Hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước: Điểm tương đồng và khác biệt trong quy định pháp luật một số nước

Hối lộ là một trong những hành vi tham nhũng nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Hiện nay, nhóm tội phạm này đang ngày càng trở nên phức tạp khi lan rộng ra khu vực ngoài nhà nước, để lại những hệ quả tiêu cực, tác động xấu đến hoạt động của các tổ chức và doanh nghiệp. Việc nghiên cứu quy định về hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam và một số quốc gia nhằm đánh giá những điểm tương đồng và khác biệt trong quy định pháp luật mỗi nước, từ đó xác định những vấn đề cần nghiên cứu, cải thiện trong quy định của Việt Nam.
a1-1743387725.jpg

Ảnh minh họa

1. Quy định pháp luật về hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam

Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 của Việt Nam không định nghĩa khái niệm cụ thể về hối lộ hay liên quan đến hối lộ. Các hành vi liên quan đến hối lộ theo quy định pháp luật đều thuộc chương XXIII các tội phạm về chức vụ của BLHS 2015. Theo đó, khái niệm tội phạm chức vụ được quy định tại khoản 1 Điều 352 BLHS 2015 như sau: “Các tội phạm về chức vụ là hành vi xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức do người có chức vụ thực hiện khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Thông qua khái niệm này, có thể thấy:

- Khách thể của tội phạm về chức vụ là xâm phạm đến hoạt động đúng đắn và uy tín của cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà nước, cụ thể là làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính liêm chính, tính vô tư, công minh và hiệu quả hoạt động thực thi công vụ, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức, đồng thời xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của Nhà nước, của tổ chức hoặc quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Bên cạnh quy định về đối tượng là người có chức vụ thực hiện “công vụ”, quy định nêu trên còn mở rộng thêm đối tượng người thực hiện hành vi phạm tội là người có chức vụ thực hiện “nhiệm vụ”. Có nghĩa là quy định pháp luật hình sự đã mở rộng đối tượng phạm tội chức vụ nói chung và hành vi hối lộ nói riêng ra khỏi phạm vi công vụ. Mặt khác, theo quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS 2015 quy định: “Người có chức vụ là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện một nhiệm vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện công vụ, nhiệm vụ”. Quy định này đã khẳng định thêm cơ sở quy định của BLHS 2015 đã mở rộng phạm vi của tội phạm chức vụ nói chung sang khu vực ngoài nhà nước, trong đó bao gồm việc tội phạm hóa hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước.

Tội phạm liên quan đến hối lộ được quy định tại các Điều 354, 364, 365 của BLHS 2015 [1] tương ứng với ba hành vi chính gồm nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ cả trong khu vực nhà nước và ngoài khu vực nhà nước. Theo đó, tội phạm liên quan đến hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước được quy định như sau:

Về chủ thể của tội phạm: Căn cứ khoản 6 Điều 354, khoản 6 Điều 364, khoản 7 Điều 365 BLHS 2015 đã ghi nhận chủ thể của tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước là những người làm việc trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước. Trong đó (i) doanh nghiệp là các doanh nghiệp tư nhân không phải doanh nghiệp nhà nước. (ii) Khu vực ngoài nhà nước là khu vực của các chủ thể không trực tiếp vận hành quyền lực nhà nước và không trực tiếp sử dụng ngân sách nhà nước để tiến hành các hoạt động sản xuất hàng hóa và dịch vụ do tư nhân quyết định, nơi có sự xuất hiện và tồn tại của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có các hoạt động về kinh doanh, thương mại, tài chính... Các chủ thể của tội phạm hối lộ có thể là người điều hành, quản lý ở bất kỳ một vị trí nào hoặc cũng có thể là người lao động tuy không có chức vụ nhưng được doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước giao nhiệm vụ và chính nhiệm vụ được giao làm phát sinh quyền của họ.

Về mặt khách quan: Hành vi khách quan bao gồm nhận, đưa, môi giới hối lộ: 

(i) Nhận hối lộ là hành vi nhận bất kỳ lợi ích nào cho chính bản thân mình hoặc người, tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu; (ii) Đưa hối lộ là hành vi đưa bất kỳ lợi ích nào để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu; (iii) Môi giới hối lộ là hành vi làm trung gian giữa người đưa hối lộ và người nhận hối lộ nhằm đạt được sự thỏa thuận hoặc thực hiện thỏa thuận đưa và nhận hối lộ.

Về “lợi ích” của hối lộ: Theo quy định của BLHS thì “lợi ích” của hối lộ (Điều 354, 364 BLHS về nhận, đưa hối lộ) hay “của hối lộ” (Điều 365 BLHS về môi giới hối lộ) bao gồm cả lợi ích vật chất (tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác được trị giá bằng tiền) và lợi ích phi vật chất. Quy định này đã mở rộng hơn và có tính bao quát hơn, thích ứng với những hành vi hối lộ mới so với BLHS 1999 khi quy định tại Điều 279, 289 về “lợi ích” của hối lộ chỉ gồm tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác được trị giá bằng tiền.

Về mặt chủ quan: Chủ thể phạm tội liên quan đến hối lộ đều thực hiện tội phạm với hình thức lỗi cố ý trực tiếp. Động cơ, mục đích phạm tội là tư lợi, nhằm thu về cho mình hoặc gia đình mình các lợi ích không chính đáng.

a2-1743387733.jpg

Về hình phạt: Hình phạt đối với các tội phạm hối lộ ở Việt Nam tương đối cụ thể và nghiêm khắc, đặc biệt là chế tài đối với tội nhận hối lộ như sau:

Hình phạt đối với tội nhận hối lộ thấp nhất là bị phạt tù là 02 năm và cao nhất là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn bị áp dụng thêm hình phạt tiền, tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ trong thời hạn nhất định. Tuy nhiên người phạm tội có thể không phải chịu hình phạt tử hình về tội này nếu đã chủ động tự nguyện nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn [2].

Hình phạt chính đối với tội đưa hối lộ là hình phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 06 tháng và cao nhất là 20 năm. Người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền.

Hình phạt chính đối với tội môi giới hối lộ là phạt tiền hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù thấp nhất là 06 tháng và cao nhất là 15 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể phải chịu hình phạt bổ sung là phạt tiền.

2. Quy định pháp luật về hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước ở Trung Quốc

Trung Quốc là một trong những quốc gia có chính sách đấu tranh phòng, chống tội phạm về tham nhũng mạnh mẽ, kiên quyết và nghiêm khắc nhất thế giới. Trong đó có thể kể đến các chính sách, chiến dịch đã được chính quyền Trung Quốc thực hiện rất hiệu quả như “đả hổ, dẹp ruồi” (trong đó hổ là tham nhũng lớn, ruồi là tham nhũng vặt), “lưới trời”... Nhằm tăng cường cuộc chiến chống tham nhũng, Trung Quốc ngày càng siết chặt các quy định pháp luật về nhóm tội phạm này, trong đó đã tội phạm hóa hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước cụ thể tại Điều 163 và 164, Mục 3: Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý công ty, xí nghiệp của BLHS [3].

Về chủ thể của tội phạm: BLHS Trung Quốc ghi nhận chủ thể của tội nhận hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước là nhân viên của công ty, xí nghiệp hoặc tổ chức khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn (vị trí công tác) để đòi hoặc nhận tiền hoặc tài sản của người khác một cách bất hợp pháp để trục lợi cho họ. Như vậy chủ thể của nhóm tội này là bất cứ người nào hay bất cứ tổ chức nào đưa tài sản cho nhân viên của công ty hoặc xí nghiệp để được hưởng lợi bất chính. Bên cạnh đó, Điều 164 BLHS Trung Quốc quy định, tổ chức cũng là chủ thể của tội đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước nếu hành vi đưa hối lộ được thực hiện bởi người phụ trách trực tiếp hoặc người có trách nhiệm trực tiếp. Như vậy, ngoài chủ thể là cá nhân thì BLHS Trung Quốc còn quy định pháp nhân cũng là chủ thể của tội phạm hối lộ.

Về mặt khách quan: Hành vi khách quan bao gồm hành vi đưa và nhận hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước.

Hành vi nhận hối lộ bao gồm là hành vi đòi và hành vi nhận tiền hoặc tài sản của người khác một cách bất hợp pháp để làm lợi cho người đưa hối lộ.  Hành vi đưa hối lộ là hành vi của bất kỳ người nào hoặc tổ chức nào đưa tiền hoặc tài sản khác để được hưởng lợi bất chính. Có thể thấy rằng, BLHS Trung Quốc không miêu tả cụ thể hành vi đưa hối lộ bao gồm các dạng hành vi nào.

Về “lợi ích” của hối lộ: Đối tượng của các hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước bao gồm: tiền, tiền hoa hồng dưới bất kỳ hình thức nào và tài sản. Thêm vào đó theo văn bản “Hướng dẫn về một số vấn đề áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý các vụ án nhận hối lộ” và “Hướng dẫn về một số vấn đề áp dụng pháp luật trong quá trình xử lý các vụ án hối lộ thương mại” được Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc và Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc ban hành lần lượt vào tháng 7/2007 và tháng 8/2008 [4] đã giải thích mở rộng khái niệm “tài sản” trong tội nhận hối lộ và đưa hối lộ như sau: “tài sản” gồm những tài sản tồn tại dưới hình thức vật chất, những cổ phần (lợi ích) có được mà không cần bỏ tiền ra và các lợi ích mang tính tài sản khác có thể quy đổi ra tiền mặt như sửa sang nhà cửa, phí du lịch... đều có thể là “lợi ích” của hối lộ. Tuy nhiên, đối với “lợi ích” của hối lộ là loại phi tài sản thì không được đề cập đến trong hai văn bản này. Như vậy, hiện nay BLHS của Trung Quốc chỉ ghi nhận “lợi ích” của hối lộ là tiền, tiền hoa hồng, tài sản hoặc những lợi ích mang tính tài sản có thể trị giá được, những “lợi ích” này được sử dụng để hối lộ dưới bất kỳ hình thức nào, mà không ghi nhận về các “lợi ích” phi vật chất.

a3-1743387733.jpg

Ảnh minh họa (Nguồn: Shutterstock)

Về mặt chủ quan: BLHS Trung Quốc xác định dấu hiệu chủ quan của tội phạm về hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước là lỗi cố ý.

- Về hình phạt: Hình phạt đối với tội nhận hối lộ trong trường hợp cá nhân hoặc tổ chức (pháp nhân) nhận tài sản của người đưa hối lộ để trục lợi cho người đó với số lượng tiền liên quan tương đối lớn thì bị phạt tù không quá 03 năm hoặc phạt cải tạo không giam giữ đồng thời bị phạt tiền; nếu phạm tội với số lượng tiền liên quan rất lớn hoặc có bất kỳ tình tiết nghiêm trọng nào khác thì phạt tù từ 03 năm đến 10 năm và bị phạt tiền; Nếu số tiền liên quan đặc biệt lớn hoặc có bất kỳ tình tiết nghiêm trọng nào khác thì sẽ bị phạt tù từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân, đồng thời bị phạt tiền.

Còn hình phạt áp dụng đối với tội đưa hối lộ mà giá trị tài sản tương đối lớn thì bị phạt tù không quá 03 năm hoặc cải tạo không giam giữ, ngoài ra còn phải nộp tiền phạt; nếu phạm tội với số tiền rất lớn thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm và bị phạt tiền. Ngoài ra trong trường hợp đưa hối lộ nhưng đã tự thú trước khi bị truy tố thì có thể được giảm nhẹ hình phạt hoặc miễn hình phạt.

3. Quy định pháp luật về hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước ở Pháp

Tội phạm hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước được quy định tại Điều 445-1 và 445-2 thuộc chương V BLHS Pháp về Tham nhũng của người không thi hành chức vụ công [5]. Phạm vi của các Điều luật này chủ yếu liên quan đến trách nhiệm của người lao động đối với người sử dụng lao động, ngoài ra còn liên quan đến tiến trình hoạt động bình thường và công bằng trong các sự kiện thể thao, đua ngựa có cá cược. Như vậy vậy hành vi hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước bị xem là hành vi của những người vi phạm sự tín nhiệm của người lao động đối với người sử dụng lao động hoặc vi phạm sự tín nhiệm trong các sự kiện thể thao.

Về chủ thể: Chủ thể của tội phạm hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước được gọi là “người không thực hiện chức năng công”, tức chủ thể của tội phạm hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước là bất kỳ người nào thực hiện công việc ở nơi không có sự xuất hiện của quyền lực công. Trong đó người nhận hối lộ là (i) người nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc thực hiện công việc trong hoạt động mang tính chất nghề nghiệp hoặc mang tính xã hội; (ii) hoặc là những người tham gia sự kiện thể thao hoặc cuộc đua ngựa có cá cược. Như vậy, chủ thể của tội nhận hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước có thể là nhân viên hoặc người điều hành – những người thực hiện các công việc mang tính chất nghề nghiệp, xã hội hoặc vị trí quản lý nhất định ở khu vực ngoài nhà nước; hoặc những người tham gia sự kiện thể thao, đua ngựa có cá cược như vận động viên, trọng tài...

Ngoài các chủ thể là cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự (TNHS) về tội phạm hối lộ thì theo quy định tại Điều 445-4 của BLHS Pháp quy định pháp nhân cũng phải phải chịu TNHS về hành vi đưa hối lộ và nhận hội lộ được thực hiện bởi người đại diện của pháp nhân, nhân danh pháp nhân hay vì lợi ích của pháp nhân. Việc xác định TNHS của pháp nhân không loại trừ TNHS của các cá nhân thực hiện tội phạm hoặc đồng phạm về cùng hành vi.

Về mặt khách quan: Hành vi khách quan của tội đưa hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước là hành vi đưa ra lời đề nghị hối lộ, lời hứa hẹn, quà tặng, quà biếu hoặc bất kỳ lợi ích hối lộ nào, ở bất kỳ thời điểm nào để người nhận (i) thực hiện hoặc không thực hiện hoặc đã thực hiện hoặc đã không thực hiện một hành động hoặc tạo điều kiện thuận lợi trong phạm vi công việc hoặc chức vụ của họ; hoặc (ii) thực hiện hành động hoặc không hành động tác động thay đổi đến tiến trình bình thường và công bằng của sự kiện hoặc cuộc đua ngựa có cá cược.

Còn hành vi nhận hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước bao gồm: đòi hoặc nhận lời đề nghị hoặc lời hứa hẹn, quà tặng, quà biếu hoặc bất kỳ lợi ích hối lộ nào, vào bất kỳ thời điểm nào để (i) thực hiện hoặc đã thực hiện, để không thực hiện hoặc đã không thực hiện một hành động trong công việc hoặc chức vụ của họ hoặc tạo điều kiện trong phạm vi công việc hoặc chức vụ của họ; hoặc (ii) thực hiện hành động hoặc không hành động tác động thay đổi đến tiến trình bình thường và công bằng của sự kiện hoặc cuộc đua ngựa có cá cược.

Đồng thời, các hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ nêu trên chỉ cấu thành tội phạm nếu nhằm thúc đẩy người nhận hành động thực hiện hành vi “vi phạm nghĩa vụ pháp lý, vi phạm hợp đồng hoặc nghề nghiệp” của họ.

Về “lợi ích” dùng để hối lộ được định nghĩa là những lời đề nghị, lời hứa hẹn, những khoản ủng hộ, quà biếu, quà tặng và lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào. Như vậy, mặc dù không quy định trực tiếp nhưng BLHS pháp đã mở rộng các “lợi ích” dùng để hối lộ bao gồm cả lợi ích vật chất và lợi ích phi vật chất (lợi ích dưới bất kỳ hình thức nào). Ví dụ như: Tạo ra những điều kiện thuận lợi cho bản thân người nhận hối lộ hoặc người thân của họ, hối lộ bằng tặng thưởng, đề xuất tặng thưởng các danh hiệu, giải thưởng; thăng chức vụ trong tổ chức; cho đi du học, đi thi đấu, đi biểu diễn; hối lộ tình dục…

Về mặt chủ quan: BLHS của Pháp cũng quy định lỗi của các tội phạm về hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước đều là lỗi cố ý.

Về hình phạt: Hình phạt chính được áp dụng đối với hành vi đưa và nhận hối lộ với chủ thể nhận hối lộ là nhân viên hoặc người quản lý đó là phạt tù với mức phạt tối đa đến 05 năm và phạt tiền đến 500.000 euro, số tiền phạt có thể tăng gấp đôi số tiền phạm tội. Ngoài ra cá nhân, pháp nhân phạm tội còn bị áp dụng các hình phạt bổ sung như:

Đối với cá nhân: (i) Bị cấm một số quyền công dân, dân sự và gia đình; (ii) cấm không được thực hiện chức năng công cộng hoặc không được thực hiện hoạt động nghề nghiệp hoặc xã hội trong khi thực hiện hoặc nhân dịp thực hiện mà hành vi phạm tội đã được thực hiện, hoặc không được thực hiện nghề thương mại hoặc công nghiệp, không được chỉ đạo, quản lý, điều hành hoặc kiểm soát ở bất kỳ năng lực nào, trực tiếp hoặc gián tiếp, vì lợi ích của bản thân hoặc vì lợi ích của người khác, một doanh nghiệp thương mại hoặc công nghiệp hoặc một công ty thương mại; (iii) bị tịch thu tài sản được sử dụng hoặc có ý định sử dụng để phạm tội hoặc tài sản do phạm tội mà có; (iv) công khai bản án/quyết định được tuyên.

Đối với pháp nhân: (i) Trong thời hạn tối đa là 05 năm, pháp nhân có thể bị áp dụng các hình phạt như: Không được trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện một hoặc nhiều hoạt động nghề nghiệp hoặc xã hội trong quá trình thực hiện hoặc tại thời điểm mà hành vi phạm tội được thực hiện; Bị quản chế dưới sự giám sát của cơ quan tư pháp; Đóng cửa đối với hầu hết các cơ sở hoặc một hoặc nhiều cơ sở của công ty được sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội; Loại trừ khỏi các hợp đồng công cộng (bị cấm tham gia vào các hợp đồng với cơ quan nhà nước hoặc các hợp đồng công cộng khác); Cấm chào bán công khai chứng khoán tài chính hoặc cho phép chứng khoán tài chính của mình được giao dịch trên thị trường được quản lý; Cấm phát hành các loại séc khác ngoài các loại séc cho phép người phát hành rút tiền từ người thụ hưởng hoặc các loại séc được chứng thực hoặc sử dụng thẻ thanh toán; (ii) Tịch thu tài sản được sử dụng hoặc có ý định sử dụng để phạm tội hoặc tài sản do phạm tội mà có; (iii) công khai bản án/quyết định được tuyên; (iv) buộc phải tham gia vào chương trình tuân thủ dưới sự giám sát của Cơ quan chống tham nhũng Pháp (AFA).

4. Đánh giá quy định của Việt Nam với Pháp và Trung Quốc

* Sự tương đồng:

Cả ba quốc gia Việt Nam, Pháp và Trung Quốc đều là các quốc gia thành viên tham gia Công ước Liên Hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC). Do đó, cả 3 quốc gia này đều phải xây dựng các kế hoạch thực hiện các cam kết trong khuôn khổ và nâng cao mức độ tuân thủ các quy định của UNCAC.

Trong đó, các quốc gia cùng xác định tội phạm tham nhũng nói chung và hối lộ nói riêng đều xuất hiện trong cả khu vực trong nhà nước và khu vực ngoài nhà nước.

Việt Nam, Pháp và Trung Quốc đều xác định hối lộ là những hành vi phạm tội nghiêm trọng, do đó đều xây dựng hệ thống các quy định khá đầy đủ để xử lý đối với tội phạm hối lộ.

a4-1743387733.jpg

Ảnh minh họa

* Sự khác biệt:

Về hình thức quy định: Mỗi quốc gia đều có cách tiếp cận riêng về lập pháp, trong khi Pháp và Trung Quốc đều có sự phân chia rõ ràng, tách biệt trong quy định về tội phạm hối lộ giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, cụ thể: Tại Trung Quốc nhóm tội hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước được quy định tại mục 3 chương III Tội phạm phá hoại trật tự kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, còn nhóm tội hối lộ trong khu vực trong nhà nước được quy định từ Điều 385 – 393 Chương VIII Tội tham ô, hối lộ. Tại Pháp, nhóm tội hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước được quy định tại mục 1, Chương V về tham nhũng của người không thi hành chức vụ công, còn nhóm tội hối lộ trong khu vực nhà nước được quy định từ Điều 432-10 đến 432-14 tại mục 3 Chương II về các hành vi xâm phạm hoạt động quản lý nhà nước của người thi hành công vụ.

Ngược lại, quy định pháp luật của Việt Nam về tội phạm hối lộ lại tập trung nhiều vào khu vực nhà nước khi quy định nhóm tội phạm này nằm trong Chương XXIII các tội phạm về chức vụ, nằm cùng với các tội phạm trong khu vực nhà nước khác như lạm quyền trong khi thi hành công vụ ... Tội phạm hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước được quy định là một khoản trong điều luật chung về nhóm tội hối lộ.

Việc quy định tách rời quy định về tội hối lộ giữa khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước thể hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước là tăng cường coi trọng phòng chống tham nhũng nói chung và hối lộ nói riêng trong khu vực ngoài nhà nước. Xác định tính nguy hiểm, nghiêm trọng của hối lộ ngoài nhà nước như với hối lộ công vụ. Đồng thời điều chỉnh phù hợp, kịp thời những hành vi hối lộ riêng ở khu vực ngoài nhà nước.

Về chủ thể: Việt Nam hiện chỉ mới quy định về TNHS của cá nhân trong nhóm tội tham nhũng nói chung và hối lộ nói riêng mà chưa quy định về TNHS của pháp nhân. Trong khi đó, Trung Quốc và Pháp đều đã quy định TNHS của cả cá nhân và pháp nhân đối với tội phạm về hối lộ. Việc quy định TNHS đối với hai chủ thể là cá nhân và pháp nhân là yếu tố quan trọng để ngăn chặn các hành vi hối lộ, tránh việc bỏ lọt tội phạm, tằng cường tính răn đe. Ngoài ra việc quy định TNHS đối với pháp nhân sẽ tác động trực tiếp đến cơ cấu tổ chức và hoạt động của các tổ chức này, qua đó phải tự nâng cao trách nhiệm kiểm soát và ngăn ngừa hành vi hối lộ trong nội bộ các đơn vị, tổ chức. Hơn nữa việc mở rộng chủ thể của tội phạm cũng nhằm đáp ứng các chuẩn mực quy định quốc tế trong UNCAC của Liên Hợp quốc.

Về hình phạt:  Hình phạt về tội phạm hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước ở Việt Nam tương đối nghiêm khắc, khi vẫn đang quy định hình phạt chính cao nhất đối với tội nhận hối lộ là tử hình. Đối chiếu với Pháp và Trung Quốc thì các quốc gia này đã loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi các hình phạt đối với nhóm tội hối lộ trong khu vực ngoài nhà nước, mà chủ yếu sử dụng hình phạt tù có thời hạn và phạt tiền.

Thêm vào đó, ở Pháp và Trung Quốc có quy định rõ ràng về hình phạt đối với pháp nhân phạm tội về hối lộ. Còn tại Việt Nam vẫn chưa có các hình phạt tương xứng đối với pháp nhân phạm tội do xem xét TNHS về loại tội phạm này.

Nhìn chung, hình phạt đối với nhóm tội hối lộ ở khu vực ngoài nhà nước của Pháp được xem là nhẹ hơn nhiều so với Việt Nam và Trung Quốc vì chỉ quy định hình phạt tù có thời hạn thấp năm (tối đa là 05 năm) và chủ yếu đi kèm với các biện pháp khắc phục. Tuy nhiên, quy định về hình phạt của Việt Nam và Trung Quốc lại có tính cụ thể hơn khi xác định định lượng “lợi ích” hối lộ và những tình tiết khác để quyết định hình phạt cho phù hợp với tính chất, mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

Về hành vi khách quan: Hành vi khách quan được của tội phạm hối lộ ngoài nhà nước được BHLS Pháp mô tả một cách chi tiết, rõ ràng hơn so với cách thức mô tả của Việt Nam và Trung Quốc. Mặt khác, quy định về tội phạm hối lộ của Pháp còn được mở rộng cụ thể phạm vi tới các sự kiện thể thao hay cuộc đua ngựa có cá cược. Việc làm rõ các hành vi khách quan của tội phạm là yếu tố quan trọng để tăng cường tính minh bạch và đảm bảo hiệu quả thực thi của pháp luật, hạn chế ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường và hoạt động kinh doanh, tài chính.

Bên cạnh đó, BLHS của Pháp và Việt Nam có tính bao quát hơn trong việc xác định “lợi ích” của hối lộ so với quy định của Trung Quốc. Cụ thể, Việt Nam và Pháp đều xác định “lợi ích” của hối lộ bao gồm cả lợi ích vất chất và lợi ích phi vật chất. Nhưng tại Trung Quốc chỉ xác định “lợi ích” của hối lộ là các lợi ích vật chất mà chưa ghi nhận đến các lợi ích phi vật chất. Có thể thấy rằng việc quy định “lợi ích” của hối lộ gồm vật chất và phi vật chất giúp quy định của quốc gia tương thích và tiệm cận gần hơn với quy định của quốc tế. Đồng thời, thể hiện tính linh hoạt của quy định, giúp mở rộng phạm vi điều tra, truy tố tội phạm nhằm hạn chế việc bỏ lọt tội phạm. Tuy nhiên việc quy định “lợi ích” của hối lộ là phi vật chất cũng có điểm hạn chế là gây ra khó khăn cho cơ quan tiến hành tố tụng trong việc chứng minh các “lợi ích” của hối lộ có trên thực tế.

-------------------------------------

Tài liệu tham khảo

[1] Điều 354, 364, 365 của BLHS Việt Nam 2015;

[2] Điểm c khoản 3 Điều 40 BLHS Việt Nam 2015;

[3] Điều 163, 164 BLHS Trung Quốc;

[4] TS. Nhiếp Vũ Hiên, (2014), “Bàn về tội đưa hối lộ quan hệ tình dục vào luật hình sự Trung Quốc”, Tạp chí luật học số 5, tr.61.

[5] Điều 445-1 và 445-2 BLHS Pháp.

1. Bộ luật Hình sự của Việt Nam năm 2015;

2. Bộ luật Hình sự của Trung Quốc, http://en.npc.gov.cn.cdurl.cn/2020-12/26/c_921604_9.htm, https://www.pkulaw.com/en_law/3b70bb09d2971662bdfb.html, truy cập ngày 28/3/2025;

3. Bộ luật Hình sự của Pháp, https://www.legifrance.gouv.fr/codes/texte_lc/LEGITEXT000006070719/, truy cập ngày 28/3/2025;

4. Vũ Thị Huê, Tội phạm hóa các hành vi hối lộ trong khu vực tư - Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Luận văn thạc sĩ luật học, Đại học Luật Hà Nội, 2017.

5. Ngọc Minh, Trung Quốc siết chặt quy định chống hối lộ trong khu vực tư nhân, Báo điện tử Đại biểu nhân dân, https://daibieunhandan.vn/bai-1-trung-quoc-siet-chat-quy-dinh-chong-hoi-lo-trong-khu-vuc-tu-nhan-post363119.html, truy cập ngày 28/3/2025.

 Khổng Vũ Hà

Theo Phaply.net