Viện IBLA tổ chức Hội nghị lấy ý kiến về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013

Phó Viện trưởng Lê Đông Triều cho biết: Đây là hoạt động quan trọng nằm trong khuôn khổ thực hiện Kế hoạch số 165/KH–HLGVN ngày 06/5/2025 của Trung ương Hội Luật gia Việt Nam về việc tổ chức lấy ý kiến trong các cấp Hội về Dự thảo Nghị quyết, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.
1-1747994301.jpg

Luật gia Lê Đông Triều, Phó Viện trưởngViện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế IBLA phát biểu khai mạc hội nghị

Chủ trì hội nghị là Luật gia Lê Đông Triều, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý và Kinh doanh quốc tế, cùng các đảng viên chi bộ, BCH Chi hội luật gia và một số Luật gia thuộc chi hội Luật gia Viện IBLA

Phát biểu khai mạc, Luật gia Lê Đông Triều nhấn mạnh: “Hoạt động lấy ý kiến phải được tổ chức rộng rãi, dân chủ, khoa học, bảo đảm tiến độ, chất lượng và phù hợp với phương thức tổ chức của Hội cũng như từng cấp tương ứng”. Theo định hướng, nội dung lấy ý kiến tập trung vào 8 điều khoản cụ thể trong Dự thảo Nghị quyết, sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013, bao gồm: Các Điều 9, 10, 84, 110, 111, 112, 114 và 115.

2-1747994311.jpg

Quang cảnh tại buổi hội nghị

Về nội dung sửa đổi, bổ sung của Điều 9 Hiến pháp năm 2013, tại Khoản 1 có bổ sung thêm: “Thể hiện ý chí, nguyện vọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội; giám sát, phản biện xã hội; phản ánh ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đến các cơ quan nhà nước; tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, hoạt động đối ngoại nhân dân, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.”

 Khoản 2 được bổ sung thêm cụm từ “Trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, và Khoản 3 cũng được bổ sung thêm “điều lệ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, điều lệ mỗi tổ chức”. Các đại biểu đều thống nhất và bày tỏ sự đồng thuận cao đối với việc sửa đổi, bổ sung tại điều 9 này

Đối với Điều 10, dự thảo đề xuất bỏ cụm từ “được thành lập trên cơ sở tự nguyện” và bổ sung thêm “trực thuộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam”, “đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho đoàn viên công đoàn và người lao động; là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn”. Về vấn đề này, Luật gia Trần Khánh Dũng nêu quan điểm rằng cần giữ nguyên cụm từ “được thành lập trên cơ sở tự nguyện” vì đây là nguyên tắc cơ bản của một tổ chức Hội, đồng thời phù hợp với các cam kết quốc tế về lao động.

3-1747994311.jpg
 

Luật gia Nguyễn Văn Kíchnguyên Phó Viện trưởng Viện IBLA phát biểu tại Hội nghị

Luật gia Nguyễn Văn Kích bổ sung ý kiến nên làm rõ mối quan hệ giữa yếu tố “quản lý” và “dân chủ” trong tổ chức công đoàn. Trong khi đó, Luật gia Nguyễn Văn Bình, luật gia Trịnh Thị Kim Nữ, luật gia Nguyễn Thanh Hùng cho rằng từ góc độ lập pháp, việc sửa đổi là hợp lý do đã nâng cấp vai trò của Mặt trận Tổ quốc.

Luật gia Lê Đông Triều cũng đã căn cứ vào bản thuyết minh Dự thảo và nêu rõ:  Bổ sung tại Điều 10 nêu trên, để “khẳng định Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động trực thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam; Là đại diện của người lao động ở cấp quốc gia trong quan hệ lao động và quan hệ quốc tế về công đoàn.” Các đại biểu dự hội nghị đã thống nhất nội dung này.

Nội dung Điều 110 mới bao gồm 3 Khoản quy định rõ các cấp hành chính và thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới. Tuy nhiên Điều 110, Dự thảo sửa đổi đề xuất bỏ quy định “phải lấy ý kiến Nhân dân địa phương” khi xác định và điều chỉnh các đơn vị hành chính. Về nội dung này, Luật gia Nguyễn Văn Kích và Luật gia Trần Khánh Dũng đề nghị Quốc hội cần xem lại, và cần lấy lại qui định này. Luật gia Nguyễn Văn Ngà đề xuất bổ sung ví dụ cụ thể như phường, xã, đặc khu để minh bạch hơn trong việc xác định các đơn vị hành chính dưới tỉnh.

4-1747994312.jpg

Luật gia Trần Khánh Dũng

Đối với Điều 115, nội dung sửa đổi tập trung vào việc bãi bỏ quyền chất vấn tại Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Tòa án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Luật gia Trần Khánh Dũng đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành, bởi đây là quyền hiến định phản ánh vai trò giám sát của cơ quan dân cử. Hội nghị thống nhất đề nghị giữ nguyên quyền chất vấn “Khi trụ sở Tòa án nhân dân khu vực, Viện kiểm sát nhân dân Khu vực đặt tại khu vực nào thì Hội đồng nhân dân nơi đó được quyền chất vấn; Toà án nhân dân cấp Tỉnh và Viện kiểm sát nhân dân cấp Tỉnh duy trì như Hiến Pháp 2013”.

Các điều còn lại như Điều 84, 111, 112, 114 nhận được sự đồng thuận từ phía các đại biểu tham dự. Tất cả thống nhất rằng, các nội dung sửa đổi, bổ sung là cần thiết, góp phần hoàn thiện thể chế pháp luật, phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Hội nghị đã làm việc nghiêm túc, dân chủ và mang tính xây dựng cao. Các ý kiến sẽ được Viện IBLA tổng hợp và báo cáo về Trung ương Hội Luật gia Việt Nam để góp ý với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 2013.

Một số hình ảnh tại Hội nghị:

5-1747994312.jpg
 
6-1747994311.jpg
 
7-1747994312.jpg
 
8-1747994312.jpg
 
9-1747994312.jpg

 Ngọc Phụng – Hoàng Yến

Theo Phaply.net.vn