LỜI GIỚI THIỆU
Không phải là một tác phẩm văn học ăn khách đưa ra thị trường. Càng không phải là những trang viết dày dặn câu chữ, thấm đẫm hình tượng văn chương nghệ thuật để làm nên tên tuổi tác giả.
Cầm cuốn sách trên tay, có thể bạn đọc sẽ đọc những trang viết bình dị này bằng linh cảm. Linh cảm về một câu chuyện kể hình như không có trình tự thời gian, không có lối dẫn dắt hấp dẫn, không có sự sắp đặt hệ thống. Bằng lối tự truyện, nhà doanh nghiệp nữ Nguyễn Thị Sơn đã phác thảo một con đường đi đầy thăng trầm của chính cuộc đời mình. Một cuộc đời cũng như bao nhiêu cuộc đời khác sống trong bối cảnh đất nước đầy biến động của thế kỷ hai mươi. Và sức cuốn hút của cuốn sách chính là ở chỗ đó.
Gia dĩ đọc sách này lại thêm một lần tự ngẫm, hình như đâu đó trên đất nước nhỏ bé này, vẫn còn nhiều lắm những con người như thế, như cái cây có thể bị gãy cành qua gió táp mưa sa, có thể bị cuốn trôi theo dòng lũ, có thể lụi tàn... để rồi một ngày nào đó những chiếc lá lại xanh, những cành cây lại trỗi dậy vươn lên dưới bầu trời.
Tôi không biết chị là ai. Chỉ đọc cuốn sách này mà trong lòng thấy cảm động. Những gì mà người nữ doanh nhân này đã đóng góp cho đất nước, xin bạn đọc hãy tự suy ngẫm và chia sẻ.
Tôi chỉ xin chia sẻ với chị về chính tác phẩm này, bởi khi đọc xong tôi thấy cái nghiệp cầm bút giản dị của mình quả cũng thật vinh quang. Bởi vì nó giúp cho chúng ta, cho tôi và chị xích lại gần nhau hơn trong cái nhân gian CHÂN THIỆN MỸ.
Nhà văn Ma Văn Kháng
LỜI NÓI ĐẦU
Nhiều lần suy nghĩ về cuộc đời mình, tôi thấy có nhiều nỗi thăng trầm, có thể rút ra một bài học gì đó cho con cháu trong gia đình. Nhưng tôi lại không muốn viết hồi ký vì viết hồi ký phải sưu tập tư liệu rất vất vả. Cuối cùng tôi chọn thể lọai tự truyện vì tôi nghĩ tự truyện như một câu chuyện tự kể, nghĩ đến đâu kể đến đó không bị ràng buộc về chi tiết các sự kiện, giống như mẹ tôi vẫn kể ngày xửa ngày xưa mà không cần xác định ngày xưa là thời điểm nào. Những câu chuyện tôi kể ở đây là những câu chuyện gắn bó với cuộc đời tôi, có những kỷ niệm sâu sắc mà tôi nhớ mãi không quên, về những con người tôi từng gặp hoặc địa danh tôi từng đến. Nhưng về thời gian của các câu chuyện chỉ là tương đối, có câu chuyện tôi ghi chép rất chính xác vì tôi còn lưu giữ những hình ảnh, nhưng cũng có câu chuyện chỉ là ước đoán thời gian theo trí nhớ. Hơn nữa tôi không phải là nhà văn, tôi không có khả năng thêm thắt hư cấu tả tình tả cảnh được, nên tự truyện của tôi viết theo giọng kể chuyện hơn là viết một tác phẩm văn học.
Tôi chọn đề tài TÌNH YÊU-GIA ĐÌNH-SỰ NGHIỆP vì cả cuộc đời tôi, ba chủ đề này luôn luôn xuất hiện cùng một lúc xung đột và hòa quyện lẫn nhau. Tôi trân trọng với tình yêu và vun đắp cho hạnh phúc gia đình, sự nghiệp. Tình yêu cũng là động lực giúp cho tôi cân bằng sự sống để làm việc tốt hơn. Và cuối cùng niềm vui lớn nhất là sự trường tồn vĩnh cửu của một gia đình và sự trưởng thành của các con, các cháu.
Thông thường hồi ức của một đời người thường bắt đầu ở tuổi bé thơ, nhưng tôi lại khởi đầu một chuỗi câu chuyện của tôi ở tuổi 17 vì đối với tôi có lẽ tuổi 17 là thời điểm mà tôi biểu lộ rõ nét nhất về tính cách của cuộc đời tôi sau này.
TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
CHƯƠNG 1
TUỔI 17
Ở tuổi 17 (1967) tôi bắt đầu có những nét duyên dáng của người con gái đến tuổi dạy thì, nước da trắng, người dong dỏng cao, khuôn mặt đầy. Bạn cùng trường gọi tôi là Hoài Tâm vì tôi có mái tóc cắt ngang và khuôn mặt hao hao giống ca sĩ Phương Hoài Tâm ở thập niên 60 thế kỷ trước.
Tôi học năm nào cũng được khen thưởng toàn trường, và có nhiều năng khiếu như vẽ cũng đẹp, viết lách cũng tương đối lại cẩn thận nên được trường giao cho làm tờ bích báo của trường. Tôi thích môn học toán và lý hóa, buổi sáng học chính khóa, buổi chiều ôn bài tôi thường làm trước các bài tập trong sách, nên khi thầy cho bài tập vừa viết xong đề bài là tôi đã ra ngay đáp số, vì thế các thầy dạy toán lý hóa rất quý tôi nhất là thầy Cấp dạy môn toán đại số, luôn luôn ca ngợi tôi trước các học sinh trong lớp, tôi được khen càng thích và càng cố gắng học thật tốt các môn học này. Nhưng tôi lại lười học môn Pháp văn chỉ vì có một tuần tôi bị ốm không đến học, khi vào lớp bị thầy gọi lên trả bài, tôi chưa kịp ôn bài nên khi thầy hỏi tôi lúng túng và bị thầy mắng ngay tại chỗ, nên từ đó tôi tránh thầy và tự dưng không thấy thích thú khi học môn tiếng Pháp. Tiếng Anh là sinh ngữ chính của lớp tôi, làm bích báo của trường ngày ấy rất vất vã, phải kêu gọi mọi người viết bài, rồi phải trang trí sao cho tờ báo treo lên tường phải đẹp, phong phú và hấp dẫn người đọc, nhiều khi không đủ bài vở tôi và cậu em trai tôi (Nguyễn Đình Đại) phải tự viết dưới nhiều bút danh, kể cả dịch các truyện ngắn từ tiếng Anh đưa vào tờ báo. Thư viện của trường tôi ngày ấy có rất nhiều sách nước ngoài nhất là các sách nói về lịch sử các nền văn minh và danh nhân trên thế giới. Tôi có ý tưởng muốn trở thành nhà báo, nhà văn hoặc luật sư cũng từ công việc làm báo này.
Ở trường ai cũng khen tôi hát bài “Giọt mưa thu”, “Suối mơ” giọng cao giống ca sĩ Thái Thanh. Có lúc tôi đã mong mình sẽ trở thành ca sĩ, nhưng hình như tôi không có nghiệp làm ca sĩ nên mỗi lần có cơ hội thì tôi lại gặp những trục trặc nho nhỏ. Tuy vậy, tôi vẫn yêu thích ca hát và ngâm thơ khi có dịp. Trường tôi thỉnh thỏang vẫn tổ chức văn nghệ toàn trường hoặc tổ chức giao lưu văn nghệ giữa các trường, mỗi lần như thế các thày cô phải dàn dựng tập dợt rất công phu và lên chương trình cụ thể. Có một lần vào dịp tất niên nhà trường tổ chức đêm văn nghệ, sau đợt sơ tuyển tôi được chọn hát bài “Giọt mưa thu” nhưng đến trước ngày biểu diễn một ngày tôi đề nghị đổi sang bài “Trăng mờ bên suối”. Lúc hát thử ban tổ chức thấy bài hát này trữ tình hơn và không buồn bằng “Giọt mưa thu” nên chấp nhận cho tôi đổi, chẳng ngờ do tôi hồi hộp quá nên khi biểu diễn chính thức tôi quên lời một đoạn và hát không tròn câu vì thế trở nên mất bình tĩnh, không ngân cao như ý muốn được.
Về thơ phú, tôi không có khả năng làm thơ nhưng lại thích ngâm thơ. Khi tôi còn đi học tôi không thích lắm nhân vật Thúy Kiều của đại thi hào Nguyễn Du vì thời ấy con gái chúng tôi cho rằng nghĩ nhiều về nhân vật này sẽ vận vào thân không tốt. Nhưng tôi lại rất thích cách ông bắt đầu câu chuyện khi ông mô tả nét đẹp và tính cách của Thúy Vân, Thúy Kiều ở tuổi trăng tròn mà từ các tính cách ấy đã xây dựng nên cuộc đời của Thúy Vân và Thúy Kiều sau này hoàn toàn khác hẳn. Một người an nhàn với cuộc sống gia đình ấm êm vì Hoa cười ngọc thốt đoan trang, Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. Còn một người thì đau khổ với phong ba bão táp vì Làn thu thủy, nét xuân sơn, Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
Về bạn đồng môn, tôi có hai người bạn thân học với tôi từ lớp 6, một người tên là Tôn nữ Minh Thu, một người tên là Phạm Mỹ Lê. Hai người bạn này rất thích ăn mặc đẹp, mốt nào mới nhất hai bạn này cũng có, ngày ấy các bạn hay mở các buổi dạ tiệc ở gia đình và cũng hay mời tôi đến chơi nhưng tôi không biết khiêu vũ nên chỉ ngồi nghe nhạc. Hai bạn rất muốn chỉ cho tôi biết khiêu vũ nhưng tôi không học được, cho đến bây giờ khiêu vũ đã trở thành phổ biến tôi cũng không thực hiện được. Sau này bạn Minh Thu lấy một người chồng rất giàu có ở Sàigon và đã lập nghiệp ở Mỹ trước 1975, còn bạn Mỹ Lê lúc ấy yêu một sĩ quan không quân nhưng đã tử trận, sau 1975 gặp một người chồng tốt và đã định cư ở Santa Anna, California. Khi lên cấp 3 (hồi ấy gọi là đệ tam) hai lớp Anh-Pháp nhập chung, tôi cũng có thêm một số bạn cùng học ôn thi như các bạn Huệ Anh, Minh Tâm, Xuân, Thanh Sơn nhưng đã nhiều năm qua chúng tôi không gặp nhau, hình như các bạn cũng đang sống ở Mỹ. Có hai bạn ngồi ở cuối lớp nên lúc học cấp 3 không quen thân lắm nhưng sau này khi trưởng thành lập nghiệp chúng tôi có gặp nhau, đó là chị Mỹ Lệ (B) có lúc là giám đốc xí nghiệp thêu thuộc Legamex, bây giờ là chủ một công ty thêu hợp tác với Nhật Bản và anh Bông phụ trách dự án đầu tư của công ty Sơn Kim.
Con gái tuổi 17 bắt đầu biết làm duyên nên cũng có nhiều anh chàng ngắm nghé chờ tôi trước cổng trường, thấy tôi ra là các anh lượn Vespa tới hỏi chuyện, nhưng tôi lại chú ý một anh chàng đi xe Honda 67 vì anh là tay đàn Guitar của nhóm học sinh năm cuối Petrus Ký, thỉnh thỏang vẫn sang trường tôi đàn trong các chương trình giao lưu văn nghệ giữa các trường. Ngày ấy một người con gái ngồi sau xe của một người con trai có nghĩa chấp nhận người ấy là “bồ” của mình vì thế mà tôi rất ngại khi thấy các anh cứ lẽo đẽo theo tôi, có khi tôi đi bộ cả 3 cây số mới về đến nhà nhưng nhất quyết không leo lên xe của ai cả. Nhiều người đeo đuổi mãi không được cũng giận bảo tôi là khinh người, làm cao.
TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
CHƯƠNG 2
KHỞI NGHIỆP
Bố mẹ tôi là người Bắc Ninh, sống ở Hà Nội và di cư vào miền Nam năm 1954. Do điều kiện công tác của bố tôi nên ông bà có hơn hai năm sống ở Huế. Ngày ấy tôi mới 5 tuổi nên không nhớ gì nhiều, chỉ một vài hình ảnh như tiềm thức còn ghi lại, đó là ngôi trường khi tôi bắt đầu đi học, xây từ thời Pháp với khu vườn rất rộng lớn có những hàng cây cao, có các bà sơ hiền dịu. Ngày đầu đến trường tôi nhớ mẹ nên không chịu vào lớp mà chỉ ngồi khóc ở ngoài sân, các sơ vỗ về tôi bằng giọng Huế nghe rất lạ “con nì, mi mần răng rứa, răng mi khóc, nhà mi ở mô, sơ đưa mi về hỉ”. Từ trường về nhà tôi phải đi qua chiếc cầu dài với nhiều nhịp. Mỗi lần đi qua cầu tôi hay thả những chiếc thuyền giấy xuống giòng sông lăn tăn những gợn sóng nhỏ, óng ánh dưới ánh nắng chiều tà. Theo mẹ tôi kể lại, ngày ấy có sự khác biệt về văn hóa truyền thống giữa hai miền Trung-Bắc (phụ nữ Huế bước ra đường là phải mặc áo dài, dù là đi ra chợ để mua sắm) và giọng nói của người sứ Huế không chỉ khác với người Hà Nội về âm giọng mà còn khác về ngôn từ, ví dụ “O nớ đi mô rứa” thay vì “cô ấy đi đâu thế”. Mẹ tôi nói rằng bà rất khó khăn trong thời gian đầu để hòa nhập.
Trước khi di cư vào miền Nam, mẹ tôi có một cửa hiệu bán vải lụa ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Năm 1957 bố mẹ tôi từ Huế vào Sài Gòn lập nghiệp, ông bà đã quyết định thành lập một cơ sở may mặc, sản xuất hàng quần áo may sẵn cung cấp cho các cửa hiệu bán buôn tại Sàigon, Chợ Lớn, Biên Hòa, Quy Nhơn...
Từ nhu cầu của thị trường mà cơ sở sản xuất của gia đình tôi phát triển từng bước rất thuận lợi. Chị em tôi được bố mẹ chăm sóc cho ăn học rất đàng hoàng. Bố tôi kỳ vọng tôi và em trai tôi sẽ là luật sư, giáo sư vì thấy chị em tôi bộc lộ những năng khiếu về tranh luận, nhất là cậu em trai tôi, cậu Đại thường hay phản biện về những ý kiến trong các chương trình thời sự (thời sự những năm 1963-1969 có nhiều vấn đề về chính trị và xã hội).
Nhưng một sự vô tình đã đưa tôi bước vào con đường kinh doanh mặt hàng thời trang năm tôi 18 tuổi (năm 1968). Do hàng ngày phụ giúp mẹ tôi quản lý công việc điều hành, làm sổ sách kế toán, ký cheque thanh toán mua hàng, theo dõi công nợ bán hàng nên tôi có cơ hội tiếp xúc với nhiều người trong giới doanh thương mà tôi lại là cô gái thích ăn mặc đẹp. Một hôm có người bạn hàng của mẹ tôi hỏi tôi mặc những bộ quần áo mua ở đâu, tôi nói đùa tôi tự may, bà ấy khen đẹp và nói tôi nên làm thử đem ra thị trường xem sao. Cho đến ngày ấy tôi vẫn chỉ là cô nữ sinh còn lo chuyện học hành, việc kinh doanh, sản xuất là mẹ tôi làm, tôi chỉ phụ giúp về sổ sách và quản lý tài chính cho mẹ tôi thôi nhưng khi nghe bà khách ấy đề nghị tôi cũng thấy hay hay. Thế là đêm đó mất ngủ vì suy nghĩ cách làm. Hôm sau, tôi đến các tiệm vải nổi tiếng của Sàigòn tìm mẫu vải và về tự thiết kế mẫu, tự cắt và may, rồi lại ướm thử cho đến khi thấy đẹp. Sau đó cắt rập và cho sản xuất thử đưa ra cửa hàng, không ngờ hôm sau tôi nhận được phản hồi là hàng đã bán hết và yêu cầu tôi làm thêm. Do không tự tin lắm vào lần đầu tiên nên tôi không lưu mẫu, lần thứ hai tôi tính sai công thức hạ cổ, vì thế hàng may xong cổ áo hạ quá sâu. Tôi rất lo lắng không biết có giao hàng được không, chẳng ngờ hàng lại bán rất nhanh vì các cô cho rằng hạ cổ sâu như thế trông mới đẹp, mới quyến rũ. Thế là bố mẹ tôi quyết định đầu tư cho tôi một nhánh chuyên về thời trang dành cho phụ nữ và thanh thiếu niên. Tôi có năng khiếu về thiết kế, mỗi năm một chủ đề, hàng bán rất chạy và sản xuất với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Đến năm 1975, thống nhất đất nước, hai miền Nam Bắc thông thương, bộ đội về thăm quê nhà, trong ba lô của anh bộ đội thường không thể thiếu một vài bộ quần áo thun dệt kim làm quà cho gia đình. Gia đình tôi lại tiếp tục sản xuất áo Pull, T-Shirt dệt kim cung cấp cho nhu cầu rất cần thiết này cho đến năm 1976 thì toàn bộ cơ sở của gia đình tôi được kêu gọi đưa vào hình thức sản xuất tập thể, thành lập tổ hợp may và sau đó nâng lên thành Hợp tác xã bậc cao Đại Thành vào năm 1977.
TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
CHƯƠNG 3
GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC
Lúc tôi ở tuổi 17, trong số những anh chàng lượn xe làm quen tôi có anh chàng chơi đàn Guitar thùng, đệm đàn cho tôi hát mỗi khi có giao lưu văn nghệ giữa các trường. Tôi thích hát những bài hát tiền chiến nên không thích các ban nhạc chơi đàn điện mặc dù mốt ở thời ấy là phải biết hát nhạc trẻ và biết nhảy “Twist”.
Noel và Tết năm ấy (1967), các anh gửi thiệp chúc mừng Giáng sinh cho tôi rất nhiều, ai cũng mua những tấm thiệp đắt tiền, có cây thông bạc, có tuyết phủ, có nhạc chuông và những lời chúc rất hay. Nhưng tôi lại có cảm giác rất vui khi nhận được một tấm thiệp tự trang trí bằng giấy trắng mỏng, những mảng vẽ phun bằng mực tím rất nhẹ nhàng, nét chữ đẹp và cứng rắn với lời chúc giản dị và ra vẻ đàn anh, gọi tôi là “nhỏ”. Rồi chúng tôi để ý quan tâm đến nhau, gửi thư và ảnh cho nhau, viết chung một cuốn lưu nhạc, chọn những bài hát mà cả hai đều thích. Anh tên là Nguyễn Hoàng Triệu nhưng tất cả thơ nhạc hoặc thư từ gửi cho nhau chúng tôi đều ghi “Băng Sơn – Trần Nguyên Anh” để bố mẹ tôi và các bạn tôi không phát hiện. Tôi nhớ lần đầu tiên anh hẹn tôi đi chơi, tôi sợ không dám nhận lời ngay vì bố mẹ tôi quản lý con gái rất chặt. Mãi sau tôi lấy cớ đi học ôn thi vì thế tôi vẫn mặc bộ áo dài trắng nữ sinh và hôm ấy làm duyên thắt một dải băng-đô đỏ trên đầu, sau này anh hay nhắc đến hình ảnh này và nói “đứng tim vì hồi hộp và vì em dễ thương quá”. Ngày ấy chúng tôi chả bao giờ nói đến từ “yêu” nhưng xem như “đã là của nhau”.
Chúng tôi kết hôn năm 1969, lúc ấy tôi 19 tuổi, năm 1970 tôi sanh cháu đầu lòng Hồng Vân, năm 1971 cháu thứ hai Hoàng Tuấn. Tôi vẫn đi học và tiếp tục công việc kinh doanh với nhịp sống sôi động của Sàigon. Tuy vậy, từ sau Tết Mậu Thân, tình hình an ninh ở Sàigon không được yên ổn như trước, các trường học cũng có nhiều xáo trộn, nhiều thày cô giáo đi đâu mất không thấy đến trường. Tinh thần phản chiến trong sinh viên học sinh ở khắp mọi nơi, thanh niên nhiều lớp hoang mang không biết mình sẽ ra sao. Rồi mùa hè đỏ lửa 1972, tất cả thanh niên bị buộc phải nhập ngũ nếu không sẽ bị buộc tội trốn quân dịch. Anh Triệu, chồng tôi lúc ấy đang là sinh viên y khoa, bị động viên đi học sỹ quan Thủ Đức, sau đó về học tại Học viện quân y, rồi chuyển về Quân đoàn Buôn Mê Thuột, sau cùng về công tác tại Quân y viện Vũng Tàu. Mặc dù vợ chồng ít được gần nhau nhưng có lẽ nhờ trắc trở như thế mà chúng tôi biết quý những giờ phút bên nhau, mỗi lần gặp nhau thì lại sinh một cháu. Tháng 8 năm 1974 tôi sinh cháu thứ ba Hoàng Anh, lúc ấy anh Triệu đang ở Ban Mê Thuột. Tết năm ấy tôi và cháu thứ hai Hoàng Tuấn đi Ban Mê Thuột ăn tết cùng bố các cháu. Chúng tôi ở tại khách sạn Anh Đào ngay trung tâm thành phố Ban Mê Thuột. Mọi người trong cơ quan anh đến thăm và nói: “chúng tôi phải gửi vợ con về Nha Trang vì có tin Việt Cộng sẽ tấn công Ban Mê Thuột, sao anh lại cho chị ấy ra đây” anh cũng lo lắng và thúc hối tôi về. Ăn tết xong tôi và cháu Tuấn về lại Sàigòn ngày mùng 5 tết thì 1 tuần sau, điểm đầu tiên quân Giải phóng tấn công là khách sạn Anh Đào, Ban Mê Thuột.
Tuy thời gian thăm Ban mê Thuột rất ngắn nhưng tôi cũng có dịp ngắm cảnh phố núi cao đày sương; ra chợ mua hàng thổ cẩm và ngắm các cô gái Tây nguyên má đỏ mắt huyền rất đẹp. Kết quả của chuyến đi chúng tôi đã có một kỷ niệm rất quý đó là sự hiện hữu của cháu thứ tư Hồng Trang được sinh vào tháng 11 năm 1975. Cháu Hồng Trang có nuớc da trắng hồng và dáng người cao khỏe mạnh như các cô gái Tây nguyên má đỏ ở Ban Mê Thuột.
TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
CHƯƠNG 4
CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH TRONG TÔI
Trước ngày thống nhất đất nước, Sàigon ở trong tình trạng hỗn loạn, hàng ngàn lượt người chạy về Sàigòn từ các ngả. Nhà tôi ở giữa khoảng cách từ sân bay Tân Sơn Nhất, tổng hành dinh của Bộ Tổng tham mưu quân đội cũ và dinh Độc Lập vì thế nằm giữa lằn đạn pháo kích của Giải Phóng quân. Cứ nghe thấy tiếng rít của pháo kíchlà tôi bế các con chui xuống hầm, nhưng không có điện, tối quá các con tôi khóc ầm ĩ không chịu lại phải trèo lên. Lúc ấy đầu óc tôi rất rỗng, nếu có chết cũng chẳng có cảm giác gì. Mọi người rủ nhau ra bến tàu di tản. Các gia đình xung quanh khu phố, hàng xóm chúng tôi sợ quá cũng đi theo dòng người nhưng ra đến đầu đường thì gặp pháo kích, người chết người bị thương chẳng ai giúp vì họ cũng sợ quá lo cho mình còn chưa xong nữa là lo cho ai, thế là mọi người lại quay về. Vì thế ngày 30 tháng 4 khi đài phát thanh đưa tin Tổng thống Dương Văn Minh đã đầu hàng, gia đình chúng tôi rất mừng, mừng thật sự vì không còn phải thấy cảnh chết chóc sợ sệt của chiến tranh.
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, tất cả sỹ quan quân đội chế độ cũ đều ra trình diện và phải đi học tập cải tạo. Chồng tôi vui vẻ lên đường vì anh nghĩ mình là sỹ quan quân y không vướng nợ máu, cũng sẽ nhanh về thôi, nhưng tôi chờ cả năm cũng chẳng thấy tin tức gì. Phường mời tất cả vợ sỹ quan ra họp, nơi tôi ở là Phường 25 Quận 10, cư xá sỹ quan chế độ cũ nên rất nhiều chị đi họp mà lòng hoang mang vừa lo cho chồng, vừa không biết cuộc sống gia đình ra sao vì họ đã quen ăn trắng mặc trơn. Ngày ấy vợ sỹ quan sống chủ yếu dựa vào tiền lương của chồng bây giờ không biết làm gì mà sống, nhiều chị đem hết vòng vàng, hột soàn ra bán, nhà thì không bán được vì hồi ấy bán không ai mua. Một vị cán bộ phát biểu trong cuộc họp: “các chị phải tham gia lao động sản xuất để ổn định cuộc sống, đừng trông đợi gì nhiều ở chồng các chị, vì những người này dù ít hay nhiều cũng là những người có nợ máu với nhân dân. Nhà nước tạo điều kiện để họ học tập sao cho có thể hòa nhập với cuộc sống mới, vì vậy thời gian lâu hay nhanh tùy thuộc vào kết quả học tập cải tạo của chồng các chị và sự tiến bộ của các chị ở địa phương”. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn và tham gia sinh hoạt học tập đường lối chính sách nhà nước ở các tổ dân phố, tham gia lao động và làm thủy lợi ở các nông trường được phân công cho địa phương.
Về mặt kinh tế thì gia đình tôi không đến nỗi nào, cơ sở sản xuất vẫn hoạt động may áo Pull, T-Shirt. Những cửa hiệu ở Chợ Lớn vẫn vào đặt hàng để chuyển cho các mối ở miền Bắc vào lấy vì hàng lúc đó rất hút. Nhưng tôi cũng lo lắng không biết chính sách nhà nước về kinh tế và thương mại sẽ như thế nào, liệu còn được tự do buôn bán bao lâu? Chồng không có nhà, một mình gánh vác chuyện kinh doanh, chuyện nuôi dạy các con, bốn đứa sàn sàn năm một, đứa này ốm, đứa kia đau, cũng may trong nhà có bà u già trông nom chị em chúng tôi từ nhỏ bây giờ lại tiếp tục trông nom các cháu, thật là vất vả.
Bất ngờ tôi nhận được giấy đi thăm chồng (1977). Sáng sớm tôi và hai cháu lớn chuẩn bị đủ thứ, nào là mì ăn liền, thịt chà bông, đường, lương khô, quần áo lỉnh kỉnh để gửi cho bố các cháu. Ba mẹ con phấn khởi vì đã một năm các con không gặp bố, mà cũng chưa có dịp đi xe lửa. Trên xe đặc kín người, ba mẹ con ngồi xít vào nhau trên quãng đường dài. Đến ga Long Khánh, tôi tưởng mình đến gãy cổ mất, phải ôm sát hai con vào lòng và cúi gập xuống vì những người đi buôn tránh thuế đã quăng những bao cá khô, bao gạo, củ sắn qua cửa sổ bất kể có người ngồi đó hay không.
Đến trưa tôi và hai cháu đến ga Trảng Táo và phải đi bộ hơn một giờ sau mới đến chỗ thăm nuôi. Vợ chồng chúng tôi gặp nhau ngỡ ngàng chẳng biết nói gì dù đã hơn một năm xa vắng, bao nhiêu chuyện để nói và mặc dù ở đấy chẳng có ai nghe. Trại cải tạo đã làm những căn nhà lá ở ngoài khu trại để cho người nhà thăm nom, mỗi gia đình mỗi gian riêng. Anh đen và gày vì phải lao động, nhưng vui vẻ tặng tôi mấy cái lược bằng nhôm có khắc bông cúc rất đẹp do anh làm trong lúc rảnh rỗi và quyển vở có nhiều bài thơ ngắn. Ngày xưa lúc còn yêu nhau anh đã chinh phục trái tim tôi bằng những câu thơ ngắn và nét chữ đẹp, bây giờ trong hoàn cảnh này còn thơ thẩn gì nữa, nhưng thật sự mấy câu thơ đã làm tôi mủi lòng
Anh bảo cả năm không gặp vợ con nên khi nhận được tin tôi sẽ đi thăm anh mừng lắm, ở trại cải tạo suốt ngày lao động ở nông trường nắng gió, khi nghe tin vợ lên thăm anh cuống quýt lo cạo râu, ăn mặc tươm tất nhưng làm sao giống như thời ở nhà, và mong đợi vợ đến nỗi:
Nhìn mình không phải là mình
Nhìn quanh chỉ thấy toàn hình bóng em
Anh làm rất nhiều thơ cho tôi, cuốn thơ ấy sau nhiều lần dời chuyển chỗ ở đã thất lạc, tôi chỉ nhớ được vài bài, chẳng hạn:
Em ạ, chiều nay mưa vẫn rơi,
Mây đen che kín cả núi đồi
Cà phê bốc khói thương em quá
Chắc hẳn giờ này em đơn côi
Cong lưng gánh vác chuyện gia đình
Anh nhớ ngày xưa cô nữ sinh
Thơ ngây nho nhỏ anh thương lạ
Giúp đỡ mẹ cha quên cả mình
Bây giờ em nặng cả đôi vai
Mẹ cha, em nhỏ và tương lai…
Bốn con nhỏ dại, chồng cải tạo
Thức khuya dạy sớm lo ngày mai.
Em ạ, chiều nay mưa vẫn rơi
Nhớ em, thương nhớ dạ nào nguôi
Mây đen vần vũ sao nhiều quá
Đắng Cà phê anh nghe mặn môi
Tối hôm ấy, trước cảnh buồn và tĩnh lặng của núi rừng, gian nhà tranh nhỏ kê vừa đủ cái trõng tre, hai con đã ngủ, vợ chồng ngồi tâm sự bên nhau, chỉ một động tác nhẹ là nghe tiếng kêu cót két của chiếc trõng, tôi buồn cười và tự nhiên quên hết những nỗi vất vả của đời thường. Tôi lại hát nho nhỏ cho anh nghe những câu hát mà ngày xưa tôi hay hát. Cho đến bây giờ đã trở thành thói quen, tôi chẳng bao giờ thuộc trọn vẹn một bài hát mà chỉ thuộc những đoạn nào tôi thích và thích hát bất chợt những câu hát như thế.
Sáng sớm hôm sau tiễn tôi ra ga xe lửa, đường đi ra ga hôm ấy sao xa thế. Tôi không quen đi bộ đường xa nên có cảm giác đau thắt vùng lưng, đi một quãng lại phải ngồi nghỉ. Anh lo lắng cho sức khỏe của tôi nên chẳng nói gì nhiều ngoài việc dặn dò tôi giữ gìn sức khỏe và nhắn gửi lời thăm gia đình.
Vài tuần sau tôi nhận được bài thơ ngắn anh gửi về:
Tiễn em về hôm nay
Sầu này dâng bay bay
Sân ga buồn muốn khóc
Tiếng lòng anh, em hay
“Mùa Thu chết trên cây sầu Đông”
Lời em hát êm như dòng sông
Dư âm còn vang mãi mãi
Trong hồn anh mưa say
Đến thăm anh mùa hoa
Bằng Lăng nở xa xa
Màu hoa hay màu áo
Sắc hồng trên lời ca
Đòan tàu lướt qua nhanh thật nhanh
Tình anh cũng bay trên cỏ xanh
Theo em về nơi phố ấy
Muôn đời không xa em… em yêu
TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
CHƯƠNG 5
THAM GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ ĐẤT NƯỚC
Sau khi thăm nuôi chồng về, tôi yên tâm hơn vì đã thực thấy anh bằng xương bằng thịt. Thỉnh thoảng dở những câu thơ ra đọc, tình yêu vợ chồng như đượchâm nóng, tôi ổn định tinh thần và tích cực tham gia vào công việc kinh doanh sản xuất.
1- Tham gia sản xuất kinh tế tập thể: Cùng với bố mẹ và gia đình, chúng tôi kêu gọi các công nhân cũ của gia đình tham gia thành lập tổ hợp sản xuất, tham gia sản xuất hàng hóa cung cấp cho hệ thống phân phối thương nghiệp, may mũ tai bèo, mùng, quân trang, quân dụng cho lực lượng thanh niên xung phong, tham gia sinh hoạt Hôi Phụ nữ, Đoàn Thanh niên. Tổ hợp đã giải quyết công ăn việc làm cho hơn 300 công nhân tại địa phương, đa số là vợ và con sỹ quan chế độ cũ đang học tập cải tạo. Năm ấy tôi 27 tuổi, dáng người gày và nước da trắng xanh do cùng một lúc phải làm quá nhiều việc. Nhưng những việc làm của tổ hợp đã được chính quyền địa phương và các cơ quan đoàn thể các cấp đánh giá tốt. Trung ương hội Phụ nữ tổ chức Hội nghị “Phụ nữ đảm đang” phía Nam, tôi được báo cáo điển hình là người phụ nữ sản xuất giỏi, nuôi con giỏi. Hôi nghị “An ninh tổ quốc”, tôi được báo cáo điển hình và được cấp bằng khen vì có thành tích trong việc bảo vệ an ninh tổ quốc.
Tổ hợp được đánh giá tốt, chương trình hợp tác hóa được khuyến khích vì khi ấy chỉ có hai thành phần kinh tế là quốc doanh và hợp tác xã. Tổ hợp Đại Thành được chuyển thành HTX bậc cao Đại Thành (năm 1977). Bố tôi được tập thể bầu là Chủ nhiệm HTX. Tôi là Trưởng ban Kế hoạch- Tài chính của HTX, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ HTX, Ủy viên Ban chủ nhiệm LHX quận, đại biểu Hội đồng Nhân dân quận, rồi là Ủy viên Ủy ban Mặt trận tổ quốc TP HCM.
Những năm xảy ra chiến tranh biên giới Tây Nam, HTX vận động anh em xã viên tham gia nghĩa vụ quân sự, (chính cậu em tôi đang là giáo viên nhưng cũng tình nguyện tham gia nghĩa vụ quân sự). Mặc dù những năm ấy HTX thật sự khó khăn nhiều mặt nhưng vẫn cùng với chính quyền địa phương kêu gọi mọi người góp công góp của để động viên các chiến sĩ ngoài mặt trận kể cả các thương binh được đưa về các quân y viện. Vì thế mặc dù rất bận rộn với công việc điều hành kế họach sản xuất của HTX, tôi vẫn tham gia các đội văn nghệ quần chúng tổ chức các buổi thăm nom, biểu diễn văn nghệ giúp các anh em quên nỗi đau thể xác và nỗi nhớ nhà (nhiều người bị thương rất nặng mất cả chân tay). Tôi lại ngâm thơ “Quê hương” của Giang Nam và hát những bài ca cách mạng: “Bóng cây Kơnia”, “Lá đỏ”, “Lên ngàn”….
Năm 1979 tôi được mời là đại biểu chính thức đi dự Hội nghị “Thủ tướng Phạm Văn Đồng gặp gỡ nhân dân tiêu biểu và anh chị em trí thức miền Nam” tại TP HCM. Cuối năm ấy kết hợp công tác ở Hà Nội, tôi về thăm quê ở xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Do hàng hóa của HTX Đại Thành đã được phân phối khắp nước qua hệ thống thương nghiệp nên tôi cũng quen biết một số anh chị ở Bộ Vật tư. Khi biết tôi ra Hà Nội các anh rất nhiệt tình cho mượn xe Volga đưa tôi về tận quê. Xe vừa về đến đầu làng trẻ con đã vây quanh rất đông và reo hò luôn miệng “ô tô 2 đầu về làng”, các cô chú bên nội ra đón rất hãnh diện, nhưng chú Tiện em ruột bố tôi thì vẫn lạnh lùng, lúc tôi đến chào chú nói chậm rãi “vì bố cháu vào Nam mà chú ở ngoài này không được phấn đấu vào Đảng”. Tôi bèn đưa chú xem thư mời tôi là đại biểu chính thức dự hội nghị gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng và nói “chú không nên nhắc lại chuyện cũ nữa”. Chú xem thư mời và bảo “ừ con này tiến bộ” từ ấy chú mới vui vẻ nói chuyện với tôi và hỏi thăm sức khỏe bố mẹ tôi.
Với những thành tích về sản xuất kinh doanh cũng như những thành tích tham gia các phong trào của địa phương và đóng góp cho xã hội, năm 1982 HTX Đại Thành được vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và đến năm 1984 được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì.
Trở thành cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước: Năm 1984, định hướng và phát triển cơ cấu kinh tế của TP HCM là mở rộng ngành kinh doanh dịch vụ. Ngày đó mọi người gọi ngành dịch vụ là ngành công nghiệp không khói, thế là hàng loạt công ty dịch vụ các quận được thành lập. Quận 10 thành lập Công ty Dịch vụ quận, cử một đồng chí quận ủy viên là anh Tư Long về làm giám đốc. Bí thư quận ủy quận 10 là bà Năm Bắc và Chủ tịch UBND quận là ông Năm Thái đến HTX Đại Thành thuyết phục Ban chủ nhiệm HTX và rút tôi về quận, bổ nhiệm tôi là phó giám đốc phụ trách kinh doanh của Công ty Dịch vụ quận 10.
Tôi và anh Tư Long làm việc rất hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau mặc dù quan điểm, cách nhìn về cuộc sống và phương pháp quản lý của hai người đôi khi có khác nhau. Thỉnh thoảng tranh luận một vấn đề gì mới đều có vẻ căng thẳng. Anh em cán bộ trong cơ quan mỗi lần thấy chúng tôi phát biểu tranh luận căng thẳng trong các cuộc họp thường nói đùa “chiến tranh giữa các vì sao”. Anh Tư Long được đào tạo chính quy trong môi trường kinh tế chính trị với nền kinh tế kế hoạch tập trung, còn tôi được nuôi dưỡng và lớn lên trong nền kinh tế thị trường tự do. Nhưng tôi thầm thừa nhận rằng mỗi lần tranh cãi tôi học hỏi nhiều ở anh tính tư duy có hệ thống. Còn anh thường nói với tôi, “nếu không có chị, thành công của công ty sẽ chậm hơn và có khi bỏ lỡ mất cơ hội để thành công”.
Công ty Dịch vụ quận 10 phát triển tốt, từ những căn nhà xuống cấp của hệ thống thương nghiệp cũ nay đã được sửa chữa nâng cấp trở thành các trung tâm dịch vụ khang trang ở khắp các con đường chính của quận với các loại hình dịch vụ phong phú, kể cả tham gia lắp đặt hệ thống âm thanh ánh sáng cho nhà hát Hòa Bình, được xem là lá cờ đầu của thành phố HCM về ngành kinh doanh dịch vụ. Chỉ sau hai năm công ty được tặng Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng. Cá nhân tôi cũng được tặng Bằng khen của Hội đồng Bộ trưởng, Chiến sĩ thi đua cấp thành phố nhiều năm liền. Đồng chí Tám Đành phó chủ tịch quận được bổ nhiệm là Tổng giám đốc Công ty Dịch vụ thành phố. Đồng chí Tư Long Giám đốc công ty Dịch vụ quận 10 được cử về quận thay thế chức vụ của đồng chí phó chủ tịch quận. Quận bổ nhiệm một đồng chí quận ủy viên khác về làm giám đốc công ty Dịch vụ.
Tôi cảm thấy hụt hẫng vì quyết định này nên làm đơn xin chuyển công tác với lý do muốn được phấn đấu độc lập với tư cách giám đốc dù là bất cứ đơn vị nào. Sau khi nghiên cứu đề nghị của tôi, bí thư quận ủy lúc ấy là chị Hoàng thị Khánh cũng muốn để tôi có dịp thử thách và lúc ấy quận có một đơn vị kinh doanh đang khó khăn nên bổ nhiệm tôi sang làm giám đốc công ty, đó là công ty Giày da May mặc của quận.
TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
CHƯƠNG 6
VĨNH BIỆT NGƯỜI CHỒNG THÂN YÊU
Cuối năm 1977, chồng tôi được trở về đoàn tụ với gia đình và được bố trí về làm việc tại phòng khám lao của quận. Anh làm việc tận tình với người bệnh, và đã từng cứu sống nhiều người bệnh trong cơn thập tử nhất sinh, nên cũng được bệnh nhân và các đồng nghiệp yêu quý. Thỉnh thoảng anh hay kể cho tôi nghe về hoàn cảnh của những người bệnh, đa số bệnh nhân lao phổi là những người lao động nghèo, lao động quá sức mà sinh bệnh. Ngày ấy rất thiếu các phương tiện phòng ngừa lây nhiễm, máy móc thiết bị khám chữa bệnh cũng thiếu, thiết bị chụp x quang của phòng khám lao thì quá cũ kỹ. Có lần vì cấp cứu một người bệnh trong một cơn ho thốc máu bị đờm làm ngộp thở, khi người nhà đưa đến đã ở tình trạng rất nặng anh phải dùng tới phương pháp hô hấp nhân tạo để cứu sống bệnh nhân (các báo ngày ấy cũng đưa tin ca ngợi anh). Anh bảo anh chăm lo cho bệnh nhân một phần vì lương tâm và đạo đức nghề nghiệp “lương y như từ mẫu” mà cũng vì ý thức phục vụ xã hội, chăm lo cho những người bệnh là nhân dân lao động nghèo.
Đối với gia đình anh là người chồng, người cha mẫu mực, thương yêu vợ và các con. Thấy tôi phấn đấu làm việc, anh động viên và chăm lo, dạy dỗ các con học tập để tôi đỡ phải vất vả. Hai vợ chồng vẫn có thói quen buổi tối anh đàn tôi hát, rồi chơi vài séc bóng bàn trước khi đi ngủ. Nói là chơi bóng thật ra anh dẫn banh cho tôi đánh vì chơi với các con tôi toàn bị nhặt banh.
Tôi là người phụ nữ của công việc, của kinh doanh và quản lý, trong đầu tôi lúc nào cũng sẵn sàng với các con số và các bản báo cáo kế hoạch. Tôi ít vào bếp nhưng thỉnh thoảng vẫn thích làm bếp, hai món sở trường của tôi là “chả giò” và “thịt bò bít-tết”. Mỗi lần tôi làm chả giò thì các con tôi phải phụ nhặt rau, băm thịt, miến và củ đậu, tôi thì ngồi cuốn bánh, lúc chiên mỡ bắn lung tung tôi rất sợ nên anh phải vào phụ chiên. Thế là cả nhà làm bếp với bàu không khí nhộn nhịp cứ như chuẩn bị cho một bữa tiệc rất to. Các con tôi bảo mỗi lần mẹ vào bếp thì cả nhà bận rộn.
Từ ngày về làm việc ở phòng khám lao quận, anh bận rộn và hình như cũng không còn những cảm hứng đặc biệt nên cũng quên chuyện làm thơ, chỉ làm thêm cho tôi một bài nhân ngày sinh nhật của tôi, nói về quê hương tôi ở Từ Sơn, Bắc Ninh:
Quê hương em có sông Như Nguyệt
Ngày nay với tên gọi sông Cầu
Nơi đó, chín trăm năm thuở trước
Lý Thường Kiệt với chiến công hiển hách hàng đầu
Ôi ta yêu quê hương em dù ta chưa hẹn ước
Dù chưa bao giờ ta biết đến Từ Sơn
Nhưng vì yêu em, ta càng quý nhớ hơn,
Nhớ quê hương có nhiều sông dài ra biển rộng,
Nơi ấy đất đã dâng lên sự sống,
Tạo hình hài và nuôi nấng em khôn,
Để rồi gặp em, ta yêu em như biển rộng sóng dồn.
Chính vì thế ta yêu tha thiết
như tình yêu Từ Sơn bất diệt
Ta hát vang lên bản tình ca
Ơi quê hương, ơi Từ Sơn mãi mãi trong ta.
Gia đình hạnh phúc, các con học giỏi, sự nghiệp vững vàng, tôi cho rằng bề trên đã phù hộ chúng tôi, anh càng ngày càng phát tướng, khuôn mặt sáng hồng hào với vầng trán cao.
Rồi một hôm tự nhiên anh ngất sỉu, tôi lại cho là cao huyết áp. Nhưng khi nhập viện một thời gian và như tin sét đánh bên tai, tôi bật khóc và không tin khi nghe anh nói anh bị ung thư ở vòm hầu (cuối năm 1985).
Thời gian này thật là khủng khiếp với gia đình chúng tôi. Ở đâu nói có thuốc hay, có thày giỏi chúng tôi cũng đi, tiền của dồn vào tiền thuốc, tiền bệnh viện, ai mách gì cũng nghe. Anh thì đau đớn mỗi khi bị xạ trị, châm kim vào cuống họng. Nghe mọi người mách bảo có thày đông y giỏi chữa ung thư bằng nọc rắn, tôi cũng đưa anh đi khám và lấy thuốc. Uống nọc rắn vừa khó uống vừa tanh hôi, mỗi lần uống là mửa mật xanh mật vàng, tôi nhìn anh đau đớn mà chỉ biết khóc. Ngày ấy mua thuốc giảm đau đâu có dễ, tôi chạy khắp nơi, đến gặp các bác sĩ đồng nghiệp của anh để nhờ, các anh chưa hỏi tôi đã khóc, mọi người cũng thương cảm nhưng chẳng biết an ủi như thế nào.
Anh bảo cố kéo dài sự sống được 5 năm chờ cháu út trưởng thành (năm ấy cháu út mới 7 tuổi vì năm 1978 chúng tôi sinh thêm 1 cháu nữa là 5 cháu). Nhưng đau ốm chưa được hai năm thì đã trở nặng, mỗi lần đau đớn là gắt gỏng la hét, tôi không biết tiêm thuốc mà lúc ấy cũng phải túc trực để chích thuốc giảm đau cho anh. Anh ra đi trong một cơn ngộp thở vào lúc 4 giờ sáng ngày 20 tháng 4 năm 1987. Chuyện xảy ra cứ như một cơn ác mộng. Tôi bất động không biết phải làm gì, năm ấy tôi 37 tuổi, năm đứa con, cháu lớn 17 tuổi, cháu út 9 tuổi. Nhờ cơ quan, bạn hữu, và gia đình giúp đỡ, anh cũng được mồ yên mả đẹp.
Sau khi chôn cất anh xong, mấy mẹ con cứ dụm lấy nhau, trải chiếu xuống đất ngủ chung, nỗi trống vắng và sợ hãi cứ bao phủ căn nhà, phải đến mấy tháng tôi không dám về ngủ ở phòng mình vì cứ vào phòng là tôi lại tưởng anh đang nằm đấy.
Đến cơ quan thì do trước đó tôi đã làm đơn xin chuyển công tác, nên mọi người cũng ái ngại không dám giao quyết định mới. Bố mẹ tôi biết chuyện đều khuyên: “con là phụ nữ, hoàn cảnh gia đình như thế, làm phó giám đốc đỡ vất vả hơn, để còn thời gian lo cho các cháu, chúng nó đang tuổi mới lớn, khó lắm đấy con ạ”, rồi bố tôi bật khóc “ bố thương con ở nỗi trẻ chưa qua, già chưa đến mà đã góa bụa, biết rồi con có vững vàng vượt qua không, không đi bước nữa thì cũng tội nghiệp mà đi bước nữa thì khổ cho con cái”…
Tôi cũng băn khoăn, nhưng lòng tự trọng lớn hơn nên tôi vẫn cương quyết về đơn vị mới (tháng 8 năm 1987).
TÌNH YÊU - GIA ĐÌNH - SỰ NGHIỆP
CHƯƠNG 7
PHÁT TRIỂN SỰ NGHIỆP
Nhận trong tay quyết định bổ nhiệm giám đốc, quyết định giao giải tỏa khu nghĩa địa Đô Thành, nhìn trên bản cân đối tài sản lúc bàn giao, tài sản chỉ có 6 triệu đồng tiền vốn lưu động, một đơn hàng gia công cho Liên xô chưa giao được do hàng chất lượng kém.
Đang làm việc ở nơi phòng ốc khang trang của một công ty lớn, về nơi làm việc tồi tàn ở một công ty nhỏ, rất nhiều nỗi khó khăn phát sinh. Đầu tiên là lương công nhân mấy tháng chưa thanh toán vì hàng gia công mũ giày cho Liên Xô không giao được nên xí nghiệp không có tiền trả lương.
Khi tôi đến dự họp về phân kế hoạch sản xuất với công ty đầu mối của Thành phố về gia công hàng theo nghị định thư ký với Liên Xô. Ban tổng giám đốc có vẻ ái ngại khi gặp tôi nên nói chung với mọi người: “có một số đơn vị làm hàng kém chất lượng, bây giờ lại thay đổi giám đốc, không biết ai sẽ là người chịu trách nhiệm với hợp đồng cũ”. Tôi đứng dậy trả lời ngay “tôi là giám đốc mới, hợp đồng cũ không giao được tôi xin nhận nợ và chịu trách nhiệm trả số nợ này, đề nghị các anh chị vẫn giao hàng cho chúng tôi sản xuất theo kế hoạch”. Khi bàn về kế hoạch mới, các nhà máy các quận khác cân đối kế hoạch chỉ dám nhận 60.000 sản phẩm/ năm. Công ty tôi đăng ký 400.000 sản phẩm/ năm. Mọi người hỏi căn cứ vào đâu dám đăng ký kế hoạch như thế.
Tôi trả lời: “kinh doanh sản xuất lo nhất là không có thị trường, còn đã có nơi đặt hàng rồi thì vấn đề tổ chức thực hiện là công việc của nội bộ, quyết tâm thì làm được”. Thế là tôi ký được hợp đồng. Tương tự như thế với Tổng công ty May thành phố. Không những chỉ làm với các công ty thành phố, tôi đi thẳng ra Hà Nội ký với các công ty ở trung ương.
Đến phần thực hiện hợp đồng, tôi về báo cáo với quận phải xây dựng ngay nhà máy trên lô đất nghĩa địa mới giải tỏa. Quận hỏi tiền đâu? Tôi nói để đấy tôi lo. Đầu tiên tôi mượn gia đình để có tiền chi lương cho công nhân, tuyển cán bộ kỹ thuật giỏi để sửa chữa lô hàng kém chất lượng và giao hàng để khỏi đọng vốn. Sau đó tôi đến gặp bạn bè là những công ty đã từng là khách hàng cũ như Công ty cung ứng xuất khẩu Tân Bình, Công ty xuất nhập khẩu Tổng Hợp, xin vay xi măng, tôn, sắt thép; xong tôi đến Công ty xây dựng 14 xin họ chấp nhận xây trước trả tiền sau; đến Ngân hàng Công thương TPHCM, Ngân hàng Quận 10, Ngân hàng Vietcombank và Ngân hàng Đầu tư TPHCM trình bày phương án kinh doanh để xin bảo lãnh mở L/C và xin hỗ trợ vốn lưu động; tuyển thợ và đào tạo theo phương pháp dây chuyền công nghiệp, mỗi người một công đoạn nên không cần thợ có kỹ năng cao mà cần người điều hành chuyền sản xuất cho giỏi. Dây chuyền máy công nghiệp xin mua trả chậm của Công ty Du lịch Vũng Tàu.
Giúp việc cho tôi lúc đầu có một số cán bộ nòng cốt: anh Phạm Hiển Phó tổng giám đốc phụ trách xây dựng cơ bản, anh Nguyễn Văn Hùng Phó tổng giám đốc phụ trách tổ chức, anh Nguyễn Lai trưởng phòng kế hoạch, anh Đặng Ngọc Hùng Kế tóan trưởng, chị Thủy trưởng phòng xuất nhập khẩu, anh Dũng trưởng phòng kinh doanh, anh Phúc Giám đốc xí nghiệp may quần Jeans, anh Hiếu Giám đốc xí nghiệp Giày, anh Thanh Giám đốc xí nghiệp may Áo Jacket, chị Hằng Giám đốc xí nghiệp may Sơ mi, chị Châu Giám đốc Trung tâm chứng khóan, cán bộ theo dõi gia công và thị trường có chị Bích, anh Đạo, anh Lý, chú Huynh, anh Hòang phụ trách xí nghiệp Da muối xuất khẩu, anh Đức phụ trách Legashop…Khi khởi công xây dựng các nhà máy ở khu nghĩa địa Đô Thành cũ, đào hố móng gặp rất nhiều xương cốt vì khu nghĩa địa này có nhiều xác vô thừa nhận được chôn tập thể từ Tết Mậu Thân năm 1968. Anh Hiển báo cáo với tôi, tôi nói chịu khó bới tìm và đưa đi thiêu rồi gửi cốt vào chùa cho tử tế. Sau này tôi cũng cho lập miếu thờ liệt sĩ Lê thị Riêng và hương hồn những người đã khuất ngay trong sân vườn của công ty. Trong thời gian xây dựng, một số trẻ bụi đời sống quanh khu nghĩa địa đến cướp xi măng, gạch, tôn, sắt thép, anh em bảo vệ rất khó quản lý. Anh Hiển phải mời người đứng đầu nhóm trẻ bụi đời đến thương lượng, khoán cho họ việc giữ an ninh khu vực, như thế mới được êm.
Phân công mỗi người mỗi việc, tôi đi Đông Đức và Tiệp Khắc để học tập về sản xuất giày vì từ trước tôi chỉ có kinh nghiệm ở ngành may chứ chưa làm giày bao giờ. Những ngày tôi đi công tác như thế tôi điều hành công việc bằng Fax. Tôi nhận được nhiều Fax thúc hối từ bên nhà, quận yêu cầu tôi về sớm.
Tôi về, nhà máy xây dựng gần xong; thiết bị tôi đặt mua cũng gần về. Thế là tôi chỉ huy lắp đặt và đưa công nhân đã được đào tạo vào hệ thống sản xuất dây chuyền. Lô hàng giao đầu tiên lại do chính bà giám đốc công ty May ở Liên Xô đến kiểm tra tại nhà máy mới nên được phía bạn hàng Liên Xô khen ngợi nhà máy trang bị tốt, chất lượng hàng hóa đạt yêu cầu. Bà đề nghị công ty nhận thêm đơn hàng ngoài kế hoạch (hàng ngoài kế hoạch giá công cao hơn và được trả bằng đối lưu hàng hóa). Tôi đồng ý và khách hàng đã chuyển nguyên liệu sang cùng với hàng hóa đối lưu để trả tiền công trước. Có được tiền công trả trước tôi vội trả ngay tiền xây dựng nhà máy và tiền xi măng sắt thép của các công ty bạn để giữ uy tín với họ. Phòng khách nhà tôi hiện nay vẫn còn trưng bộ ấm Samova do bà giám đốc công ty May ở Mascova tặng tôi từ ngày đó, xem đấy như một kỷ niệm của nước Nga, một biểu hiện của sự hợp tác thành công.
Không những trả nợ xây dựng mà công ty còn xin đầu tư vào khu Hội chợ quận 10 để giới thiệu sản phẩm trực tiếp với người tiêu dùng. Tháng 12 năm 1988 công ty chính thức đổi tên là Công ty xuất nhập khẩu Legamex. Thương hiệu Lega-fashion cũng là đơn vị đầu tiên tổ chức các chương trình giới thiệu thời trang và tôn vinh nghề người mẫu Việt Nam.
Ngày ấy việc giới thiệu sản phẩm trên sàn diễn là việc rất lạ. Không có người mẫu chuyên nghiệp, tôi phải tuyển từ các đội múa Ba-lê rồi mời đạo diễn dàn dựng luyện tập. Khi biểu diễn gia đình các cháu sợ các báo chụp hình nên những màn trình diễn giới thiệu trang phục nội y phải may thêm khăn khoác ngoài. Khi ký hợp đồng biểu diễn với người mẫu, phần ghi ngành nghề người lao động tôi ghi nghề người mẫu, báo chí cũng ủng hộ đưa tin và bình luận rằng trong danh mục lao động nên có thêm nghề người mẫu.
Hoạt động kinh doanh sản xuất ngày càng phát triển mạnh nên nhân sự ngày càng đông. Ngòai số công nhân làm việc trực tiếp trong công ty có lúc lên đến 4000 người, Legamex còn giải quyết công việc làm cho khỏang 15000 lao động ở các xí nghiệp vệ tinh. Cán bộ các đơn vị trực thuộc cũng ngày càng tăng như anh Nhung Bí thư đảng ủy, chị Bình trưởng phòng tổ chức, anh Nam Giám đốc xí nghiệp may Lega-5. Chị Trà Khúc Giám đốc xí nghiệp Dệt nhãn hiệu, anh Triều Giám đốc xí nghiệp may liên doanh với Ba Son, anh Phương Giám đốc Lega-6, anh Cao Sơn Phó giám đốc xí nghiệp giày, chị Hồng Vân Giám đốc xí nghiệp Lega-4, chị Lệ Giám đốc xí nghiệp thêu Kimono... Các anh chị em cán bộ công nhân viên thường nói “đất lành chim đậu”. Tôi cho là “an cư mới lập nghiệp” nên tạo cơ hội cho anh chị em ổn định cuộc sống bằng các chính sách đãi ngộ để mọi người phát huy tài năng đóng góp cho sự phát triển của công ty.
Đầu năm 1989, do giữ uy tín giao hàng đúng kế hoạch nên phía bạn hàng Liên Xô mời tôi sang Mascova làm việc cho kế hoạch năm sau. Trước khi đi, tôi được anh Côn giám đốc Ngân hàng Đầu tư TP HCM cho biết thông tin về Ngân hàng Đầu tư quốc tế MIB và nói nhiệm kỳ này đại diện Việt Nam giữ vị trí Phó chủ tịch Ngân hàng MIB. Tôi báo cáo với quận và xin quận cử đoàn của quận cùng đi để chỉ đạo công việc tốt hơn.
Lãnh đạo quận 10 lúc ấy là anh Trương Tấn Biên bí thư quận ủy, anh Tư Long chủ tịch UBND quận, cử đoàn quận 10 gồm 7 người trong đó 4 vị là lãnh đạo quận là các anh Nguyễn Tín Trung Phó chủ tịch quận, anh Võ Ái Dân Chủ tịch HĐND, anh Bảy Mừng Trưởng ban kiểm tra Đảng, chị Thiện Giám đốc Ngân hàng quận 10, cùng tôi và cô Bích, anh Lý thông dịch viên. Các công ty tại Liên Xô tiếp đón đoàn rất chu đáo. Sau đó chúng tôi sang Ngân hàng Đầu tư Quốc tế MIB xin gặp ông Phạm Học Lâm, Phó chủ tịch MIB người Việt Nam và gặp ông Lưu Đức Thái, cán bộ phụ trách tín dụng Ngân hàng MIB. Hai ông cho biết một số thông tin và cung cấp một số chi tiết cụ thể để có thể vay được vốn của Ngân hàng Đầu tư quốc tế MIB. Chiều hôm ấy với sự trợ giúp của ông Lưu Đức Thái và anh Nguyễn Văn Bình cán bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chúng tôi chỉnh sửa lại phương án vay cho phù hợp với các tiêu chí của MIB và chỉnh sửa bản tiếng Nga cho phù hợp với các từ ngữ chuyên môn của ngành tài chính, ngân hàng quốc tế. (* Ngày ấy anh Bình là cán bộ Ngân hàng Nhà nước, làm nghiên cứu sinh ở Mascova và thực tập tại Ngân hàng MIB. Bây giờ anh Nguyễn Văn Bình là Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). Hôm sau chúng tôi được giới thiệu đến gặp ông chủ tịch Ngân hàng MIB người Nga. Sau khi chào hỏi và trao đổi mục đích chuyến thăm và làm việc cũng như trình bày phương án vay, ông chủ tịch ngân hàng MIB phát biểu: “tôi thấy chị trên TV khi chị đến làm việc ở công ty May. Tôi đồng ý về nguyên tắc cho công ty chị vay vốn tín dụng dài hạn vì ba lẽ: một là Việt Nam là thành viên HĐQT của MIB nhưng chưa có doanh nghiệp nào của Việt Nam sang vay, hai là tôi rất yêu quý Việt Nam, ba là công ty chị rất đáng được chúng tôi cho vay vì làm ăn với Liên Xô có hiệu quả và vì phương án vay của chị có tính khả thi. Nhưng chúng tôi chỉ có quyền cho vay 6.000.000 USD, còn vượt hơn số đó phải có ý kiến của Hội đồng quản trị”.
Ngay chiều đó ông cho triệu tập họp nhóm chuyên gia tư vấn tín dụng, ký biên bản cuộc họp chấp thuận về nguyên tắc cho công ty Legamex vay 6.000.000 USD với điều kiện phải có bảo lãnh của Ngân hàng Nhà nước VN.
Về đến nhà, tôi thông báo với các cơ quan báo đài và ra Hà Nội xin gặp Uỷ ban Kế họach Nhà nước để trình bày và đến gặp Ngân hàng Nhà nước xin bảo lãnh. Do lần đầu tiên có một doanh nghiệp Việt Nam vay vốn Ngân hàng Quốc tế MIB để đầu tư sản xuất phục vụ các hiệp định thương mại với Liên xô nên Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Ngân hàng Nhà nướcViệt Nam rất ủng hộ và giúp đỡ thủ tục rất nhanh chóng. Ngày 31 tháng 8 năm 1989, Công ty Legamex đã ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng đầu tư quốc tế MIB vay 6.000.000USD. Tham dự và chứng kiến buổi lễ ký Hợp đồng có ông Nguyễn Ngọc Minh vụ trưởng vụ quản lý ngoại hối Ngân hàng Nhà nước và ông Tám Báo phó chủ tịch UBND quận 10.
Sau khi đầu tư vào nhà máy may mặc chúng tôi tiếp tục được MIB hỗ trợ thêm 6.000.000 USD cho dự án sản xuất giày dép. Ngân hàng thanh toán quốc tế MBES cũng cho vay 1.000.000 USD vốn lưu động. Trong quan hệ với Ngân hàng thanh toán quốc tế MBES có sự giúp đỡ của ông chủ tịch MBES Khôkhơlop, ôngNguyễn Công Hải vụ trưởng vụ quan hệ quốc tế Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ông Phan Văn Tính đại diện Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở MBES.
Từ vốn tín dụng đầu tư dài hạn cho nhà máy, sản phẩm của công ty có tiếng tăm không những ở trong nước và thị trường truyền thống Đông Âu mà công ty còn mở rộng thị trường sang các quốc gia khác như Đức, Pháp, Bỉ, Hòa Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Thời kỳ ấy, luật đầu tư nước ngoài của Việt Nam còn rất mới, các khách hàng khi đến Việt Nam thường đề nghị được giới thiệu đến tham quan và nghiên cứu mô hình kinh doanh theo cơ chế thị trường của Legamex và họ rất tin tưởng vào phong cách kinh doanh của Legamex. Một số nhà đầu tư đã thành đạt ở Việt Nam như Chiaphua Hong Kong Group (dự án căn hộ cao cấp Parkland liên doanh với Legamex), Quadrille Việt Nam (nhà máy đầu tư 100% vốn nước ngòai tại khu công nghiệp Amata Đồng Nai), Pacific Brand (nhà máy giày Grosby hợp tác sản xuất với Legamex)… đã nói rằng nhờ sự giúp đỡ ban đầu của Legamex khi họ mới đến Việt Nam mà họ đã có cơ hội để kinh doanh thành công ở Việt Nam.
Nhiều vị lãnh đạo cấp cao của trung ương và các tỉnh thành khi đến thăm các nhà máy của Legamex đều khen ngợi, tôi được nhiều báo đài trong nước và ngoài nước viết bài ca ngợi như một doanh nghiệp điển hình của Việt Nam trong thời kỳ đầu của chính sách mở cửa. Năm 1990, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đến thăm công ty Legamex. Ông rất hài lòng khi nhìn thấy các nhà máy của công ty đang khẩn trương đóng gói hàng hóa vào các container để xuất khẩu.
Năm 1992 Tổng bí thư Đỗ Mười cũng đến thăm công ty Legamex, tôi mời Tổng bí thư và đoàn đi thăm các nhà máy, lúc ấy công ty có 9 nhà máy trực thuộc. Lúc đi bộ qua các nhà máy, ông bảo công ty xây dựng nhà máy đẹp, bố trí khoảng cách không gian thoáng, như thế mới đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng ngừa cháy nổ. Các anh đi trong đoàn nói với tôi, nhận xét của ông không chỉ là lời khen của Tổng bí thư mà còn là nhận xét của nhà chuyên môn vì ông đã từng là Bộ trưởng Bộ Xây dựng. Ông cũng bảo nếu tỉnh nào cũng có một công ty như thế này thì rất tốt.
Những năm ấy Thủ tướng Võ văn Kiệt, Phó chủ tịch nước Nguyễn thị Bình, Phó thủ tướng Phan văn Khải, Phó thủ tướng Trần Đức Lương, Phó thủ tướng Nguyễn Khánh và nhiều Bộ trưởng của các bộ ngành cũng đến thăm và động viên mô hình sản xuất đa dạng từ dệt kim, dệt nhãn hiệu, thêu, may, công nghiệp đóng giày thể thao của Công ty Legamex. Đặc biệt có các đoàn lãnh đạo của các nước cũng đã đến tham quan công ty như Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, Thủ tướng Thái Lan Anand Pangarachum, Phó thủ tướng và đoàn đại biểu Chính phủ Liên bang Nga, Bộ trưởng công nghiệp Úc John Kerin cũng đến tham quan và có những lời khen tặng công ty.
Đài truyền hình Nga rồi Đài truyền hình Nhật đã làm những cuốn phim nói về thành tựu của Việt Nam trong đó có đề cập đến sự thành công của hai người phụ nữ điển hình là bà Ba Thi và tôi: ngày ấy công ty Legamex xuất khẩu sang các thị trường lớn là Nga, Đức và Nhật. Các khách hàng của công ty là những tập đòan lớn nên mỗi năm họ thường mời tôi sang làm việc và ký kết hợp đồng, mỗi lần sang làm việc họ đều đón tiếp rất chu đáo. Một lần tôi đến Nhật theo lời mời của các công ty Itochu, Nishoiwai, chờ sẵn ở sân bay có đại diện các công ty đối tác, các em tôi đang sống ở Nhật: Hương, Ngọc, Phước và hai cháu Uyên, Huy cũng đến đón. Đoàn quay phim của Đài truyền hình Nhật cũng có mặt và họ đi theo chúng tôi suốt chuyến công tác để quay những cảnh đàm phán làm việc của tôi và cảnh đoàn tụ của gia đình tôi. Một lần khác sang Nga cũng thấy đoàn quay phim của Nga chờ sẵn ở sân bay và họ đi cùng chúng tôi suốt chuyến công tác ở Nga và vùng giá lạnh Siberi. Buổi tối về đến khách sạn tôi đã thấy hình mình trên truyền hình. Sứ quán Việt Nam tại Nga, các cơ quan thương vụ và đại diện Việt Nam tại các quốc gia Đông Âu cũng tạo nhiều điều kiện thuận lợi giúp đỡ tôi và công ty Legamex. Tôi nhớ một lần có dịp đi cùng đoàn doanh nghiệp Dệt May thuộc bộ Công nghiệp, trưởng đoàn là Bộ trưởng Đặng vũ Chư đến Mascova và đi thăm các nhà máy sợi cotton ở Uzebekistan, Trong chuyến đi ấy Đại sứ quán Việt Nam tại Nga có buổi chiêu đãi đoàn, tôi được bố trí ngồi cạnh Đại sứ Nguyễn Mạnh Cầm, khi tôi được giới thiệu Đại sứ bảo: “cô Sơn đấy à, văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình, nghe tiếng cô lâu lắm rồi hôm nay mới gặp”.
Năm 1992, Liên Xô có sự thay đổi lớn về thể chế chính trị, Một năm sau đó, NH quốc tế MIB bắt đầu khó khăn về cơ chế hoạt động nên đề nghị bán nợ cho các ngân hàng phương tây với giá 40% nợ gốc. Một lần nữa công ty Legamex lại đứng trước một tình huống “Cơ hội và thử thách”. Tôi báo cáo với UBND TPHCM, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ban chỉ đạo cổ phần hóa để xin ý kiến, đồng thời tiếp cận với Ngân hàng ING của Hòa Lan để nhờ tư vấn mua nợ vì việc này đối với VN quá mới, chưa có tiền lệ.
HẾT PHẦN I (từ Chương 1 đến Chuong7)