Quá khứ khả dụng và những kích hoạt mới trong nghiên cứu văn chương

Mở đầu cho chuỗi hoạt động khoa học của Viện Văn học năm 2025, Viện Văn học tổ chức buổi thuyết trình với chủ đề: Dân tộc hiện lên từ cổ tích: Thạch Sanh và quá trình trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Đây là một nghiên cứu trường hợp theo hướng “Quá khứ khả dụng” - một hướng tiếp cận giàu tiềm năng đang được một số nhà nghiên cứu của Viện Văn học quan tâm và hiện thực hóa trong những năm gần đây.

Một hướng nghiên cứu mới nhiều tiềm năng

Khái niệm “quá khứ khả dụng” (usable past) thường được dùng để mô tả cuộc tìm kiếm những gì đã tồn tại trong lịch sử mà có thể dẫn dụng vào những tình thế/bối cảnh mới. Việc tìm hiểu những yếu tố nào của thời quá khứ được lựa chọn để trưng dụng ở những giai đoạn sau không chỉ giúp ích cho việc quan sát các vấn đề của một cộng đồng/dân tộc/quốc gia ở từng giai đoạn, mà còn góp phần cho thấy những quy luật vận động chung của nhiều cộng đồng/dân tộc/quốc gia trên thế giới. Nhận ra tính năng động, khả năng dung chứa và mở rộng không ngừng cũng như kích hoạt những khám phá mới của hướng tiếp cận “quá khứ khả dụng”, một số nhà nghiên cứu của Viện Văn học đã tiến hành những khảo sát công phu về các trường hợp dẫn dụng quá khứ trong văn học/văn hóa, đặc biệt là văn học/văn hóa Việt Nam.

Quá khứ khả dụng và những kích hoạt mới trong nghiên cứu văn chương
TS. Nguyễn Huy Bỉnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn học phát biểu tại sự kiện.

Trên tinh thần ghi nhận và ủng hộ những tìm tòi, khám phá mới, ngày 8/1, Viện Văn học đã tổ chức buổi thuyết trình khoa học với chủ đề: Dân tộc hiện lên từ cổ tích: Thạch Sanh và quá trình trở thành biểu tượng của dân tộc Việt Nam. Diễn giả chính trong sự kiện là ThS. Mai Thị Thu Huyền - một nhà nghiên cứu trẻ đến từ Phòng Văn học Việt Nam Cổ - Trung đại và Dân gian. Đảm nhận vai trò điều phối trong sự kiện này là TS. Nguyễn Thị Thúy Hạnh - nghiên cứu viên Phòng Văn học nước ngoài. Buổi thuyết trình được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên đến từ các viện nghiên cứu, trường đại học như Viện Văn học, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Đại học Thủ đô... cùng sự có mặt của những độc giả yêu văn chương.

Các luận điểm và dẫn chứng được nêu ra trong bài thuyết trình của ThS. Mai Thị Thu Huyền đã khiến người tham dự bất ngờ. Buổi thuyết trình không chỉ dừng lại ở việc trình bày kết quả của một nghiên cứu trường hợp mà còn là cuộc đối thoại giữa các nhà nghiên cứu có tinh thần làm việc nghiêm túc, như đánh giá của PGS.TS. Phạm Xuân Thạch - Chủ nhiệm Khoa Văn học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội).

Giải mã vị thế biểu tượng của nhân vật Thạch Sanh trong văn hóa Việt Nam đương đại

Quá khứ khả dụng và những kích hoạt mới trong nghiên cứu văn chương
Tranh minh họa Thạch Sanh trong "Truyện Thạch Sanh" (Nhà in Long Quang, 1933)

Theo quan sát của ThS. Mai Thị Thu Huyền, thiêng hóa câu chuyện dân gian Thạch Sanh là một khuynh hướng đã và đang tồn tại ở Việt Nam kể từ năm 1975 đến nay.

Mặc dù vậy, vị thế biểu tượng của Thạch Sanh trong văn hóa Việt Nam không phải là điều đương nhiên. Lịch sử tiếp nhận câu chuyện Thạch Sanh với những khúc quanh bất ngờ và thú vị dần được lộ sáng qua phần trình bày của ThS. Mai Thị Thu Huyền. Như diễn giả nhận định, trước năm 1955, Thạch Sanh là một câu chuyện rất được ưa thích ở Việt Nam nhưng điều đó không đồng nghĩa rằng lúc bấy giờ, nhân vật Thạch Sanh đã được hình dung như một biểu tượng của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, đến giai đoạn 1955-1975, câu chuyện Thạch Sanh đã có một vị thế hoàn toàn khác trước. Từ những khảo cứu công phu trên nhiều mảng tư liệu khác nhau về sự diễn hóa của câu chuyện Thạch Sanh, ThS. Mai Thị Thu Huyền khẳng định rằng ý nghĩa biểu tượng của nhân vật Thạch Sanh là kết quả của một quá trình lịch sử bắt đầu từ năm 1955 khi phong trào phục hồi và phát huy vốn cổ văn nghệ của dân tộc được đẩy mạnh nhằm tìm kiếm những “quá khứ khả dụng” cho công cuộc kiến tạo quốc gia/dân tộc Việt Nam.

Kích hoạt tranh luận và những khám phá sâu hơn về văn hóa Việt Nam

Quá khứ khả dụng và những kích hoạt mới trong nghiên cứu văn chương
Tranh dân gian minh họa cảnh Thạch Sanh giao chiến với Trăn Tinh (Nguồn: Tranh dân gian Việt Nam: Sưu tầm và nghiên cứu, Maurice Durand, 2018)

Bài thuyết trình của ThS. Mai Thị Thu Huyền đã mang đến nhiều tư liệu cũng như những thông tin bất ngờ với cử tọa. Hầu hết các chuyên gia có mặt tại sự kiện đều khẳng định đây là một nghiên cứu công phu, tâm huyết, nghiêm túc và mới mẻ, thể hiện sức bật cũng như nội lực của một nhà nghiên cứu vững vàng.

Đồng thời, bài thuyết trình cũng mở ra một cuộc thảo luận sôi nổi tại hội trường với nhiều nhận định thú vị đến từ PGS.TS. Vũ Thanh, TS. Trần Thị Hải Yến, TS. Nguyễn Mạnh Tiến (Viện Văn học); PGS.TS. Trần Thị An, TS. Nguyễn Thị Năm Hoàng, ThS. Nguyễn Đào Nguyên, ThS. Lê Nguyên Long, TS. Lê Thị Dương (Đại học Quốc gia Hà Nội)...

Phân tích trang phục và đặc điểm nhân chủng học của những hình tượng được mô tả trong các bức tranh minh họa Thạch Sanh, TS. Nguyễn Mạnh Tiến gợi mở về những chiến lược hàm ẩn trong cách trình hiện ấy. Những hàm ý giới tính nào được lồng ghép trong việc trưng dụng các chất liệu thời quá khứ cũng là một vấn đề được nêu lên trong phần thảo luận. ThS. Nguyễn Đào Nguyên dẫn ra những quan sát của Benedict Anderson trong công trình The Spectre of Comparisons: Nationalism, Southeast Asia and The World về việc khôi phục hình mẫu nam tính khổ hạnh rồi đẩy lên thành biểu tượng dân tộc để đối sánh với hình tượng Thạch Sanh trong các văn bản ở nửa sau thế kỷ XX. Trong khi đó, TS. Nguyễn Mạnh Tiến đặt câu hỏi tại sao các huyền thoại là nam giới luôn nhiều hơn những huyền thoại là nữ giới.

Quá khứ khả dụng và những kích hoạt mới trong nghiên cứu văn chương
Những bức tranh minh họa Thạch Sanh và tranh cổ động ở Việt Nam ở giai đoạn 1955-1975 được diễn giả khảo sát

Bên cạnh đó, diễn giả cũng nhận được những gợi ý lý thú về tư liệu và phương pháp tiếp cận. Lưu ý đến tính lịch sử của các thuật ngữ/khái niệm, TS. Trần Thị Hải Yến cho rằng diễn giả nên có thêm những biện giải về ý nghĩa và bối cảnh sử dụng của khái niệm “dân tộc”, “cổ tích”, “truyện cổ” trong các văn bản ở nửa đầu thế kỷ XX. PGS.TS. Vũ Thanh gợi ý ThS. Mai Thị Thu Huyền khảo sát thêm bộ phận văn chương miền Nam và truyện thơ của người Tày để có thể xem xét một cách bao quát hơn về sự hiện diện của câu chuyện Thạch Sanh tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm đi điền dã của bản thân, PGS.TS. Trần Thị An cho biết rằng khu vực đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 5-7 truyện dân gian có mô típ niêu cơm ăn hết lại đầy và đề xuất ThS. Mai Thị Thu Huyền tìm hiểu văn hóa Khmer cũng như những câu chuyện có tình tiết đánh chằn của người Khmer ở khu vực Nam Bộ.

ThS. Lê Nguyên Long cho rằng lý thuyết tâm phân học có thể là một bộ khung phù hợp để giải mã những ám ảnh trong tâm thức của người Việt khi trưng dụng câu chuyện Thạch Sanh. TS. Nguyễn Mạnh Tiến gợi ý diễn giả nên khảo sát thêm về Lý Thông - nhân vật đại diện cho những gì mà người Việt Nam muốn chối từ trong quan niệm về nam tính. Đến lượt mình, TS. Lê Thị Dương cung cấp thông tin về một bản truyện tranh Thạch Sanh được phát hành dưới dạng song ngữ để dành cho những độc giả thuộc thế hệ thứ hai của người Việt Nam tại Đài Loan.

Từ nghiên cứu của ThS. Mai Thị Thu Huyền về trường hợp câu chuyện Thạch Sanh, các học giả có mặt trong buổi thuyết trình đã thảo luận về việc tại sao truyện Tấm Cám và truyện Thánh Gióng không được biểu tượng hóa mạnh mẽ như truyện Thạch Sanh; những thiết chế in ấn ảnh hưởng như thế nào đến việc định hình thị hiếu công chúng; “quá khứ” đang được trưng dụng và khai thác ra sao trong bối cảnh đương đại; con đường hình thành nên các “di sản”... Đặc biệt, như PGS.TS. Trần Thị An và TS. Nguyễn Mạnh Tiến chia sẻ, nghiên cứu của ThS. Mai Thị Thu Huyền đã mang tới nhiều cảm xúc và kích thích họ khởi động lại những dự án cá nhân mà họ đã tạm dừng vì một số lý do.

Quá khứ khả dụng và những kích hoạt mới trong nghiên cứu văn chương
Các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên tham gia sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, TS. Nguyễn Huy Bỉnh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Văn học đánh giá cao những nỗ lực của ThS. Mai Thị Thu Huyền trong việc tiếp cận câu chuyện dân gian vốn đã rất quen thuộc như Thạch Sanh theo một hướng hoàn toàn khác. Cách tiếp cận này đã góp phần làm rõ một trong những mối quan tâm lớn của trí thức Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến kiến quốc, đó là định dạng bản sắc và truyền thống dân tộc. Đồng thời, nó cũng cho thấy văn chương đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc văn hóa Việt Nam và là một cứ liệu cần thiết để hiểu sâu hơn về thực thể Việt.

Hương Mộc