Xây dựng cơ chế hậu kiểm thực chất, không hình thức

Về bản chất, hậu kiểm là phương thức quản lý mới, trong đó cơ quan nhà nước không còn tập trung vào việc cấp phép trước (tiền kiểm), mà chuyển sang kiểm tra, giám sát sau khi doanh nghiệp đã thực hiện hoạt động sản xuất - kinh doanh. Mô hình này được kỳ vọng sẽ giảm thiểu chi phí tuân thủ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nâng cao tính chủ động của khu vực tư nhân. Tuy nhiên, hậu kiểm cũng đồng thời đặt ra một số thách thức.
11-1747210903.jpg

Ảnh minh họa (Hải quan TPHCM luôn chú trọng công tác hậu kiểm. Ảnh: T.H )

Ngày 04/05/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong định hướng phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Nghị quyết không chỉ đề cao vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong tăng trưởng và đổi mới sáng tạo, mà còn đưa ra thông điệp cải cách thể chế rõ ràng: “Chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát.”.

Cơ hội cho doanh nghiệp, thách thức cho quản lý nhà nước

Có thể khẳng định đây là lần đầu tiên, cơ chế công bố điều kiện kinh doanh thay cho xin phép được xác lập như một chuẩn mực quản lý mới, với chỉ một số ít lĩnh vực đặc thù tiếp tục áp dụng tiền kiểm theo thông lệ quốc tế. Cùng với đó, yêu cầu hiện đại hóa quản trị công, chuyển từ quản lý sang phục vụ, từ mệnh lệnh hành chính sang quản trị bằng dữ liệu được nhấn mạnh. Điều này phù hợp với thông lệ quốc tế và các hiệp định thương mại thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.

Tư duy hậu kiểm, nếu được vận hành hiệu quả, sẽ giúp tháo gỡ rào cản gia nhập thị trường, cắt giảm chi phí tuân thủ và giảm thiểu tình trạng xin - cho. Nhưng đồng thời, nó cũng đòi hỏi một bước nhảy vọt về năng lực thể chế và năng lực kỹ thuật của cơ quan quản lý - điều mà nhiều địa phương hiện nay vẫn đang thiếu hụt.

Đối với doanh nghiệp, hậu kiểm mở ra cơ hội lớn trong việc rút ngắn thời gian đưa sản phẩm, dịch vụ ra thị trường. Các thủ tục cấp phép kéo dài, phức tạp và thiếu minh bạch vốn là nỗi lo ngại lớn của nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Với cơ chế hậu kiểm, doanh nghiệp có thể khởi sự ngay sau khi đáp ứng các điều kiện công bố, thay vì chờ xét duyệt giấy phép.

Tuy nhiên, về phía nhà nước, thách thức nằm ở chỗ làm sao kiểm soát được rủi ro sau cấp phép. Không có tiền kiểm, việc phát hiện vi phạm sẽ chỉ đến sau khi hậu quả đã xảy ra. Điều này đòi hỏi hệ thống giám sát phải đủ mạnh, đủ nhanh và có tính răn đe thực chất - từ công cụ công nghệ (AI, dữ liệu lớn) đến đạo đức công vụ và chế tài xử phạt.

Bài học từ thực tiễn: khi giám sát đi sau sai phạm

Trong một số lĩnh vực như an toàn thực phẩm hay xây dựng, việc áp dụng cơ chế hậu kiểm đã bộc lộ không ít hạn chế. Đã từng có những doanh nghiệp đưa thực phẩm bẩn ra thị trường, công trình xây dựng chưa đủ điều kiện nhưng vẫn được triển khai - tất cả chỉ bị phát hiện khi xảy ra sự cố nghiêm trọng. Những vụ việc như vậy cho thấy hậu kiểm, nếu không đi kèm kiểm tra đột xuất, dữ liệu minh bạch và phản hồi xã hội mạnh mẽ, thì rất khó tạo ra tác dụng răn đe.

22-1747210908.jpg

Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội đang kiểm tra thuốc và thực phẩm chức năng (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tương tự, trong lĩnh vực giáo dục, y tế tư nhân hay môi trường, việc thiếu quy chuẩn giám sát và năng lực thanh tra đã khiến một số cơ sở hoạt động “trôi nổi”, gây ảnh hưởng đến quyền lợi người dân mà không bị phát hiện kịp thời.

Các ví dụ này cho thấy nếu không có hệ thống hậu kiểm hiệu quả - bao gồm công cụ thanh tra hiện đại, dữ liệu minh bạch và cơ chế xử lý nhanh - thì hậu kiểm không phát huy giá trị thực chất.

Xây dựng cơ chế hậu kiểm thực chất, không hình thức

Để hậu kiểm phát huy đúng vai trò là một bước tiến trong cải cách thể chế, cần đồng bộ nhiều nhóm giải pháp:

Thứ nhất, hoàn thiện pháp luật chuyên ngành: Mỗi lĩnh vực cần có quy định rõ ràng về hậu kiểm - từ phạm vi, hình thức, tần suất đến trách nhiệm cơ quan giám sát.

Thứ hai, ứng dụng công nghệ quản lý: Sử dụng dữ liệu lớn (big data), AI và hệ thống thông tin tích hợp để theo dõi tuân thủ theo thời gian thực, thay cho kiểm tra định kỳ thủ công.

Thứ ba, ràng buộc trách nhiệm giải trình: Cơ quan quản lý để xảy ra hậu kiểm hình thức, hoặc không xử lý vi phạm đúng quy định, phải chịu trách nhiệm cá nhân và tập thể.

Thứ tư, cơ chế phản hồi từ doanh nghiệp và xã hội: Tạo kênh để doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề và người tiêu dùng phản ánh các hành vi vi phạm, qua đó tăng sức ép minh bạch hóa.

Thứ năm, phân loại ngành nghề theo mức độ rủi ro: Với lĩnh vực có rủi ro cao về sức khỏe, môi trường, tài chính…, cần duy trì kiểm soát chặt chẽ ở cả hai giai đoạn - tiền kiểm và hậu kiểm.

Kết mở

Hậu kiểm là một biểu hiện của quản trị hiện đại - dựa trên niềm tin, dữ liệu và sự minh bạch. Nhưng niềm tin chỉ có cơ sở khi hệ thống pháp luật đủ mạnh, cơ chế kiểm soát đủ hiệu quả và đạo đức thực thi công vụ được đặt lên hàng đầu. Nếu không,  thay vì tạo thuận lợi cho kinh doanh liêm chính, nó lại trở thành cánh cửa cho sai phạm được hợp thức hóa.

Nghị quyết 68-NQ/TW đã xác lập tầm nhìn đúng - nhưng từ tầm nhìn đến thực thi là một khoảng cách không nhỏ. Do đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống với quyết tâm chính trị cao, đặc biệt là những cơ quan thực thi, đồng thời khẩn trương bổ sung hoàn thiện các công cụ để biến hậu kiểm thành một bước tiến thực chất trong cải cách môi trường kinh doanh.

 Dương Văn Quý (Luật Sư – Công Ty Luật TNHH First Counsel; Trọng tài viên – Trung tâm trọng tài thương mại quốc tế Tiền Giang (TGAC)

Theo Phaply.net