Nguyễn Trí Tuệ

ĐIỀU BẤT NGỜ

Đoàn người vẫn lặng lẽ đi. Chỉ có tiếng mưa rơi rào rào trên lá, và tiếng bì bõm của những bước chân qua những vũng nước đọng trên đường. Họ là đoàn công tác liên ngành đang thực hiện kế hoạch truy quét lâm tặc. Không ai nói với ai điều gì, bởi còn bao nhiêu sức lực họ đều dành lại, dồn xuống đôi chân, mong nó vững chãi mà vượt qua mọi con đường.

Đoàn người vẫn lặng lẽ đi. Chỉ có tiếng mưa rơi rào rào trên lá, và tiếng bì bõm của những bước chân qua những vũng nước đọng trên đường. Họ là đoàn công tác liên ngành đang thực hiện kế hoạch truy quét lâm tặc.
Không ai nói với ai điều gì, bởi còn bao nhiêu sức lực họ đều dành lại, dồn xuống đôi chân, mong nó vững chãi mà vượt qua mọi con đường.
Nói là "con đường" cho nó... oách thế thôi, chứ thật ra đó chỉ là những lối mòn men theo sườn núi vô cùng hiểm trở mà bọn lâm tặc tạo ta để kéo gỗ về xuôi.
Anh cũng lặng lẽ đi trong đoàn người đó. Cái đói, cái lạnh dường như đã vắt kiệt sức của mọi người sau những ngày dài băng rừng, lội suối. Bàn chân cứ bước lên phía trước như một phản xạ tự nhiên, dù nhiều khi vì đường trơn trượt những đôi chân kia như muốn khụy xuống. Không còn cảm giác mỏi nhừ ở chân nữa, chỉ có tiếng tim trong lồng ngực cứ rung lên thình thịch. Thỉnh thoảng họ cũng dừng lại cắn một miếng lương khô, hớp một ngụm nước lấy sức rồi lại lên đường.
Dạo này bọn lâm tặc hoạt động ghê lắm. Chúng bè gỗ theo đường sông, chở trên xe ngay giữa ban ngày. Khi bị vây bắt chúng sẵn sàng manh động. Có không ít cán bộ, nhân viên lực lượng chức năng bị chúng tấn công giải vây cho đồng bọn và trả thù.
Đoàn người vẫn tiếp tục đi. Tiếng máy cưa từ xa vọng lại như một lời thách thức. Họ chẳng còn để ý những cơn mưa lớn như muốn tát vào mặt. Không còn để ý lũ vắt rừng một đầu bám trên lá, đầu kia cứ vắt vẻo, lủng lẳng chờ cơ hội bám vào da thịt mà hút máu cho đến lúc căng tròn. Cái lũ vắt này chúng gớm ghiếc lắm, một khi đã bám lên người rồi, chúng sẽ tìm đến nơi có nhiều mạch máu mà cứ hút, hút mãi cho đến khi chán chê mới thôi, thậm chí khi chúng nhả ra rồi thì vết thương vẫn chảy máu một thời gian sau mới lành. Anh chợt so sánh: cái bọn lâm tặc này có khác chi lũ vắt rừng đâu, cứ bám lấy những mảnh rừng tốt nhất, rồi chọn những cây đẹp nhất, quý nhất, và chúng sẵn sàng tàn phá cả một vùng xung quanh chỉ để lấy một cây gỗ mà thôi. Rừng đang chảy máu, rừng đang chết dần, rừng đang kêu cứu.
Anh vẫn đi, trong cái mệt mỏi vì đói và lạnh lại miên man suy nghĩ: công nhận ông cha mình giỏi thật đấy, chỉ với đôi dép cao su mà "xẻ dọc trường sơn...". Hành trình của tiền nhân đâu chỉ có vài ngày như mình mà kéo dài hơn một phần tư thế kỷ, để vẽ nên hình hài Tổ quốc vinh quang và tươi đẹp như ngày hôm nay. Cái suy nghĩ tích cực đó như là một liều thuốc tinh thần làm anh phấn chấn hẳn lên.
Theo đúng kế hoạch, đoàn công tác đến bên suối cũng là lúc trời đã nhá nhem tối. Dựng lán nghỉ lại qua đêm sáng mai mới tiếp tục lên đường. Khi cơm được nấu trong ống tre rừng chuẩn bị soạn ra thì phát hiện bên kia sườn núi có ánh lửa lập lòe, nhận định là lửa từ lán của bọn lâm tặc. Ăn vội miếng cơm lót lòng. Không ai bảo ai tất cả đều tập trung chuẩn bị vật dụng, vũ khí sẵn sàng tiếp cận mục tiêu.
Sau gần một giờ cắt rừng, đoàn công tác đã bí mật bao vây cái lán. Phương án đột kích nhanh chóng được thông qua. Nấp sau một thân cây to, anh hô lớn
- Mọi người trong lán nghe đây, chúng tôi là lực lượng liên ngành... yêu cầu mọi người ngồi nguyên vị trí, không được manh động.
Dứt tiếng hô của anh, tất cả các hướng đều đồng loạt bật đèn pin soi vào lán. Sau một thoáng hốt hoảng, bóng người trong lán láo nháo rồi cũng lập tức ngồi yên tại chỗ.
Dưới ánh đèn soi, cái lán hiện ra hết sức sơ sài, dường như nó cũng chỉ được dựng lên cách đây vài hôm thôi, và chủ nhân của nó cũng không có ý định ở lâu. 
Anh và hai chiến sỹ, súng AK chắc trong tay thận trọng bước vào lán với tinh thần cảnh giác cao độ. Nhưng rồi anh không khỏi ngỡ ngàng khi trước mặt anh là hai người phụ nữ và bốn người đàn ông tóc đều đã bạc,trên khuôn mặt họ lộ sự mệt mỏi, hốc hác. Không phải lâm tặc rồi. Lâm tặc gì lạ thế này? Họ làm gì ở đây nhỉ?
Người đàn ông có vẻ lớn tuổi nhất, ước chừng cũng đã 60 tuổi rồi, tiến lại phía anh, vẻ mặt còn chưa hết hốt hoảng:
- Báo cáo các anh, chúng tôi là cựu chiến binh cùng gia đình thân nhân liệt sĩ vào đây tìm mộ, đã mấy ngày rồi mà vẫn chưa tìm ra, lương thực mang theo cũng cạn, định qua đêm nay sẽ về, lần sau lại vào.
Vừa nghe trình bày xong, bước chân anh như khựng lại, một cái gì đó như nghẹn lại nơi cổ mình, mắt anh nhòe cay. Không ai bảo ai, những họng súng cảnh giác của các chiến sĩ đều hạ xuống một cách nhanh nhất. Họ ngồi quanh các cô, các chú, khơi thêm bếp lửa cho sáng hơn, ấm hơn. Chia sẻ cho các cô, các chú những miếng lương khô lót lòng. Ngồi nghe kể chuyện trận đánh ác liệt đó các anh đã chiến đấu dũng cảm và hy sinh như thế nào. Trước khi đơn vị mở đường máu thoát ra khỏi vòng vây của địch chỉ kịp chôn các anh một cách vội vàng, dưới chân phiến đá lớn khắc tên anh cùng ngày tháng năm hy sinh. Nhưng bây giờ mọi dấu tích xưa đã không còn tìm thấy nữa.
Sáng hôm sau, anh báo cáo đoàn và cấp trên cho tổ Bộ đội Biên phòng của anh được kết thúc nhiệm vụ truy quét sớm hơn kế hoạch để phụ giúp các cô, chú tìm mộ liệt sĩ.
Mấy ngày tiếp theo, đào xới cả một cánh rừng mà chẳng tìm thấy một dấu hiệu gì, lương thực đã hết. Sáng mai sẽ phải rời khỏi rừng. Đêm đó bên ánh lửa bập bùng, anh ngồi viết bài thơ với tất cả nỗi lòng mình. Thắp nén nhang trầm, hướng về phía đại ngàn, anh khẽ đọc bài thơ mong hồn các anh còn nương cấy nương cỏ, linh thiêng thấu hiểu nỗi lòng của người đang sống:
Chúng tôi đến đây rồi, anh ở đâu anh ơi
Trong khói nhang bay tôi khẽ thầm tên gọi
Mong anh linh thiêng soi đường chỉ lối
Đón anh về với đồng đội, người thân
Chúng tôi nào đâu giây phút nào quên
Phút giây anh hy sinh nấm mồ đắp nổi
Phiến đá ngày xưa lưỡi lê khoét vội
Họ tên anh ngày tháng hy sinh
Mấy mươi năm theo cuộc trường chinh
Vật đổi sao dời, sức cùng lực tận
Trí nhớ dần vơi lắm khi lầm lẫn
Chúng tôi tìm anh trong ký ức dần nhòa
Đây nén nhang này xin anh hãy thứ tha
Nếu chẳng thể đưa anh về cùng với mẹ
Hồn anh linh thiêng xin an lòng nhé
Trên đất Việt này đâu cũng đất mẹ anh ơi...

Anh không biết có an lòng người đã khuất hay không, nhưng nhìn vào mắt các cô chú anh thấy ánh lên một cái nhìn ấm áp.
Bên ngoài trời đã thôi mưa, ánh bình minh đang hé rạng chân trời. Một ngày mới đã bắt đầu.

Nguyễn Trí Tuệ

 

Nguyễn Trí Tuệ