Mobile Money đang được triển khai thế nào

  • www.doanhtri.net
  • 08-12-2021
  • 506 lượt xem
Với nhóm khách chỉ có điện thoại "cục gạch", thuê bao Vinaphone đăng ký qua USSD bằng cách nhập *9191# và bấm gọi, còn thuê bao Viettel là *998#. Nếu đăng ký thành công, nhân viên nhà mạng này sẽ gọi để hướng dẫn người dùng kích hoạt
 
Thuê bao Viettel, Vinaphone đã có thể dùng Mobile Money để thanh toán các dịch vụ, chuyển tiền bằng cả smartphone và điện thoại "cục gạch".
 
Từ tháng này, VNPT và Viettel đã bắt đầu cung cấp dịch vụ tiền di dộng (Mobile Money). Để sử dụng, khách hàng của cả 2 nhà mạng Vinaphone, Viettel đều phải đáp ứng yêu cầu sở hữu sim chính chủ và dùng dịch vụ viễn thông liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề.
 
Khác biệt lớn nhất của Mobile Money so với ví điện tử là khách hàng có thể thanh toán dịch vụ, hàng hóa có giá trị nhỏ mà không cần phải có tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, tài khoản Mobile Money cũng có thể dùng thông qua USSD trên các dòng điện thoại "cục gạch" (feature phone) không có kết nối internet.
 
Những ưu điểm này được các nhà mạng kỳ vọng đây sẽ là phương thức thanh toán dễ sử dụng ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, những nơi chi nhánh ngân hàng, internet chưa phát triển mạnh..
 
Để thực hiện các giao dịch nạp, rút tiền, chủ thuê bao có thể thực hiện tại các điểm giao dịch, đại lý ủy quyền của nhà mạng. Đây cũng là lợi thế của các nhà mạng khi có các điểm giao dịch, đại lý phủ sóng rộng khắp các phường, xã trên cả nước. Vinaphone cho biết đang sở hữu khoảng hơn 1.000 điểm giao dịch, trên 10.000 điểm giao dịch ủy quyền, 200.000 điểm kinh doanh liên kết, trong khi Viettel cũng có đến hàng trăm nghìn địa điểm giao dịch.
 
Tuy nhiên, hiện bên cạnh tính năng chuyển tiền đến thuê bao cùng mạng, Vinaphone chỉ mới hỗ trợ khách hàng sử dụng điện thoại "cục gạch" thanh toán các dịch vụ khá hạn chế như nạp tiền điện thoại, trả hóa đơn cước viễn thông/ điện thoại trả sau của VNPT. Còn thuê bao Viettel có thể dùng phương thức USSD để thanh toán các dịch vụ, ngoài ra còn thêm nộp tiền điện, nước, chuyển tiền từ tài khoản Mobile Money tới tài khoản ngân hàng.
 
Với nhóm khách hàng sở hữu smartphone, thuê bao Viettel có thể tải ứng dụng Viettel Money để kích hoạt và dùng dịch vụ tài chính này, còn thuê bao Vinaphone là ứng dụng VNPT Pay. Các hoạt động nạp, rút, chuyển tiền đều có thể được thực hiện trên ứng dụng và thanh toán nhiều dịch vụ đa dạng. Về cơ bản, khách hàng dùng Mobile Money bằng smartphone qua ứng dụng của 2 nhà mạng này không khác biệt nhiều so với cách sử dụng các ví điện tử đang có trên thị trường.
 
Mỗi giao dịch Mobile Money, khách hàng sử dụng điện thoại "cục gạch" hay smartphone đều phải qua 2 bước bảo mật là nhập mật khẩu giao dịch (hoặc tài khoản) và mã OTP xác nhận được gửi qua tin nhắn SMS. Trong 2 năm thí điểm, mỗi tài khoản Mobile Money được giao dịch tối đa 10 triệu mỗi tháng và bị giới hạn chỉ được chuyển tiền đến thuê bao cùng nhà mạng.
 
Hiện tại, Viettel miễn các phí kích hoạt, duy trì, nạp tiền, chuyển khoản giữa các tài khoản Mobile Money cùng mạng. Với các giao dịch từ tài khoản Mobile Money sang tài khoản ngân hàng, nhà mạng này thu phí 0,3% mỗi giao dịch thành công. Vinaphone cho biết thời gian đầu triển khai dịch vụ sẽ miễn phí nạp, rút tiền, thanh toán.
 
Trong khi đó, MobiFone - nhà mạng cũng đã nhận được giấy phép thí điểm - cho biết sẽ nhanh chóng hoàn thiện các bước chuẩn bị cuối cùng để có thể cung cấp dịch vụ Mobile Money tới khách hàng trong thời gian sớm nhất.
 
Theo ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Thông tin và Truyền thông, với việc được cung cấp Mobile Money, các nhà mạng đã bước sang một giai đoạn mới, mở ra một lĩnh vực, không gian mới cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
 
"Từ nay, các nhà mạng chính thức bước vào thị trường fintech với Mobile Money. Trước đây, họ có làm fintech, ví điện tử nhưng ở quy mô thị trường nhỏ hẹp, ở tâm thế vừa ném đá, vừa dò đường", thứ trưởng nói và coi đây là tập dượt, chuẩn bị cho Mobile Money.
 
Ông cũng lưu ý các nhà mạng, để phát triển, tăng trưởng người dùng dịch vụ tài chính mới này, vấn đề trải nghiệm, tiện ích và niềm tin của khách hàng rất quan trọng. "Nhà mạng làm đến đâu chắc đến đấy, đáp ứng nhu cầu của cơ quan quản lý, không được vội vàng. Đồng thời, việc quản lý thông tin thuê bao phải rất chính xác. Không quản lý được thì rất nguy hiểm, bởi 1 đồng trong Mobile Money được đảm bảo bằng 1 đồng của nhà mạng trong tài khoản ngân hàng", ông Long nói.
 
Cùng với đó, Thứ trưởng đề nghị các nhà mạng phải phát triển đúng mục tiêu thu hẹp khoảng cách số ở vùng sâu, vùng xa theo định hướng của chính phủ, bên cạnh việc cung cấp dịch vụ tại các thị trường nóng bỏng, thành phố lớn.
 
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cũng đánh giá, Mobile Money là một giải pháp quan trọng để Việt Nam có thể triển khai dịch vụ tài chính đến mọi người dân, nhất là những nơi người dân chưa có tài khoản ngân hàng.
 
Tiền trong tài khoản Mobile Money được tách bạch với tiền trong tài khoản viễn thông, ví điện tử của nhà mạng. Ảnh: Anh Tú
 
Để triển khai thành công, ông Phạm Tiến Dũng cho rằng Mobile Money cần được triển khai ở các mạng lưới, đơn vị chấp nhận thanh toán, giúp người dùng chi trả các dịch vụ điện nước, truyền hình và những dịch vụ thiết yếu khác. Bên cạnh đó, nhà mạng vẫn phải nỗ lực lớn để cạnh tranh với các ví điện tử đã có mặt từ lâu trên thị trường.
 
Về vấn đề này, ông Trần Duy Hải, Cục phó Viễn thông cho biết đây sẽ là kế hoạch phát triển riêng của từng nhà mạng. "Tuy nhiên, cơ quan quản lý các nhà mạng không khuyến khích các doanh nghiệp chạy theo khuyến mại để hút khách hàng. Bởi Mobile Money là dịch vụ thực chất, và cũng là một trong những mảnh ghép của hệ sinh thái dịch vụ viễn thông", Cục phó Viễn thông nói.
 
Theo nhận định của ông Hải, các doanh nghiệp sẽ tiến từng bước, chủ yếu bằng chất lượng dịch vụ, cũng như tệp khách hàng ở vùng sâu, vùng xa hoặc những nơi đã có sóng viễn thông nhưng người dân chưa được tiếp cận với dịch vụ tài chính ngân hàng.
 
Anh Tú   vnexpress.net

Xem thêm Doanh nghiệp