1-2-3 thể thơ mới, cánh đồng mới khai phá thêm nhiều hứa hẹn mới – Tiểu luận Trần Thanh Dũng

Sống trong đời sống, phải thực tế, đừng quá ảo tưởng! “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, không ai giống ai. Mỗi cá nhân là một vũ trụ thu nhỏ, mỗi một gia đình là một xã hội thu nhỏ. Vì vậy trong đời sống gia đình không nên đem ra so sánh ta và người...

Vanvn- Nhà thơ, luật sư Trần Thanh Dũng còn có bút danh Thành Dũng sinh trưởng ở Quảng Ngãi hiện sống và làm việc ở Sóc Trăng. Ông là tác giả của nhiều tập thơ đã xuất bản, trong đó có tập “Những ký tự xê dịch” viết theo thể loại thơ 1-2-3 do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2023. Tại cuộc Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại” do Hội Nhà văn Cần Thơ phối hợp Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn Trường Đại học Cần Thơ tổ chức ngày 6.11.2024, nhà thơ Trần Thanh Dũng đã trình bày tham luận “1-2-3 thể thơ mới, cánh đồng mới khai phá thêm nhiều hứa hẹn mới!”, Vanvn trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

6-1731461421.jpg
 

Nhà thơ Trần Thanh Dũng trình bày tham luận Tọa đàm “Thơ 1-2-3 trong không gian văn học đương đại”

Người bạn ở Sài Gòn mà Trần Thanh Dũng rất quý anh, và anh cũng quý Trần Thanh Dũng, đó là anh Phan Hoàng! Cái tên Phan Hoàng nổi tiếng trong làng báo giới Sài Gòn sau năm 1975. Anh Phan Hoàng là nhà báo, nhà thơ hiện là Giám đốc – Chủ biên Trang điện tử Vanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam. Anh có dáng người nhỏ nhắn, mắt sáng, tóc xoăn, đặc biệt bộ râu rìa của anh đẹp và luôn được chăm sóc một cách cẩn thận. Anh vui tính, phóng khoáng, hài hước, và có tài nói lái rất giỏi. Anh quê gốc Phú Yên, nhưng đã vào Sài Gòn lập thân lập nghiệp và bám trụ sống ở đây đã rất lâu.

Người miền Trung sinh sống ở Sài Gòn thì nhiều, ngõ ngách nào cũng có nhưng để tạo dựng sự nghiệp có danh tiếng như anh ở cái đất này rất ít. Thú thiệt Trần Thanh Dũng chỉ quen anh qua thể thơ mới 1-2-3 do chính anh sáng tạo ra một cách tình cờ hay có chủ ý sau những ngày bôn ba trên xứ sở Bạch Dương. Anh Phan Hoàng sáng tạo ra thể thơ này, nhưng Trần Thanh Dũng lại là người xuất bản tập thơ thứ hai, sau tập thơ “Thủ thỉ phù sa” của Nguyễn Đinh Văn Hiếu ở Trà Vinh. Tập “Thủ thỉ phù sa” có thể xem là tập thơ theo thể thơ 1-2-3 đầu tiên trên thế giới. Vậy tập “Những ký tự xê dịch” của Trần Thanh Dũng cũng có thể nói là tập thơ 1-2-3 thứ hai trên thế giới!

Anh Phan Hoàng là người dẫn đắt Trần Thanh Dũng và cũng là người giúp quảng bá tác phẩm thơ 1-2-3 của Trần Thanh Dũng tới công chúng, nhất là qua hai trang điện tử vanhocsaigon.comvanvn.vn của Hội Nhà văn Việt Nam. Phải nói anh Phan Hoàng có cái cảm và nhạy bén của người làm báo, cái sâu sắc, tinh tế của người làm thơ. Vì vậy mà Phan Hoàng dễ dàng nhận ra tài năng và phẩm chất có trong từng nhà thơ, nhà văn qua chữ nghĩa. Trần Thanh Dũng và anh Phan Hoàng gặp nhau ngoài đời vài ba lần nhưng rất quý trọng và chơi thân với nhau cũng từ chính từ trong chữ nghĩa.

1-1731462345.jpg
 

Thể thơ mới 1-2-3 do nhà thơ Phan Hòang sáng tạo ra. Nó vừa ngắn gọn (tương tợ như thơ truyền thống của Nhật là Haiku vậy), có 6 câu. Câu mở đầu cũng là tựa của bài thơ (có thể hiểu như là mở cánh cửa ra) gồm không quá 11 chữ. Còn tại sao lại chỉ có 11 chữ trở lại thì cũng là ẩn số. Bài thơ gồm có 3 đoạn. Câu đầu cũng là một đoạn. Đoạn 2 gồm có 2 câu mỗi câu có không quá 12 chữ và cuối cùng đoạn cuối 3 câu, mỗi câu có không quá 13 chữ. Câu cuối cùng của bài thơ (câu 6) cũng là câu đóng lại cánh cửa của toàn bài, cũng là đóng lại cái ý thơ, tứ thơ mở ra lúc ban đầu, của câu đầu. Bài thơ chỉnh thể có 6 câu. Nếu ta viết đúng như nguyên tắc với số chữ cao nhất trong 6 câu của thơ 1-2-3 thì ta có tổng cộng 64 chữ, sáu với bốn là mười nghĩa là Thập toàn!

Nếu như nói tập thơ “Thủ thỉ phù sa” ra đời năm 2020, là tập thơ đầu tiên của thể thơ 1-2-3, thì đến nay đã có hàng chục tập thơ với hàng trăm nhà văn, nhà thơ sáng tác theo thể thơ này; thậm chí có nhà thơ đã xuất bản hai tập thơ 1-2-3 cho riêng mình; là người khiêm tốn và thận trọng tôi cũng có thể nói rằng thể thơ 1-2-3 sẽ có một tương lai, một chiều hướng phát triển tốt; là cái khung bố đủ tầm và đủ rộng cho nhiều tác giả theo đuổi, trải nghiệm vung vãi màu sắc chữ nghĩa và sẽ thành công trên con đường văn chương của mình.

Nhìn bao quát có thể nói mỗi tác giả viết theo thể thơ 1-2-3, có một giọng điệu riêng; có tác giả như nói chuyện “thủ thỉ”, kể câu chuyện về phù sa châu thổ Đồng bằng Sông Cửu Long của Nguyễn Đinh Văn Hiếu, thầy giáo người quê Trà Vinh. Nhưng cũng có tác giả như ngọn lửa đại ngàn “Ủ hồng bếp lửa” rồi cháy lên bùng nổ như nhà thơ Vũ Thanh Thủy. Cái đằm thắm nhưng đầy nắng đầy gió của sông Vàm Cỏ Đông đựng trong tà áo lụa Bà ba “Hoa rong mùa bấc” của tác giả, nhà thơ Trần Nhã My, xứ Tây ninh đầy nắng đầy gió. Của một tác giả Tạ Hùng Việt với “Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay”, với những biến tấu tung hứng nhưng đầy lòng trắc ẩn “Mầm họa âm thầm từ cách đồng thăm thẳm lòng tham/ Ngút ngàn sóng từ căm giận khôn cùng tối tăm mắt bão” và với tập “Những ký tự xê dịch” của Thành Dũng (Trần Thanh Dũng) như tác giả Phan Huỳnh giới thiệu trên Báo Sài Gòn Giải Phóng nhận xét: “là những ký tự thắm tình sông nước, mang hồn cốt riêng từ vỉa tầng văn hóa miệt vườn ”v.v…v.

Vì Trần Thanh Dũng chỉ có trong tay bốn cuốn sách của các tác giả ký tặng, nên cũng chỉ đi lướt qua, điểm qua (kể như cỡi ngựa xem hoa) với từng tác giả nói trên những mong làm rõ hơn nét tinh tế, uyển chuyển, mà đầy mỹ cảm văn học, của thể thơ 1-2-3, với từng tác giả sách nói trên, như sau:

Một là, với tập thơ “Ủ hồng bếp lửa” của nhà thơ Vũ Thanh Thủy, tên thật là Vũ thị Thanh Thủy. Thử lấy bài thơ “Ủ hồng bếp lửa” ở trang 22, cùng tên trong tập “Ủ hồng bếp lửa” làm ví dụ:

Ủ hồng bếp lửa

Không thể tắt, không thể mất khi hồn làng ở đấy

Ủ nhau bằng củi với men rừng

 

Trai bản yêu vợ như lòng bếp

Gái núi cời than âm ỉ giữ chồng

Cáu bẳn nhọc nhằn quăng ngoài bậc cửa.

Cái tinh tế của nhà thơ là lấy hình tượng “bếp lửa” “hồn làng” đặt cạnh nhau, và tôi cho đây cũng là hồn cốt của bài thơ. “Ủ hồng bếp lửa” là tựa của bài thơ và cũng là câu mở đầu của bài thơ. Có lẽ nhà thơ cho rằng “hồn làng” cũng cần được sưởi ấm, ủ ấm, như “bếp lửa” vậy và luôn khơi hồng lên để nó luôn sẵn sàng bùng cháy trong đời sống cộng đồng dân cư, có như thế mới giữ được hồn cốt của tộc người, của xóm làng mình, của dân tộc mình để đủ sứ chống chịu, để có thể trải qua muôn vàn biến thiên của lịch sử. Và tác giả cũng hàm ý nhắc nhở rằng nếu không làm như vậy, không ủ ấm, nhen nhóm thì lửa sẽ tắt, hồn của làng sẽ tắt, lạnh đi, nhạt đi và biến mất như cái bếp không còn tàn lửa vậy.

Đoạn ba của bài thơ, nhà thơ dùng phép so sánh “Trai bản yêu vợ như lòng bếp/ Gái núi cời than âm ỉ giữ chồng” và câu kết của bài thơ cũng là kết lại cái mệnh đề đặt ra của câu mở đầu, tác giả như muốn nhấn mạnh rằng muốn “Ủ hồng bếp lửa” trai gái núi yêu nhau phải luôn giữ lửa giữ hồn cốt của buôn làng thì “Cáu bẳn nhọc nhằn” phải “quăng ngoài bậc cửa”. Bài thơ ngắn gọn, hàm súc, gợi mở cho con người ta nhiều điều về đời sống nhân sinh.

Hai là, về tập “Hoa rong mùa bấc” của nhà thơ Trần Nhã My, tên thật của chị là Trần Thị Thanh Nhã. Cầm cuốn sách có khổ sách nhỏ gọn dễ thương, nhưng sức nặng của tập thơ, lại như nhà thơ Phan Hoàng nhận xét: “Tình yêu cũng là sợi chỉ xanh xuyên suốt tập thơ 1-2-3 Hoa rong mùa bấc của Trần Nhã My. Tình yêu ấy lặn trong mắt gió, mắt nắng và hóa thành mắt thơ khi tỏ khi nhòa. Khi thực khi hư để “thu sóng” thiên nhiên, cảnh vật, con người và cả những tiếng nói “phát sóng” từ tâm thức mơ hồ của nữ sĩ”.

Tập thơ “Hoa rong mùa bấc” gồm có Hai phần: Hoa rong mùa bấc Như ngọn gió hoang, bao gồm 64 bài thơ. Mở đầu tập thơ là bài thơ “Hoa rong mùa bấc” ở trang 14:

Hoa rong mùa bấc

Không dám hồng lên cùng màu sen sương sớm

trắng, không. Tím như hoa súng dưới đầm ban mai, không

 

Mải mê một sắc vàng lặng im mùa gió lạnh

chẳng tỏa hương, nào có ong bướm vờn quanh

cứ vươn mình dâng trọn những bé xíu mùa đông thầm lặng

Bài thơ viết về một loài hoa, đó là “hoa rong”. Có thể đó là loài hoa dại có thật ở ngoài tự nhiên. Nhưng cũng có thể hiểu đó chỉ là loài hoa trong tâm tưởng của tác giả, của nhà thơ? Thời điểm “hoa rong” nở là mùa đông, mùa gió bấc thổi về lạnh giá. Muốn hiểu được chiều sâu của bài thơ, ý thơ, tứ thơ ta phải lặn sâu xuống tầng nấc của màu, của sắc, âm vực và cả vô thanh mới cảm nhận hết cái tinh tế của bài thơ. Hóa ra là, loài “hoa rong” không phải hồng như sen, không phải tím như súng, chỉ mải mê một đốm nhỏ sắc vàng thầm lặng trong mùa đông băng giá. Cái đẹp ẩn vào trong tuyết trắng. Thật thi vị biết bao!

Ở đây, qua bài thơ này nhà thơ Trần Nhã My, một lần nữa minh chứng rằng thể thơ 1-2-3, không gò bó, không chật hẹp trong khuôn khổ 6 câu như ta tưởng. Mà trong từng câu thơ nhà thơ có thể tự do tung hứng dùng nghệ thuật chấm phá ngắt dòng: “Không dám hồng lên cùng màu sen sương sớm/trắng, không. Tím như hoa súng dưới đầm ban mai, không”. Miễn sao người làm thơ 1-2-3, không phạm vào nguyên tắc về số lượng chữ trong câu của từng đoạn của bài thơ là được.

2-1731461931.jpg
 

Từ phải sang, các nhà thơ: Trần Thanh Dũng, Nguyễn Đinh Văn Hiếu, Đoàn Hữu Nam, Phan Hoàng, Nguyễn Trung Nguyên.

Ba là, với tập “Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay” của nhà thơ Tạ Hùng Việt ở Nha Trang, Khánh Hòa. Cầm và đọc xong 100 bài thơ người viết bài này cảm nhận được sức nặng của tập thơ về hình thức và cả nội dung.

Cảm nhận chung của tập thơ là, khác với hai tập thơ vừa nói ở trên, nhà thơ Tạ Hùng Việt lại khai thác tối đa có thể số chữ trong câu, của từng khổ thơ. Tỉ như “Ủ hồng bếp lửa” hay “Hoa rong mùa bấc” tên của bài thơ cũng là tên tập thơ chỉ có bốn từ nhưng với bài thơ “Tự ngàn xưa biển đã bão giông một đời chát mặn” ở trang 119, Tạ Hùng Việt lại viết đủ và đúng 11 chữ như nguyên tắc thơ 1-2-3. Tôi thấy rất nhiều bài thơ như thế trong tập thơ của Tạ Hùng Việt. Đây, thấy cũng là phong cách của nhà thơ Phan Hoàng thường sử dụng khi viết về thể thơ 1-2-3.

Như trên đã nói tập thơ “Hãy nhìn vào mắt bão và tin lời đắng cay” có sức nặng từ sự minh triết, chứa đựng nhiều triết lý trong cõi nhân sinh. Xin được đi sâu phân tích một trong những bài thơ hay như thế. Bài “Lấp lánh vầng trăng trôi dạt dưới chân cầu” ở trang 15:

Lấp lánh vầng trăng trôi dạt dưới chân cầu

Rơi bóng xuống dòng sông mê mải đục – trong con nước

Tròng trành những gương mặt người trong hạnh ngộ cơn say

 

Những cung bậc thảo nguyên, vô thức sự sinh tồn tàn khốc

Thế gian những tầng cao thấp, phũ phàng sự chiếm hữu vô tâm

Tất cả mọi niềm vui đều cũ, chỉ nỗi buồn là mới nguyên.

Ở bài thơ này, ta thấy có hình ảnh “vầng trăng” “chân cầu”, có dòng nước “đục – trong”, “những gương mặt người” đó cũng là những hiện tượng có trong tự nhiên mà ai cũng thấy, cũng biết, tưởng chừng như nó cứ diễn ra êm đềm. Nhưng đọc tiếp đến khổ cuối của bài thơ chúng ta sẽ thấy cảm thức, tri nhận của nhà thơ về sự “sinh tồn” về sự thật “phũ phàng” đến “tàn khốc” của quyền tư hữu, quyền chiếm hữu đến mức tham lam của con người. Và cuối cùng nhà thơ kết luận: “Tất cả mọi niềm vui đều cũ, chỉ nỗi buồn là mới nguyên.” Vâng chỉ có nỗi buồn là mới nguyên, như quan niệm của nhà Phật “đời là bể khổ” vậy!

Sống trong đời sống, phải thực tế, đừng quá ảo tưởng! “Mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh”, không ai giống ai. Mỗi cá nhân là một vũ trụ thu nhỏ, mỗi một gia đình là một xã hội thu nhỏ. Vì vậy trong đời sống gia đình không nên đem ra so sánh ta và người. Ta khác người khác! Cũng là cơn mưa, nhưng cơn mưa ngày hôm nay không bao giờ giống cơn mưa ngày hôm qua. Giọt mưa của ngày hôm nay không hoàn toàn giống giọt mưa của ngày hôm qua. Thậm chí ta của ngày hôm nay không hoàn toàn giống ta ngày hôm qua. Cho nên sống quá ảo tưởng đôi khi giết chết đời sống thật của chính mình!

3-1731462198.jpg
 

Nhà thơ Trần Thanh Dũng và đồng nghiệp tặng sách cho Trường Đại học Cần Thơ tại tọa đàm thơ 1-2-3

4-1731462226.jpg
 
5-1731462260.jpg
 

Là người viết thơ, và cũng là người đọc và có nghiên cứu chút ít về thơ 1-2-3, Trần Thanh Dũng, thấy có nhiều ưu điểm, nhiều cái hay của thơ 1-2-3 và nhiều tác giả yêu thích thể thơ này. Nhưng bên cạnh đó cũng phải công nhận còn những hạn chế có thể kể ra để rút kinh nghiệm chung cho thơ 1-2-3 phát triển toàn diện hơn. Tỉ như cũng còn nhiều tác giả vì muốn quá hàm xúc của ngôn từ mà rút ngắn hết sức số chữ của từng câu trong ba khổ thơ lại vì vậy sẽ dễ dẫn đến thơ 1-2-3 lại tựa tựa như thơ Haiku của Nhật Bản. Ở một góc độ khác vì là thơ 1-2-3 là thơ tự do cứ thả sức vung bung con chữ, nhưng thấy nhiều tác giả cũng lại lấy vài câu lục bát bỏ vào, có ý kiến cho rằng như thế làm phong phú thêm cho thơ 1-2-3, nhưng tôi lại nghĩ không nên. Vì đã yêu mến thơ lục bát thì ta chỉ mần thơ lục bát cho hay là được rồi, cần chi đèo bồng qua thơ 1-2-3 nữa?

Cuối cùng qua phần trình bày của bài viết này “cỡi ngựa xem hoa”, và hoàn toàn đây là những nhận xét, đánh giá chủ quan của Trần Thanh Dũng (có thể không trùng khớp với các tác giả khác, thậm chí khác biệt). Nhưng tác giả bài viết, nghĩ và tin tưởng rằng thể thơ mới 1-2-3, do nhà thơ Phan Hoàng, sáng tạo ra; và thể thơ này, được các nhà văn, nhà thơ hào hứng đón nhận trong vài năm trở lại đây như luồng gió mới, nguồn năng lượng mới; là cánh đồng mới khai phá, giàu dưỡng chất; thể thơ 1-2-3 là chỗ, rất phù hợp để những hạt giống chữ nghĩa gieo xuống nảy mầm lên xanh và ra hoa kết trái!

TRẦN THANH DŨNG