Ảnh minh họa
Luật Công nghiệp công nghệ số - nền tảng pháp lý đột phá, vượt trội giúp doanh nghiệp công nghệ số phát triển
Một trong những trọng tâm của Luật là phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, với định hướng chuyển dịch từ lắp ráp, gia công đơn giản sang làm chủ các công nghệ lõi. Điều này sẽ đóng góp quan trọng vào việc xây dựng Chính phủ số, phát triển nền kinh tế số và xã hội số.
Luật dành 1 Chương qui định về phát triển ngành công nghiệp công nghệ số bao gồm 13 mục quy định về: Hoạt động sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ công nghệ số; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; tài sản số; nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số; tiêu chuẩn hóa và chứng nhận cho công nghiệp công nghệ số; quản lý, khai thác dữ liệu số trong công nghiệp công nghệ số; nguồn nhân lực công nghệ số; hợp tác quốc tế về công nghiệp công nghệ số; nguồn tài chính; khu công nghệ số; phát triển bền vững trong công nghiệp công nghệ số; thông tin về công nghiệp công nghệ số; chương trình phát triển công nghiệp công nghệ số. Đặc biệt, dự thảo Luật tạo điều kiện cho việc xây dựng và triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm về công nghệ số, khuyến khích các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư và thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam.
"Việt Nam đang đứng trước cơ hội tiên phong trên thế giới trong việc xây dựng một khung pháp lý riêng cho ngành công nghiệp công nghệ số. Và việc xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số không chỉ là bước tiến lớn cho Việt Nam mà còn khẳng định vị thế của đất nước trong việc dẫn dắt xu hướng công nghệ toàn cầu. Với những chính sách đúng đắn, Việt Nam có thể trở thành quốc gia tiên phong, đi đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
Một trong những điểm nổi bật là việc Luật bổ sung nội dung về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Xác định rõ công nghiệp bán dẫn là một hoạt động quan trọng trong công nghiệp công nghệ số, dự thảo Luật đưa ra các quy định về nguyên tắc, phân loại hoạt động, cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên hơn cho phát triển công nghiệp bán dẫn.
Ảnh minh họa
Trí tuệ nhân tạo là một trong những công nghệ số cốt lõi nhất, đang phát triển với tốc độ vô cùng nhanh chóng, được ứng dụng rộng rãi trong tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc quản lý nhằm hạn chế những rủi ro, đồng thời tận dụng tốt những lợi ích mà trí tuệ nhân tạo mang lại là rất cần thiết. Luật đưa ra các nguyên tắc quản lý và phát triển AI, nhấn mạnh AI phải phục vụ sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, đảm bảo minh bạch, trách nhiệm giải trình, công bằng và không phân biệt đối xử.
Trên cơ sở tham khảo Đạo luật Trí tuệ nhân tạo của Liên minh Châu Âu và các quy định quản lý trí tuệ nhân tạo của một số quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, OECD, dự thảo Luật dự kiến quy định một số nội dung: (i) khái niệm trí tuệ nhân tạo, hệ thống trí tuệ nhân tạo; (ii) nguyên tắc phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng trí tuệ nhân tạo; (iii) quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo; (iv) trách nhiệm các bên liên quan đến hoạt động phát triển, cung cấp, triển khai và sử dụng hệ thống trí tuệ nhân tạo; (v) nhãn và quy trình, thủ tục dán nhãn sản phẩm công nghệ số tạo ra bởi hệ thống trí tuệ nhân tạo.
Cũng theo dự thảo Luật, tài sản số đã được đưa vào nội dung chính của Luật. Tài sản số được định nghĩa là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ và chuyển giao trong môi trường điện tử. Những tài sản này được pháp luật bảo hộ như quyền sở hữu tài sản thông qua các quy định về sở hữu trí tuệ và pháp luật dân sự liên quan. Dự thảo Luật nêu rõ rằng, quản lý tài sản số yêu cầu sự kết hợp giữa công nghệ và quy trình quản lý, đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đây là một nội dung mới và rất quan trọng, phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới trong thời đại số hóa.
Một trong những điểm chính sách mới nổi bật là việc Luật bổ sung nội dung về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo (AI). Bên cạnh đó, lần đầu tiên đưa ra khái niệm tài sản số trong luật pháp Việt Nam là một bước tiến quan trọng. Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số cũng là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số là một trong những chính sách đột phá trong dự thảo Luật. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số nước trên thế giới đã ban hành luật quy định về vấn đề này như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, … Chính phủ đề xuất xây dựng quy định này nhằm đáp ứng kịp thời sự phát triển, hội tụ rất nhanh của công nghệ số vào các ngành, lĩnh vực, tạo hành lang pháp lý để thúc đẩy sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số mà pháp luật chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành.
Ảnh minh họa
Dự thảo Luật dự kiến quy định cơ chế thử nghiệm có kiểm soát theo hướng thúc đẩy phát triển và bảo đảm cơ chế thử nghiệm có kiểm soát có thể được áp dụng đối với các lĩnh vực; có quy định miễn trừ trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính cho cơ quan, người có thẩm quyền cấp phép và tổ chức, doanh nghiệp tham gia thử nghiệm trong trường hợp các cá nhân, tổ chức thực hiện không vụ lợi và tuân thủ đúng, đủ quy định của pháp luật; đối với vấn đề miễn trách nhiệm hình sự, áp dụng theo quy định hiện hành của Bộ luật Hình sự.
Dự luật cũng qui định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động công nghiệp công nghệ số như: Lợi dụng hoạt động công nghiệp công nghệ số để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; gây thiệt hại đến tài nguyên, môi trường, sức khỏe con người; trái với đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc quan hệ đối ngoại của Việt Nam; Sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ, cung cấp, trao đổi và chia sẻ dữ liệu công nghiệp công nghệ số trái với quy định của pháp luật; Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; chiếm đoạt, chuyển nhượng, chuyển giao bất hợp pháp kết quả nghiên cứu, phát triển sản phẩm, dịch vụ công nghệ số;…
Đặc biệt, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số cũng đề xuất các chính sách ưu đãi đặc thù cho các doanh nghiệp và dự án công nghệ số. Các chính sách này dựa trên nguyên tắc tham chiếu các quy định về đầu tư, thuế, tín dụng và công nghệ cao.
Dự thảo Luật nêu rõ, Nhà nước thực hiện các chính sách sau đây nhằm bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số:
Ưu đãi về đất đai, thuế, tài chính, đầu tư và các cơ chế ưu đãi khác để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số nhằm phát huy vai trò nền tảng cho phát triển các ngành công nghiệp khác, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tập trung chú trọng và có chính sách ưu đãi đặc biệt để thu hút đầu tư phát triển công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, internet vạn vật, chuỗi khối, thực tại ảo/thực tại tăng cường và các công nghệ số mới khác. Áp dụng cơ chế, chính sách ưu đãi đặc biệt để đào tạo, thu hút, sử dụng có hiệu quả nhân lực công nghiệp công nghệ số; tăng cường chính sách đặt hàng đào tạo và thực hiện hỗ trợ tài chính của Nhà nước đối với cơ sở đào tạo và người học.
Để phát triển lĩnh vực công nghiệp công nghệ số, các chuyên gia cho rằng quan trọng nhất là vấn đề ưu đãi đầu tư, thủ tục đầu tư, chính sách, ưu đãi thuế, các chính sách liên quan,...Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi các chính sách trong Dự thảo, các chuyên gia đưa ra nhiều ý kiến đề xuất.
TS Cấn Văn Lực đề nghị, cần nghiên cứu và bổ sung một số quy định vượt trội hơn cho các dự án về công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo là những dự án rất quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam, tác động lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đồng thời, quan tâm tới chính sách hỗ trợ đối với đội ngũ chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao về miễn thuế thu nhập cá nhân, hỗ trợ visa…
Đại biểu Vũ Hải Quân, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh, cần chỉ ra được những điểm nghẽn trong phát triển công nghiệp công nghệ số để từ đó đề xuất được những điều khoản, chính sách hết sức cụ thể trong Luật nhằm phát triển lĩnh vực này. “Nếu vẫn quy định các chính sách chung chung, bị phân mảnh giữa các luật khác nhau thì cuối cùng Dự thảo cũng sẽ giống như Luật Công nghệ thông tin, mặc dù chúng ta thể chế hóa được các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển công nghiệp công nghệ số nhưng 20 - 30 năm sau đến khi tổng kết lại thì e rằng sẽ rất khó để đạt được kết quả mang tính đột phá”, đại biểu Vũ Hải Quân chia sẻ.
Để thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số phát triển, cần các chính sách ưu đãi vượt trội (ảnh minh hoạ)
Việt Nam đứng trước cơ hội chưa từng có trong cuộc cách mạng chuyển đổi số, theo ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT FPT. Ông Bình cho biết Việt Nam đang có thế và lực, vừa là bến đỗ an toàn của thế giới trong bão địa chính trị, vừa có những tài năng công nghệ nhiều quốc gia mơ ước. "Không nhiều nơi như Việt Nam, bất kỳ công nghệ mới nào đều có lực lượng kỹ sư phần mềm học và tham gia. Từ AI, Edutech, blockchain, gaming và nhiều thứ nữa, người Việt đều có thể học và làm được", ông Bình nói.
Tạo đột phá về thể chế KHCN và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên mới
Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, quá trình triển khai thi hành Luật Khoa học và công nghệ 2013 cho thấy pháp luật hiện hành có một số nội dung chưa phù hợp với yêu cầu, đòi hỏi từ thực tiễn nhằm phát triển khoa học công nghệ, phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về KH,CN&ĐMST đòi hỏi các hành lang pháp lý; cơ chế chính sách phải được điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn.
Một số quy định chưa phù hợp trong Luật KH&CN 2013 như: Vấn đề giao quyền sở hữu kết quả KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước cho cơ quan chủ trì theo cơ chế tự động; vấn đề tập trung nguồn lực chủ yếu cho các chương trình KH&CN để tạo ra tri thức nhưng chưa quan tâm bố trí đủ nguồn lực thỏa đáng cho các chương trình ứng dụng tri thức...
Chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh các nhà khoa học còn nhiều hạn chế…Từ thực tiễn cũng như các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật KH&CN 2013, cần thiết nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật KH&CN.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm các đơn vị nghiên cứu, sản xuất trong Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia. Ảnh: TTXVN
Bổ sung loạt chính sách mới, mở rộng phạm vi điều chỉnh sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST
Có thể nói, trên thế giới hiện nay đã hình thành một phong trào về đổi mới sáng tạo, dẫn đến việc phát triển các khái niệm, như hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ thống đổi mới sáng tạo ngành và các mô hình kết nối khác.
Việt Nam cũng đang chuyển mình theo xu hướng toàn cầu này, chuyển sang mô hình phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm và viện nghiên cứu, trường đại học là các chủ thể nghiên cứu chính. Bên cạnh việc ứng dụng KHCN, hoạt động đổi mới sáng tạo còn tập trung vào việc cải tiến quy trình sản xuất.
Để thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, cần có sự kết nối chặt chẽ giữa các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần sự tham gia hỗ trợ từ nhiều thực thể khác. Ví dụ như các quỹ đầu tư tài chính, các cơ quan Nhà nước, các tổ chức trung gian, các dịch vụ tài chính, các tổ chức về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, cũng như các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ đều đóng vai trò quan trọng trong hoạt đổi mới sáng tạo.
Hoạt động đổi mới sáng tạo cần phải gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu phát triển và sản xuất kinh doanh. Do đó, các đề tài nghiên cứu nên được đặt hàng từ các bộ phận sản xuất kinh doanh, tức là từ doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào các nhà khoa học tự đề xuất.
Do đó luật KH, CN và ĐMST sẽ bổ sung loạt chính sách mới thông qua các quy định cụ thể, tạo cơ sở pháp lý để phát triển nhanh, bền vững KH&CN, bắt kịp với sự phát triển KH&CN của thế giới. Đáng chú ý, luật sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Dự thảo Luật KH,CN&ĐMST gồm 14 Chương và 146 Điều. Trong đó Luật thiết kế sửa đổi bổ sung nhiều chính sách quan trọng về Tổ chức, nhân lực khoa học và công nghệ và ĐMST; Đầu tư và tài chính phục vụ phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Hạ tầng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thông tin khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, Thúc đẩy thương mại hóa kết quả KH&CN và phát triển thị trường khoa học và công nghệ; Chính sách về phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia; Phổ biến, lan tỏa tri thức KH,CN&ĐMST; Hợp tác và hội nhập quốc tế về KH,CN&ĐMST…..
Đáng chú ý, luật sẽ mở rộng phạm vi, đối tượng điều chỉnh của Luật sang khu vực ngoài công lập để thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và ĐMST, đóng góp ngày càng hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Sẽ thiết kế những chính sách đặc biệt cho các chủ thể đặc biệt
Thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội. Tuy nhiên tại Việt Nam nói chung, hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, tài sản trí tuệ còn gặp nhiều thách thức về mặt cơ chế, chính sách.
Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam đề xuất giao quyền sở hữu và quyền quyết định kết quả khoa học cho đơn vị chủ trì nhiệm vụ KHCN; khuyến khích các nhà khoa học tham gia điều hành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo (spin off) triển khai các kết quả nghiên cứu khoa học.
PGS.TS. Lê Văn Thăng đề nghị tạo cơ chế, chính sách thử nghiệm, đặc thù, vượt trội trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thông qua việc sửa đổi, bổ sung Điều 9 Luật KHCN nhằm làm rõ vai trò của đại học Quốc gia, đại học Vùng và Viện Hàn Lâm; trao quyền tự chủ lớn hơn cho các tổ chức KHCN quan trọng; thực hiện cơ chế vượt trội nhằm thu hút và giữ chân nhân tài theo tinh thần Nghị quyết 45-NQ/TW...
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt nhấn mạnh thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan, tích cực hoàn thiện các cơ chế, chính sách KHCN và đổi mới sáng tạo theo những định hướng trọng tâm. Trong đó sớm hoàn thiện quy định về quyền sở hữu, quyền sử dụng, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phân chia lợi nhuận, chuyển giao, chuyển nhượng, góp vốn bằng kết quả nghiên cứu.
Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại Hội nghị thường niên năm 2024: "Hoàn thiện thể chế thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo"
Dự thảo Luật Khoa học Công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định nhiều điểm đột phá về tài chính, hoạt động của tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D). Hoàn thiện quy định thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bỏ quy định yêu cầu đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ đối với tất cả các tổ chức, thay vào đó chỉ quy định về việc thành lập và đăng ký hoạt động đối với tổ chức R&D.
Một trong những thay đổi ở dự thảo Luật lần này là quy định cá nhân hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được tham gia thành lập, điều hành doanh nghiệp để thương mại hóa kết quả nghiên cứu do nhà khoa học là thành viên tạo ra. Đây được coi là quy định có tính đột phá nhằm thúc đẩy liên kết giữa khu vực nghiên cứu với doanh nghiệp để giúp nâng cao trình độ của doanh nghiệp, gắn nghiên cứu với thực tiễn và thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Hoàn thiện chính sách phát triển tiềm lực KHCN. Thúc đẩy phát triển nhân lực KHCN và đổi mới sáng tạo ở cả khu vực các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường và doanh nghiệp. Huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư phát triển hạ tầng, chuyển đổi số trong xây dựng, quản lý và chia sẻ dữ liệu thông tin KHCN và đổi mới sáng tạo.
Tăng cường các chính sách thu hút đầu tư ngoài ngân sách nhà nước, hoàn thiện quy định về quỹ phát triển KHCN, quy định về ưu đãi, hỗ trợ, tài trợ của doanh nghiệp trong hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thúc đẩy hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, hoàn thiện quy định về xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước có bên tham gia là doanh nghiệp. Nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy thành lập doanh nghiệp khởi nguồn (Spin-off) từ sáng chế, công nghệ. ..
Việc sửa đổi Luật KH&CN nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, trong đó doanh nghiệp là trung tâm và viện nghiên cứu cũng như trường đại học đóng vai trò là các chủ thể nghiên cứu mạnh. Do đó, Luật sẽ thiết kế những chính sách mới để hỗ trợ các đối tượng này.
Theo đó, các trường đại học đang dần trở thành những chủ thể nghiên cứu mạnh, tương đương với các viện nghiên cứu. Để phát triển hoạt động KH&CN trong các trường đại học, cần có nội dung nghiên cứu, nội dung hoạt động và thậm chí là kinh phí đầu tư cho các trường đại học. Đề xuất tách biệt đội ngũ nghiên cứu của các viện nghiên cứu và trường đại học khỏi quan niệm coi họ như cán bộ của đơn vị sự nghiệp công lập. Giống như ở các nước trên thế giới, giảng viên và nghiên cứu viên được khuyến khích tham gia điều hành các doanh nghiệp do viện nghiên cứu và trường đại học thành lập, dựa trên kết quả nghiên cứu và sở hữu trí tuệ của họ. Điều này giúp đưa hoạt động đổi mới sáng tạo từ doanh nghiệp đến gần hơn với trường đại học, thậm chí ngay trong trường đại học.
Tạo cơ chế khuyến khích thành lập các donh nghiệp khởi nguồn (spin-off) trong trường đại học. Những doanh nghiệp này không chỉ tạo nguồn thu cho trường đại học mà còn giúp thương mại hóa các kết quả nghiên cứu.
Đưa Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực để hoàn thành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (ảnh minh họa)
Luật cũng sẽ thiết kế các quy định về việc xác định cái gì là tài sản và cái gì không phải là tài sản trong kết quả KHCN. Ví dụ, những kết quả đã được công bố rộng rãi và trở thành tri thức của nhân loại không thể coi là tài sản riêng được. Việc này sẽ giúp điều chỉnh hành lang pháp lý của Luật KH&CN, cũng như các luật khác, để chúng trở nên phù hợp và hoạt động hiệu quả hơn, từ đó tạo ra một môi trường thông thoáng cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo.
Trung Sơn
Theo Phaply.net
Mọi chi tiết xin liên hệ số hotline (0915.999.467) hoặc gửi email về địa chỉ (toasoan@phaply.vn).