Để ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam phát triển thành một ngành “mũi nhọn” trong Công nghiệp văn hóa, trước hết cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển cho lĩnh vực
Việt Nam cũng đang có chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Định hướng văn hoá không phải là ngành “tiêu tiền” đến khai thác tối đa yếu tố kinh tế là một tầm nhìn đúng đắn. Nhưng Công nghiệp văn hoá không chỉ đơn giản là lợi nhuận mà nó còn là câu chuyện về bản sắc Việt Nam, đảm bảo các giá trị di sản, quảng bá hình ảnh đất nước, con người trong quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế.
Trong 12 ngành Công nghiệp văn hoá trọng tâm, trọng điểm bao gồm Quảng cáo, Kiến trúc, Phần mềm và Trò chơi giải trí, Thủ công mỹ nghệ, Thiết kế, Điện ảnh, Xuất bản, Thời trang, Nghệ thuật biểu diễn, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, Du lịch văn hoá. Định hướng phát triển của các ngành đều có sự gắn kết và cùng thúc đẩy lẫn nhau.
Nếu nhìn sang một số nước láng giềng châu Á, chúng ta có thể nhìn thấy một số đất nước đang thành công trong việc xây dựng quyền lực mềm từ phát triển Công nghiệp văn hoá. Nhật Bản thành công ngành xuất bản, trong đó mũi nhọn là truyện tranh (manga) và các sản phẩm “phái sinh” như quà lưu niệm, phim hoạt hình (anime), trò chơi điện tử (game) mỗi năm có doanh thu trung bình 2 tỷ USD. Hàn Quốc nổi lên là đất nước có ngành công nghiệp giải trí và biểu diễn thành công, với phim truyền hình, nhạc đại chúng (Kpop); hay Hồng Kông (Trung Quốc) cũng có doanh thu lớn từ các dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo...
Việt Nam không chỉ chậm hơn về mặt thời điểm và tốc độ về Công nghiệp văn hoá với một số ngành trọng điểm như Xuất bản, Công nghiệp biểu diễn, Điện ảnh, Trò chơi điện tử… so với Nhật, Hàn, Trung Quốc nhưng tiềm năng của chúng ta là rất lớn. Trong khi đó một số ngành lại có đầy đủ bản sắc và hấp dẫn quốc tế như Thủ công mỹ nghệ, mở ra các tiếp cận và phát triển mới. Câu chuyện nhỏ về thủ công mỹ nghệ sau đây có thể là một hướng tiếp cận đầy tiềm năng trong quá trình đẩy mạnh Công nghiệp văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc.
Tiếng nói địa phương có thể chạm toàn cầu
Làng Củi lũ là không gian tập hợp 15 nghệ nhân có tay nghề của làng mộc Kim Bồng (Hội An), được thành lập cách đây không lâu nhưng đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước. Sở dĩ có cái tên “Củi lũ” là bởi những sản phẩm thủ công tại đây đều được tạo tác bằng hình thức tái chế những thanh củi, gỗ trôi dạt sau mỗi trận lũ. Mang đến cho những thanh gỗ vô tri, tưởng như không thể sử dụng được nữa một hình hài mới, gắn kết với câu chuyện nghệ thuật tái chế. Những sản phẩm của làng Củi lũ đã đến với nhiều hội chợ hàng thủ công mỹ nghệ trong nước và nước ngoài.
Chủ nhân của làng Củi lũ là anh Lê Ngọc Thuận, một người gắn bó với ngành du lịch Hội An và mới rẽ ngang sang điêu khắc. Đi sâu khai thác những chất liệu văn hóa địa phương và hơi thở đời sống đương đại, những tác phẩm của làng Củi lũ vừa được giới thiệu tại nơi chế tác, vừa được tập hợp trong không gian “bảo tàng” Củi lũ, mang đến cho du khách hành trình trải nghiệm nghề truyền thống và cảm nhận sự hồi sinh nhờ nghệ thuật. Có thể nói, cùng với làng nghề Kim Bồng tồn tại hơn 600 năm ở Hội An, làng Củi lũ tuy còn nhỏ về quy mô nhưng đã mang đến một tiếng nói mới, hướng đi mới để phát triển nghề thủ công truyền thống, trong đó đề cao sự sáng tạo của người thợ, dám tạo tác những hình khối, họa tiết mới trong một câu chuyện cụ thể từ đời sống.
Anh Lê Ngọc Thuận, người sáng lập Không gian nghệ thuật Củi lũ cho biết: “Chúng tôi đang đề xuất xây dựng không gian Chợ Nghệ thuật hàng thủ công tại Hội An. Nơi đó chỉ có hàng thủ công được cấp chứng chỉ OCOP và được làng nghề công nhận mới được bán trong không gian đó. Muốn làm được như vậy thì các làng nghề phải cập nhật, thay đổi.” Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thành phố Hội An chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trên lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian.
Cũng là một làng nghề có tuổi đời hàng trăm năm, từng trải qua nhiều thăng trầm, có lúc người ta nghĩ về Bát Tràng (Hà Nội) với những sản phẩm gốm gia dụng, mẫu mã quen thuộc, tưởng chừng rơi vào tình trạng quay quắt, lao đao. Ấy vậy mà, sự sáng tạo, tìm tòi, quyết tâm gìn giữ nghề cổ cha ông đã mang đến không khí lao động, sản xuất mới cho nơi này, với đa dạng sản phẩm: đồ trang trí, tranh tường, gốm thủ công độc bản, đồ chơi lắp ghép bằng gốm… đa dạng, phong phú để phục vụ cuộc sống. Trong số đó, Trung tâm ngàn năm gốm Việt không chỉ là đơn vị sáng tạo và chế tác mà còn là nơi hội tụ các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân, nghệ sĩ, với 3 dòng sản phẩm chính: quà tặng văn hóa - mang câu chuyện văn hóa lồng ghép trong sản phẩm, phục vụ cho công tác đối nội, đối ngoại; ứng dụng những sản phẩm lấy cảm hứng từ gốm hoa nâu để trang trí trong nhiều không gian, cho thuê thay vì phải mua với giá cao; sắp đặt, trang trí gốm trong các không gian đương đại với hơi thở truyền thống, đồng thời lan tỏa, tạo ra xu hướng thưởng thức văn hóa.
Anh Nguyễn Trung Thành, CEO Trung tâm ngàn năm gốm Việt, Phó Chủ tịch Trung tâm tinh hoa làng nghề Việt cho biết: “Chúng tôi đang phát triển mô hình dịch vụ mới, đưa ứng dụng về gốm của Ngàn năm gốm Việt vào không gian du lịch, di sản và du lịch trải nghiệm. Chúng tôi cũng kết hợp với nghệ thuật điêu khắc ánh sáng kể câu chuyện về hành trình gốm Việt suốt 4.000 năm và đang lấn sân vào lĩnh vực thiết kế, sắp đặt lại các phòng truyền thống, bảo tàng, ví dụ tại Bảo tàng Quốc hội để phục vụ sự kiện 80 năm Quốc hội Việt Nam.”
Hệ sinh thái bền chặt, tương tác, giúp đỡ nhau trong sáng tạo
Hai câu chuyện về điêu khắc gỗ và phát huy tinh hoa nghề gốm đều cho thấy những con người của ngày hôm nay đang tiếp tục kể câu chuyện từ truyền thống theo cách đương đại, có sự hỗ trợ của công nghệ, tạo nên những cách tiếp cận mới, câu chuyện mới. Theo GS.TS Từ Thị Loan - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam: bên cạnh những sản phẩm làm nên thương hiệu của làng nghề, mang dấu ấn truyền thống thì bây giờ đòi hỏi các nghệ nhân, các nhà thiết kế phải đưa thêm những mẫu mã sản phẩm, những mô típ, chủ đề mới, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu công chúng, mới có thể bán ra với giá trị cao, xuất khẩu ra nước ngoài.
Để tạo sinh kế lâu dài cho làng nghề, cần có sự liên kết để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, tạo việc làm cho người dân địa phương, xây dựng không gian trưng bày, kết nối du lịch… Anh Lê Ngọc Thuận, người tạo nên Không gian nghệ thuật Củi lũ, Chủ tịch Quỹ đổi mới sáng tạo TP Hội An chia sẻ: “Với nghề mộc, từ câu chuyện gỗ lũ trôi dạt từ thượng nguồn xuống hạ lưu, để phát triển du lịch gắn với làng nghề cần kết nối câu chuyện từ hạ lưu lên vùng núi, dọc hai bên sông Thu Bồn, từ đó nâng cao mức sống của người dân. Muốn như vậy phải đào tạo, cho họ công ăn việc làm, để nếu sau này về lại quê nhà, họ có thể trở thành những người kết nối, là “cánh tay nối dài” giúp mình gia công, hỗ trợ về nguyên liệu.”
Hà Nội là nơi hội tụ 1.350 làng nghề và làng có nghề, chiếm 1/3 làng nghề trên cả nước, trong đó có nhiều làng nghề nổi tiếng như: lụa Vạn Phúc (Hà Đông), gốm sứ Bát Tràng (Gia Lâm), mây tre đan Phú Vinh (Chương Mỹ), thêu Quất Động, sơn mài Hạ Thái (Thường Tín)… So với các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hà Nội là địa phương đưa ra chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa sớm nhất, với Nghị quyết 09 về phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chiến lược phát triển văn hóa của thủ đô rất coi trọng phát triển ngành thủ công mỹ nghệ và coi đó là một trong 6 ngành mũi nhọn của Công nghiệp văn hóa. TS Mai Thị Hạnh, Phó Trưởng khoa Công nghiệp văn hóa và Di sản, Trường Khoa học liên ngành và nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Hà Nội có lực lượng nghệ nhân ở các làng nghề rất đông đảo, tài hoa. Bản chất của Công nghiệp văn hóa, một mặt dựa trên chất liệu văn hóa, nhưng chủ thể sáng tạo vô cùng quan trọng, tạo nên hồn cốt của sản phẩm đó. Đội ngũ tài hoa, thành thạo về nghề sẽ giúp cho Hà Nội xây dựng sản phẩm có giá trị kinh tế. Bên cạnh đó, Hà Nội đang tập hợp cộng đồng trẻ năng động, nhiệt huyết, có thể sáng tạo trên chất liệu truyền thống, tạo nên nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, đáp ứng nhu cầu trong nước và tạo ra các mặt hàng xuất khẩu có giá trị. Một điều kiện thuận lợi nữa cho sự phát triển nghề thủ công mỹ nghệ khi Hà Nội là thị trường tiêu thụ, “còn nhiều đất để khai mở”, với nhu cầu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm làm quà tặng, trang trí nhà cửa, nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…
Cũng phải kể đến một yếu tố cộng hưởng khi Hà Nội là nơi đang phát triển nhiều ngành công nghiệp văn hóa khác nhau. Điều đó sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện cho thủ công mỹ nghệ phát triển, ví dụ quảng cáo, điện ảnh, âm nhạc, các ngành thiết kế… có thể trở thành không gian quảng bá sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Như vậy, để phát triển bất cứ ngành Công nghiệp văn hóa nào, không riêng thủ công mỹ nghệ thì việc tạo ra hệ sinh thái bền chặt, có sự tương tác, giúp đỡ nhau trong môi trường sáng tạo và kinh doanh lành mạnh là vô cùng cần thiết.
Để ngành thủ công mỹ nghệ của Việt Nam phát triển thành một ngành “mũi nhọn” trong Công nghiệp văn hóa, trước hết cần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển cho lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cần một tầm nhìn bao quát về tiềm năng, ưu điểm, hạn chế của mỗi ngành nghề, lĩnh vực, từ đó đưa ra cách thức bảo tồn và phát huy cụ thể, cho từng làng nghề, từng lĩnh vực, cho từng khu vực và giao cho những con người cụ thể, không nên đồng loạt hay chạy theo phong trào. Trong đó, sự sáng tạo cá nhân cần được ưu tiên, bảo hộ.
Nghệ nhân làng Củi lũ - Hội An. Ảnh NVCC |