Chùm thơ Nguyễn Hoài Nhơn: Quá khứ sâu xa giàu lên qua tưởng tượng

Vanvn- Nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn sinh năm 1956, quê quán Quảng Bình. Năm 1974, ông nhập ngũ vào chiến trường miền Nam chiến đấu. Đến năm 1981, ông thi đỗ Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp, ông về Vũng Tàu công tác tại Hội VHNT Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 1997 mới về Vĩnh Cửu, Đồng Nai làm nông dân. Song Nguyễn Hoài Nhơn vẫn miệt mài làm thơ, và đã có nhiều giải thưởng thơ trong và ngoài tỉnh Đồng Nai.

Nguyễn Hoài Nhơn đã xuất bản 11 tập sách, trong đó có 6 tập bút ký và 5 tập thơ: “Trên những nẻo đường chiến tranh” (3 tập – ký), “Hồi ức chiến tranh” (ký), “Những chặng đường đánh Mỹ” (thơ); Nói về cuộc sống muôn màu “Nhật ký tìm trầm” (ký), “Phù du trần thế” (thơ); Nói về quê hương đất nước tươi đẹp “Câu hát quê nhà” (thơ), “Tự biết” (thơ), “Nắng và mưa” (thơ).

Những tập sách của ông nói về đời lính trong chiến tranh, nỗi vất vả của người nông dân, và nỗi đau đời của một tâm hồn nhà thơ nhạy cảm, yêu cái đẹp. Tập “Định vị… thơ” vừa được trao Giải C Giải thưởng VHNT Trịnh Hoài Đức lần thứ V (2016 – 2020) của tỉnh Đồng Nai.

Vanvn.vn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm thơ của tác giả Nguyễn Hoài Nhơn.

Nhà thơ Nguyễn Hoài Nhơn

MỘT NỬA

Lẽ nào dang dở cuộc chơi

Nửa li rượu chát, nửa hơi điếu cày

Nửa sương, nửa gió, nửa cây

Nửa tình yêu gửi vào mây suối nguồn

Nửa phần dại, nửa phần khôn

Nửa thân Cha gửi, nửa hồn Mẹ cho

Nửa tro bụi rắc ao hồ

Nửa dòng sông dạt, nửa bờ bãi xô

Nửa chân vạc, nửa chân cò

Nửa chiều hôm, nửa lò dò bóng mai

Nửa vồi vội, nửa khoan thai

Nửa thiên niên kỉ rộng, dài, vòng vo…

Nửa mừng hụt, nửa âu lo

Vợ làm hoa hậu nửa giờ đã gay

Bên kia nửa trái đất quay

Tôi còn một nửa bên này – bóng đêm.

 

MẢNH VƯỜN CỦA MẸ

Con về thăm mảnh vườn của mẹ

Chào mào kêu, trái sắp chín mẹ ơi

Hơn nửa đời còng lưng cuốc, xới

Cây xòe ô rợp mát chỗ con ngồi

 

Lối vào vườn nhiều gai xấu hổ

Bò ngổn ngang xoắn chặt gốc cây

Mẹ lần gỡ tay chân xơ, tướp

Ngọn gió Lào thổi thốc lá khô bay

 

Mỗi lần đi xa con sợ quê mình lắm bão

Rặng núi trước nhà có che chắn nổi đâu

Dòng sông Gianh dữ dằn mùa nước lũ

Trái trên cành bùn lấm trắng phau

 

Mùa trái chín, mẹ làm sao hái được

Cây dần cao, mẹ thấp bé dáng người

Mẹ nheo mắt, nhón chân, lựa chỗ

Chiếc sào tre vít vổng, chơi vơi…

 

Thời gian điểm sắc màu cho quả

Nhớ thương con, mẹ chọn vị, chọn mùi

Ba mươi tuổi con vẫn như đứa trẻ

Hau háu nhìn chùm trái ngọt lịm môi

 

Con chẳng thể là chim nhớ mùa bay về sớm

Chít, chít, chiu… mổ quả bói trong vườn

Nỡ nào mẹ lại xua lại đuổi

Để lòng mình thêm trống trải, cô đơn

 

Tóc mẹ bạc cho cây xanh trĩu trái

Tấm thân gầy che bão gió, nắng nôi

Con hạnh phúc được làm người trèo hái

Chút ngọt ngào xin dâng mẹ, mẹ ơi!

 

VỀ NGUỒN

Lại về với suối nguồn trôi

Nghe con sông chảy, nghe thời gian đi

Ta nghe năm tháng nói gì

Mà lòng thắc thỏm những khi lên ngàn

 

Tiếng ve rối ruột rừng hoang

Chiến khu xưa trở nên khang khác nhiều

Vẫn còn quá đỗi mến yêu

Vẫn còn nhung nhớ những chiều mưa xanh

 

Qua rồi bao cuộc chiến tranh

Về đây hát khúc quân hành bạn ơi

Mã Đà vang chiến một thời

Bom gầm, đạn xới rừng tơi tả rừng

 

Chia tay lòng mãi rưng rưng

Nửa thương núi cũ, nửa mừng đổi thay.

 

MIỀN TÂY

(Tặng bạn thơ Đông Triều)

Miền Tây – chốn ấy miền Tây

Mênh mang đồng nước, cỏ cây, hương tràm

Kinh xẻ dọc, sông xẻ ngang

Tôi xuôi theo miệt Long Giang gặp người

 

Thuở khai thiên, chúa Nguyễn ơi

Đất phương Nam đã đến hồi phát sinh

Ở đâu cũng nước non mình

Dấu xưa còn đó, ảnh hình còn đây

 

Theo em về xứ cầu cây

Sáo sang sông, sáo lạc bầy gọi nhau

Theo em về mạn trâm bầu

Nghe cù lao gió dậy mầu bùn thơm

 

Theo em mùa trái chín đơm

Xuồng ghe khẳm mái,

chèo mơn mạn chèo

Đôi bờ câu lý buông reo

Bóng người xưa

đổ bóng theo đước, tràm

 

Thơ tôi trôi dạt phương Nam

Bạn đầu chót đất biết làm sao đi

Lấy sông làm xứ kinh kỳ

Lấy thơ làm một chút tri âm đời

 

Vọng nhau qua ngõ gió trôi

Mà nghe thấu tận miệt trời miền Tây.

Bức tranh vẽ phong cảnh làng quê mới nhất Amia TSD 543

EM LÀ CỦA QUÊ HƯƠNG

Lời ru trong tiếng thơ xưa

Vàng như mật nắng thu vừa đẩy lên

Đáy lòng dâng một tiếng em

Niềm cay đắng cũ nghẹn trên môi cười

 

Em là giọt nhớ gọi tôi

Câu thơ nhen ấm nỗi đời gió sương

Một lời thương, nửa lời thương

Vọng xa từ những vấn vương quê nghèo

 

Anh đi chẳng đủ mang theo

Câu ru thiếu phụ, đò neo bến nào

Em là quê hương đó sao

Thơ như sông máu chảy vào mạch tim

 

Một đời anh mãi đi tìm

Biết là tăm cá, bóng chim, biết là…

 

VỀ VỚI MẸ

Con về bên mẹ, mẹ ơi!

Nấm đất nâu với một trời mộ bia

Âm – Dương là thế này, kia

Hình như mẹ có ngoái về nhắc con

 

Thân gầy guộc, dáng còm nhom

Làm sao đếm được hao mòn mẹ ơi

Đời như núi sụt sông trôi

Bấc đèn cạn sáng, ngày vơi vợi buồn

 

Con quỳ cúi trước hoàng hôn

Văn từng hột cát vuông tròn mà đau

Mẹ ơi! Mẹ bỏ đi đâu

Thông xanh giấu bóng đất nâu mẹ về.

 

ĐÊM CỒNG CHIÊNG

(Tặng Hà Hữu Nết)

Đất nén thở còn đêm thì quánh lại

Bật vỡ không gian theo nhịp chiêng cồng

Những gương mặt dẻ nâu ẩn trong huyền thoại

Langbiang đêm ấy cũng lên đồng

 

Ngọn đuốc thắp cháy bao điều bí ẩn

Hú gọi tổ tiên xa khuất đỉnh trời

Hạt lúa trên nương, rượu cần trong ché

Cũng khôn thiêng quỳ khấn lạy – Giàng ơi!

 

Mưa giấu nắng trong vỉa rừng trơ khấc đá

Ngùn ngụt thông reo, nghi ngút khói sương mờ

Vạn cánh tay trần giơ lên vạm vỡ

Cùng đôi chân thiếu nữ nhẹ nhàng đưa…

 

Tôi lắng tiếng hồn mình trong mầu bazan khát

Hừng hực lửa nung vạn thuở chưa tàn

Ngực đồi nhú măng, mắt hường thổ cẩm

Chín bậc nhà rông nhúc nhích vệt trăng loang

 

Đất nứt vỡ lành thương phún thạch

Phía trời Tây trăng ló cuối ngàn thông

Từ giã làng buôn tôi về châu thổ

Trong điệu gõ Tơ-rưng, num núm tiếng chiêng cồng.

 

NGHỆ NHÂN KHẮC GỖ

Những khúc gỗ vô tri hóa thằng người

Biết hờn giận, khóc, cười, đau đớn…

Quá khứ sâu xa giàu lên qua tưởng tượng

Cùng nhập thân dung dị, tươi ngời

 

Cứ ngỡ như tất cả bị đánh rơi

Tất cả chìm vào quên lãng

Tượng Phật nghìn tay chơi vơi, câm lặng

Lại lóe lên nghìn tia sáng diệu kỳ

 

Tiếng đàn kiều nức nở lâm li

Trống cơm vỗ bập bùng nhịp phách

Thiếu nữ chao chân trăng vàng bát ngát

Cánh cò đậu luỹ tre xanh

 

Nét dân gian tạo dáng bức tranh

Dưới bàn tay tinh xảo

Những tượng Phật chùa Tây Phương không lẫn trong sắc áo

Lẫn vào muôn vẻ cuộc đời…

 

Những âm thanh chạm khắc vào tôi

Bền bỉ tháng năm dồn lại

Nét tinh tuý được kế thừa, gặt hái

Thời gian ơi – người chẳng cũ bao giờ.

 

NGUYỄN HOÀI NHƠN