Chính sách ưu đãi dành cho DN FDI và DN chế xuất có gì khác nhau?

(Pháp lý) – TP HCM đang xin cho Samsung chuyển sang doanh nghiệp (DN) chế xuất dù DN này đang là DN FDI được hưởng các ưu đãi kịch khung. Thông tin này gây chú ý dư luận. Xung quanh sự kiện này, nhiều độc giả muốn tìm hiểu theo qui định của pháp luật VN, DN chế xuất và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có gì khác biệt, những chính sách ưu đãi mà VN dành cho các DN này có gì khác nhau.
(Pháp lý) – TP HCM đang xin cho Samsung chuyển sang doanh nghiệp (DN) chế xuất dù DN này đang là DN FDI được hưởng các ưu đãi kịch khung. Thông tin này gây chú ý dư luận. Xung quanh sự kiện này, nhiều độc giả muốn tìm hiểu theo qui định của pháp luật VN, DN chế xuất và DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có gì khác biệt, những chính sách ưu đãi mà VN dành cho các DN này có gì khác nhau.
 
TP HCM xin cho Samsung chuyển sang doanh nghiệp chế xuất
 
UBND TP.HCM vừa kiến nghị Thủ tướng chấp thuận về chủ trương cho Cty TNHH điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC) chuyển đổi sang doanh nghiệp (DN) chế xuất theo hình thức DN chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu (XK) hoạt động trong Khu công nghệ cao. Điều kiện đưa ra là SEHC phải đạt tỷ lệ giá trị xuất khẩu (XK) từ 90% trở lên và phải có cam kết bằng văn bản.
 
Kiến nghị này được UBND TP.HCM lý giải nhằm hỗ trợ Samsung đầu tư sản xuất XK hiệu quả và hiệu suất cao hơn. Đồng thời tạo điều kiện để các DN phụ trợ trong chuỗi cung ứng Samsung cũng như những DN phụ trợ trên địa bàn thành phố đầu tư sản xuất kinh doanh có trọng tâm, đem lại giá trị thặng dư tốt hơn.
 
Theo UBND TP.HCM, việc này cũng thể hiện cam kết tạo môi trường đầu tư thuận lợi, ổn định, củng cố niềm tin của Tập đoàn Samsung. Ngoài ra, cũng định hướng Việt Nam sẽ là trọng tâm của hoạt động đầu tư sản xuất, XK của Tập đoàn Samsung cung cấp cho thị trường toàn cầu.
 
SEHC đang hoạt động tại Khu công nghệ cao, quận 9, TP HCM với ngành nghề sản xuất, lắp ráp các sản phẩm điện tử gia dụng gồm tivi thông minh, tivi LED và màn hình có độ phân giải cao…
 
Tại đây, SEHC thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển các sản phẩm ứng dụng kỹ thuật tiên tiến cho các nhà máy điện tử của Tập đoàn Samsung. Doanh nghiệp này cũng thành lập phòng thí nghiệm đo kiểm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông để đo kiểm các chỉ số của tivi theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 
(DN) chế xuất và DN FDI có gì giống và khác nhau
 
Xét về tư cách pháp lý doanh nghiệp ( DN) chế xuất và DN có vốn đầu tư nước ngoài đều là những DN thành lập trên lãnh thổ Việt Nam, phải tuân theo các qui định của pháp luật Việt Nam. Các vấn đề về ưu đãi thuế, các quy định pháp lý liên quan đến việc vận hành, hoạt động của 2 loại hình doanh nghiệp này phần lớn là như nhau. Tuy nhiên cũng có một số khác biệt.
 
Theo nghiên cứu của chúng tôi, 2 loại hình doanh nghiệp trên có một số khác biệt sau: Công ty có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo giấy chứng nhận đầu tư, khi thay đổi các nội dung liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì còn phải làm thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư; phải có văn bản của Sở Kế hoạch và Đầu tư chấp thuận về việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư.
 
“Điều 26. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp quy định: Nhà đầu tư thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế trong các trường hợp sau: Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài; Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên của tổ chức kinh tế.
 
Khác với doanh nghiệp FDI, Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện các dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu được thành lập và hoạt động theo quy định của Chính phủ về doanh nghiệp chế xuất. Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các doanh nghiệp chế xuất với các doanh nghiệp trong thị trường Việt Nam được coi là quan hệ xuất nhập khẩu và phải theo các quy định của pháp luật về xuất nhập khẩu.
 
Doanh nghiệp chế xuất được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với hàng hóa từ khu chế xuất xuất khẩu ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài nhập khẩu vào khu chế xuất, được hưởng các ưu đãi về thuế đối với trường hợp khuyến thích, đặc biệt khuyến khích đầu tư theo quy định của pháp luật Việt Nam.
 
Đối với doanh nghiệp chế xuất, các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư buộc phải đáp ứng những điều kiện nhất định trước khi thực hiện dự án đầu tư kinh doanh.
 
Theo như quy định của nhà nước, một doanh nghiệp chế xuất hiện nay là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất, hoặc doanh nghiệp xuất khẩu toàn bộ sản phẩm hoạt động trong khu công nghiệp và khu kinh tế. Doanh nghiệp chế xuất phải được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cổng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan.
 
Trong trường hợp doanh nghiệp có nhu cầu kinh doanh nội địa thì phải lập chi nhánh sản xuất nằm ngoài doanh nghiệp và khu chế xuất để kinh doanh riêng, không được kinh doanh chung dưới quyền của doanh nghiệp chế xuất. Trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh một phần nội địa và một phần xuất khẩu thì doanh nghiệp sẽ không đủ điều kiện để thành lập doanh nghiệp chế xuất.
 
Những ưu đãi dành cho Doanh nghiệp chế xuất
 
Theo điểm a khoản 1 và khoản 10 Điều 2 Nghị định 82/2018/NĐ-CP qui định: Doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm để xuất khẩu hoạt động trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Khu chế xuất là khu công nghiệp chuyên sản xuất hàng xuất khẩu, thực hiện dịch vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu và hoạt động xuất khẩu, được thành lập theo điều kiện, trình tự và thủ tục áp dụng đối với khu công nghiệp.
 
Điều 30 Nghị định 82/2018/NĐ-CP, quy định doanh nghiệp chế xuất được hưởng những ưu đãi riêng so với các doanh nghiệp khác trong khu công nghiệp, khu kinh tế như:
 
– Doanh nghiệp chế xuất được áp dụng quy định đối với khu vực hải quan riêng, khu phi thuế quan, trừ các quy định riêng áp dụng đối với khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu.
 
– Doanh nghiệp chế xuất được quy định trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc trong văn bản của cơ quan đăng ký đầu tư có thẩm quyền trong trường hợp không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
 
– Trong khu công nghiệp có thể có các phân khu công nghiệp dành cho các doanh nghiệp chế xuất. Doanh nghiệp chế xuất hoặc phân khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cảng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát, kiểm soát của cơ quan hải quan và các cơ quan chức năng có liên quan.
 
– Doanh nghiệp chế xuất được mua vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam để xây dựng công trình, phục vụ cho điều hành bộ máy văn phòng và sinh hoạt của cán bộ, công nhân làm việc tại doanh nghiệp.
 
Doanh nghiệp chế xuất, người bán hàng cho doanh nghiệp chế xuất được lựa chọn thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu đối với vật liệu xây dựng, văn phòng phẩm, lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng từ nội địa Việt Nam.
 
– Quan hệ trao đổi hàng hóa giữa các khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất với các khu vực khác trên lãnh thổ Việt Nam, không phải khu phi thuế quan, là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu trừ các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này và các trường hợp không làm thủ tục hải quan do Bộ Tài chính quy định.
 
– Doanh nghiệp chế xuất được bán vào thị trường nội địa tài sản thanh lý của doanh nghiệp và các hàng hóa theo quy định của pháp luật về đầu tư và thương mại. Tại thời điểm bán, thanh lý vào thị trường nội địa không áp dụng chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trừ trường hợp hàng hóa thuộc diện quản lý theo điều kiện, tiêu chuẩn, kiểm tra chuyên ngành chưa thực hiện khi nhập khẩu; hàng hóa quản lý bằng giấy phép thì phải được cơ quan cấp phép nhập khẩu đồng ý bằng văn bản.
 
– Cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất khi mang ngoại hối từ nội địa Việt Nam vào khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất và ngược lại không phải khai báo hải quan.
 
– Doanh nghiệp chế xuất khi được phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa tại Việt Nam phải mở sổ kế toán hạch toán riêng doanh thu, chi phí liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa tại Việt Nam và bố trí khu vực lưu giữ hàng hóa ngăn cách với khu vực lưu giữ hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp chế xuất hoặc thành lập chi nhánh riêng nằm ngoài doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất để thực hiện hoạt động này.
 
– Chi nhánh của doanh nghiệp chế xuất được áp dụng cơ chế đối với doanh nghiệp chế xuất quy định tại Điều này nếu đáp ứng được các điều kiện tại khoản 2 Điều này, được thành lập trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế và hạch toán phụ thuộc vào doanh nghiệp chế xuất.
 
Ngoài ra, Doanh nghiệp chế xuất được hưởng một số ưu đãi về thuế như sau:
 
Thứ nhất, ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp: Căn cứ theo quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư 78/2014/TT-BTC, Doanh nghiệp chế xuất được hưởng mức thuế suất 17% kể từ 01/01/2016, khi doanh nghiệp chế xuất thực hiện dự án đầu tư mới tại địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 218/2013/NĐ-CP, nay là Phụ lục II Nghị định 118/2014/NĐ-CP (Điều 66 Nghị định 118/2014/NĐ-CP). Và bản thân doanh nghiệp chế xuất cũng là một doanh nghiệp thuộc địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn theo quy định tại Mục 55 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP.
Đồng thời, doanh nghiệp chế xuất còn được miễn thuế 2 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 4 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới quy định tại khoản 4 Điều 19 Thông tư số 78/2014/TT-BTC như trên (Điều 6 Thông tư 151/2014/TT-BTC).
 
Thứ hai, ưu đãi tiền sử dụng đất: Doanh nghiệp chế xuất được miễn tiền thuê đất 7 năm (điểm b khoản 3 Điều 19 Nghị định 46/2014/NĐ-CP)
 
Thứ ba, ưu đãi thuế xuất khẩu – nhập khẩu:Căn cứ điểm c khoản 4 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016, Hàng hóa xuất khẩu từ khu phi thuế quan ra nước ngoài; hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan và chỉ sử dụng trong khu phi thuế quan; hàng hóa chuyển từ khu phi thuế quan này sang khu phi thuế quan khác thì không phải là đối tượng chịu thuế. Doanh nghiệp chế xuất nằm trong khu phi thuế quan, do đó sẽ không phải chịu thuế xuất khẩu, nhập khẩu trong các trường hợp trên.
 
Khác với những doanh nghiệp cung cấp và phân phối thì doanh nghiệp chế xuất là những doanh nghiệp chuyên về việc sản xuất hàng hóa để giúp cho dịch vụ phân phối hàng hóa có được một lượng hàng hóa xuất khẩu ra thị trường quốc tế. Đóng vai trò then chốt trong việc phát triển của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới.
 
Chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI
 
Thời gian qua, Việt Nam liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi về tài chính để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư nước ngoài. Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, chính sách nhằm thu hút, quản lý FDI tại Việt Nam.
 
Luật Đầu tư năm 2014 đã quy định 13 nhóm lĩnh vực và 3 loại địa bàn khuyến khích đầu tư và giao cho Chính phủ quy định cụ thể các lĩnh vực, địa bàn được hưởng chính sách ưu đãi thuế. Theo đó, mức độ ưu đãi về thuế cụ thể được quy định trong pháp luật thuế.
 
Các quy định về ưu đãi thu hút FDI được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật sau: Luật Đầu tư 2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) sửa đổi 2013, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu 2016, Nghị định số 118/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư; Nghị định số 123/2017/NĐ-CP sửa đổi một số điều quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Luật Sử dụng đất phi nông nghiệp 2010…
 
Thông thường, các DN tại Việt Nam được hưởng chính sách ưu đãi cả về thuế và tài chính. Các ưu đãi phổ biến đó là miễn hoặc giảm thuế; miễn giảm thuế nhập khẩu; miễn giảm thuế thu nhập DN; cho thuê đất với mức giá ưu đãi. Những tiêu chí quan trọng để xác định loại hình và quy mô ưu đãi bao gồm:
 
(i) Địa điểm đầu tư (Dự án diễn ra ở địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn hay đặc biệt khó khăn, một số khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao);
(ii) Lĩnh vực đầu tư (Đầu tư trong lĩnh vực và ngành nghề được hưởng ưu đãi đầu tư hoặc đặc biệt ưu đãi đầu tư).
(iii) Số lượng việc làm tạo ra (Dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên);
(iv) Ưu đãi theo tổng mức đầu tư (Đầu tư vào các dự án sản xuất lớn với tổng vốn đầu tư từ 6 nghìn tỷ đồng trở lên và đáp ứng một số điều kiện khác).
 
Luật Thuế TNDN và các văn bản hướng dẫn quy định cụ thể các mức ưu đãi miễn thuế, giảm thuế thống nhất chung cho tất cả các loại hình DN; bãi bỏ các quy định về thuế TNDN bổ sung; bãi bỏ quy định về thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Việc cắt giảm thuế quan hàng năm theo các cam kết khu vực và quốc tế đối với các nguyên vật liệu thô cũng giúp cho các DN, trong đó có DN FDI cắt giảm đáng kể một phần chi phí đầu vào, nâng cao sức cạnh tranh về giá cho sản phẩm.
 
Ngoài ra, những ưu đãi đối với doanh nghiệp FDI thông qua chính sách và cơ hội tiếp cận, sử dụng đất đai và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động sử dụng đất đai phù hợp.
 
Thành Chung (T/h)   https://phaply.net.vn/