Bài viết mới nhất từ Thơ: Nguyễn Du Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)
ĐỘC TIỂU THANH KÝ
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Trên đây là một bài thơ "Đường luật thất niêm" của Nguyễn Du từng bị cho là "ngụy tác" bởi "Nguyễn Du đã từng đánh hỏng bao nhiêu sĩ tử vì lỗi làm thơ thất niêm thất luật không lẽ gì chính mình lại vi phạm lỗi ấy..." (Nguyễn Cẩm Xuyên, báo KTNN số 896).
Vâng, đó là bài thơ Đường thất ngôn bát cú (TNBC) "luật bằng" vì chữ thứ hai trong câu đầu (Hồ) dùng thanh bằng nên chữ thứ hai câu chót cũng phải là bằng chứ không thể là trắc (hạ) được.
Nhưng Bác Bảo Vệ lại cho đây là "lỗi cố tình" của Nguyễn Du...
Sáu câu trên của bài thơ này hoàn toàn giữ đúng niêm luật của một bài thơ Đường TNBC.
Cặp câu Đề giới thiệu cảnh vật tang thương biến đổi tột cùng ("tẫn" là "tột cùng") sau hai thế kỷ từ Tiểu Thanh đến Nguyễn Du, vườn hoa xưa nay chỉ còn là bãi hoang tàn:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Ngoài song trông vào khách viếng chỉ được đọc một mảnh tình thơ sót lại (bị người vợ cả của chồng nàng ghen ghét nên đốt hết) của nàng Tiểu Thanh (sinh năm 1594 và mất năm 1612 khi mới vừa 18 tuổi) được người đời sau lưu giữ để thương tiếc một bậc tài hoa bạc mệnh.
Cặp câu Thực tả về miếu thờ trang nghêm có cả di ảnh "chi phấn hữu thần" và mảnh thơ sầu thảm ấy (lụy phần dư):
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cặp câu Luận nói về tâm trạng Nguyễn Du đang tự mang (ngã tự cư) "hận sự" giống như nàng:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Căp câu Kết "phá cách" (thất niêm) bởi đột nhiên Nguyễn Du thảng thốt nói về mình và chỉ có... xót thương mình:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Có nghĩa là: Chẳng biết ba trăm năm nữa thiên hạ có ai khóc Tố Như (tức Nguyễn Du) không?
Quý vị nghĩ sao nếu cặp câu kết này được Nguyễn Du viết... đúng niêm luật bài thơ Đường?
Nguyễn Du cho điều đó không chỉ "vô duyên" mà còn làm hỏng bố cục của bài thơ nên đã quyết định "phá cách" riêng hai câu kết.
Và quả thật chính hai câu kết này đã trở thành bất hủ như Truyện Kiều của Nguyễn Du.
Tóm lại Độc Tiểu Thanh Ký là của Nguyễn Du viết chứ không ai khác và cũng không có chuyện "tam sao thất bổn" ở đây...
THÚY KIỀU VÀ TỪ HẢI
Từ Hải là nhân vật "đàn ông" nhất của Truyện Kiều.
Một là, chàng có tướng mạo oai phong:
Râu hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao.
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.
Hai là, chàng không thèm chấp nhất với kẻ tiểu nhân:
Phong trần mài một lưỡi gươm,
Những phường giá áo túi cơm sá gì.
Mài một lưỡi gươm đâu phải để chém loại người vô tích sự (chúng chỉ như cái "giá" mang áo hay cái "túi" chứa cơm thôi mà).
Ba là, chàng có sự nghiệp phi thường:
Triều đình riêng một góc trời,
Gồm hai văn võ, rạch đôi sơn hà.
Bốn là (điều này quan trọng nhất), chàng biết tin yêu một người phụ nữ:
Từ rằng ân oán hai bên,
Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh.
Cho dù, vì tin yêu người phụ nữ này (Thúy Kiều) nên Từ Hải mới chết.
Số là:
Có quan tổng đốc trọng thần,
Là Hồ Tôn Hiến kinh luân gồm tài...
Người này được cử đi đánh Từ Hải nhưng sợ đánh... không lại nên dùng mưu:
Đóng quân làm chước chiêu an,
Ngọc vàng, gấm vóc sai quan thuyết hàng.
Vì ông ta biết được điểm yếu của Thúy Kiều:
Nàng thì thật dạ tin người,
Lễ nhiều, nói ngọt nghe lời dễ xiêu...
Hơn nữa, gia đình nàng lại đang sống tại "nửa sơn hà" thuộc về Triều đình nên gã Hồ này dễ "đánh" vào nỗi nhớ nhà của nàng:
"Cũng ngôi mệnh phụ đường đường,
Nở nang mày mặt rỡ ràng mẹ cha.
Trên vì nước, dưới vì nhà,
Một là đắc hiếu hai là đắc trung.
Chẳng hơn chiếc bách giữa dòng,
E dè sóng gió, hãi hùng cỏ hoa... "
Quả nhiên, Thúy Kiều bị "dụ":
Nhân khi bàn bạc gần xa,
Thừa cơ nàng mới bàn ra nói vào.
Từ Hải lúc đầu phản bác lại bằng những câu chí lý:
"Bó thân về với Triều đình,
Hàng thần lơ láo, phận mình ra đâu?
Áo xiêm ràng buộc lấy nhau,
Vào luồn ra cúi công hầu mà chi?
Sao bằng riêng một biên thùy,
Sức này đã dễ làm gì được nhau?"
Nhưng Thúy Kiều "lý sự" không kém:
"Ngẫm từ đấy việc binh đao,
Đống xương Vô Định đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào... "
Thực ra lời nàng phân tích cũng không hợp lý lắm đâu nhưng chính "giọng nói" của nàng mới "dễ chết" đối với Từ:
Nghe lời nàng nói mặn mà,
Thế công Từ mới trở ra thế... hàng!
Chỉnh nghi tiếp sứ vội vàng,
Hẹn kỳ thúc giáp, quyết đàng giải binh.
Và đây là kết cuộc cho người đàn ông chung tình:
Từ công hờ hững biết đâu,
Đại quan lễ phục ra đầu cửa viên.
Hồ công ám hiệu trận tiền,
Ba bề phát súng bốn bên kéo cờ.
Đang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn.
Nhưng Từ Hải vẫn là Từ Hải:
Tử sinh liều giữa trận tiền,
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân.
Một cái chết đẹp, rất kiêu hùng của một chiến binh:
Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.
Trơ như đá, vững như đồng,
Ai lay chẳng chuyển, ai rung chẳng dời.
Nỗi oan của chàng chỉ có nàng giải được, chứng tỏ chàng vẫn chỉ tin và chỉ yêu nàng kể cả sau khi đã "về thần" vì nàng:
Trong vòng tên đá bời bời,
Thấy Từ còn đứng giữa trời trơ trơ.
Kiều rằng: "Trí dũng có thừa,
Bởi nghe lời thiếp nên cơ sự này.
Mặt nào trông thấy nhau đây,
Thà liều sống thác một ngày với nhau... "
Dòng thu như xối cơn sầu,
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.
Lạ thay oan khí tương triền,
Nàng vừa phục xuống, Từ liền ngã ra...
Từ Hải chết vì lòng tin yêu chung thủy đối với một hồng nhan tri kỷ âu cũng là cách chết... đẹp.
Thử hỏi mấy ai dám sống như Từ Hải để rồi chết như Từ Hải?
THÚY KIỀU VÀ HOẠN THƯ
Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
Con quan lại bộ tên là Hoạn Thư.
Quan lại bộ tương đương bộ trưởng ngày nay nên Hoạn Thư oai ghê lắm, tính cách lại rất giống với nàng Phượng Thư của Hồng Lâu Mộng:
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Nghe tin chồng là Thúc Sinh có vợ bé:
Từ nghe vườn mới thêm hoa,
Miệng người thì lắm, tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc, ra lòng trăng hoa.
Ngày nay, người ta hay ví người phụ nữ cuồng ghen là có máu Hoạn Thư nhưng thực ra cô tiểu thư họ Hoạn này ghen tỉnh táo hơn ai hết:
Ví bằng thú thực cùng ta,
Có dung kẻ dưới mới là người trên.
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình.
Lại còn bưng bít dấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
Với một cô vợ luôn coi chồng như "trẻ ranh", đố anh chồng nào dám thú thực nên:
Tưởng rằng cách mặt khuất lời,
Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho.
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu...
Và nàng "nỗi lòng kín chẳng ai hay", đến mức:
Buồng đào khuya sớm thảnh thơi,
Ra vào một mực nói cười như không.
Thậm chí:
Tuần sau bỗng thấy hai người,
Mách tin, ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
"Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi.
Chồng tao nào phải như ai,
Điều này hẳn miệng những người thị phi... "
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Đứa thì vả miệng, đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng,
Nào ai còn dám nói năng một lời.
Quả thật Hoạn Thư có thể làm bất cứ việc gì, từ đốt nhà đến bắt cóc rồì tra tấn Thúy Kiều:
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đày đọa cất đầu chẳng lên.
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người tham ván bán thuyền biết tay...
Vậy nên Thúy Kiều lúc là "Từ phu nhân báo ân - báo oán" đã nói riêng với Thúc Sinh ngay tại "tòa":
Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau!
Khiến chàng "Bill Clinton "họ Thúc một phen" mặt như chàm đổ, mình giường dẽ giun" (loại chim dẽ giun lúc nào cũng có vẻ run lẩy bẩy đến nực cười):
Dưới cờ gươm tuốt nắp ra,
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư.
Thoắt trông, Kiều đã chào thưa:
"Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây?
Đàn bà dễ có mấy tay,
Đời xưa mấy mặt, đời này mấy gan?
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm càng oan trái nhiều!"
Thế nhưng khi:
Hoạn Thư hồn lạc phách xiêu,
Khấu đầu dưới trướng lựa điều kêu ca.
Rằng: "Tôi chút phận đàn bà,
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình...
... Lòng riêng, riêng cũng kính yêu,
Chồng chung ai dễ ai chiều cho ai?
Trót lòng gây chuyện chông gai,
Còn nhờ lượng cả thương bài nào chăng... "
Thì Thúy Kiều đã phải buột miệng:
"Khen cho thật đã nên rằng,
Khôn ngoan đến mực, nói năng phải lời."
Và tự nghĩ:
"Tha ra thì nó may đời,
Bằng không, mình hóa ra người nhỏ nhen?"
Cuối cùng, Kiều quyết định:
"Đã lòng tri quá thì nên…"
Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay!
"Tri quá" là "biết lỗi", ý nói "bị cáo" biết lỗi rồi thì thôi chứ tự nhiên truyền lệnh tha cũng kì.
Thực ra kẻ có lỗi trong "chuyện ba người" này không ai khác, chính là:
Thúc Sinh trông mặt bấy giờ,
Mồ hôi chàng đã như mưa ướt dầm.
Lòng riêng mừng, sợ khôn cầm,
Sợ thay mà lại mừng thầm cho ai...
THÚY KIỀU VÀ THÚY VÂN
Xem trong Truyện Kiều, chúng tôi thấy Nguyễn Du tả Thúy Vân:
"Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây THUA nước tóc, tuyết NHƯỜNG màu da."
Khác với tả Thúy Kiều, cô chị:
"Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa GHEN thua thắm, liễu HỜN kém xanh."
Một người được thiên nhiên "thua" và "nhường" với một người bị thiên nhiên "ghen" và "hờn", số phận ắt khác nhau.
Tánh đa cảm và số phận của Thúy Kiều (rất giống với Nguyễn Du) đúng như lời sư Giác Duyên đã nói với nàng:
"Tại con mang nặng chữ tình,
Khư khư mình cột lấy mình vào trong.
Cho nên ở chỗ thong dong,
Ngồi không yên ổn, đứng không vững vàng.
Ma đưa lối, quỷ đưa đàng,
Lại tìm đến chốn đoạn tràng mà đi."
Nguyễn Du thương Thúy Kiều như thương chính mình nhưng theo Bác Bảo Vệ NĐĐ, ông ngưỡng mộ Thúy Vân hơn!
Ông đã tả Thúy Vân có khuôn mặt Phật bà, trang trọng khác vời:
"Vân xem trang trọng KHÁC VỜI,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang."
"Khác vời" là không phải tầm thường, nhưng tánh "vô ngã" (không có cái "tôi") khiến Thúy Vân có vẻ bình thường hơn.
Ta thấy tánh "vô ngã vị tha" giúp Thúy Vân luôn làm tròn "trách nhiệm được giao", một cách tự nhiên như không cần cố gắng gì...