Bận, rất bận. Nhưng mình vẫn thích đọc sách của những nhà văn, nhà báo thân quen.
Thường thì gặp nhau trên FB, đọc bài của người quen, mình vẫn like (biểu tượng của sự đã xem, đã thích), hoặc thả tim đỏ (biểu tượng của sự rất thích), hoặc bình luận (biểu tượng của sự đã quen biết nhau ngoài đời, hoặc bài viết đó của bậc tiền bối, nhiều tuổi).
Đặc biệt gần đây có 2 cuốn sách tôi đang đọc dở, CHUYỆN LÀNG BUÔNG của Nhà văn, Nhà báo Lưu Trọng Văn và CHUYỆN CỦA NHỮNG DÒNG SÔNG của nhiều tác giả. Tôi không có ý định viết Bình luận văn học hay nhận xét về những tác phẩm này vì tôi cho rằng, đấy không phải là chuyên môn của mình. Vì thế tôi chỉ trao đổi khi gặp gỡ hoặc nói chuyện qua điện thoại.
1. Tôi nói với anh Lưu Trọng Văn về CHUYỆN LÀNG BUÔNG có cái gì đó rất thật qua đôi mắt của thằng bé 13 tuổi kể chuyện về những người xung quanh, của chính sự tình cờ đầu tiên với con bé cùng lớp... rồi một không gian bàng bạc của làng quê, những câu chuyện của những người lớn trong làng, tình yêu trai gái, chỗ nào cũng thấy tình yêu... tôi chợt nhận ra có những câu chuyện tình yêu mà người biết chuyện cứ im lặng coi đó là sự đương nhiên của sự im lặng. Tôi lại nhớ về ngày xưa tại sao các cụ đẻ nhiều, người vợ vẫn ngủ chung với con gái, người chồng vẫn ở chung với con trai. Nhà chật hẹp, họ riêng tư với nhau lúc nào mà vẫn đẻ sòn sòn năm một... Lúc anh Văn tặng sách cho tôi, tôi hỏi mua thêm vài cuốn cho thư viện của Trường Trung học Duy Tân, anh Văn bảo, sách hơi nhậy cảm chị ạ, chỉ dành cho người trên 18. Bây giờ thì tôi hiểu cái nhạy cảm ấy.
2. CHUYỆN CỦA NHỮNG DÒNG SÔNG của nhiều tác giả, các nhà văn, nhà báo lớn vì thế tôi say mê đọc những câu chuyện của họ, nhất là của những người quen. Đọc và thích đọc, có những bài đã được tác giả chia sẻ trên FB, tôi cũng like, cũng thả tim và bình luận. Nhưng có những tác giả tôi chưa quen, chưa phải là bạn trên FB... Cuốn sách chuyện những dòng sông dầy cộp. Nằm đọc, cầm cuốn sách trên tay rất nặng. Mắt kém phải đeo kính, vừa đọc vừa buồn ngủ nhưng cứ vừa đọc, vừa ngủ lại giật mình, lại đọc. Nhiều bài tả dòng sông rất đẹp, những câu chuyện lịch sử hào hùng gắn với dòng sông, có những dòng sông đã đi vào thơ ca, Sông Cầu, Sông Đuống, Sông Gianh, Sông Đáy, Sông Tiền, Sông Hậu, Sông Saigon...
Nhưng tôi lại có cảm tình riêng với bài viết SÔNG VÀ BẾN của Nhà báo, Nhà văn Gia Bảo (lúc đọc câu chuyện này tôi không biết Gia Bảo là ai, thấy cái tên có vẻ là quý cậu)
Câu chuyện viết về cái bến nhỏ của một dòng sông nhỏ, với những con người rặt quê, những công việc hằng ngày trên bến sông, tắm trên bến sông, giặt giũ cũng ở bến sông, mưu sinh qua lại cũng ở bến sông với nhân vật chính là Chị Tím của tác giả. Rồi Chị Tím lớn lên, Chị Tím biết buồn vu vơ, đôi mắt nhìn xa xăm về kinh Bà Lài. Rồi những buổi nhóm chợ phiên và anh Rô xuất hiện. Tình yêu ở bến sông mộc mạc, thuận buồm xuôi gió, họ nên vợ nên chồng. Đám cưới thôn quê nhiều mầu sắc, đám cưới mô tả rất lãng mạn kiểu thôn quê, rất vui.
Những câu chuyện ở nông thôn, xóm vắng, cũng có những tệ nạn, lô đề xuất hiện, cờ bạc nhỏ, chọi gà rồi mắc nợ cũng có thể làm tan nát một gia đình hiền lành chất phác. Bế tắc thêm bế tắc.
Cái kết câu chuyện có hậu. Chị tần tảo nuôi con, đan lát kiếm sống, dần dần gây dựng được cơ sở làm thủ công mỹ nghệ. Anh hối hận quay về xin vợ tha thứ rồi hằng ngày ra bến sông thu gom lục bình của các làng bên chở tới bến sông, phơi khô những cọng lục bình làm nguyên liệu cho chị đan giỏ giao về thành phố.
Một câu chuyện tưởng chừng chuyện nhỏ, nhưng đó là những câu chuyện ở khắp những vùng thôn quê. Từ cụm lục bình trôi sông, từng cọng tre nứa, cũng có thể làm ra những sản phẩm xuất khẩu đem về ngoại tệ.
Thật đáng trân quý.
Tôi thật sự thích câu chuyện này và kể cho nhiều người bạn của tôi về tính nhân văn của câu chuyện BẾN VÀ SÔNG.
Chúc tác giả Gia Bảo và những Nhà văn, Nhà báo có nhiều sức khỏe và nhiều bài viết hay.
Nguyễn Thị Sơn
14.10.2024