50 Năm một nền văn nghệ mới

Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ 1945 đã xác định: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công việc xây dựng nước nhà”...

Lịch sử văn học nghệ thuật, giáo trình giảng dạy trong nhà trường các cấp cần được viết lại để có một bức tranh đầy đủ, công bằng hơn về những đóng góp vào văn hóa, văn học nghệ thuật của nhiều thế hệ.

Nhìn lại lịch sử mười thế kỷ độc lập, sau ngàn năm Bắc thuộc, chế độ phong kiến Việt Nam trải qua 10 triều đại, nhưng năm tồn tại của quá nửa các triều đại chỉ là hai con số, lẫy lừng như Ngô, Đinh, tiền Lê, nhà Hồ, Tây Sơn không quá 30 năm (Trịnh - Nguyễn phân tranh, chia đôi đất nước 150 năm không được tính là triều đại, vì đều tôn vua Lê) để thấy 80 năm của chế độ mới, 50 năm đất nước độc lập và thống nhất là những đại lượng thời gian rất đáng trân trọng. Trong nửa thế kỷ thống nhất, có 10 năm đất nước còn trải qua hai cuộc chiến lớn ở biên giới phía Tây Nam và Bắc, các hải đảo, nhưng việc xây dựng hòa bình vẫn được duy trì liên tục. Cơ đồ và vị thế đất nước hôm nay là điều ai cũng nhìn thấy. Chắc chắn, chưa bao giờ trong lịch sử mấy ngàn năm, hầu hết bị bao vây, cô lập, bế quan tỏa cảng, bộ mặt nước ta đổi mới rõ và nhanh như thế. Chạnh nhớ câu thuyết minh của nhà báo Thép Mới viết trong phim Cây tre Việt Nam: “Nhưng hòa bình ngày nay không chỉ làm sống lại những cảnh thanh bình muôn thuở ấy”. Một nước Việt Nam hiện đại, hòa nhập với thế giới, làm bạn với cả trăm nước lớn nhỏ, không phân biệt chế độ chính trị mỗi nước. Cái làm nên rõ nét nhất chưa phải là nền kinh tế hàng đầu, bộ máy điều hành tiên tiến, các vấn đề xã hội mẫu mực… mà là một nền VĂN HÓA ĐẬM ĐÀ BẢN SẮC.

Nhưng đây cũng là vấn đề còn cần được đầu tư nhiều TRÍ và LỰC hơn nữa trong quá trình phát triển, để giữ được vị trí SOI ĐƯỜNG CHO QUỐC DÂN ĐI (lời Chủ tịch Hồ Chí Minh). Trong lịch sử hiện đại, khi khoa học - kỹ thuật phát triển siêu tốc, loài người đang nhận thức lại nhiều điều, mà một thời kiêu ngạo ngây thơ ngỡ mình đã nắm chắc chân lý, lấy con người làm trung tâm (ở ta có khẩu hiệu: Thay trời, đổi đất, sắp đặt lại giang sơn. Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa), đã dần biết tôn trọng sự phát triển của thế giới tự nhiên, của hệ sinh thái có tự ngàn đời. Họ tìm kiếm con đường mới để con người và tự nhiên quay trở lại cùng tham gia tạo dựng một thế giới hài hòa, tốt đẹp hơn, tìm kiếm cơ sở luận lý mới, nơi con người sử dụng văn hóa làm hình thành một thế giới quan bao dung hơn (đến sinh vật hoang dã cũng được bảo tồn, cấm săn bắt…). Trên cơ sở định vị lại vị trí con người trên trái đất, phải tính toán lại những lý thuyết cực đoan mang tính thực dụng, thiển cận, không chỉ đối với tự nhiên, mà cả trong xã hội loài người. Những năm gần đây, loài người đã tận mắt thấy sự báo thù ghê gớm của tự nhiên khi con người liều lĩnh phá hoại môi trường đại tự nhiên. Biến đổi khí hậu, các dạng thay đổi của thời tiết cực đoan đe dọa hủy diệt những cộng đồng lớn, nhắc mọi quốc gia phải tính toán lại mọi quyết sách.

Về phương diện tinh thần, văn hóa, trong đó có đạo đức - lối sống, văn học nghệ thuật cũng phải được coi là một hệ sinh thái có tính chất độc lập và bền vững hơn mọi thể chế chính trị - xã hội. Ra đời cùng với sự hình thành xã hội loài người, mỗi chế độ, thể chế, triều đại đều sử dụng văn hóa, trong đó có văn học - nghệ thuật, như một công cụ, với những định vị nội hàm nhất định. Nền văn hóa, văn nghệ mới ở nước ta ra đời và hình thành, phát triển trong tiến trình cách mạng và kháng chiến, một bộ phận được huy động vào các đoàn thể, tổ chức với định hướng rất rõ ràng: “Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Dưới sự chỉ đạo ấy, chỉ trong vòng 30 năm, một nền văn nghệ mới đã ra đời, hình thành, và phát triển vượt bậc, với rất nhiều tác phẩm, nhiều tác phẩm xuất sắc, và hình thành một đội ngũ đông đảo các nghệ sĩ - chiến sĩ, rất nhiều tài năng nổi trội, tác phẩm của họ không chỉ góp phần xuất sắc động viên quân dân ta trong suốt những năm tháng chiến tranh, mà nhiều tác phẩm vẫn chiếm một không gian được trân trọng trong đời sống tinh thần của người Việt - mà không chỉ người Việt - hôm nay. Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều hình thức đánh giá và tôn vinh những tác phẩm và tác giả xuất sắc đã làm nên gương mặt chính của nền văn học - nghệ thuật cách mạng.

Nét mới của nửa thế kỷ đất nước bước ra khỏi chiến tranh, trong những cuộc kháng chiến và cách mạng buộc phải tiêu diệt đối phương, để không bị đối phương tiêu diệt, lựa chọn dứt khoát giữa thắng/ thua, sống/ chết, đúng/ sai, ta/ địch, trung thành/ phản bội… Chiến thắng đã tạo điều kiện cho chúng ta lựa chọn sự hòa hợp, hòa giải: Chút rượu hồng đây xin rưới xuống/ Giải oan cho cuộc biển dâu này (Tô Thùy Yên). Thực hiện ý tưởng này trong thực tiễn không hề giản đơn, bởi tư duy chiến tranh ăn sâu thành tiềm thức tự nhiên của đại bộ phận người dân từng nhiều năm thuộc về hai chiến tuyến, dù vốn xuất thân trong một gia đình. Trong nhiều Văn kiện, Nghị quyết không ghi thời gian hết hiệu lực. Nhưng trong hoạt động văn hóa, văn học nghệ thuật, lại thấy rõ nhất thành tựu của tiến trình trở lại THỜI HÒA BÌNH TRÊN CẢ NƯỚC. Với thế giới quan BAO DUNG hơn, hệ sinh thái văn hóa đã được mở rộng, công nhận những giá trị nguyên sinh, nằm ngoài vùng trung tâm của dòng văn nghệ công cụ - văn nghệ cách mạng (“Văn dĩ tải đạo”, “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”, “Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ”, “Nay ở trong thơ nên có thép, nhà thơ cũng phải biết xung phong”…). Nhờ thế, hệ sinh thái văn hóa nước ta trên đường hòa nhập vào quỹ đạo chung của văn hóa nhân loại văn minh. Cùng với việc mở cửa, mở lòng tiếp nhận những giá trị khác nhau của quốc tế, trong nội bộ đất nước, nhiều giá trị một thời bị coi rẻ, vùi dập, thậm chí cấm kỵ cả trong đời sống, trong luật pháp, được cấp quyền tồn tại. Nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật trước Cách mạng tháng 8-1945, trong lòng Hà Nội thời Pháp tạm chiếm, ở miền Nam thời Việt Nam Cộng hòa, nhiều tác phẩm từng bị cấm lưu hành ở miền Bắc, sáng tác của người Việt ở nước ngoài, nhiều loại hình thuộc văn hóa dân gian, văn hóa tâm linh… được khôi phục, thậm chí phát triển. Chúng ta đã bảo tồn tài sản đa dạng của các hệ sinh thái văn hóa của các dân tộc trong cộng đồng. Nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế tư nhân, dần chiếm một thị phần lấn át kinh tế tập thể, quốc doanh (mà số bị thua lỗ xem ra khá phổ biến). Trong lĩnh vực văn hóa, cũng có tình trạng tương tự. Tác phẩm VHNT vốn là của cá nhân, nhưng khi đưa vào cuộc sống, một thời nằm hoàn toàn trong các tổ chức thuộc quyền Nhà nước do Đảng lãnh đạo. Sự đổi mới của chính sách, và luật pháp, cộng với sự phát triển của thời đại kỹ thuật số, đã cho phép ra đời của những tổ hợp tư nhân trong lĩnh vực văn hóa văn nghệ, các đơn vị nghệ thuật ca, múa, kịch, các nhà sách, các hãng phim tư nhân, các công ty truyền thông đa phương tiện. Các mạng xã hội cũng là nền tảng kỹ thuật cho nhiều cá nhân và tổ hợp công bố tác phẩm thuộc nhiều loại hình. Nhân lực trẻ, hầu hết được đào tạo cơ bản, bộ máy tổ chức gọn nhẹ là những lợi thế cạnh tranh. Các cơ quan truyền thông của Nhà nước Trung ương và địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội, sau những năm phát triển, nhờ sự độc quyền cả trong nội dung chương trình cũng như quảng cáo cho các doanh nghiệp, đang ngày càng bị cạnh tranh bởi mạng xã hội, và nền kinh tế còn nhiều khó khăn. Ở không ít địa phương và đoàn thể báo và tạp chí phải ngưng phát hành vì hoặc thiếu nhân sự phụ trách đủ tiêu chuẩn hoặc cạn nguồn kinh phí. Màn hình TV, các nhà hát, các rạp chiếu phim hiện đại đang mất dần vị trí khi điện thoại thông minh trở thành nơi tích hợp thông tin làm thỏa mãn mọi nhu cầu tinh thần của đại bộ phận dân chúng, không chỉ lớp trẻ. Thiếu nhân lực (và cả tài lực) sản xuất các chương trình lấp đầy cái dạ dày không đáy của thời lượng và các kênh đã đăng ký, hầu hết các đài đều thành nơi chuyển tải các chương trình chất lượng rất có hạn của các tổ hợp tư nhân, và nhiều hơn là của nước ngoài, mà không phải nơi đâu cũng có tác phẩm chất lượng tốt. Ở một số đài thời lượng này lấn lướt, tạo cơ hội cho một cuộc xâm lăng văn hóa không rào cản. Một điều vô lý nữa, là nhân danh Nhà nước, họ cho phép mình được trả giá thù lao thấp hơn giá thị trường rất nhiều lần, một di sản của tư duy thời bao cấp. Quy luật sơ đẳng của kinh tế thị trường là việc gì sinh lợi nhiều hơn người ta sẽ lao vào ngành đó. Sự sang chảnh lạc hậu này làm cho tài năng và chất xám sáng tạo ngày càng tránh xa những tổ hợp nhân danh quốc doanh. Có thể tìm thấy hiện tượng này qua số tiền tác quyền mà VCPMC - Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, do nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng lập, hằng năm thu cho các tác giả. Số thu cao nhất là tiền tỉ có lẽ thuộc về mấy nhạc sĩ chuyên viết bolero, đa số ở miền Nam trước đây. Trong khi các nhạc sĩ thuộc dòng nhạc chính thống, mà tác phẩm thường xuyên có mặt trong các kênh Nhà nước, không nhiều người đạt được hai con số tiền triệu. Tất nhiên nguồn thu là từ người thưởng thức nhạc phẩm. Nhưng con số này còn giúp ta nghĩ đến nhiều vấn đề thiết yếu khác, khi Nhà nước muốn khuyến khích, cổ vũ và cần loại tác phẩm văn học nghệ thuật nào.

Hệ sinh thái văn hóa thời bình được mở rộng cho mọi tìm tòi sáng tạo đáp ứng nhu cầu giải trí ngày càng đa dạng, có sự phân hóa trên một dải băng rộng của các giai tầng, các lớp tuổi trong xã hội. Công nghệ mới giúp phát triển vô biên của tưởng tượng trong sáng tạo các loại hình tác phẩm. Cái nào được công chúng đông đảo quan tâm thì sống, thậm chí sống tốt nếu thị trường chấp nhận. Dân số đạt 100 triệu là một thị trường lý tưởng cho mọi sáng tạo văn học nghệ thuật. Trước khi mơ tới những đỉnh cao giải thưởng này nọ của quốc tế, hãy tìm cách chiếm lĩnh tình yêu, sự quan tâm của công chúng vốn vẫn dành nhiều thiện cảm cho những gì mà họ đang thiếu, đang cần. Sách Nguyễn Nhật Ánh, và vài tác giả khác mỗi lần phát hành hàng trăm ngàn bản, mấy bộ phim của Trấn Thành thu hàng 400-500 tỉ, mấy ca sĩ mỗi lần tổ chức show có cả mấy vạn người xem… là những người đã đạt được giấc mơ làm văn học nghệ thuật nhiều thời. Chỉ tiếc là số đó còn quá hiếm. Quyên góp cho nạn nhân cơn bão Yagi vừa qua, mấy trăm nhà văn hội viên và cả bạn bè gộp lại không bằng Ca sĩ Sơn Tùng M-TP.

Trong thế giới tự nhiên, nước ta hiện chỉ còn 0,25% rừng tự nhiên (một sự tàn phá khủng khiếp của 50 năm qua), còn lại là rừng phòng hộ tự nhiên 4,64 tr ha (có một phần rừng trồng). Rừng đặc dụng chia ra: vườn quốc gia 33; khu bảo tồn thiên nhiên 57; khu bảo tồn loài, sinh cảnh 14; khu bảo vệ cảnh quan 54; khu thực nghiệm khoa học 9. Mỗi loại rừng có mục đích sử dụng, cách bảo tồn khác nhau. Hệ sinh thái văn hóa phải chăng cũng cần một sự phân định rõ ràng khu vực bảo tồn văn nghệ truyền thống (Trung ương và địa phương, của Trung ương đặt ở địa phương), văn nghệ truyền thống vùng miền, văn nghệ các dân tộc thiểu số, khu vực Nhà nước Trung ương, khu vực các địa phương cấp tỉnh, thành, vùng, miền. Khu vực tư nhân đang phát triển và là nơi đang sản xuất phần lớn các sản phẩm văn hóa nghệ thuật nhiều loại hình cũng cần có những chế tài thích hợp để tạo điều kiện cho họ hoạt động.

50 Năm một nền văn nghệ mới
Chương trình "Giai điệu Tổ quốc". Ảnh Trần Huấn

Có những bài học về tổ chức văn nghệ trong thời chiến, trong những năm cả nước đồng lòng, cần được vận dụng linh hoạt trong hoàn cảnh xã hội mới, khi rất nhiều cấu trúc xã hội đã thay đổi. Tôi ngờ rằng tư duy lãnh đạo và quản lý văn hóa của Nhà nước đã không theo kịp sự phát triển của thực tiễn hoạt động của văn hóa, trong đó văn học nghệ thuật là mặt tiền hiện nay. Xem ra, văn học, mà cách tiếp cận chủ yếu qua kênh đọc, đang bị thu hẹp lãnh địa. Số lượng mỗi ấn bản các tác phẩm (có nội dung tử tế), vẫn ở một mức khiêm tốn đến tội nghiệp. Truyện ngôn tình, ấn phẩm nặng về giải trí có thể khá hơn. Các nỗ lực vận động xem ra chưa thay đổi được bao nhiêu tình thế trước mắt. Sự xuống cấp của đạo đức xã hội trên diện rộng có trách nhiệm ở việc chưa đặt đúng vị trí của văn hóa trong quá trình xây dựng và phát triển của đất nước. Những chuẩn mực của con người Việt Nam hiện đại đã hình thành trên lý thuyết, nhưng chưa hiện thực hóa vào thực tiễn xã hội. Không thể không thấy vai trò của thể chế, điểm nghẽn quan trọng mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã mạnh dạn chỉ ra… Còn nhớ, từ gần 200 năm trước, Fukuzawa Yukichi, người cha trí tuệ của văn minh Nhật Bản, mà tư tưởng của ông đã là nền tảng cho sự canh tân nước Nhật, trong nhiều tác phẩm đã phân tích sự trì trệ của các nước phương Đông chạy theo Nho giáo. Ông sớm nhận ra, với một thể chế kiểu nào đó, “con người là sâu mọt của xã hội“. Trong tự truyện của mình, ông từng tự nhận, dưới triều Mạc Phủ 300 năm, hầu hết những người biết chữ bằng mọi giá, để có một chân nào đó trong hệ thống hành chính. Khi vào rồi thì nghĩ tiền là của công, nên tìm mọi cách vơ vét, mà không hề cảm thấy xấu hổ, dù trước đó đã được dạy những đạo lý khác. “Như vậy , tôi đã làm một việc hết sức đáng bị khinh bỉ, và không còn gì để biện minh. Tôi làm việc đó mà không hề biết xấu hổ, không hề cho rằng đây là việc xấu, mà chỉ nghĩ nếu không lấy thì chỉ thiệt mà thôi… Thế mới thấy con người là sâu mọt của xã hội… Tình hình xã hội mà luôn ở một trạng thái ổn định thì sâu mẹ sẽ đẻ sâu con và cứ như thế đến vô tận. Để thay đổi bộ mặt của những con sâu, tức những nô lệ của thói tục cũ đó, xã hội cần có một cuộc cải cách lớn” (Phúc Ông tự truyện - Phạm Thu Giang dịch - NXB Thế giới - 2018 - tr 430-431). Những con sâu đục khoét không thương xót tiền của Nhà nước, thực ra cũng là của dân, thời gian qua mà Đảng và Nhà nước liên tục vạch mặt chỉ tên, nhiều người từng là những nhà tuyên truyền cho đạo đức xã hội, chính là sản phẩm của một thể chế còn nhiều kẽ hở. “Người ngoài hành tinh“ Elon Musk coi đó là những người bị đồng tiền điều khiển. Ông còn nói, mọi người đều giàu thì sẽ không có ai làm việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ 1945 đã xác định: “Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh, nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công việc xây dựng nước nhà” (báo Cứu quốc ngày 4-10-1945).

Nét mới nhất từ thời Đổi mới, là thoát ra khỏi cơ chế bao cấp, mọi thứ trông chờ vào sự ban phát của Nhà nước từ miếng cơm, manh áo, công ăn, việc làm (sổ gạo, tem phiếu các loại…), người dân đã có ý thức độc lập tự lo cho cuộc đời mình. Chính ý thức tự lập này là nền tảng vững chắc cho nền độc lập của một quốc gia. Nhiều thành tựu kinh tế, xã hội chúng ta đạt được ngày nay là nhờ vào sự chuyển đổi mạnh mẽ của ý thức tự lập đó. Nó đã tạo nên một khí chất mới cho một dân tộc nhiều năm yếu hèn trong nô lệ, đói nghèo. Vẫn theo Fukuzawa Yukichi: ”Khí chất này là thứ không bán được, cũng chẳng mua được. Lại không phải là thứ dùng sức người mà tạo ra được. Khí chất thâm nhập dòng chảy đời sống của dân chúng, biểu hiện rộng khắp trên các dấu tích của đất nước nhưng lại không nhìn thấy được bằng mắt và khó mà biết nó tồn tại nơi đâu“ (Khái lược văn minh luận - nhiều người dịch - Nxb Thế giới - 2018 - tr 45). Nền tảng văn minh này thể hiện khá rõ trong những sáng tạo văn học nghệ thuật những năm gần đây. Từ giã những dàn đồng ca, phấn đấu hòa mình vào số đông, dấu ấn cá nhân đã dần được tôn trọng, bảo vệ. Văn học nghệ thuật đã biết lấy những Cái Khác làm tài nguyên cho sáng tạo. Phương pháp sáng tác hiện thực XHCN nhiều năm được định danh trong rất nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Huấn thị không ghi thời gian hiệu lực đã lặng lẽ nhường cho việc giới thiệu, thực hành nhiều lý thuyết nghiên cứu và sáng tác xuất hiện nhiều thời điểm, ở nhiều nước trên thế giới. Hiện thực không còn là thước đo duy nhất cho giá trị các tác phẩm… Văn học theo hướng tự do, tự phát, với những tìm tòi, thể nghiệm đa chiều được công bố rộng rãi. Cùng với đó, những lý thuyết về thi pháp, tiếp nhận văn học, cấu trúc, ký hiệu học, hậu hiện đại, về diễn ngôn và trình diễn, văn bản, đa văn bản, cấu trúc luận, hiện tượng luận, phân tâm học… Rồi con người tự nhiên, con người cá nhân, con người tập thể, con người ý thức, con người vô thức, coi sự khác biệt là tài nguyên, xác định lại những chức năng của văn hóa, văn học, nghệ thuật. Một số khái niệm về tính này nọ của VHNT xem ra không còn thích hợp… Cập nhật thực tiễn này cho thế hệ lãnh đạo, quản lý, tham mưu về văn hóa, văn học nghệ thuật hiện nay là việc không thể không làm. Phương thức tổ chức và lãnh đạo văn hóa, trong đó có văn học nghệ thuật trong giai đoạn trước mắt cần được xác định sao cho phù hợp với thực tiễn đang đổi thay nhanh chóng trong thời đại kỹ thuật số. Lịch sử văn học nghệ thuật, giáo trình giảng dạy trong nhà trường các cấp cần được viết lại để có một bức tranh đầy đủ, công bằng hơn về những đóng góp vào văn hóa, văn học nghệ thuật của nhiều thế hệ.

Nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: Tại sao trong chiến tranh, trong xây dựng XHCN buổi đầu, nghề nào, địa phương nào cũng có những bài hát xúc động lòng người: Bài ca xây dựng, Em đi làm tín dụng, Tôi là người thợ lò, Cô gái mở đường, Bài ca người lái xe, Bài ca người thủy thủ, Bài ca người giáo viên nhân dân, Ba cô đi cấy chăng dây, rồi Bài ca năm tấn, Quảng Bình quê ta ơi, Dáng đứng Bến Tre…, hàng trăm bài hát đồng ca, mà sao bây giờ, nơi đâu cũng khu công nghiệp, đường cao tốc, sân bay hiện đại, cao ốc tràn ngập mà không thấy có bài hát nào được chú ý? Không mấy nơi còn hát đồng ca? Câu hỏi ngây thơ, đơn giản, nhưng trả lời cho đầy đủ, thuyết phục, chính là tìm ra đáp án khả dĩ cho vai trò văn hóa, VHNT trong thời kỳ mới.

2025 đang tới là thời điểm các hội sáng tạo VHNT tiến hành đại hội. Hy vọng mỗi hội sẽ tìm ra đáp án chuẩn xác để các ngành văn học - nghệ thuật tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Ngô Thảo