưa được công nhận chính thức trong hệ thống pháp luật mà chỉ được hiểu gián tiếp như một dạng của hợp đồng điện tử hoặc giao dịch dân sự hợp pháp. Tuy nhiên, sự công nhận mang tính suy đoán này làm hạn chế khả năng bảo vệ quyền lợi của các bên khi phát sinh tranh chấp, đồng thời gây ra tâm lý e ngại trong việc ứng dụng hợp đồng thông minh, đặc biệt trong các lĩnh vực nhạy cảm như tài chính, thương mại.

Thứ nhất, cần thiết phải công nhận chính thức giá trị pháp lý của hợp đồng thông minh trong pháp luật Việt Nam, xác định rõ hợp đồng thông minh là một hình thức hợp pháp, có hiệu lực tương đương với hợp đồng truyền thống nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện về giao kết và thực hiện. Điều này không chỉ tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các chủ thể mà còn thúc đẩy đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế số.

Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia như Hoa Kỳ, nơi đã ban hành luật công nhận hợp đồng thực hiện trên blockchain không bị từ chối hiệu lực pháp lý, và Singapore, quốc gia triển khai “sandbox pháp lý” cho hợp đồng thông minh – cho phép doanh nghiệp thử nghiệm hợp đồng thông minh trong môi trường có kiểm soát.

Trong ngắn hạn, Việt Nam nên triển khai cơ chế thử nghiệm pháp lý tương tự để đánh giá hiệu quả của hợp đồng thông minh trước khi ban hành các quy định cụ thể. Việc công nhận chính thức hợp đồng thông minh là bước đi quan trọng để hoàn thiện khung pháp lý, tạo niềm tin cho thị trường và bảo vệ quyền lợi của các bên tham gia hợp đồng trong thời đại số.

Thứ hai,cần quy định cụ thể hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng việc thực hiện hợp đồng thông minh tại Việt Nam hiện gặp nhiều vướng mắc do xung đột giữa các quy định trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Giao dịch điện tử 2023. Do vậy, cần quy định cụ thể hướng dẫn việc thực hiện hợp đồng. 

Trong khi Bộ luật Dân sự cho phép sửa đổi, chấm dứt hoặc hủy bỏ hợp đồng khi có căn cứ, thì Luật Giao dịch điện tử lại quy định dữ liệu điện tử không được thay đổi – điều này phù hợp với bản chất bất biến của hợp đồng thông minh trên nền tảng blockchain. Sự mâu thuẫn này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có quy định hướng dẫn cụ thể về việc thực hiện hợp đồng thông minh để bảo đảm tính khả thi và hợp pháp trong thực tiễn.

Một vấn đề trọng yếu khác là cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo và tiền mã hóa. Hiện Việt Nam chưa công nhận tiền mã hóa là phương tiện thanh toán hoặc tài sản hợp pháp, dẫn đến rủi ro trong việc thi hành hợp đồng thông minh sử dụng đồng tiền số. Nếu không được công nhận, các nghĩa vụ thanh toán trong hợp đồng thông minh sẽ không thể thực hiện hoặc không được bảo vệ bởi pháp luật. Do đó, kiến nghị đặt ra là cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về tài sản ảo và tiền mã hóa, công nhận giá trị pháp lý của chúng trong những giao dịch hợp pháp, từ đó đảm bảo tính thực thi của hợp đồng thông minh.

Bên cạnh đó, khi hợp đồng thông minh được thực hiện tự động, dòng tiền không đi qua hệ thống ngân hàng truyền thống, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước trong việc quản lý tài chính, chống rửa tiền và thất thu thuế. Việc pháp luật hóa tiền mã hóa cũng là biện pháp kiểm soát hiệu quả các giao dịch số trong nền kinh tế.

Tóm lại, để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng thông minh diễn ra hợp pháp, Việt Nam cần sớm có quy định hướng dẫn cụ thể và công nhận giá trị pháp lý của tiền mã hóa trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.

 Bảo Trang, Quang Minh, Hà Vy (Sinh viên khóa 46, Trường Đại học Luật Hà Nội)

Theo Phaply.net