Luật gia, nhà khoa học “hiến kế” tạo đột phá về chính sách pháp luật thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Sáng ngày 27/3 tại Hà Nội , Cụm thi đua số 6 Hội Luật gia VN đã đăng cai tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo”. Hội thảo đã quy tụ nhiều luật gia, nhà khoa học, chuyên gia trong các lĩnh vực khoa học pháp lý, khoa học công nghệ và ĐMST bàn thảo, hiến kế tạo đột phá phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
1-1743132481.jfif

Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học trao đổi những vấn đề mang tính cấp thiết, từ chính sách đến pháp luật của Việt Nam cũng như quốc tế, nhằm xây dựng những quy định phù hợp cho Việt Nam để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành “đột phá quan trọng hàng đầu” theo Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

2-1743132749.jfif

Hội thảo nhận được sự quan tâm đặc biệt của các Luật gia, nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực KHPL, KHCN và ĐMST

Sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Đào Ngọc Tiến - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhấn mạnh: khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) từ lâu đã trở thành một trong những chiến lược quan trọng trong đường lối, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước.

Việt Nam đã ban hành hai văn bản Luật Khoa học và Công nghệ năm 2000 và năm 2013. Luật đã phát huy vai trò quan trọng trong việc xây dựng và hoàn thiện khung pháp luật cơ bản cho việc thực hiện đổi mới mạnh mẽ, đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động khoa học và công nghệ.

3-1743132749.png

PGS. TS. Đào Ngọc Tiến, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương phát biểu khai mạc Hội thảo

Tuy nhiên, quá trình thực thi cho thấy còn có nhiều nội dung chưa phù hợp với yêu cầu hiện tại. Vì vậy, hiện nay Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 đã được xem xét sửa đổi một cách toàn diện.

Bộ KH&CN đã xây dựng dự án Luật mới với tên gọi là Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tổ chức nhiều sự kiện để tiếp nhận ý kiến đóng góp cho Dự thảo Luật, để có thể trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2025.

4-1743132749.jpg

TS. Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảoTS.Trần Lê Hồng – Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho hay, GD&ĐT cùng với KHCN luôn được xác định là hai lĩnh vực then chốt, nhưng KHCN phát triển chưa tương xứng với kỳ vọng. Do đó, Luật sửa đổi cần có sự nhìn nhận toàn diện về lĩnh vực này.

Hội thảo “Góp ý Dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo” tập trung vào 04 phiên chính:

Phiên 1: Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo: Những đột phá về cơ chế, chính sách

Phiên 2: Tổ chức khoa học công nghệ và phát triển nguồn lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Phiên 3: Quản lý chương trình, nhiệm vụ và đầu tư, tài chính cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo

Phiên 4: Đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả khoa học công nghệ.

Tại Hội thảo các luật gia, nhà khoa học đã thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp giá trị, giúp hoàn thiện hành lang pháp lý cho KHCN và đổi mới sáng tạo.

Nhiều “rào cản” về thủ tục cần được tháo gỡ

TS. Đỗ Tất Cường - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhận xét, dự thảo Luật lần này đã làm rõ ràng nhiều nội dung, nhưng cần giải quyết sự chồng chéo giữa Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với Luật Đấu thầu, Luật Kế toán,…

"Đặc biệt, liên quan đến quy trình tổ chức Luật đấu thầu hiện nay có quá nhiều quy trình thủ tục, do đó cần cắt giảm rất nhiều thủ tục, qua nghiên cứu kinh nghiệm các nước cho thấy, việc đơn giản hóa thủ tục vẫn mang lại hiệu quả cao", ông Cường nhấn mạnh.

Một số chuyên gia chia sẻ, nhiều khi tổ chức đấu thầu đến khi ký hợp đồng triển khai mất thời gian gần 1 năm. Khi đó "thời cơ" đã qua rồi, trong khi đặc thù của KHCN phát triển rất nhanh, từng ngày.

PGS. TS. Vũ Văn Phúc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Kinh tế và Pháp luật quốc tế cho rằng còn nhiều bất cập, vấn đề các nhà KH tự do sáng tạo trong nghiên cứu khoa học, thanh quyết toán chiếm rất nhiều công sức của các nhà khoa học... do đó Luật KHCN và đổi mới sáng tạo phải khắc phục thông thoáng hơn và có nhiều đột phá.

TS. Nguyễn Thị Thu Nga - Viện chiến lược và khoa học thanh tra (Thanh tra Chính Phủ) cho rằng, dự thảo nói về nguồn nhân lực và hợp tác quốc tế để huy động tối đa nguồn lực nhưng lại đặt ra quá "nặng" về thủ tục hành chính và điều kiện với các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư nước ngoài,…Do đó, cần giảm bớt thủ tục, cân đối các điều kiện để tạo sự hấp dẫn, thu hút được nhiều nguồn lực tham gia.

Các qui định về tài chính còn chưa rõ, ưu đãi thuế còn có sự phân biệt

Về đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả KHCN, bà Phạm Thị Kim Oanh - Cục Phó Cục bản quyền tác giả đề xuất bổ sung quyền lợi tài chính cho nhà khoa học khi kết quả nghiên cứu được thương mại hóa. Ví dụ nhà khoa học được hưởng 30% lợi nhuận từ việc chuyển giao công nghệ.

5-1743132749.png

Bà Phạm Thị Kim Oanh - Cục Phó Cục bản quyền tác giả

Đặc biệt ưu đãi thuế cho các doanh nghiệp KHCN trong 5 năm đầu. Về trách nhiệm của doanh nghiệp phải báo cáo định kỳ về tiến độ thương mại hóa các kết quả nghiên cứu và chia sẻ lợi nhuận. Về hỗ trợ đăng ký sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế cần có cơ chế xử lý vi phạm đối với thương mại hóa sáng chế.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đưa ra nhiều ưu đãi cho nhà đầu tư (Điều 93) nhưng chưa có cơ chế ràng buộc.

6-1743132749.png

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện Nghiên cứu Sáng tạo

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện Nghiên cứu Sáng tạo cho rằng, dự thảo Luật lần này vẫn còn sự trùng lắp giữa các khái niệm nghiên cứu khoa học (NCKH) và đổi mới sáng tạo (ĐMST). Trong khi một khái niệm quan trọng là "Nghiên cứu phát triển" đã bị bỏ qua trong dự thảo. Một số chương và điều khoản tại dự thảo có sự trùng lặp, cần rà soát lại các câu từ và nội dung trong các điều khoản.

PGS Hà cũng đề xuất cần tiếp cận theo doanh thu thay vì lợi nhuận. Đặc biệt, viên chức cần có quyền góp vốn và điều hành trong các công ty thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Hiện tại, viên chức chỉ có quyền góp vốn mà không thể thành lập doanh nghiệp từ đầu, chưa được  dự luật lý giải rõ ràng.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà - Viện Nghiên cứu Sáng tạo: Tại Điều 94 của dự thảo đề cập miễn thuế thu nhập cho hoạt động KHCN từ ngân sách Nhà nước, nhưng không miễn thuế cho nguồn ngoài ngân sách. Trong khi các trường đại học tự chủ tài chính nhưng không được miễn thuế. Do đó, kiến nghị cần mở rộng để tạo điều kiện cho các nguồn tài chính khác.

GS.TS Bùi Tiến Thành (Trường đại học Giao thông Vận tải) cho hay, nhìn xuyên suốt dự thảo lần này cho thấy có sự "cất cánh" của KHCN và đây sẽ là động lực phát triển của đất nước. 

Tuy nhiên, theo ông Thành cần có cơ chế tài chính đầu tư cho KHCN, bởi hiện nay nghe tới 2-5% GDP dành cho nghiên cứu khoa học tưởng là rất ấn tượng, nhưng nói ra con số cụ thể rồi so với các nước lớn thì lại là rất nhỏ và như vậy sẽ không thể "đua" theo được.

Ngoài ra, trên thế giới có các tạp chí khoa học lớn là "sân chơi" tốt cho các nhà khoa học đăng tải kết quả nghiên cứu. Trong khi chúng ta còn thiếu những kho lưu trữ dữ liệu. Trên thế giới đang công nhận sáng chế và xuất bản. Do đó, Luật sửa đổi cần quan tâm đến vấn đề này.

Đặc biệt, liên quan đến sản phẩm khoa học, ông nhấn mạnh Luật cần bổ sung sự hợp tác vì có như vậy mới làm được khoa học, không thể làm theo tiêu chuẩn riêng. 

Bên cạnh đó, dự thảo Luật không nói đến các trường đại học, trong khi vai trò của nhà trường là rất lớn. Thực tế, các nước phát triển KHCN luôn nổi bật lên vai trò của công tác đào tạo tại các trường đại học.

Một số chuyên gia dự Hội thảo cho rằng, Luật mới phải "thông thoáng" và "tạo sự đột phá" thực sự trong nghiên cứu khoa học, làm sao để nhà khoa học có thể dành 80% cho nghiên cứu, 20% cho thanh quyết toán, nhưng thực tế hiện nay họ phải dành tới 50% cho vấn đề này. Đó là điều gây lãng phí thời gian của các nhà khoa học.

Đề xuất bổ sung điều luật độc lập quy định về quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu KHCN

Xuất phát từ nghiên cứu độc lập, Thạc sĩ, Luật gia Nguyễn Văn Dũng, Chi hội Luật gia Tạp chí Pháp lý đã đề nghị bổ sung vào Dự thảo một Điều luật với nội dung về Quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ.

7-1743132749.jfif

Thạc sĩ , Luật gia Nguyễn Văn Dũng – Chi hội LG Tạp chí Pháp lý phát biểu tại một Hội nghị

Theo đó, LG. Dũng đề nghị thiết kế điều luật có những nội dung sau:

Quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ thuộc về cá nhân hoặc tổ chức trực tiếp tạo ra kết quả, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc quy định pháp luật khác.  Trường hợp kết quả nghiên cứu được thực hiện bằng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ thuộc về Nhà nước. Cá nhân, tổ chức thực hiện nghiên cứu được quyền khai thác, sử dụng kết quả nghiên cứu theo thỏa thuận với cơ quan quản lý có thẩm quyền.

Trường hợp kết quả nghiên cứu có sự tài trợ từ cả nguồn ngân sách nhà nước và nguồn vốn tư nhân, quyền sở hữu trí tuệ được phân chia theo tỷ lệ đóng góp tài chính và kỹ thuật chuyên môn, căn cứ theo hợp đồng tài trợ hoặc văn bản thỏa thuận giữa các bên.

Trường hợp có nhiều cá nhân, tổ chức cùng tham gia nghiên cứu, quyền sở hữu trí tuệ được xác lập theo hợp đồng nghiên cứu. Trường hợp không có thỏa thuận, quyền sở hữu được xác lập theo nguyên tắc đồng sở hữu theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Đối với kết quả nghiên cứu thuộc quyền sở hữu của Nhà nước nhưng được thương mại hóa, tác giả hoặc nhóm tác giả được hưởng một phần lợi nhuận theo quy định của Chính phủ.

 Trong trường hợp kết quả nghiên cứu có khả năng chuyển giao công nghệ, Nhà nước có chính sách ưu tiên doanh nghiệp trong nước tiếp cận và khai thác trước khi thực hiện chuyển giao ra nước ngoài.  Chủ thể sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có trách nhiệm thực hiện thủ tục đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định pháp luật.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ tài chính, kỹ thuật và pháp lý cho cá nhân, tổ chức đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu thuộc lĩnh vực ưu tiên hoặc công nghệ chiến lược.

Cơ quan, tổ chức chủ trì hoạt động nghiên cứu khoa học có trách nhiệm giám sát việc quản lý, sử dụng và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với kết quả nghiên cứu do mình chủ trì.

Ngoài ra, LG Nguyễn Văn Dũng cũng đề xuất bổ sung 1 điều khoản: Trong trường hợp có nhiều cá nhân, tổ chức cùng tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích kinh tế phát sinh từ kết quả nghiên cứu được xác lập theo hợp đồng hợp tác nghiên cứu hoặc theo nguyên tắc đồng sở hữu. Trường hợp phát sinh tranh chấp, các bên có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền thực hiện hòa giải, trọng tài hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Theo LG. Nguyễn Văn Dũng – chi hội LG Tạp chí Pháp lý: Việc xác lập rõ ràng quyền sở hữu trí tuệ, cơ chế phân chia lợi ích và hỗ trợ bảo hộ kết quả nghiên cứu khoa học là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy nền khoa học công nghệ phát triển theo hướng đổi mới sáng tạo, bền vững và thực chất.

Dự hội thảo còn có đại diện một số DN, góp ý tại hội thảo, đại diện Công ty TNHH Asia Clean Capital Vietnam, ThS. Nguyễn Tuấn Phát nhấn mạnh đến vai trò đồng hành của doanh nghiệp, quỹ đầu tư, quỹ đầu tư mạo hiểm với các trường đại học trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trong kỷ nguyên mới, vươn mình của đất nước, sự đồng hành này là rất cần thiết vì lợi ích của tất cả các bên để góp phần đưa hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành một trong những động lực mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như để thực hiện những chính sách, quy định mới mang tính đột phá của Luật KHCN &ĐMST.

8-1743132749.png

Ông Hà Công Anh Bảo – Cụm trưởng Cụm thi đua số 6 Hội Luật gia VN – Trưởng khoa Luật  Trường đại học Ngoại thương phát biểu kết luận tại Hội thảo

TS. Hà Công Anh Bảo – Chi hội trưởng Chi hội Luật gia Trường Đại học Ngoại thương (điều hành phiên 2) đánh giá rất cao các ý kiến đóng góp đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà khoa học, đồng thời cho biết, Ban Tổ chức hội thảo sẽ tập hợp tất cả các ý kiến gửi về Trung ương Hội Luật gia Việt Nam để tiếp thu, nghiên cứu và đề xuất tới cơ quan có thẩm quyền.

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

9-1743132749.png

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo

10-1743132749.png

(Đại diện một số đơn vị thuộc Cụm thi đua số 6 –HộiLuật gia VN dự hội thảo)

11-1743132749.jpg
12-1743132749.jpg
13-1743132749.jpg

Các luật gia, nhà khoa học phát biểu tham luận tại Hội thảo

 Thành Chung  - Văn Dũng  (thực hiện)

Theo Phaply.net