Nguyễn Thị Sơn

VĨNH BIỆT BÁC ĐỖ MƯỜI

Sáng nay Vietnamnet đưa tin “Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từ trần vào hồi 23h12 ngày 1/10 tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108”. Cách đây một tuần, tôi có vào Bệnh viện 108 thăm bác, bác đã rất yếu, khi tôi ghé tai bác nói to “Bác ơi, cháu Sơn ở TPHCM đến thăm bác…” Bác cố gắng hé mở mắt, tay bác nắm chặt tay tôi… Nhưng hôm nay bác đã ra đi thật rồi… NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Sáng nay Vietnamnet đưa tin “Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười đã từ trần vào hồi 23h12 ngày 1/10 tại bệnh viện Trung ương Quân đội 108”. 

Cách đây một tuần, tôi có vào Bệnh viện 108 thăm bác, bác đã rất yếu, khi tôi ghé tai bác nói to “Bác ơi, cháu Sơn ở TPHCM đến thăm bác…” Bác cố gắng hé mở mắt, tay bác nắm chặt tay tôi… Nhưng hôm nay bác đã ra đi thật rồi… NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.

Đối với tôi, bác Đỗ Mười không chỉ là Nguyên Tổng Bí Thư của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, một người lãnh đạo đáng kính của nhân dân, mà Bác Đỗ Mười như một người cha đã quan tâm giúp đỡ tôi phấn đấu trong sự nghiệp kể cả những lúc tôi khó khăn nhất trong cuộc sống…

Tôi bồi hồi nhớ về Bác Đỗ Mười những năm tôi được vinh dự gặp Bác khi Bác là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Tổng Bí Thư và kể cả khi bác đã nghỉ hưu…,

·      Năm 1988 Công ty Legamexcó một dự án xin vốn UNDP thành lập trung tâm nghiên cứu thời trang và một dự án đầu tư một công ty kinh doanh hàng thời trang tại Paris. Ngày ấy các quy định về đầu tư nước ngòai của Việt Nam chủ yếu là kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, chưa có quy định cho phép các công ty Việt Nam đầu tư ra nước ngòai. Tôi có đến gặp anh Nguyễn Văn Ích, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ. Sau khi nghe tôi trình bày, anh Ích nói việc thứ nhất anh ủng hộ vì việc nghiên cứu phát triển ngành thời trang để xuất khẩu và mở rộng thị trường giải quyết việc làm cho người lao động, không những chính phủ hoan nghênh mà cũng phù hợp với yêu cầu của các dự án có hỗ trợ của tổ chức UNDP. Việc thứ hai anh bảo còn rất mới phải xin ý kiến Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau đó tôi được đến trình bày với Bác Đỗ Mười. Bác nói: “các công ty của ta từ lâu quen việc sản xuất kinh doanh theo kế hoạch nhà nước, không chủ động đi ra ngoài tìm thị trường mới. Tôi cho rằng phương án này tốt, có hướng kinh doanh chủ động, phải có cơ sở ở bên ngoài mới tiếp cận được thị trường, mới hiểu được thị hiếu người tiêu dùng, tôi ủng hộ cho làm thí điểm”. Từ ý kiến của Chủ tịch HĐBT, anh Ích đã giúp đỡ tôi làm các thủ tục với các bộ ngành để Legamex thành lập Công ty Legavi ở Paris.

·      Năm 1992 Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm công ty Legamex. Tôi mời Tổng bí thư và đoàn công tác đi thăm các nhà máy, lúc ấy công ty có 9 nhà máy trực thuộc. Lúc đi bộ qua các nhà máy, ông bảo “công ty xây dựng nhà máy đẹp, bố trí khoảng cách không gian thoáng, như thế mới đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng ngừa cháy nổ…” Các anh đi trong đoàn nói với tôi, nhận xét của ông không chỉ là lời khen của Tổng bí thư mà còn là nhận xét của nhà chuyên môn vì ông đã từng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông cũng bảo: “nếu tỉnh nào cũng có một công ty như thế này thì rất tốt”.

·      Năm 1994 khi tôi gặp sự cố về chương trình cổ phần hóa thí điểm đầu tiên tại công ty Legamex. Tôi có cảm nhận sự việc không bình thường nên làm đơn khiếu nại kêu cứu khắp nơi, tôi ra Hà Nội xin gặp Thủ Tướng Võ Văn Kiệt và được anh Vũ Quốc Tuấn trợ lý Thủ tướng tiếp và nhận đơn kêu oan. Tôi cũng xin gặp Tổng bí thư Đỗ Mười và được anh Phan Trọng Kính và anh Lê Đức Thúy trợ lý Tổng bí thư đưa tôi vào trình bày với Tổng bí thư Đỗ mười. Sau này khi mọi việc của tôi đã sáng tỏ, tôi được chuyển công tác về Phòng Thương Mại và Công nghiệp Việt Nam, tôi có gặp lại anh Vũ Quốc Tuấn và anh Phan Trọng Kính, các anh tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh của tôi. Anh Kính nói rằng khi tôi gặp nạn, các con tôi có đến gặp anh, anh cũng thương hoàn cảnh các cháu nên các đơn từ kêu oan của các con tôi đều được anh trình đến Tổng bí thư Đỗ Mười. Tổng bí thư rất quan tâm việc cổ phần hóa tại Legamex, bác đã đến thăm công ty Legamex lần thứ hai. Sau khi làm việc với lãnh đạo mới của Legamex, bác đã trao đổi quan điểm của bác với Bí thư Thành ủy Võ Trần Trí vì tôi là cán bộ thuộc diện quản lý của TPHCM. Bác cũng yêu cầu Ban Nội chính Trung ương làm việc với Viện trưởng Viện Kiểm sát Trung ương làm rõ theo các quy định của Luật pháp về trường hợp cổ phần hóa của Legamex. Tôi đã được pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của tôi…

·      Từ năm 1997 tôi về công tác tại Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và là Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý doanh nghiệp. Thỉnh thoảng khi có dịp ra Hà Nội công tác, tôi đến thăm bác Đỗ Mười, bác hay hỏi tôi về công tác đào tạo cho cán bộ quản lý doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế và bác chỉ cho tôi xem các cuốn sách bác đang đọc về phương pháp quản lý tự động hóa của phương Tây… Bác thường hay nói với tôi một ý mà tôi suy nghĩ nằm lòng trong ý thức của tôi: “TỀ GIA, TRỊ QUỐC, BÌNH THIÊN HẠ nhưng QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC không thể giống như quản lý ở nhà mình được, ở nhà chồng bảo vợ nghe, còn quản lý nhà nước là liên quan đến sự thịnh vượng, hạnh phúc của hằng triệu người dân, người lãnh đạo phải tôn trọng tinh thần dân chủ, phải biết lắng nghe ý kiến của nhiều người, của các nhà khoa học, của tập thể lãnh đạo, thì mới sáng suốt đưa ra quyết sách. Mà ngay cả khi đưa ra quyết sách đâu phải cái nào cũng đúng, cũng thành công. Khi biết quyết sách không đúng, không phù hợp tại một thời điểm cụ thể, phải mạnh dạn tiếp thu, mạnh dạn sửa sai”.

·      Năm 2006, khi tôi viết xong cuốn tự truyện TÌNH YÊU, GIA ĐÌNH, SỰ NGHIỆP, tôi có gửi bản thảo cho bác xem. Vietnamnet muốn đăng tự truyện của tôi, nhà báo Nguyễn Anh Tuấn lúc ấy là Tổng biên tập Vietnamnet nói với nhà báo Lương Bích Ngọc và nhà báo Bùi Văn muốn đến thăm bác Đỗ Mười, tôi vô tư mời anh Tuấn và cô Ngọc cùng đi thăm bác tại ngôi nhà trên phố Phạm Đình Hổ, Hà Nội. Bác vui vẻ đón tiếp, khi biết anh Tuấn và cô Ngọc là nhà báo, bác cầm cuốn bản thảo của tôi đưa cho anh Tuấn và nói “bài viết tốt, chân thật”. Từ đó mà tự truyện của tôi đã đến tay bạn đọc.

·      Khi tôi tham gia Ban Thường vụ Trung ương Hội Luật gia và là Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh Quốc tế, bác chúc mừng động viên tôi và nhắc nhở tôi về việc tư vấn luật pháp cho người dân, góp ý kiến cho các dự thảo luật và vai trò phản biện xã hội của Hội Luật gia Việt Nam. Những năm bác còn khỏe mạnh, bác thường đi thăm và làm việc với các địa phương, tôi cũng được tháp tùng bác đến làm việc với Tỉnh ủy và UBND Tỉnh Bắc Ninh, Tỉnh Bình Dương… Bác bảo tôi đi cùng để hiểu hơn về cuộc sống của người dân ở các địa phương, đôi khi người dân phạm pháp chỉ vì thiếu hiểu biết, không am hiểu luật pháp…

·      Thấm thoát mà bác đã ở tuổi trăm năm, mỗi lần ra Hà Nội họp Hội Luật gia Việt Nam, tôi và các anh chị ở TPHCM đều đến thăm bác. Nhưng kể từ hôm nay không còn dịp thăm bác nữa rồi. VĨNH BIỆT BÁC ĐỖ MƯỜI

NGUYỄN THỊ SƠN

Ngày 2 tháng 10 năm 2018

Nguyễn Thị Sơn