Nghiên cứu điều chỉnh chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần

  • www.doanhtri.net
  • 28-10-2021
  • 666 lượt xem
Các cơ quan sẽ nghiên cứu điều chỉnh chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần, xây dựng văn hóa an sinh cho người lao động, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung.
 
Chiều 27/10, đại biểu Quốc hội cho ý kiến về tình hình thực hiện chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH), quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.
 
Bộ trưởng Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định BHXH là một trong những chính sách trụ cột của mạng lưới an sinh xã hội. Dù mới ra đời từ năm 1995 đến nay, BHXH Việt Nam đã phát triển tương đối nhanh, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và đáp ứng thông lệ quốc tế.
 
Đến nay Quỹ BHXH trở thành quỹ ngoài ngân sách quy mô lớn nhất. Nếu năm 1998, quỹ lần đầu kết dư 7.500 tỷ đồng thì đến năm 2020 đã tăng gấp 120 lần. Hiện quỹ kết dư gần một triệu tỷ đồng, tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước. Các quỹ đã hỗ trợ người dân, doanh nghiệp gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19 khoảng 50.000 tỷ đồng.
 
Bộ trưởng Dung cho biết thời gian tới, các cơ quan sẽ nghiên cứu điều chỉnh chính sách hưởng BHXH một lần; tiếp tục xem xét sử dụng kết dư quỹ để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Người lao động sẽ được tuyên truyền để dần hình thành văn hóa an sinh.
 
Cho ý kiến trước đó, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, lo ngại khi số người hưởng BHXH một lần gia tăng, năm 2020 là 860.700 người, tăng gấp hai lần so với số người tham gia mới. "Như vậy, cứ một người tham gia BHXH thì có 2 người rời hệ thống. Thực tế rất đáng lo ngại bởi sẽ dẫn đến phá vỡ hệ thống", ông Hải Anh nói.
 
Đại biểu Hải Anh phân tích, khi người lao động rời khỏi hệ thống BHXH sẽ bị tước bỏ quyền thụ hưởng các chế độ, đặc biệt là hưu trí, tử tuất, dẫn đến rủi ro trong tương lai. Việc này cũng tạo ra những thách thức lớn cho việc thực hiện mục tiêu mở rộng BHXH, đảm bảo an sinh xã hội của đất nước.
 
Trên thế giới, các quốc gia có hệ thống bảo hiểm hưu trí giống Việt Nam không cho hưởng BHXH một lần trước tuổi nghỉ hưu, trừ khi định cư ở nước ngoài hay bệnh hiểm nghèo. Một số quốc gia cho phép hưởng BHXH một lần nhưng phải thỏa mãn điều kiện độ tuổi. "Cần nhìn nhận việc nhận BHXH một lần là vấn đề chính sách của Nhà nước, có quy định hạn chế hưởng nhằm đảm bảo các chế độ được bao trùm lên tất cả thành viên trong xã hội", ông Hoài Anh nói.
 
Đại biểu này cũng đề nghị Chính phủ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu, giúp hạn chế hưởng một lần.
 
Đại biểu Nguyễn Hải Anh (Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Chữ thập đỏ Việt Nam). Ảnh: Media QH
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, dẫn số liệu thống kê cho thấy những người hưởng chế độ BHXH một lần từ trên 20 đến đủ 40 tuổi chiếm 80,9% tổng số người hưởng một lần giai đoạn 2016-2020. Đa số là lao động trẻ, nhu cầu chi tiêu tài chính lớn mà không tính đến việc tích lũy đủ 20 năm và đủ tuổi nghỉ hưu. Khi nghỉ việc, họ sẽ nghĩ ngay đến hưởng BHXH một lần để giải quyết nhu cầu tài chính trước mắt.
 
Cho rằng việc hưởng BHXH một lần là nhu cầu thực tế của người lao động, khi đời sống khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên ông Sơn cũng chỉ ra BHXH như của để dành, được Nhà nước bảo hộ nhằm bảo đảm quyền lợi tốt hơn cho người lao động khi hết tuổi lao động. Lựa chọn hưởng một lần không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi người lao động mà còn ảnh hưởng đến mục tiêu, nỗ lực và quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện quyền được đảm bảo an sinh xã hội của người dân như Hiến pháp đã quy định.
 
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường). Ảnh: Media QH
 
Để phát triển BHXH một cách bền vững, nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, ông Sơn đề nghị khi chưa sửa Luật BHXH, cơ quan chức năng cần tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu về lợi ích thiết thực của BHXH, có ý thức chuẩn bị cho tuổi già một cách chủ động từ khi còn trẻ, đồng thời giao chỉ tiêu cho địa phương.
 
Ông Sơn đề xuất Chính phủ sớm nghiên cứu sửa đổi quy định về hưởng BHXH một lần, Luật BHXH theo tinh thần Nghị quyết 28 (quy định về căn cứ đóng BHXH của doanh nghiệp ít nhất bằng khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác), cải cách về xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, hướng đến bao phủ toàn dân, sửa đổi điều kiện về thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí theo hướng linh hoạt.
 
"Đề xuất sửa đổi Luật Việc làm theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm tự nguyện bao gồm lao động làm việc theo hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc từ một tháng trở lên; hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động duy trì việc làm", ông Sơn nói.
 
Đại biểu Nguyễn Duy Minh, Chủ tịch Liên đoàn lao động TP Đà Nẵng, cũng cho rằng các cơ quan cần nghiên cứu, sớm sửa đổi điều kiện về thời gian đóng BHXH để được hưởng chế độ từ 20 xuống còn 15 năm, tiến tới 10 năm. "Cần các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng phù hợp, nhất là công nhân lao động", ông Minh nói, dẫn chứng thực tế công nhân thường làm việc trong 5-10 năm, sau đó nghỉ. Các gói BHXH ngắn hạn nhằm hạn chế việc rút một lần.
 
Đại diện cử tri thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất cơ quan chức năng hướng dẫn giải quyết chế độ chính sách cho người lao động ở các tỉnh phía Nam về quê thời gian vừa qua. "Khi họ quay lại làm việc thì thời gian tạm ngừng đóng BHXH phải xác định thế nào, cần có thông tin tuyên truyền cụ thể, hạn chế phát sinh các thủ tục...", ông nhấn mạnh.
 
Hoàng Thùy - Viết Tuân vnexpress.net

Xem thêm Tin Pháp luật