Triển vọng đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn với các đối tác Hoa Kỳ

Theo đó, Trường ĐH Bang Arizona đồng ý hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn (thiết kế mạch tích hợp IC, ATP), Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật năng lượng sạch; đồng thời sẽ hợp tác với Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn tổ chức các khóa đào tạo về bán dẫn cho giảng viên (thiết kế IC nâng cao, ATP) và thúc đẩy phối hợp đào tạo sau đại học.
(Chinhphu.vn) - Trường ĐH Phenikaa và các đối tác Hoa Kỳ đã có sự hợp tác đa phương diện nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về vi mạch bán dẫn.
 
Phối hợp đối tác Hoa Kỳ đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn 
 
Ngày 2/8, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper đã thăm và làm việc với Trường ĐH Phenikaa. Một trong những nội dung quan trọng được trao đổi tại buổi làm việc liên quan đến hợp tác đào tạo lĩnh vực công nghệ vi mạch bán dẫn.
 
Trường ĐH Phenikaa có quan hệ hợp tác đa phương diện với các tổ chức/doanh nghiệp Hoa Kỳ. Riêng lĩnh vực vi mạch bán dẫn, nhà trường đã ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác với ĐH Bang Arizona - trường đào tạo về ngành chip bán dẫn lớn nhất trên thế giới, để xây dựng các chương trình đào tạo, tận dụng các nguồn lực mà Chính phủ Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam để triển khai các chương trình đào tạo.
 
Theo đó, Trường ĐH Bang Arizona đồng ý hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn (thiết kế mạch tích hợp IC, ATP), Kỹ thuật hàng không, Kỹ thuật năng lượng sạch; đồng thời sẽ hợp tác với Trung tâm Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn tổ chức các khóa đào tạo về bán dẫn cho giảng viên (thiết kế IC nâng cao, ATP) và thúc đẩy phối hợp đào tạo sau đại học.
 
Phenikaa cũng đã ký kết với Synopsys - một công ty tự động hóa thiết kế điện tử (EDA) của Hoa Kỳ cung cấp các công cụ và dịch vụ cho ngành sản xuất và thiết kế chất bán dẫn.
 
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Evans Knapper đã bày tỏ vui mừng khi Phenikaa đã có những bước tiến trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp Hoa Kỳ, điển hình như Synopsys. Những mô hình hợp tác và đối tác mang tính chiến lược này sẽ mở đường cho mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. 
 
Điều này giúp hai nước củng cố mối quan hệ kinh tế; đa dạng hóa, củng cố chuỗi cung ứng, nhằm đảm bảo Việt Nam là một trung tâm quan trọng về sản xuất bán dẫn và các sản phẩm công nghệ cao khác.
 
Đại sứ Marc Evans Knapper thăm quan Trung tâm Đào tạo thiết kế Vi mạch bán dẫn Phenikaa - Ảnh: VGP/NN
 
Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới
 
Vi mạch bán dẫn được xem là nền tảng của tính toán hiện đại, giữ vai trò quan trọng trong bối cảnh thế giới bước sang giai đoạn bùng nổ nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big Data)...
 
Việt Nam có triển vọng lớn để trở thành một trung tâm bán dẫn mới của thế giới khi có nguồn nhân lực phù hợp, với đội ngũ nhân sự trẻ có năng lực về khoa học và toán học; các công ty công nghệ trong nước ngày càng lớn mạnh, các tập đoàn lớn quốc tế dịch chuyển sản xuất về Việt Nam, đào tạo nguồn nhân lực ở những khâu giá trị cao và nắm bắt công nghệ mới; Chính phủ có quyết sách phát triển ngành.
 
Với đặc thù yêu cầu cao về tính chính xác và chất lượng sản phẩm, năng suất và trình độ lao động của ngành, đào tạo nhân lực ngành Vi mạch bán dẫn không thể chỉ dừng lại ở chương trình cơ bản bậc đào tạo đại học, mà cần nhiều nỗ lực triển khai các trình độ cao hơn.
 
Được biết, tháng 5/2024, Liên minh đào tạo nhân lực và nghiên cứu bán dẫn (VASA) đã được thành lập bởi Trường ĐH Phenikaa (đại diện bởi Trung tâm Phenikaa Đào tạo Thiết kế vi mạch bán dẫn) và Thành phố Đà Nẵng (đại diện bởi Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo thiết kế Vi mạch và AI), theo hình thức đối tác công-tư.
 
Trong năm học 2024-2025 sắp tới, Trường ĐH Phenikaa tuyển sinh mới 2 chương trình đào tạo thuộc lĩnh vực vi mạch bán dẫn gồm: Thiết kế vi mạch bán dẫn, Chip bán dẫn và công nghệ đóng gói.
 
Nhật Nam  (baochinhphu.vn)