Ảnh minh hoạ
Cơ chế tài phán nào hiệu quả để bảo vệ doanh nghiệp trong trường hợp có rủi ro tranh chấp?
Tại sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 với chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho biết tính đến nay, Việt Nam có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài, đầu tư tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ, tổng vốn hơn 22 tỉ USD. Thời điểm hiện tại, Việt Nam đã ký kết với gần 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định khuyến khích và bảo vệ đầu tư; khoảng 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đây là 2 nội dung rất quan trọng để bảo vệ, bảo hộ cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Chung, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế, chính sách pháp luật của thị trường quốc tế, dễ gặp phải rủi ro pháp lý. " Doanh nghiệp Việt cần phải nắm chắc các vấn đề pháp lý, đặc biệt, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi đầu tư sang những địa bàn có điều kiện khó khăn, nền tảng pháp lý chưa thực sự tốt. Có trường hợp kiện ra tòa cũng không giải quyết được vì người bị kiện không có khả năng đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có cơ chế để buộc họ phải tuân thủ phán quyết.' - ông Chung Khuyến nghị.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIART) trực thuộc VIAC cho rằng, cơ hội luôn đi kèm rủi ro, đặc biệt là các rủi ro chính trị, chính sách, pháp luật. Đây là rủi ro phi thị trường thường trực nhất mà các nhà đầu tư cần phải biết. Theo ông Nghĩa, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ, mới trưởng thành từ thị trường nội địa, nếu chưa đủ kinh nghiệm chủ động tài trợ chính trị, đối thoại, vận động chính sách ở nước nhận đầu tư thì nên chọn chiến lược ưu tiên rà soát trước khi gia nhập thị trường. Bên cạnh đó, cần quan sát các doanh nghiệp đi trước, xem cách họ ứng xử với chính quyền nước nhận đầu tư, từ đó rút ra kinh nghiệm cho đơn vị mình.
Việt Nam đã tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Đây là những cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp khi thâm nhập vào thị trường quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội là rất nhiều thách thức. Ngoài các tiêu chuẩn quốc tế, các vấn đề về rủi ro pháp lý khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường chủ lực đang là những rào cản hiện nay.
Sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 được tổ chức ngày 26 và 27.6 vừa qua với chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài” đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, luật gia và cộng đồng doanh nghiệp
Chia sẻ về những vụ việc tranh chấp trong thời gian vừa qua, ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC dẫn con số trong giai đoạn 1993-2023, VIAC tiếp nhận 2.940 vụ tranh chấp với tổng giá trị tranh chấp hơn 2,7 tỉ USD, tương đương hơn 63.000 tỉ đồng. Trong đó, hơn 46% tranh chấp trong nước, còn lại là tranh chấp có ít nhất một bên là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc một bên là doanh nghiệp nước ngoài.
Theo ông Dương, khi đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp cần nghiên cứu và cân nhắc lựa chọn cơ chế tài phán để bảo vệ mình trong trường hợp có rủi ro tranh chấp. Doanh nghiệp nếu muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài kinh tế thì cần đưa thỏa thuận trọng tài vào hợp đồng và phải chỉ rõ tên tổ chức trọng tài hoặc hình thức trọng tài. Các doanh nghiệp có thể sử dụng điều khoản trọng tài mẫu của các trung tâm trọng tài.
Để hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa tranh chấp, lừa đảo trong thương mại quốc tế, ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Phó Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam cho biết, doanh nghiệp nên chỉ định ngân hàng quốc tế có uy tín tại nước nhập khẩu để thu tiền, ký hậu vận đơn, chi phí tăng thêm không đáng kể so với trị giá lô hàng để bảo đảm an toàn. Với đối tác mới giao dịch lần đầu thì cần tìm hiểu, điều tra kỹ thương nhân để có độ an toàn cao nhất. Doanh nghiệp cũng nên chủ động gửi đăng ký kinh doanh của mình trước cho đối tác để có cơ sở đề nghị họ gửi đăng ký kinh doanh và coi đây là việc bình thường khi giao dịch, qua đó biết được thông tin của đối tác. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm hiểu đối tác qua sự giúp đỡ của đại sứ quán, thương vụ Việt Nam ở nước sở tại. Lựa chọn đối tác gần như là khâu quyết định của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, đối tác có uy tín, làm ăn lâu năm thì dù giá có tăng hay giảm, họ vẫn duy trì hợp đồng.
“Doanh nghiệp nên dùng Trọng tài giải quyết tranh chấp thay cho Toà án như các doanh nghiệp trong vụ việc này đã thoả thuận trong hợp đồng để linh hoạt và nhanh chóng khi sự việc xảy ra. Đồng thời, phối hợp chặt trẽ, nhanh chóng với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như trong vụ việc này để hạn chế hoặc tránh thiệt hại”, ông Lễ nhấn mạnh.
Xu hướng giải quyết tranh chấp trực tuyến ngày càng tăng
Nhiều chuyên gia, luật sư đều nhận định hiện nay, giải quyết tranh chấp trực tuyến hay ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quá trình giải quyết tranh chấp đã và đang là xu hướng được áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại Việt Nam, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số quốc gia là chủ trương được Nhà nước thúc đẩy mạnh mẽ. Hơn nữa, các chỉ số thương mại điện tử cũng cho thấy những tiềm năng của nền kinh tế số ở Việt Nam, như quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 14,7 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỷ USD vào năm 2029. Mua sắm hàng hóa qua thương mại điện tử hiện đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông…
Các doanh nghiệp quan tâm tới các nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến
Hiện chúng ta có các yếu tố về khung pháp lý để giúp thúc đẩy Hợp đồng điện tử như: Luật Giao dịch điện tử, định danh điện tử, chữ ký điện tử, chứng thực giao dịch điện tử… đang được các Bộ, ngành triển khai mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để các chủ thể dân sự sử dụng hợp đồng điện tử cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, thực hiện. Nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc, phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả. Phương thức giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước.
Nhấn mạnh những lợi ích của giải quyết tranh chấp trực tuyến, ông Vũ Anh Dương, Tổng Thư ký VIAC, lấy ví dụ thực tế từ một doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng với đối tác là doanh nghiệp Nhật Bản để xuất khẩu quả vải thiều của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Nhưng không may, hai bên xảy ra tranh chấp do có những tranh cãi về việc cung cấp thư tín dụng đúng thời hạn và quyết định đưa tranh chấp ra trọng tài tại VIAC.
Nếu sử dụng giải quyết tranh chấp trực tuyến, doanh nghiệp Nhật Bản không cần bay sang Việt Nam và tới văn phòng trực tiếp của VIAC để nộp đơn khởi kiện. Luật sư của doanh nghiệp Nhật Bản cũng không cần phải di chuyển tới VIAC nhiều lần để nộp các tài liệu trong quá trình giải quyết tranh chấp, mà hoàn toàn có thể thực hiện trực tuyến trên nền tảng nộp đơn điện tử và Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase). “Phương thức giải quyết tranh chấp này giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp, đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới”, ông Dương nhấn mạnh.
Hơn nữa, việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp. Từ đó, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và giảm thiểu rác thải giấy và hạn chế tác động của khí thải nhà kính.
Ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao, cho rằng trên thế giới, các vụ việc tranh chấp được giải quyết bằng công nghệ số chiếm đa số. Thông thường, để yêu cầu trọng tài giải quyết 1 vụ việc, các đương sự phải đến trung tâm trọng tài hoặc ra bưu điện để gửi đơn. Nhưng khi giải quyết qua nền tảng trực tuyến, doanh nghiệp có thể ngồi ngay tại nhà hoặc tại công ty, sử dụng thiết bị công nghệ kết nối mạng Internet gửi đơn tới cơ quan hữu quan yêu cầu giải quyết. Việc áp dụng nền tảng giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ giúp đẩy nhanh tiến trình, giảm thiểu chi phí và thời gian, mang lại hiệu quả lớn cho doanh nghiệp.
Những thách thức trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trọng tài giải quyết tranh chấp
Kinh tế số là 1 trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia. Mà một trong những thành tố quan trọng của kinh tế số là hợp đồng điện tử. Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định 411/QĐ-TTg đã đặt mục tiêu đến năm 2025, trên 80% doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng hợp đồng điện tử. Để ứng phó với những rủi ro tiềm ẩn trong hoạt động kinh doanh dẫn đến tranh chấp hợp đồng, các doanh nghiệp cần phải quan tâm tới hoạt động trọng tài điện tử.
Ảnh minh hoạ
Ông Nguyễn Trung Nam – Luật sư thành viên cao cấp Dentons Luật Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC) thuộc VIAC cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đảm bảo giải quyết tranh chấp an toàn, công bằng hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ trong quản trị vụ kiện còn tương đối mới và vẫn chưa được áp dụng nhiều. “Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội để ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào xét xử, quản trị vụ kiện và nộp đơn trực tuyến để hoàn thiện hoá toàn bộ quy trình mà không cần văn bản giấy, tăng tính hiệu quả trong hoạt động trọng tài”, ông Nam nhận định.
Dưới góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Lê Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp, Bộ Tư pháp cho rằng, nhu cầu giải quyết tranh chấp bằng thương mại điện tử hiện nay đang là vấn đề tất yếu. Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, văn bản pháp luật liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số như Luật công nghệ thông tin, Luật giao dịch điện tử 2023 hay Nghị định 52 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử…Tuy nhiên, những quy định pháp luật về thương mại điện tử hiện nay vẫn còn đang rải rác, chưa có văn bản quy định chính thức về quy trình giải quyết tranh chấp thông qua công nghệ đầy đủ. Luật Trọng tài Thương mại được ban hành từ năm 2010 đang có rất nhiều quy định ràng buộc trong bối cảnh chuyển đổi số phát triển như vũ bão hiện nay.
Ông Tuấn cũng chỉ ra những thách thức trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trọng tài giải quyết tranh chấp. Cụ thể, việc giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ được xác định giá trị pháp lý thế nào, chứng cứ điện tử liệu có được công nhận không và quan trọng nhất là địa điểm giải quyết trọng tài ở đâu khi Luật trọng tài hiện nay quy định địa điểm xét xử là địa điểm pháp lý. Hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả…..
Việc giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ được xác định giá trị pháp lý thế nào, chứng cứ điện tử liệu có được công nhận không và quan trọng nhất là địa điểm giải quyết trọng tài ở đâu khi Luật trọng tài hiện nay quy định địa điểm xét xử là địa điểm pháp lý. Hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả…..- Đó là một số thách thức trong quá trình áp dụng công nghệ thông tin vào hoạt động trọng tài giải quyết tranh chấp hiện nay.
Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý
Hệ thống các văn bản luật hỗ trợ cho việc giải quyết tranh chấp thương mại trực tuyến hiện nay có thể kể đến như: Luật giao dịch điện tử đã tạo nền tảng pháp lý cơ bản khi đưa ra các quy định thừa nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử, thông điệp dữ liệu điện tử; Luật Công nghệ thông tin quy định tổng thể về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, các biện pháp bảo đảm và phát triển công nghệ thông tin, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin; Luật Trọng tài thương mại quy định về “thẩm quyền của Trọng tài thương mại, các hình thức trọng tài, tổ chức trọng tài, Trọng tài viên; trình tự, thủ tục trọng tài; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên trong tố tụng trọng tài; thẩm quyền của Tòa án đối với hoạt động trọng tài; tổ chức và hoạt động của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam, thi hành phán quyết trọng tài” (Điều 1 Luật Trọng tài thương mại năm 2010); Bên cạnh đó, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 có quy định thêm về vấn đề công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.
Mặc dù quy định pháp luật liên quan đến thương mại điện tử ở nước ta khá đầy đủ, nhưng lại thiếu vắng các quy định điều chỉnh trực tiếp về giải quyết tranh chấp trực tuyến. Hiện tại chỉ có một số quy định tản mạn về giải quyết tranh chấp trong giao dịch thương mại điện tử có liên quan gián tiếp đến cách thức tiến hành giải quyết tranh chấp trọng tài trực tuyến. Sự khuyết thiếu trong điều chỉnh của pháp luật đã tạo ra những lúng túng trong việc áp dụng giải quyết tranh chấp bằng trọng tài điện tử (trực tuyến).
Cụ thể như vấn đề xác định tính hợp pháp của thoả thuận trọng tài trực tuyến ( điện tử) . Hay như việc xác định địa điểm giải quyết trọng tài trực tuyến. Vấn đề này không được quy định trong các điều ước quốc tế mà tồn tại trong pháp luật quốc gia. Chẳng hạn, Điều 3 Luật Trọng tài của Anh quy định địa điểm trọng tài là “địa điểm về mặt pháp lý được chỉ định bởi các bên; hoặc bởi cơ quan, chủ thể do các bên thoả thuận; hoặc bởi hội đồng trọng tài do các bên trao quyền hoặc nếu không có sự trao quyền của các bên thì Hội đồng trọng tài sẽ quyết định dựa trên các yếu tố liên quan đến thoả thuận trọng tài”. Như vậy, Luật của Anh nhìn nhận địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là “địa điểm về mặt pháp lý” mà không phải là địa điểm được xác định theo vị trí địa lý. Tuy nhiên, Việt Nam không xác định yếu tố địa điểm trọng tài “là địa điểm về mặt pháp lý” như quy định của pháp luật Anh. Khoản 8 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định địa điểm giải quyết tranh chấp bằng trọng tài “là nơi hội đồng trọng tài tiến hành giải quyết tranh chấp theo sự thoả thuận lựa chọn của các bên hoặc do Hội đồng trọng tài quyết định nếu các bên không có thoả thuận. Nếu địa điểm giải quyết tranh chấp được tiến hành trên lãnh thổ Việt Nam thì phán quyết phải được xem là tuyên tại lãnh thổ Việt Nam mà không phụ thuộc vào nơi Hội đồng trọng tài tiến hành phiên họp để ra phán quyết đó”. Theo đó, Việt Nam không xác định địa điểm trọng tài là “địa điểm về mặt pháp lý” mà là địa điểm về mặt địa lý. Do đó, sẽ có rủi ro cho phán quyết trọng tài xét xử trực tuyến bị từ chối công nhận và cho thi hành tại Việt Nam hoặc bị huỷ vì vi phạm thủ tục tố tụng trọng tài. Vì vậy, trong tương lai, nếu Việt Nam muốn ủng hộ hoạt động trọng tài trực tuyến thì cần phải thay đổi quy định về vấn đề này.
Một vấn đề nữa đó là hình thức phán quyết của trọng tài trực tuyến ( điện tử) : Giống với pháp luật về trọng tài của nhiều nước, cũng như quy tắc tố tụng trọng tài của nhiều thiết chế trọng tài quốc tế, pháp luật Việt Nam cũng quy định rằng hình thức của quyết định trọng tài là bằng văn bản và phải có chữ ký của Trọng tài viên. Thách thức được đặt ra là phán quyết thường được đưa ra trực tuyến, có nghĩa phán quyết có thể hoặc là: (i) hồ sơ điện tử về phán quyết bằng văn bản giấy, ví dụ như tài liệu giấy được quét của một bản phán quyết gốc có chữ ký hoặc (ii) một phán quyết trực tuyến được hiển thị ở định dạng điện tử và chữ ký. Loại phán quyết trọng tài đầu tiên cần phải có một phán quyết bằng giấy với chữ ký hợp lệ của trọng tài, sau đó được scan và gửi tới các bên liên quan. Loại phán quyết trọng tài thứ hai là ‘phán quyết điện tử’ được viết và ký điện tử. Câu hỏi đặt ra là một phán quyết điện tử có hình thức như vậy liệu có được xem là bản gốc? Và khi phán quyết điện tử này được in ra thành văn bản giấy thì liệu phán quyết có còn được xem là bản gốc hay không?
Phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trực tuyến khác biệt so với trọng tài truyền thống ở chỗ quy trình tố tụng và xét xử diễn ra trong không gian mạng. Với những quy định được phân tích ở trên, pháp luật Việt Nam không hề đề cập đến việc có thể sử dụng chữ ký điện tử thay thế chữ kí truyền thống hay không? Điều này gây ra thắc mắc trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trực tuyến về hiệu lực pháp lý của phán quyết và chữ ký điện tử. Do đó, hình thức phán quyết là vấn đề cần cân nhắc và phải có quy định cụ thể, tránh có những sự tuỳ tiện trong giải thích và áp dụng điều khoản này trên thực tế.
Trọng tài trực tuyến ( điện tử) có thể được coi là một sự sáng tạo và nâng cấp so với trọng tài truyền thống thông thường, đặc biệt là trong thời đại công nghệ số như hiện nay, có rất nhiều các hợp đồng thương mại được ký kết thông qua chữ ký số, hợp đồng điện tử….Trọng tài điện tử là phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức điện tử. Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nói chung đang được điều chỉnh chủ yếu bởi Luật TTTM, các văn quy phạm khác điều chỉnh chữ ký điện tử, giao dịch thương mại điện tử. Việc Việt Nam gia nhập Công ước New York 1958 và nội luật hóa các quy tắc mẫu về trọng tài và thương mại điện tử, chữ ký điện tử của UNCITRAL cũng đã góp phần đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn, cởi mở hơn, linh hoạt hơn với hệ thống pháp luật về trọng tài quốc tế, trở thành nguồn quan trọng điều chỉnh trọng tài tại Việt Nam, mở rộng ra với cả trọng tài điện tử.
Rõ ràng, một khung pháp lý riêng biệt về trọng tài điện tử tại Việt Nam vẫn chưa được định hình. Luật TTTM hay pháp luật Việt Nam vẫn chưa có các quy định riêng biệt, trực tiếp về trọng tài điện tử. Nghị định về chữ ký số, các thông tư hướng dẫn còn thiếu khái quát mà chỉ tập trung ở một số lĩnh vực nhất định. Hầu hết các quy tắc trọng tài tại các trung tâm trọng tài Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến việc tạo ra các quy tắc riêng cho trọng tài điện tử mà vẫn áp dụng các quy tắc trọng tài dành cho trọng tài truyền thống.
Trước xu thế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong thương mại quốc tế ngày càng tăng và từ những bất cập khuyến thiếu nêu trên của pháp luật về trọng tài và một số luật chuyên ngành liên quan khác, chúng tôi cho rằng kì sửa đổi Luật Trọng tài thương mại tới đây, cầnbổ sung một chương riêng về “Trọng tài điện tử” vào Luật trọng tài thương mại để tạo cơ sở pháp lý rõ ràng cho trọng tài trực tuyến, nhằm kịp thời đáp ứng kỷ nguyên thời đại số. Theo đó, luật hoá các quy định về phương tiện và giao tiếp điện tử ; nguyên tắc áp dụng trọng tài điện tử; quy định về bảo mật thông tin; địa điểm trọng tài; quy định về mối quan hệ giữa địa điểm giải quyết tranh chấp và địa điểm ra phán quyết trọng tài ; phán quyết của trọng tài trực tuyến đảm bảo tính toàn vẹn và có chữ ký điện tử của trọng tài viên, với nền tảng pháp lý là sự công nhận của một số luật Việt Nam đối với thông điệp dữ liệu; các quy định về thi hành phán quyết trọng tài điện tử…
VIAC chính thức công bố triển khai Nền tảng Nộp đơn điện tử và quản lý các vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase).
Trong khuôn khổ VIAC Symposium 2024, VIAC đã chính thức công bố triển khai Nền tảng Nộp đơn điện tử và quản lý các vụ tranh chấp trực tuyến (VIAC eCase) ngày 26/6/ 2024. Đây là một nền tảng với nhiều cải tiến nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới.
VIAC eCase hiện có 2 phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh, gồm các tính năng chính: Nộp hồ sơ điện tử và quản lý tài liệu điện tử; theo dõi vụ việc; thông báo các diễn biến quan trọng trong vụ tranh chấp và nhắc lịch khi tới hạn nộp tài liệu… VIAC eCase sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước.
Đánh giá cao VIAC đã có phương thức thụ lý, giải quyết các vụ việc trên nền tảng số, ông Phạm Quốc Hưng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tin tưởng rằng Nền tảng eCase sẽ trở thành công cụ hỗ trợ đắc lực cho các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, hiệu quả, tiết kiệm; qua đó sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động, vị thế và uy tín của VIAC trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại.
Nguồn thông tin, tài liệu tham khảo:
1. Ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp tại sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 được tổ chức tại Hà Nội ngày 26 và 27.6.2024 với chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”
2. Hà Công Anh Bảo & Lê Thị Minh Huyền “Giải quyết tranh chấp trực tuyến – Khả năng áp dụng tại Việt Nam”, Tạp chí Kinh tế đối ngoại, Số 93, tr. 13.
3. Luật Trọng tài thương mại năm 2010
4. Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài trực tuyến trong lĩnh vực thương mại điện tử ( nguồn https://htpldn.moj.gov.vn/ ) ngày 14/12/2023.
Đăng Công - Minh Huyền
Theo Phaply.net
Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).