Theo Ban tổ chức, chủ đề năm nay được tiếp cận từ góc nhìn liên ngành, kết nối chặt chẽ giữa pháp luật, kinh tế và quản trị doanh nghiệp, nhằm tạo diễn đàn học thuật mở, nơi các ý tưởng lý luận và kinh nghiệm thực tiễn có cơ hội gặp gỡ và bổ trợ lẫn nhau. Với tổng cộng 109 bài tham luận gửi về, trong đó có 85 bài được chọn để in kỷ yếu, hội thảo đã cho thấy sức hút mạnh mẽ trong giới học thuật cũng như cộng đồng doanh nghiệp đối với chủ đề này.
TS. Ngô Minh Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách về hoạt động khoa học công nghệ Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM chia sẻ “trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR - Corporate Social Responsibility) là một chiến lược quan trọng giúp doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo giá trị lâu dài cho cộng đồng và môi trường. CSR không chỉ là nghĩa vụ đạo đức mà còn mang lại lợi thế cạnh tranh và tăng cường uy tín thương hiệu”.

TS. Ngô Minh Hải – Phó Hiệu trưởng phụ trách về hoạt động khoa học công nghệ Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Dương Anh Sơn – Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM – đã chỉ ra thực trạng phổ biến hiện nay là nhiều doanh nghiệp, thậm chí cả cơ quan công quyền, vẫn hiểu CSR một cách phiến diện và hình thức. Ông nhấn mạnh rằng trách nhiệm xã hội không nên bị đồng nhất với các chương trình từ thiện ngắn hạn hay các hoạt động quảng bá đơn lẻ, mà cần được hiểu là cam kết thực chất của doanh nghiệp trong việc tạo ra giá trị lâu dài cho xã hội, bắt đầu từ chính hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình.

PGS.TS Dương Anh Sơn – Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế – Tài chính TP.HCM trình bày tham luận “Những lợi ích mà doanh nghiệp có được khi thực hiện trách nhiệm với xã hội”
PGS.TS Dương Anh Sơn nhấn mạnh rằng cốt lõi của CSR phải nằm ở chất lượng sản phẩm, dịch vụ và hành vi ứng xử có trách nhiệm đối với người tiêu dùng, người lao động, cộng đồng và môi trường. Một doanh nghiệp sản xuất hàng hóa không đảm bảo an toàn, gây nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng, thì dù có đóng góp hàng tỷ đồng cho các chương trình từ thiện cũng không thể được coi là có trách nhiệm xã hội. Ông cho rằng cách thể hiện CSR hiệu quả và cơ bản nhất chính là việc doanh nghiệp thực hiện đầy đủ nghĩa vụ pháp lý, tuân thủ quy định về lao động, thuế, môi trường và trung thực trong cạnh tranh. Đây là nền tảng để xây dựng lòng tin từ công chúng và đảm bảo phát triển bền vững.
Với mô hình ba trụ cột của CSR, bao gồm: trách nhiệm kinh tế, trách nhiệm xã hội và trách nhiệm môi trường, ông phân tích sâu vào từng khía cạnh. Doanh nghiệp cần tạo ra lợi nhuận một cách hợp pháp, công bằng và hiệu quả; đồng thời tạo việc làm, đóng bảo hiểm đầy đủ, bảo vệ quyền lợi người lao động; và không kém phần quan trọng là thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường như sử dụng năng lượng sạch, tái chế, tiết kiệm tài nguyên và xử lý chất thải đúng chuẩn mực.
Để minh chứng cho quan điểm trên, PGS.TS Dương Anh Sơn đã đưa ra ví dụ điển hình về Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam – Vinamilk. Theo ông, Vinamilk đã xây dựng một chiến lược CSR bài bản và sâu sắc khi phát triển hệ thống trang trại bò sữa hữu cơ đạt tiêu chuẩn châu Âu, triển khai chuỗi cung ứng khép kín để đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra, đồng thời sử dụng năng lượng tái tạo và các giải pháp công nghệ thân thiện với môi trường. Không chỉ dừng lại ở sản xuất, Vinamilk còn tiên phong trong các hoạt động cộng đồng, tiêu biểu như chương trình “Quỹ sữa vươn cao Việt Nam” – đã mang hàng triệu ly sữa đến với trẻ em vùng sâu vùng xa trên cả nước. Những nỗ lực này không chỉ giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong nước mà còn mở rộng thành công sang các thị trường quốc tế như Mỹ, Nhật Bản, New Zealand – nơi các tiêu chuẩn đạo đức và phát triển bền vững được đặt lên hàng đầu.
Tại hội thảo, GS.TS Lê Hồng Hạnh – Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – đã đồng tình với cách tiếp cận toàn diện về CSR. Ông cho rằng một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội trước hết phải đảm bảo cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao cho cộng đồng. Điều này không chỉ phản ánh năng lực chuyên môn mà còn thể hiện tinh thần đạo đức trong kinh doanh. GS Hạnh đặc biệt nhấn mạnh rằng trong bối cảnh Nhà nước đang nỗ lực tinh gọn bộ máy, vai trò của doanh nghiệp tư nhân càng trở nên quan trọng hơn trong việc giải quyết vấn đề lao động, đóng góp cho ngân sách và ổn định xã hội. Doanh nghiệp càng mạnh, xã hội càng ổn định – đây cũng là một biểu hiện thiết thực của CSR trong giai đoạn phát triển mới.

GS.TS Lê Hồng Hạnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) trình bày tham luận
Những phát biểu, góc nhìn và dẫn chứng thực tế tại hội thảo đã góp phần làm sáng tỏ một điều cốt lõi: trách nhiệm xã hội không phải là một khẩu hiệu, không phải là hoạt động “tô hồng” hình ảnh, mà là một phần không thể tách rời trong chiến lược quản trị và văn hóa doanh nghiệp. CSR cần được hiểu là cách doanh nghiệp tự giác cam kết với các giá trị bền vững, lấy con người và môi trường làm trung tâm, từ đó phát triển một cách tử tế, trách nhiệm và dài hạn.
Ngoài các bài tham luận, hội thảo còn là dịp để các đơn vị học thuật thiết lập hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức xã hội. Khoa Luật – UEF đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với 7 đơn vị, gồm công ty luật, trung tâm trọng tài, doanh nghiệp sản xuất và cung ứng dịch vụ. Các thỏa thuận này được kỳ vọng sẽ mở rộng mạng lưới phối hợp trong đào tạo – thực hành – nghiên cứu khoa học, đồng thời giúp hình thành một hệ sinh thái bền vững giữa nhà trường, sinh viên và doanh nghiệp.
Một số hình ảnh của buổi hội thảo:






Trần Hơn
Theo Phaply.net