
Ảnh minh họa
Pháp luật hình sự Việt Nam hiện hành đã xây dựng chế tài xử lý những hành vi này thông qua hai tội danh cụ thể: tội quảng cáo gian dối (Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017) và tội lừa dối khách hàng (Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017). Qua nghiên cứu thấy rằng giữa hai tội danh này có mối liên hệ nhất định.
1. Điểm chung
Xét về cấu thành tội phạm thì cả hai tội phạm này đều có chung hai yếu tố về khách thể và mặt chủ quan. Về khách thể, cả hai tội phạm đều là những hành vi lừa dối khách hàng xâm phạm đến trật tự quản lý của Nhà nước trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại, xâm phạm đến lợi ích của người tiêu dùng. Về mặt chủ quan: Người phạm tội lừa dối khách hàng và tội quảng cáo gian dối đều thực hiện tội phạm với lỗi cố ý, tức người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là gian dối, trái phép, trái với quy định của pháp luật nhưng vẫn thực hiện. Với mục đích của tội phạm là nhằm thu lợi bất chính.
2. Điểm khác biệt
- Về chủ thể: Chủ thể của tội lừa dối khách hàng là người bán hàng hóa trong các giao dịch mua bán, có năng lực TNHS và từ 16 tuổi trở lên. Còn chủ thể của tội quảng cáo gian dối thì không bị giới hạn, người phạm tội có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên và có năng lực TNHS, họ có thể là chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhưng cũng có thể là những người được thuê để thực hiện việc quảng cáo gian dối.
- Về mặt khách quan: Quảng cáo gian dối là quảng cáo không đúng với tên gọi, chất lượng, giá trị và giá trị sử dụng thật của hàng hóa gây hậu quả nghiêm trọng. Lừa dối khách hàng là hành vi gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng khi thực hiện hợp đồng mua, bán.
+ Hành vi: Lừa dối khách hàng là một trong các hành vi như cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hóa dịch vụ. Ngoài ra để đảm bảo nguyên tắc không bỏ lọt tội phạm, luật còn quy định có tính chất mở về hành vi phạm tội là “dùng thủ đoạn gian dối khác”. Hành vi bị coi là tội phạm nếu gây thiệt hại cho khách hàng với định lượng tối thiểu từ 5.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm
Quảng cáo gian dối là hành vi đưa thông tin không đúng về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hóa, tác dụng của hàng hóa hoặc dịch vụ. Tội phạm chỉ cấu thành nếu trước đó người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.
+ Phương thức, thủ đoạn: Lừa dối khách hàng cố ý tính gian về số lượng hàng hóa, về số tiền để chiếm đoạt số hàng, số tiền của khách hàng mà đáng lẽ phải giao trả cho khách hàng; đánh tráo loại hàng hóa, đây là hành vi tráo đổi loại hàng hóa tốt mà khách hàng đã mua và đưa loại hàng hóa có chất lượng và giá trị thấp hơn cho khách hàng; Ngoài các thủ đoạn nêu trên người phạm tội có thể dùng các thủ đoạn khác như ngâm nước để làm tăng trọng lượng hàng hóa, thay đổi màu sắc hay đặc tính hàng hóa để lừa dối khách hàng…
Quảng cáo gian dối là quảng cáo không đúng với sự thật vốn có của hàng hoá, dịch vụ. Tức là quảng cáo, chào hàng, tiếp thị nhằm thổi phồng chất lượng hàng hóa, tác dụng của dịch vụ với khách hàng nhưng thực tế thì không được như quảng cáo với nhiều hình thức khác nhau như vẽ tranh, chụp ảnh, quay phim, ghi âm, gọi điện, đăng báo, đưa tin trên đài phát thanh, truyền hình, đặt các phương tiện quảng cáo khác ở nơi công cộng… Ngoài ra còn có thể bao gồm hành vi nói xấu hàng hóa, dịch vụ của người/doanh nghiệp khác, so sánh với chất lượng hàng hóa, dịch vụ của mình để dìm hàng hóa, dịch vụ của người khác xuống.
+ Hậu quả: Dấu hiệu về hậu quả là dấu hiệu bắt buộc trong cấu thành tội lừa dối khách hàng. Theo đó, người phạm tội khi thực hiện hành vi lừa dối phải thu lợi bất chính từ 5.000.000.000 đồng trở lên thì mới coi là tội phạm. Trường hợp hậu quả xảy ra dưới mức tối thiểu này thì sẽ không cấu thành tội phạm, trừ trường hợp xét đến yếu tố nhân thân. Việc quy định cụ thể mức độ hậu quả của tội lừa dối khách hàng trong BLHS 2015 chính là điểm cải tiến tiến bộ so với BLHS 1999. Quy định này đã trở nên rõ ràng, cụ thể hơn khi đã lượng hóa hậu quả, không còn quy định chung chung như BLHS về dấu hiệu hậu quả là “gây thiệt hại nghiêm trọng”. Hơn nữa có thể thấy rằng, nhà làm luật đã thay đổi cách xác định hậu quả theo đó chuyển từ “gây thiệt hại nghiệm trọng” đối với đối tượng là khách hàng sang hậu quả “thu lợi bất chính” của đối tượng là người phạm tội.
Ngược lại, tội quảng cáo gian dối không yêu cầu về hậu quả, do đó khi người phạm tội đã thực hiện hành vi cung cấp thông tin sai trong quảng cáo dù chưa chắc dẫn đến thiệt hại nhưng đã cấu thành tội phạm. Đây là điểm mới của tội quảng cáo gian dối của BLHS 2015 so với BLHS 1999, bởi tội quảng cáo gian dối theo Điều 168 BLHS 1999 có yêu cầu bắt buộc về dấu hiệu hậu quả. Tức là hành vi phải gây ra hậu quả nghiêm trọng thì mới cấu thành tội phạm. Nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì cần phải xem xét đến yếu tố nhân thân để xác định có tội phạm hay không.

Ảnh minh họa
- Đối tượng tác động: Tội lừa dối khách hàng tác động đến tiền, hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ được đưa vào giao dịch mua bán, trao đổi. Tội quảng cáo gian dối tác động đến hình thức, nội dung tin tức mà người phạm tội đã quảng cáo.
- Về thời điểm thực hiện hành vi: Dựa vào cấu thành tội phạm có thể thấy hành vi quảng cáo gian dối thường xảy ra trước khi các bên thực hiện giao dịch, còn hành vi lừa dối khách hàng thường xảy ra trong hoặc sau khi phát sinh giao dịch giữa các bên.
- Về hình phạt: Tội quảng cáo gian dối chỉ có một khung hình phạt chính duy nhất là người phạm tội bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Ngoài ra, còn có thể bị áp dụng một hoặc một số hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Tội lừa dối khách hàng có hai khung hình phạt chính trong đó người phạm tội có thể phải chịu mức hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp Hình phạt bổ sung: Có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
- Về qui định pháp luật: Tội lừa dối khách hàng được quy định từ BLHS 1985 và được kế thừa, hoàn tiện qua BLHS 1999, BLHS 2015, tội quảng cáo gian dối chỉ mới được nhà làm luật bổ sung mới từ BLHS 1999. Nguyên nhân là do sự phát triển của xã hội và chủ trương cải cách mở cửa của Nhà nước từ năm 1986 đã xuất hiện nhiều quan hệ xã hội mới cần được điều chỉnh đã thay đổi sự nhận thức của nhà làm luật về tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong bối cảnh kinh tế thị trường.
3. Mối liên hệ giữa quảng cáo gian dối và lừa dối khách hàng
Cả hai hành vi đều mang yếu tố gian dối, nhằm đưa thông tin sai lệch để tác động đến nhận thức hoặc quyết định của người tiêu dùng. Mục tiêu chính được nhắm đến là người tiêu dùng, những cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Và các hành vi này đều hướng đến lợi ích không chính đáng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng, làm xói mòn lòng tin thị trường. Do đó, giữa hai hành vi này có mối liên hệ nhất định.
Hành vi quảng cáo gian dối có thể là tiền đề cho hành vi lừa dối khách hàng. Quảng cáo gian dối là một trong những cách phổ biến để lừa dối khách hàng. Một hành vi quảng cáo sai sự thật có thể dẫn đến tội lừa dối khách hàng nếu gây thiệt hại thực tế. Tuy nhiên, hành vi quảng cáo gian dối chỉ là một trong nhiều thủ đoạn của hành vi lừa dối khách hàng, bởi không phải mọi hành vi lừa dối khách hàng đều xuất phát từ quảng cáo gian dối, nhưng quảng cáo gian dối lại nhằm mục đích đánh lừa khách hàng. Vì vậy trên thực tiễn áp dụng, khi xử lý hành vi về tội lừa dối khách hàng thì sẽ không xem xét thêm TNHS về tội quảng cáo gian dối. Điều này được thể hiện trên thực tế thông qua khảo sát của tác giả về các bản án được công bố trên “Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của tòa án” của Tòa án nhân dân tối cao, nhận thấy tính đến nay, chưa có bản án nào xét xử về tội quảng cáo gian dối được đăng tải công khai, nhưng có đến 10 bản án xét xử về tội lừa dối khách hàng theo Điều 198 BLHS 2015 được công bố. Từ thực tiễn nêu trên, có thể thấy rằng việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi quảng cáo gian dối hầu như không có.
Ví dụ [1]: Bản án số 67/2022/HS-ST ngày 22/09/2022 của TAND huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An: Đỗ Tiên P, chủ Công ty TNHH Online Sunrise, kinh doanh các mặt hàng gia dụng và thực phẩm chức năng. Quá trình vận hành Công ty, do muốn thu lợi bất chính nên Đỗ Tiên P cùng bạn gái Phan Thị Minh D tìm kiếm data khách hàng rồi hướng dẫn các nhân viên Nguyễn Thị Ái T, Lê Thị Ngọc M, Nguyễn Thị T, và Trần Thị Mộng T sử dụng thủ đoạn gian dối về chương trình quay số trúng thưởng để các bị hại tin tưởng liên tiếp đặt mua các sản phẩm của Công ty với giá cao hơn thực tế. Từ tháng 01/2021 đến khi bị bắt, nhóm này đã lừa 11 khách hàng, chiếm đoạt tổng số tiền 1.064.753.000 đồng. Hành vi của Đỗ Tiên P, Phan Thị Minh D, Nguyễn Thị T, Lê Thị Ngọc M, Trần Thị Mộng T, Nguyễn Thị Ái T đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa dối khách hàng”, tại điểm a, d khoản 2 Điều 198 Bộ luật Hình sự.
Qua ví dụ trên có thể thấy, người phạm tội không dùng thủ đoạn đặc trưng của tội lừa dối là cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hóa mà thực hiện “thủ đoạn gian dối khác”, tức gian dối trong quảng cáo, cụ thể trong quá trình thực hiện quảng cáo, chào hàng, tiếp thị, các nhân viên của P đã gian dối về chương trình quay số trúng thưởng cụ thể thông báo khách hàng được tham gia chương trình quay số trúng thưởng một trong các phần quà tivi, tủ lạnh... có trị giá từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, sau đó nếu khách mua nhiều sản phẩm thì nhân viên sẽ thông báo tặng thêm phiếu mua hàng trị giá: 30.000.000 đồng có thể quy đổi ra tiền mặt. Mặc dù hành vi gian dối trong khâu chào hàng quảng cáo cũng là thủ đoạn của tội quảng cáo gian dối, tuy nhiên chủ thể thực hiện hành vi trực tiếp là P và các nhân viên (tức là người kinh doanh, người bán hàng), và hành vi diễn ra trong hoạt động mua bán hàng hóa nhằm mục đích bán hàng giá trị cao hơn nhiều lần so với giá trị thực tế và hậu quả thu lợi bất chính số tiền lớn. Vì vậy, xét về cấu thành tội phạm, hành vi phạm tội nêu trên bị xử lý về tội lừa dối khách hàng là phù hợp với quy định pháp luật.

Cơ quan chức năng xác định kẹo Kera là hàng giả
Cũng có ý kiến cho rằng, hành vi quảng cáo gian dối và hành vi lừa dối khách hàng xét về bản chất chỉ là một, “quảng cáo gian dối” chính là “thủ đoạn gian dối khác” của lừa dối khách hàng nên không cần thiết phải quy định riêng tội quảng cáo gian dối, vì trên thực tế hiếm khi có trường hợp nào truy cứu TNHS về hành vi này, nên sự tồn tại của tội phạm này trong Bộ luật hình sự là không cần thiết. Quan điểm này chưa thực sự hợp lý bởi dưới góc độ lý luận tội quảng cáo gian dối là tội phạm có cấu thành hình thức, tức người phạm tội chỉ cần thực hiện hành vi có đủ dấu hiệu tội phạm thì sẽ bị truy cứu TNHS. Còn tội lừa dối khách hàng lại có cấu thành vật chất, yêu cầu tội phạm phải gây ra hậu quả và đượng lượng hóa cụ thể. Mặt khác, trong thực tiễn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đã tạo ra nhiều mô hình, phương thức mua sắm phi truyền thống thông các sàn thương mại điện tử hay các nền tảng ứng dụng/mạng xã hội. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ không còn đơn thuần diễn ra trực tiếp, mà xu hướng mua bán trực tuyến ngày càng phổ biến vì vậy việc quản lý các giao dịch mua bán, trao đổi cũng trở nên khó khăn hơn. Lợi dụng kẽ hở đó, tội phạm có thể sử dụng không gian mạng để thực hiện các hành vi gian dối với người tiêu dùng, vấn đề này đang trở thành một thách thức lớn đối với công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.
4. Một số bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật
Thông qua việc nghiên cứu mối liên hệ giữa tội quảng cáo gian dối và tội lừa dối khách hàng, tác giả nhận thấy còn một số bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật:
Thứ nhất,về chủ thể của tội lừa dối khách hàng và quảng cáo gian dối.
Trên thị trường, người bán hàng không chỉ bao gồm cá nhân mà còn được thực hiện bởi pháp nhân thương mại. Pháp nhân cũng thực hiện các hoạt động kinh doanh sản xuất, thậm chí quy mô hoạt động của pháp nhân còn lớn hơn nhiều so với cá nhân. Tuy nhiên BLHS 2015 mới chỉ dừng lại ở việc quy định chủ thể của hai tội phạm này là cá nhân là còn nhiều hạn chế, trong khi đó BLHS 2015 đã quy định về TNHS đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Vì vậy, cần bổ sung quy định về chủ thể chịu trách nhiệm về tội lừa dối khách hàng và quảng cáo gian dối bao gồm cả pháp nhân thương mại.
Thứ hai,về chế tài xử lý.
Tội quảng cáo gian dối có mức hình phạt cao nhất là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm, tội lừa dối khách hàng có mức hình phạt cao nhất từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Tuy nhiên, thực tế hiện nay hành vi quảng cáo qua mạng xã hội có thể thu hút hàng triệu lượt xem, tiếp cận hàng triệu người tiêu dùng, hành vi livestream bán hàng có thể thu về “doanh thu khủng” sau mỗi phiên livestream, có nhiều phiên livestream cán mốc hàng trăm tỷ đồng. Như vậy có thể thấy rằng hành vi quảng cáo gian dối, lừa dối khách hàng có thể để lại nhiều hậu quả nặng nề, nhưng mức xử phạt còn hạn chế. Mà cả hai tội phạm này đều có mục đích chính là nhằm thu lợi bất chính, tức là lợi ích về kinh tế. Vì vậy cần xem xét bổ sung quy định theo hướng tăng nặng về hình phạt tiền nhằm tăng cường tính răn đe và khắc phục hậu quả của tội phạm gây ra, cụ thể có thể xem xét tăng mức tiền phạt ở mức cụ thể hoặc xác định tiền phạt dựa trên tỉ lệ % nhất định trên số lượng doanh thu/lợi nhuận từ hành vi phạm tội.
Mặt khác về hình phạt bổ sung “cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định” hiện còn nhiều bất cập, ví dụ như trường hợp livestream bán hàng, đăng video quảng cáo hiện nay không được coi là một trong các ngành nghề pháp định, phải thực hiện đăng ký kinh doanh. Do đó việc quy định cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định đang gây ra hạn chế trong việc xử lý vi phạm. Vì vậy có thể sửa đổi mở rộng hình phạt này theo hướng “cấm thực hiện hành vi nhất định” hoặc có thể kết hợp với việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử mạng xã hội trong đó cấm thực hiện hành vi vi phạm trong thời hạn nhất định hoặc vĩnh viễn.
Thứ ba,bất cập qui định về tội quảng cáo gian dối
Ngày càng nhiều cách thức quảng cáo bán hàng mới như livestream, video quảng cáo trên nhiều nền tảng mạng xã hội... bị người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội ( cố ý hoặc bị lợi dụng) để quảng cáo sai sự thật cho các sản phẩm, dịch vụ như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị gia dụng... của doanh nghiệp nhưng chưa có biện pháp xử lý mạnh mẽ, chưa có sức răn đe.
Trong khi đó, quy định pháp luật hiện nay chưa mô tả cụ thể về hành vi quảng cáo gian dối, do đó gây ra những khó khăn trong việc xem xét TNHS của người phạm tội và ít được áp dụng để xử lý vi phạm trên thực tế. Vì vậy, cần bổ sung để quy định tội phạm được cụ thể hơn về khái niệm hành vi, thủ đoạn phạm tội nhằm đảm bảo tính phù hợp với thực tiễn và xử lý triệt để chính xác hơn đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật trên thực tế.
Kết luận, tội quảng cáo gian dối và tội lừa dối khách hàng tuy là hai tội danh độc lập được quy định trong Bộ luật Hình sự Việt Nam, nhưng giữa chúng tồn tại một mối liên hệ chặt chẽ cả về bản chất pháp lý lẫn hành vi thực tiễn. Việc nghiên cứu và tìm hiểu mối liên hệ về tội phạm giữa hai tội danh có ý nghĩa trong việc nhận diện ranh giới giữa hai tội. Đồng thời thông qua những phân tích về bất cập và đề xuất nêu trên, tác giả đề nghị cơ quan chức năng sớm hoàn thiện quy định pháp luật liên quan, đặc biệt tăng mạnh chế tài nhằm nâng cao hiệu quả trong thực tiễn tố tụng hình sự, hạn chế việc bỏ lọt tội phạm hoặc xử lý không đúng tội danh.
--------------------------------
Tài liệu tham khảo:
Trích dẫn: [1] https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1090126t1cvn/chi-tiet-ban-an
1. Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
2. Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án nhân dân tối cao, https://congbobanan.toaan.gov.vn/0tat1cvn/ban-an-quyet-dinh, truy cập ngày 18/4/2025.
3. Đinh Văn Quế, Bình luận Bộ luật Hình sự 2015 phần thứ hai các tội phạm chương XVIII mục I Các tội phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại.