Top 15 dự án xuất sắc chương trình thách thức sáng tạo cùng AI

  • www.doanhtri.net
  • 17-05-2021
  • 645 lượt xem
Đội ngũ VSV Foundation sẽ support các startup trong chương trình AAC 2021. Ảnh: VSV.
 
Các dự án được sàng lọc từ 110 hồ sơ, bởi Hội đồng chuyên môn Chương trình "Thử thách sáng tạo cùng công nghệ AI Accelerator Challenge 2021" (AAC 2021).
 
AAC 2021 do VSV Foundation tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ và Đại sứ quán Australia đã trải qua các vòng khởi động, đánh giá hồ sơ và lựa chọn được 15 startup tiềm năng nhất bước vào vòng đào tạo, thời gian kéo dài một tháng (từ tháng 4 đến tháng 5).
 
Đây là nhóm dự án tiêu biểu được đánh giá dựa trên các tiêu chí về tiềm năng sản phẩm/dịch vụ, tính khả thi, bền vững, sự sáng tạo cũng như năng lực của đội ngũ.
 
Trong đó có thể kể đến nhóm Movan, JSC với phần mềm Movan ISO giúp tự động hóa quy trình công việc theo tiêu chuẩn ISO cho doanh nghiệp Việt Nam với chi phí hợp lý và triển khai dễ dàng.
 
Nhóm MiSmart đã nghiên cứu công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (Edge AI) tự động phát hiện ra những điểm bị sâu bệnh trên các cánh đồng, sau đó hệ thống gửi nhiệm vụ cho Drone phun tưới chính xác, phun đúng chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Tất cả những hoạt động này sẽ được điều phối qua Flight Hub quản lý dữ liệu tập trung.
 
Nhóm Otrafy với phần mềm Otrafy là một phần mềm dưới dạng dịch vụ (SaaS) dành cho doanh nghiệp có khả năng tự động hóa quy trình xử lý tài liệu thông thường bằng cách quản lý việc thu thập, lưu trữ và di chuyển các dữ liệu chứng nhận trong toàn bộ chuỗi thực phẩm. Otrafy ứng dụng ngôn ngữ xử lý tự nhiên và học máy để giảm ít nhất 40% các hoạt động thủ công, giúp các nhà sản xuất thực phẩm đạt được các yêu cầu tuân thủ và quy định nhanh hơn. Thuật toán được hỗ trợ bởi AI với kỳ vọng giảm thiểu các rủi ro liên quan đến nhà cung cấp trong chuỗi cung ứng.
 
Đại diện các nhóm tham dự chia sẻ thông tin qua hệ thống trực tuyến ngày 12/4. Ảnh: VSV.
 
Nhóm WISAMI cung cấp phần mềm chấm công tính lương cho chuỗi cửa hàng bán lẻ, thông qua đó cung cấp thêm dịch vụ rút lương sớm cho người lao động thu nhập thấp trang trải cuộc sống. WISAMI tối ưu lợi nhuận bằng trí tuệ nhân tạo, phân tích hành vi và giới hạn tín dụng của người rút lương.
 
Chào mừng các nhóm được lựa chọn vào top 15, ông Bùi Thế Duy Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trí tuệ nhân tạo đang là công nghệ cốt lõi cần được thúc đẩy phát triển ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã có nhiều chương trình theo chuỗi, từ xây dựng chính sách đến tìm kiếm các ý tưởng thông qua các cuộc thi để Hackathon, qua đó hỗ trợ, bồi dưỡng để phát triển ý tưởng, hình thành doanh nghiệp startup. Các nhóm được lựa chọn sẽ có cơ hội được đào tạo về cách thức làm việc với các nhà đầu tư trong các vườn ươm để phát triển lên thành doanh nghiệp, hoàn thiện các giải pháp vươn ra thị trường Việt Nam và thế giới.
 
VSV là đề án đầu tiên ở Việt Nam được hình thành để thúc đẩy ươm tạo doanh nghiệp startup, cùng với đội ngũ các nhà tư vấn chuyên nghiệp đến từ Australia, Thứ trưởng Duy kỳ vọng các nhóm được trang bị kinh nghiệm, kỹ năng để hoàn thiện sản phẩm. "Hy vọng từ chương trình sẽ hình thành được nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp nhân tạo, có nhiều giải pháp ứng dụng AI đi đầu thế giới", ông Duy nói.
 
Ông Tom Wood, Giám đốc Aus4Innovation chia sẻ, Bộ Khoa học và Công nghệ và CSIRO (Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia) triển khai chương trình 4 năm với khoản đầu tư 11 triệu USD để cải thiện hệ thống đổi mới đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Qua chương trình nhằm tạo mối liên kết các tổ chức khoa học và nghiên cứu của Australia với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước. Kết quả đầu tiên của chương trình này đã đặt nền tảng cho sự hợp tác về đổi mới kỹ thuật số. Đây là công nghệ nền tảng, giúp cải thiện sức cạnh tranh, có cơ hội phát triển các giải pháp công nghệ sâu trong thế giới ngày càng số hóa hiện nay.
 
Để tiếp tục hỗ trợ các ưu tiên của Bộ Khoa học và Công nghệ, chương trình đã tăng quy mô đầu tư AI và công nghệ kỹ thuật số bằng việc công bố vòng 3 tài trợ đối tác trong chương trình Aus4Innovation, thúc đẩy quá trình chuyển đổi kỹ thuật số tại Việt Nam. Chương trình nhận được hưởng ứng của hơn 100 đội thi đại điện cho 20 quốc gia từ khắp nơi trên thế giới cho thấy "cuộc cạnh tranh này có thể sẽ khốc liệt và nhiều khó khăn", ông Tom nói và cho biết, sau phần pre- accelerator (hỗ trợ giai đoạn đầu trong việc đưa ý tưởng đến sản phẩm khả thi tối thiểu), chỉ 5 đội được chọn để đầu tư.
 
Ông Chu Văn Thắng, đại diện chương trình Aus4Innovation cho biết, thông qua chương trình không chỉ hỗ trợ các nhóm hoàn thiện ý tưởng mà còn kỳ vọng nhìn ra được những rào cản đối với hoạt động khởi nghiệp bằng công nghệ AI. Chương trình Aus4Innovation luôn đồng hành cùng Bộ Khoa học và Công nghệ để xây dựng chính sách, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy, tạo động lực để AI trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế.
 
Với chủ đề "khuyến khích sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo nhằm góp phần đưa Việt Nam vượt qua đại dịch và thích nghi với giai đoạn bình thường mới", chương trình AAC 2021 nhằm tìm kiếm, ươm tạo và phát triển những ứng dụng công nghệ trí tuệ tiềm năng. Các lĩnh vực ứng dụng hướng tới gồm: tài chính, thương mại, điện tử, viễn thông, sản xuất, nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, thành phố thông minh...
 
Hải Minh   vnexpress.net

Xem thêm Doanh nghiệp