Tổ chức học trực tuyến để phòng dịch nCoV

  • www.doanhtri.net
  • 04-02-2020
  • 730 lượt xem
Từ nhiều năm trước các em học sinh Trường THCS, THPT Duy Tân đã học trực tuyến
 
Nhiều trường ở Hà Nội và TP HCM tổ chức quay video bài giảng, gửi cho học sinh qua mạng nhằm đảm bảo tiến độ học tập, phòng tránh nCoV.
 
Tại Hà Nội, sau khi thông báo cho học sinh nghỉ ở nhà từ ngày 3 đến 9/2, trường Tiểu học - THCS - THPT Newton tổ chức học online, gửi bài tập qua mạng cho các khối lớp để các em không lỡ kiến thức và chậm chương trình.
 
Ở cấp tiểu học, học sinh được giáo viên giao bài tập về nhà. Sau khi hoàn thiện, các em nhờ bố mẹ chụp lại và gửi mail cho giáo viên chấm. Khi có kết quả bài tập, giáo viên phản hồi lại cho phụ huynh và học sinh.
 
Đối với bậc THCS và THPT, trường áp dụng học online các môn gồm: Ngữ văn, Toán, tiếng Anh, Vật lý, Hóa học, Sinh học hoặc kết hợp học theo tổ hợp Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội. Tùy môn học, giáo viên sẽ đăng nội dung bài mới, tài liệu tham khảo và gửi bài tập cho học sinh.
 
Cũng như cấp tiểu học, khi hoàn thành, học sinh gửi lại bài đã làm thông qua phần mềm để giáo viên chữa. Trường Newton yêu cầu giáo viên chuẩn bị bài giảng hàng ngày, giải đáp thắc mắc của học sinh.
 
Cô Lê Thị Chính, Hiệu trưởng tường THCS-THPT Newton, cho biết nền tảng học online trường đã có từ lâu. Trên nền tảng này, học sinh và giáo viên sử dụng để đăng tải bài tập, trao đổi và giải đáp thắc mắc. Việc học online giúp học sinh không quên kiến thức, có bài tập để làm trong thời gian nghỉ và đảm bảo tiến độ chương trình khi các em quay lại trường.
 
"Kế hoạch học tại nhà cũng không làm gián đoạn quá trình ôn thi THPT quốc gia của học sinh lớp 12 vì kho dữ liệu của nhà trường phong phú, nhiều bài tập đa dạng", cô Chính nói.
 
Học sinh cấp tiểu học của trường Wellspring học online tại nhà. Ảnh: Wellspring
 
Trường Phổ thông Song ngữ Liên cấp Wellspring cũng áp dụng học online ở cả ba cấp trong thời gian nghỉ học một tuần từ ngày 3/2. Các kênh online học sinh Wellspring đang dùng gồm Google Classroom, Google site, Class Dojo, Microsoft Office 365...
 
Với cấp tiểu học, từ 19h tối hôm trước, giáo viên phụ trách lớp gửi các clip dạy học của ngày mai qua email hoặc nhóm lớp. Nội dung bài giảng và thắc mắc của học sinh được thầy cô giải đáp từ 8h đến 11h (với chương trình Việt Nam) và từ 13h đến 16h (với chương trình quốc tế).
 
Bài tập về nhà được giao qua ứng dụng Kahoot hoặc Quizizz đến học sinh. Sau khi hoàn thành, phụ huynh chụp ảnh bài tập, đăng tải video con làm bài lên nhóm lớp để giải viên chấm và chữa từng bài.
 
Học sinh THCS và THPT làm quen với việc học online từ lâu nên quá trình này không gặp nhiều khó khăn. Trường Wellspring cho biết lớp học của hầu hết bộ môn diễn ra bình thường trên Google Classroom hoặc Microfoft Office 365 theo thời khóa biểu với hai ca buổi sáng, tương đương hai môn và hai ca buổi chiều.
 
Cô Lê Thúy Ngà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Wellspring, cho biết việc triển khai đồng bộ và nhanh chóng các phương pháp dạy và học online nhận được phản hồi tích cực của đa số phụ huynh và học sinh. "Việc này giúp học sinh được an toàn khi ở nhà và duy trì thói quen, kỹ năng học tập. Kết quả kiểm tra trong tuần nghỉ này vẫn được tính cho học sinh như bình thường", cô Ngà nói.
 
Tại TP HCM, trong buổi họp giao ban sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán của trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TP HCM) ngày 3/2, Hiệu trưởng Huỳnh Thanh Phú yêu cầu tổ trưởng các môn soạn bài tập, giao cho học sinh ở nhà.
 
Ở khối 12, giáo viên tập trung cho kỳ thi THPT quốc gia, trong khi khối dưới chú trọng môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tiếng Anh. Thầy cô giao bài cho học sinh qua Viber, các nhóm lớp trên mạng xã hội hoặc phần mềm 789.vn. Giáo viên tương tác với học sinh để giải đáp thắc mắc, bài tập khó hoặc ôn lại kiến thức cũ.
 
"Lượng bài tập giao cho các em vừa phải, trọng tâm. Chủ yếu là để học sinh không xao nhãng việc ôn bài, bởi các em vừa trải qua kỳ nghỉ hơn hai tuần rồi", ông Phú nói.
 
Để tăng tính hiệu quả của việc học trực tuyến, giáo viên bộ môn sẽ kiểm tra 15 phút học sinh sau kỳ nghỉ. Nội dung bài kiểm tra tương tự bài thầy cô đã giao.
 
Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) cũng yêu cầu khối trưởng và tổ trưởng chuyên môn soạn bài tập giao cho học sinh trong tuần. Giáo viên chủ nhiệm có nhiệm vụ chuyển bài tập này qua email hoặc Viber và đôn đốc học sinh làm.
 
Theo lãnh đạo trường, việc nghỉ một tuần không ảnh hưởng lớn đến kế hoạch học tập năm học. Nhưng nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, phải nghỉ lâu hơn thì phương án học trực tuyến cần được áp dụng.
 
Tại các trường THPT Trương Vương (quận 1), THPT Bình Hưng Hòa (quận Tân Bình)..., Ban giám hiệu khuyến khích giáo viên giao bài tập cho học sinh qua mạng để tránh quên kiến thức, bắt nhịp việc học sau khi kết thúc đợt nghỉ. 
 
Ở một số trường khác, giáo viên trẻ soạn các bài giảng đưa lên mạng xã hội cho học sinh ôn tập. Thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên Vật lý trường THPT Ernst Thälmann (quận 1, TP HCM) viết lên nhóm Facebook lớp 10A2 lúc 16h: "Chúng ta học online vậy. 8h tối nay thầy post bài kiểm tra phần này, thời gian làm bài là một tiếng. Học online nhưng kiểm tra thật nhé cả lớp". Kèm theo lời nhắn là bài giảng về động lượng và định luật bảo toàn động lượng trên Youtube.
 
Hoàn thành xong đề kiểm tra cho lớp 10, thầy Tùng làm đề cho lớp 11 để kịp cho các em học buổi tối. "Một số lớp cần giảng thêm lý thuyết, tôi sẽ quay video rồi đưa lên Youtube", thầy Tùng nói. 
 
Theo thầy Tùng, đề kiểm tra giao qua mạng có tính tương tác, học sinh dễ dàng trao đổi với nhau. Do đó, việc đặt câu hỏi cũng phải khác trên lớp để kích thích các em xem lại bài cũ. Ngày thường, thầy cùng học sinh ba lớp khối 10, hai lớp khối 11 thường trao đổi trên Facebook nên mọi việc không mấy lạ lẫm. Học sinh làm bài xong, thầy sẽ livestream trên mạng xã hội để sửa bài.
 
Với khối tư thục, nhiều trường cũng triển khai việc dạy học trực tuyến. Ở trường Quốc tế Việt Úc, mỗi ngày giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn sẽ gửi email bài học và bài ôn luyện cho các kỳ thi của cả hai chương trình MOET và Cambridge. Học sinh tự học ở nhà, được giáo viên củng cố kiến thức sau khi quay trở lại trường. 
 
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tới sáng 3/2, 360 người ở Trung Quốc và một người ở Philippines thiệt mạng, hơn 17.300 người nhiễm.
 
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hiện ngoài Trung Quốc, 24 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV.
 
Việt Nam công bố dịch ngày 1/2, đến sáng 3/2 có 8 ca nhiễm nCoV. Bốn địa phương có người nhiễm nCoV và 46 tỉnh, thành khác đã cho học sinh nghỉ học từ hai ngày đến một tuần để phòng dịch.
 
Thanh Hằng - Mạnh Tùng  https://vnexpress.net/

Xem thêm Giáo dục - Sức khỏe