Xem trong Truyện Kiều, chúng tôi thấy Nguyễn Du tả Thúy Vân:
"Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây THUA nước tóc, tuyết NHƯỜNG màu da."
Khác với tả Thúy Kiều, cô chị:
"Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa GHEN thua thắm, liễu HỜN kém xanh."
Một người được thiên nhiên "thua" và "nhường" với một người bị thiên nhiên "ghen" và "hờn", số phận ắt khác nhau.
Tánh đa cảm và số phận của Thúy Kiều (rất giống với Nguyễn Du) đúng như lời sư Giác Duyên đã nói với nàng:
"Tại con mang nặng chữ tình,
Khư khư mình cột lấy mình vào trong.
Cho nên ở chỗ thong dong,
Ngồi không yên ổn, đứng không vững vàng.
Ma đưa lối, quỷ đưa đàng,
Lại tìm đến chốn đoạn tràng mà đi."
Nguyễn Du thương Thúy Kiều như thương chính mình nhưng theo Bác Bảo Vệ NĐĐ, ông ngưỡng mộ Thúy Vân hơn!
Ông đã tả Thúy Vân có khuôn mặt Phật bà, trang trọng khác vời:
"Vân xem trang trọng KHÁC VỜI,
Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang."
"Khác vời" là không phải tầm thường, nhưng tánh "vô ngã" (không có cái "tôi") khiến Thúy Vân có vẻ bình thường hơn.
Ta thấy tánh "vô ngã vị tha" giúp Thúy Vân luôn làm tròn "trách nhiệm được giao", một cách tự nhiên như không cần cố gắng gì...
Lời bàn: Nguyễn Đình Đại (BBV)