Nguyễn Thị Sơn
BÀN LUẬN THƠ (1)
00:00 20/08/2021
Làm thơ là một thú vui tao nhã và thư giãn của người già. Người già làm thơ có những điểm hơi khác với những người trẻ, đó là "tính cầu toàn". Là sự chau chuốt từ ngữ. Là ý chí đạt đỉnh cao của nghệ thuật. Là sự nghiêm túc trong sự gieo vận, niêm luật bằng trắc của bài thơ.
Làm thơ là một thú vui tao nhã và thư giãn của người già.
Người già làm thơ có những điểm hơi khác với những người trẻ, đó là "tính cầu toàn". Là sự chau chuốt từ ngữ. Là ý chí đạt đỉnh cao của nghệ thuật. Là sự nghiêm túc trong sự gieo vận, niêm luật bằng trắc của bài thơ.
Bà lão hay ngẫu hứng làm thơ, có khi là bài thơ "ngũ ngôn" hoặc "thất ngôn" tự do không hạn chế số câu kể về một sự việc, có khi là bài thơ "lục bát" tả tình tả cảnh, có khi là 4 câu "tứ tuyệt" tả về một tình huống hay sự cảm xúc dứt khoát nào đó.
Tuần qua bà lão quyết tâm luyện trí não ở mức độ cao hơn, đó là làm thơ thể loại THẤT NGÔN BÁT CÚ (hay gọi là thơ Đường luật) đòi hỏi kỹ thuật cao hơn.
* Chúng ta thử luận bàn bài thơ này nhé.
BUỔI SÁNG ĐẸP
Tác giả: Nguyễn Thị Sơn
Bước nhẹ khoan thai ngắm sân nhà
Nhìn trời phản chiếu ánh giao thoa
Nắng vàng ôm tỏa không gian rộng
Khóm trúc đung đưa vút tận xa
Đỏ thắm hoa hồng thêm sức sống
Trắng phau lan ý dáng kiêu sa
Ô kìa chú bướm đang bay lượn
Cố đậu trên cành hút nhụy hoa.
12.8.2021
LUẬN BÀN
* Đây là bài thơ Thất ngôn bát cú (Đường luật) có 8 câu, mỗi câu 7 chữ theo cấu trúc nội dung: ĐỀ - THỰC LUẬN - KẾT
1. Cấu trúc nội dung:
* ĐỀ: 2 câu giới thiệu chủ đề bài thơ, buổi sáng đẹp, tác giả bước ra sân và thảng thốt thấy vẻ đẹp của buổi sáng:
"Bước nhẹ khoan thai ngắm sân nhà
Nhìn trời phản chiếu ánh giao thoa".
* THỰC: Hai câu tiếp theo nói về thực trạng của cảnh sắc, hai câu này có những cụm từ đối nhau: "nắng vàng ôm tỏa" với "khóm trúc đung đưa", "không gian rộng" với "vút tận xa"
"Nắng vàng ôm tỏa không gian rộng
Khóm trúc đung đưa vút tận xa"
* LUẬN: Từ thực cảnh trên, tác giả luận bàn rộng hơn về cuộc sống của cỏ cây, của con người, sự muôn màu muôn vẻ của thiên nhiên và cảm nhận về sức sống mãnh liệt của con người được nhân cách hóa từ cỏ cây. Hai câu này cũng có những cặp đối xứng: "đỏ thắm hoa hồng" với "trắng phau lan ý", "thêm sức sống" với "dáng kiêu sa"
"Đỏ thắm hoa hồng thêm sức sống
Trắng phau lan ý dáng kiêu sa"
* KẾT: 2 câu kết của bài thơ là tả cảm xúc của tác giả, cái tình của tác giả khi nhìn chú bướm bay lượn trên những khóm hoa, bướm hút nhụy hoa để rồi lại kết nối cho cây ra quả, một sự tái tạo của thiên nhiên.
"Ô kìa chú bướm đang bay lượn
Cố đậu trên cành hút nhụy hoa".
2. VẦN, NIÊM LUẬT THƠ
Bài thơ gieo vận ở chữ cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8
Bài thơ rất tôn trọng luật thanh "bằng, trắc" theo "nhị tứ lục phân minh"
Tác giả: Nguyễn Thị Sơn