Phiên họp của Đại hội đồng LHQ ngày 24/12. Ảnh: BNG
"Công ước Hà Nội" là văn kiện đầu tiên về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc sau 20 năm, mở ra một chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia với nhiều ý nghĩa quan trọng. Đây cũng là lần đầu tiên một địa danh Việt Nam được gắn với một điều ước đa phương toàn cầu liên quan đến lĩnh vực được cộng đồng quốc tế rất quan tâm, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử đối ngoại đa phương của Việt Nam và 47 năm quan hệ đối tác Việt Nam – Liên hợp quốc, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Sau lễ mở ký, các thành viên tham gia "Công ước Hà Nội" có thể tiếp tục ký tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ cho đến ngày 31/12/2026.
Nội dung Công ước
Theo TTXVN, Công ước LHQ về Tội phạm mạng ra đời trong bối cảnh gia tăng đáng báo động của tội phạm mạng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động ước tính đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỉ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỉ USD vào năm 2025, lớn hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Công ước gồm 9 Chương và 71 Điều là kết quả của gần 4 năm thương lượng liên tục và kéo dài (2021-2024) giữa các quốc gia thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với loại tội phạm nguy hiểm này.
Về nội dung của công ước, theo trang web chính thức của LHQ, Công ước LHQ về Tội phạm mạng thừa nhận các rủi ro đáng kể do việc lạm dụng công nghệ thông tin và truyền thông, vốn cho phép các hoạt động tội phạm diễn ra với quy mô, tốc độ và phạm vi chưa từng có.
Công ước nhấn mạnh những tác động tiêu cực mà các loại tội phạm này có thể gây ra đối với các quốc gia, doanh nghiệp, cũng như đời sống và phúc lợi của cá nhân và xã hội. Công ước tập trung bảo vệ khỏi các hành vi như khủng bố, buôn người, buôn lậu ma túy và tội phạm tài chính trực tuyến.
Công ước thừa nhận tác động ngày càng lớn của tội phạm mạng đối với các nạn nhân và ưu tiên công lý, đặc biệt đối với các nhóm dễ bị tổn thương. Đồng thời, văn bản đề cao sự cần thiết của hỗ trợ kỹ thuật, xây dựng năng lực và hợp tác giữa các quốc gia cùng các bên liên quan khác.
Công ước Hà Nội gồm 9 chương, 71 điều, là kết quả của gần 4 năm ( 2021 – 2024) thương lượng liên tục và kéo dài giữa các quốc gia thành viên nhằm xây dựng một khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện để đấu tranh với tội phạm trên không gian mạng.
Tội phạm mạng đang gây ra mối đe dọa ngày càng tăng đối với an ninh toàn cầu, nhắm vào cả cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ. Tội phạm mạng gia tăng cả về quy mô, mức độ phức tạp và phạm vi tác động đã gây thiệt hại cho kinh tế thế giới khoảng 8.000 tỷ USD trong năm 2023 và dự báo lên đến 10.500 tỷ vào năm 2025, lớn hơn GDP của hầu hết các nền kinh tế lớn nhất toàn cầu.
Công ước sẽ góp phần tạo khuôn khổ pháp lý bao trùm để đối phó tội phạm mạng, đáp ứng nhu cầu cấp bách về hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy pháp quyền trong không gian mạng.
Tạo khuôn khổ pháp lý đa phương toàn diện trong cuộc chiến chống tội phạm mạng toàn cầu
Công ước Hà Nội là văn kiện đầu tiên về tội phạm xuyên quốc gia được thông qua trong khuôn khổ Liên hợp quốc sau 20 năm, Công ước này đã mở ra một chương mới trong hợp tác giữa các quốc gia với nhiều ý nghĩa quan trọng.
Thứ nhất, Công ước tạo khuôn khổ pháp lý đầu tiên ở cấp độ toàn cầu cho không gian mạng, khẳng định yêu cầu phải có sự tham gia của tất cả các quốc gia trong phòng, chống tội phạm mạng, góp phần thu hẹp những khác biệt giữa pháp luật các nước, thiết lập cơ chế hợp tác chuyên trách 24/7, qua đó thúc đẩy hợp tác phòng chống tội phạm xuyên biên giới hiệu quả hơn, đồng thời tạo điều kiện cho nỗ lực chuyển đổi số của các quốc gia.
Thứ hai, thông qua tiến trình đàm phán dân chủ và bao trùm, Công ước không chỉ thể hiện quan điểm, lợi ích của các nước phát triển mà còn phản ánh quan điểm, lợi ích của cả các nước đang phát triển như chúng ta, vốn gặp bất lợi trong quản trị công nghệ toàn cầu. Công ước cũng bảo đảm sự cân bằng giữa quyền và nghĩa vụ của tất cả các quốc gia, thúc đẩy hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực vì lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.
Thứ ba, Công ước khẳng định vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong điều phối nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế để ứng phó với tội phạm mạng, một vấn đề đang gây nhức nhối hiện nay. Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược sâu sắc, quan điểm và cách tiếp cận về vấn đề tội phạm mạng khác nhau, việc thông qua Công ước bằng đồng thuận củng cố niềm tin vào vai trò của Liên hợp quốc và cách tiếp cận đa phương cũng như thể hiện thiện chí và mong muốn thúc đẩy hợp tác, đối thoại giữa các quốc gia đối với các vấn đề quốc tế. Sự ra đời của Công ước có thể trở thành hình mẫu cho các khuôn khổ quốc tế trong tương lai về công nghệ số như quản trị trí tuệ nhân tạo (AI).
Toàn cảnh phiên họp thông qua Công ước LHQ về Tội phạm mạng ngày 24-12. Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN
Ý nghĩa với mọi người dân trên toàn cầu
LHQ chỉ ra 5 lý do chính vì sao Công ước LHQ về Tội phạm mạng có ý nghĩa đối với mọi người dân trên toàn cầu, theo trang UN News.
Thứ nhất, đây là công cụ cần thiết trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng gia tăng. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2023 có tới 67,4% dân số thế giới sử dụng Internet và hơn 2/3 dân số toàn cầu dễ bị tội phạm mạng tấn công.
Tội phạm mạng khai thác hệ thống kỹ thuật số bằng phần mềm độc hại, mã độc tống tiền và tấn công mạng để đánh cắp tiền, dữ liệu, cùng các thông tin giá trị khác. Trong bối cảnh đó, Công ước mới sẽ giúp phản ứng nhanh hơn, phối hợp tốt hơn và hiệu quả hơn, từ đó bảo đảm an toàn cho cả thế giới số lẫn thế giới thực.
Thứ hai, Công ước giúp thúc đẩy hợp tác điều tra toàn cầu. Theo LHQ, việc điều tra tội phạm xuyên quốc gia đòi hỏi thu thập bằng chứng điện tử và việc này đặt ra những thách thức đặc biệt cho cơ quan thực thi pháp luật.
Một khó khăn lớn là tính phân tán của dữ liệu, mạng lưới và nhà cung cấp dịch vụ, khiến bằng chứng thường nằm rải rác ở nhiều quốc gia. Hơn nữa, bằng chứng điện tử thường cần được tiếp cận nhanh chóng để tránh bị sửa đổi hoặc xóa. Công ước tập trung xây dựng các khuôn khổ để truy cập và trao đổi bằng chứng điện tử, hỗ trợ quá trình điều tra và truy tố. Các quốc gia tham gia Công ước cũng sẽ được hưởng lợi từ một mạng lưới hợp tác 24/7 để tăng cường hỗ trợ quốc tế trong điều tra, truy tố, thu hồi tài sản từ tội phạm, hỗ trợ pháp lý song phương và dẫn độ.
Thứ ba là giúp bảo vệ trẻ em trên môi trường trực tuyến vì các nền tảng trực tuyến thường cho phép người dùng ẩn danh nên dễ bị những kẻ xấu lợi dụng để tiếp cận, lôi kéo hoặc gây hại cho trẻ em. Công ước này là hiệp ước toàn cầu đầu tiên đặc biệt xử lý vấn đề bạo lực tình dục trẻ em qua công nghệ thông tin. Công ước trang bị cho chính phủ các công cụ mạnh mẽ hơn để bảo vệ trẻ em và truy tố những kẻ vi phạm.
Thứ tư là hỗ trợ nạn nhân của tội phạm mạng. Trong đó, Công ước khuyến khích các quốc gia cung cấp cho nạn nhân các dịch vụ phục hồi, bồi thường thiệt hại, hoàn trả và xóa bỏ nội dung bất hợp pháp.
Cuối cùng là tăng cường phòng ngừa. Việc chỉ phản ứng sau khi tội phạm xảy ra là chưa đủ mà đòi hỏi các biện pháp chủ động ngăn chặn. Công ước kêu gọi các quốc gia phát triển chiến lược phòng ngừa toàn diện, bao gồm đào tạo cho cả khu vực công và tư nhân, các chương trình phục hồi và tái hòa nhập cho người phạm tội, cũng như hỗ trợ nạn nhân. Những biện pháp này nhằm giảm thiểu rủi ro và quản lý mối đe dọa hiệu quả, hướng tới một môi trường số an toàn hơn cho tất cả mọi người.
Công ước Hà Nội: Chiến thắng của chủ nghĩa đa phương!
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đánh giá “Công ước Hà Nội” về chống tội phạm mạng sẽ tạo nền tảng hợp tác quốc tế quan trọng nhằm đảo bảo quyền con người trên không gian mạng.
Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres. Ảnh: UN Photo/Mark Garten
"Công ước này là minh chứng cho thấy chủ nghĩa đa phương có thể thành công trong thời kỳ khó khăn và phản ánh ý chí chung của các quốc gia thành viên (LHQ) trong thúc đẩy hợp tác quốc tế để ngăn ngừa và chống lại tội phạm mạng", tuyên bố của Tổng thư ký LHQ Guterres nêu rõ.
Theo tuyên bố của Tổng thư ký LHQ Guterres, Công ước sẽ "tạo ra một nền tảng hợp tác quốc tế chưa từng có" trong việc trao đổi bằng chứng, bảo vệ các nạn nhân và phòng ngừa tội phạm mạng, đồng thời bảo vệ quyền con người trên không gian mạng.
"Tổng thư ký (Guterres) tin tưởng rằng, công ước mới sẽ thúc đẩy một không gian mạng an toàn và kêu gọi tất cả các quốc gia tham gia công ước, đồng thời thực hiện văn kiện này bằng cách hợp tác với các bên liên quan", phát ngôn viên Tremblay nhấn mạnh.
Mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung
Đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai lễ ký một Công ước của Liên hợp quốc, đánh dấu một mốc mới trong công tác hội nhập pháp lý quốc tế nói riêng và đối ngoại đa phương của Việt Nam nói chung. Sự kiện trọng đại này, theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn có thể được đánh giá trên ba khía cạnh.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Bộ Ngoại giao
Thứ nhất, việc Việt Nam chủ động đề xuất đăng cai Lễ ký một lần nữa khẳng định cam kết mạnh mẽ của Đảng và Nhà nước trong hợp tác quốc tế phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia, nâng cao nhận thức và năng lực phòng ngừa của người dân đối với tội phạm mạng, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, xây dựng môi trường kinh doanh ổn định, an toàn, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Thứ hai, việc này cũng khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là đề cao luật pháp quốc tế, chủ trương chủ động tham gia, đóng góp tích cực vào công việc chung của Liên hợp quốc để giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu, trong đó tội phạm luôn là mối đe dọa đối với an ninh, kinh tế và ổn định xã hội của các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Cuối cùng, với việc các thành viên Liên hợp quốc nhất trí lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức Lễ ký Công ước, từ nay địa danh Hà Nội sẽ gắn liền với một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết một trong những thách thức của thế kỷ XXI. Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện Công ước, góp phần định hình khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu vì một tương lai số an toàn, hợp tác và bao trùm trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để bứt phá trong kỷ nguyên mới.
"Với việc các thành viên Liên hợp quốc nhất trí lựa chọn Hà Nội là nơi tổ chức lễ ký công ước, từ nay địa danh Hà Nội sẽ gắn liền với một văn kiện pháp lý quốc tế quan trọng để giải quyết một trong những thách thức của thế kỷ 21", Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định.
Đây là cơ sở để Việt Nam tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình thực hiện công ước, góp phần định hình khuôn khổ quản trị không gian mạng toàn cầu vì một tương lai số an toàn, hợp tác và bao trùm trong thời gian tới. Điều này có ý nghĩa hết sức quan trọng khi nhiều nước, trong đó có Việt Nam, đang thúc đẩy chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn để bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Lê Phúc Anh
Theo PhapLy.net
Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).