
Ảnh minh họa
Nhu cầu từ thực tiễn và bước chuyển quan trọng trong tư duy lập pháp và cải cách tư pháp
Trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, việc bảo vệ công lý không thể chỉ đặt trên vai lực lượng luật sư tư nhân. Khi lợi ích Nhà nước, lợi ích công cộng và quyền của những nhóm yếu thế thường xuyên bị thách thức trong các tranh chấp pháp lý ngày càng phức tạp, việc thiết lập một thiết chế “luật sư công” - luật sư đại diện chính danh của Nhà nước - không còn là một gợi ý mang tính học thuật, mà đã trở thành nhu cầu thể chế rõ ràng.
Lần đầu tiên, Nghị quyết số 66-NQ/TW ngày 30/4/2025 của Bộ Chính trị đã đặt vấn đề hình thành chế định luật sư công, bên cạnh cơ chế cho phép viên chức được hành nghề luật sư trong điều kiện nhất định. Đây là bước chuyển quan trọng trong tư duy lập pháp và cải cách tư pháp, thể hiện nhận thức ngày càng rõ ràng của Đảng và Nhà nước về vai trò đặc biệt của luật sư công trong hệ thống pháp luật.
Luật sư công - Khái niệm không mới trên thế giới
Luật sư công, theo cách hiểu phổ biến trên thế giới, là những người hành nghề luật được Nhà nước trực tiếp tuyển dụng, trả lương và giao nhiệm vụ bảo vệ lợi ích công. Họ không hoạt động vì lợi nhuận, không phụ thuộc vào nhu cầu thị trường, mà thực hiện các công việc pháp lý phục vụ Nhà nước, cộng đồng và các nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội.
Ở Mỹ, public defender bào chữa miễn phí cho bị cáo không đủ khả năng thuê luật sư trong tố tụng hình sự. Ở Pháp, avocat de l’État đại diện Nhà nước trong các vụ kiện dân sự, hành chính. Nam Phi có state attorney - đại diện pháp lý của Nhà nước trong các vụ hình sự. Dù tên gọi và phạm vi nhiệm vụ có thể khác nhau, điểm chung là: vì lợi ích công, do Nhà nước bảo trợ, và độc lập với yếu tố thương mại.

Ảnh minh họa
Luật sư công: Khoảng trống trong hệ thống pháp luật Việt Nam
Tại Việt Nam, hiện chưa có thiết chế luật sư công. Luật Luật sư năm 2006 (sửa đổi, bổ sung năm 2012) chỉ điều chỉnh luật sư tư. Trong khi đó, hệ thống trợ giúp pháp lý nhà nước theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 mới chỉ giới hạn trong phạm vi hỗ trợ pháp lý miễn phí cho một số đối tượng nhất định, do đội ngũ trợ giúp viên pháp lý thực hiện.
Tuy nhiên, giữa luật sư công và trợ giúp viên pháp lý có sự khác biệt đáng kể về phạm vi hoạt động, tính chuyên nghiệp, và khả năng tham gia vào các tranh chấp pháp lý mang tính chiến lược. Trợ giúp pháp lý hiện hành còn bị giới hạn bởi điều kiện thụ hưởng, thiếu nhân lực, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về chất lượng và tính hiệu quả, nhất là ở những địa phương vùng sâu, vùng xa.
Vì sao Nhà nước cần luật sư công?
Hiện nay, Nhà nước vẫn chưa có một lực lượng luật sư chuyên trách đủ mạnh để đại diện trong các tranh chấp dân sự, hành chính, thương mại - đặc biệt là các vụ việc có yếu tố quốc tế. Trong khi đó, các vụ việc liên quan đến tài sản công, chính sách quản lý hành chính, hoặc tranh chấp với nhà đầu tư nước ngoài ngày càng tăng về số lượng và độ phức tạp.
Nếu không có lực lượng pháp lý đủ năng lực và chuyên nghiệp để bảo vệ lợi ích Nhà nước tại tòa, nguy cơ tổn thất pháp lý, tổn hại hình ảnh quốc gia là hoàn toàn hiện hữu. Luật sư công, khi được thiết lập, sẽ là điểm tựa pháp lý cho Nhà nước trong chính những trường hợp như vậy.
Định hướng mô hình tổ chức và hoạt động
Việc thiết lập mô hình luật sư công tại Việt Nam có thể thực hiện theo nhiều phương án. Một là, tích hợp trong hệ thống trợ giúp pháp lý hiện có, dưới sự quản lý của Bộ Tư pháp. Hai là, xây dựng một thiết chế độc lập dưới dạng “đoàn luật sư công” - đơn vị sự nghiệp công lập, có cơ chế hoạt động và giám sát riêng biệt, bảo đảm tính độc lập nghề nghiệp và hiệu quả hành chính.
Chức năng của luật sư công không chỉ dừng lại ở hỗ trợ người yếu thế theo chỉ định của tòa án, mà còn phải mở rộng sang đại diện Nhà nước trong các tranh chấp dân sự, hành chính, thương mại trong nước và quốc tế. Ngoài ra, luật sư công còn có thể tham gia phản biện chính sách, thẩm định văn bản pháp luật, giúp nâng cao chất lượng lập pháp và đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý.
Tuyển dụng, đãi ngộ và khung pháp lý
Để xây dựng đội ngũ luật sư công chất lượng, theo chúng tôi cần có cơ chế tuyển dụng nghiêm ngặt, đặt tiêu chuẩn cao về trình độ chuyên môn, đạo đức và kinh nghiệm. Có thể xét tuyển từ nguồn ứng viên mới hoặc điều chuyển từ các đơn vị pháp chế, trợ giúp pháp lý sau khi đáp ứng đầy đủ điều kiện nghề nghiệp.
Đồng thời, cần có chế độ đãi ngộ tương xứng với chức danh tư pháp đặc thù, cùng với cơ chế bảo vệ tính độc lập trong hành nghề. Về mặt lập pháp, có thể bổ sung chế định luật sư công như một chương riêng trong Luật Luật sư, hoặc ban hành Luật Luật sư công độc lập để quy định toàn diện, bài bản hơn.
Khẳng định trách nhiệm pháp lý của Nhà nước
Hình thành đội ngũ luật sư công không chỉ là giải pháp kỹ thuật cho hệ thống pháp luật, mà còn là bước đi khẳng định vai trò chủ động của Nhà nước trong việc thực hiện trách nhiệm pháp lý, bảo vệ công lý và bảo vệ lợi ích hợp pháp của chính mình. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật và quyền tiếp cận công lý cho mọi công dân.
Trong một nền tư pháp tiến bộ, Nhà nước không thể vắng mặt tại tòa khi quyền và lợi ích công bị xâm phạm - và người dân yếu thế không thể tiếp cận công lý nếu thiếu một lực lượng luật sư phục vụ vì công lý.
Luật sư công - vì một nền pháp lý không ai bị bỏ lại phía sau.
Dương Văn Quý (Luật sư Cty Luật TNHH First Counsel; Trọng tài viên – Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Tiền Giang (TGAC)
Theo Phaply.net