Công nghệ số thay đổi diện mạo của bảo tàng tại Việt Nam

Từ khi mở cửa, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Con số cứ tăng dần, đỉnh điểm có ngày bảo tàng ghi nhận tới 60.000 lượt tham quan...

Công nghệ số đang từng bước thay đổi diện mạo của các bảo tàng Việt Nam, mang lại luồng gió mới cho hoạt động bảo tồn, giáo dục và quảng bá di sản văn hóa.

Công nghệ số thay đổi diện mạo của bảo tàng tại Việt Nam

Công nghệ 3D Mapping hiện đại được ứng dụng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.    Ảnh: Hải Nguyễn

Tích hợp công nghệ - nâng cao trải nghiệm

Thanh Thanh (30 tuổi, Hà Nội) cùng bạn bè ghé thăm Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. “Tận mắt chứng kiến và trực tiếp trải nghiệm các hoạt động tham quan tại đây, tôi mới hiểu vì sao bảo tàng lại hấp dẫn du khách đến vậy. Việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trưng bày, giới thiệu hiện vật làm tăng tính chân thực, sống động, khiến người xem thích thú, không thể rời mắt”, Thanh Thanh chia sẻ.

Từ khi mở cửa, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đón hàng nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm mỗi ngày. Con số cứ tăng dần, đỉnh điểm có ngày bảo tàng ghi nhận tới 60.000 lượt tham quan - một lượng khách không thua kém những bảo tàng Top đầu thế giới như Bảo tàng nghệ thuật Louvre (Pháp), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên (Anh), Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Quốc gia (Mỹ)...

Đa phần khách tham quan đều ấn tượng với công nghệ, kỹ thuật trưng bày hiện đại được ứng dụng tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

Tiêu biểu, bảo tàng đã triển khai công nghệ sa bàn 3D Mapping, màn hình cảm ứng và công nghệ thực tế ảo mở rộng (XR) để tái hiện lại các trận chiến lịch sử. Khách tham quan có thể trải nghiệm không gian tái hiện chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972 với hình ảnh máy bay MIG 21 tham gia tác chiến, bắn rơi máy bay B52 và nhiều chiến thắng lịch sử vang dội...

Đặc biệt, bảo tàng còn có một booth chơi game. Tại đây, du khách sẽ đeo kính thực tế ảo, ngồi trong một khoang chỉ huy xe tăng giả lập và trải nghiệm ngồi xe húc đổ cổng Dinh Độc Lập ngày 30.4.1975. Đây cũng là cách giới trẻ tự trải nghiệm, ghi nhớ về một cột mốc lịch sử quan trọng của dân tộc.

Trao đổi với Lao Động, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - cho biết, hiện nay hệ thống trưng bày của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã ứng dụng khá nhiều công nghệ hiện đại như 3D Mapping, trình chiếu phim 3D, phim 2D, công nghệ thực tế ảo, trải nghiệm tương tác, multimedia, tái tạo không gian lịch sử… đã tạo nên sự hấp dẫn đối với khách tham quan, nhất là đối tượng thanh thiếu niên.

“Trong thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu của công chúng, bảo tàng sẽ xây dựng các chương trình tham quan thực tế ảo trên internet, tour tham quan 3D cho các hiện vật khối lớn, bảo vật quốc gia để công chúng được trải nghiệm tốt hơn”, Thượng tá Nguyễn Tiến Dũng cho hay.

Công nghệ bổ trợ giáo dục tại bảo tàng

Bà Nguyễn Thị Thu Hoan - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia - nhận định, để thu hút khách tham quan, yếu tố quan trọng là biến bảo tàng trở thành địa chỉ quen thuộc, tạo thói quen cho du khách đến đây hàng tháng, thậm chí hàng tuần. Trong đó, học sinh - sinh viên là đối tượng khách thường xuyên tiềm năng nhất của bảo tàng.

“Bảo tàng không chỉ ứng dụng công nghệ để số hóa hiện vật mà còn biến công nghệ số thành công cụ hỗ trợ giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập và nghiên cứu của thế hệ trẻ, mở ra cơ hội kết nối và khám phá lịch sử Việt Nam một cách sáng tạo và hiện đại. Các chương trình được thiết kế đa dạng và đổi mới liên tục nhằm đáp ứng nhu cầu học tập và khám phá của từng đối tượng. Điều này giúp bảo tàng giữ chân khách tham quan”, bà Thu Hoan nhấn mạnh.

Việc ứng dụng các thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 như thực tế ảo, công nghệ 3D, trí tuệ nhân tạo… giúp các bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ giá trị quá khứ mà còn là không gian học tập, khám phá hiện đại và đầy cảm hứng. Trong đó, Bảo tàng Dân tộc học được coi là bảo tàng tiên phong trong việc áp dụng công nghệ số vào hoạt động trưng bày và hướng dẫn khách tham quan, đặc biệt là hệ thống thuyết minh tự động đa ngôn ngữ.

Bảo tàng Lịch sử TPHCM đã thử nghiệm mô hình Robot Sanbot ứng dụng AI để hướng dẫn khách tham quan, với các tính năng như trình chiếu hình ảnh, video giới thiệu về bảo tàng, hiện vật và các phòng trưng bày…

Minh Nguyệt