Quay lưng một bóng đào phai

Đó là giống đào phai, tôi xin cây con từ nhà bạn ở trong núi, một xứ hoa đào ở sát quốc lộ 15, một vùng hồ nước ngăn ngắt bốn mùa, loanh quanh dải đồi chủ yếu trồng chè, thông và đào...

Mỗi lần tuốt lá đào già và cắt bỏ cành sâu đợt cuối năm, tôi lại thủ thỉ: Này đào, chịu đau đớn chút nhé.

Chợt nhớ một lối Bắc Lý (Kỳ Sơn) ngập sắc đào hoa nở sớm giữa thu trong một năm nào đó tưởng mới đây mà tính ra đứa trẻ sinh ra đã đủ tuổi đến trường… Những năm qua, tôi thường đợi đến gần tháng Chạp là bắt đầu tuốt hết đám lá đào, mỗi cành chỉ trừ 2 chiếc lá non mới nhú...

Đó là giống đào phai, tôi xin cây con từ nhà bạn ở trong núi, một xứ hoa đào ở sát quốc lộ 15, một vùng hồ nước ngăn ngắt bốn mùa, loanh quanh dải đồi chủ yếu trồng chè, thông và đào.

Mỗi lần tuốt lá đào già và cắt bỏ cành sâu đợt cuối năm, tôi lại thủ thỉ: Này đào, chịu đau đớn chút nhé. Để ngày Tết tiết xuân ấm áp thì nở hoa. Lúc đó sẽ có bao người chiêm ngưỡng và trầm trồ. Còn nếu em nở sớm, cũng chỉ có mình ta ngắm nghía mỗi ngày, trầm trồ bao nhiêu cũng chỉ mình ta thủ thỉ với em. Vẻ đẹp này nên để nhiều người biết đến hơn. Có chịu đau đớn, đời mới nở hoa, mới kiêu hãnh mà xinh đẹp được. Nếu đúng dịp Tết, không chỉ con người mà còn có đủ loại bươm bướm dập dìu, gió xuân thơm lành, vạn vật ứa nhựa, em cũng căng tràn, đó mới là thời điểm em nên bung xõa những gì đẹp đẽ của mình.

Ký ức lùi về trước đó không lâu, khi tôi gặp nhà thơ Nhụy Nguyên, một văn nhân xứ Huế, anh nói về sự tương tác và mối liên kết giữa con người với tự nhiên, vũ trụ. Rằng nếu ta luôn nói lời yêu thương mỗi khi tưới nước cho một cái cây, cái cây đó sẽ xanh tươi và nhanh phát triển. Còn nếu ta chỉ suốt ngày cau có giận dữ với một cái cây, cái cây đó sẽ chóng tàn úa và chết đi. Thí nghiệm này, dường như các nhà khoa học trên thế giới đã thử và minh chứng. Lúc đó tôi ngồi nghe anh như Phật tử lòng thành đi nghe kinh kệ. Có đôi chỗ không hiểu nhưng thành kính chân thật, nâng niu lời anh như một vệt trầm hương. Rồi sau đó, tôi cũng quên chuyện này.

Cho đến khi...

Sáng sớm ngày 30 Tết năm đó, tôi ra vườn thăm mấy gốc đào như mọi ngày và đã sung sướng biết bao khi nhìn thấy những nụ hồng chúm chím. Đào hoa của tôi chắc chắn xòe cánh vào độ Tết, những ngày mùng 2, mùng 3 cho đến rằm tháng Giêng thì mới thôi.

Chính lúc này, tôi chợt nhớ đến lời anh Nhụy Nguyên từng nói. Mối liên hệ và sự tương tác giữa con người với tự nhiên. Nếu bạn yêu một cái cây, cái cây sẽ cảm nhận được tình yêu của bạn. Bạn có tin không, nếu mọi vật đều có suy nghĩ và ngôn ngữ riêng?

Như Alan Turing từng đặt ra câu hỏi: Nếu máy móc cũng có suy nghĩ thì sao? Nó suy nghĩ theo ngôn ngữ của nó, đương nhiên. Rồi biết bao nhiêu người đã nghĩ và tin rằng, cây cối thực sự có ngôn ngữ riêng. Có bao nhiêu người đã lắng nghe và trò chuyện với cây cối bằng tất cả chân thành yêu thương? Tôi lại nghĩ: Nếu mỗi đứa trẻ sinh ra đều được người lớn trồng cho một cái cây con làm của riêng, làm người anh em nhỏ thân thiết yêu thương đến hết đời... thì hành tinh này sẽ mãi xanh rì sức sống.

Quay lưng một bóng đào phai
Đối với thiên nhiên, nếu con người có lòng tôn kính nhất định, thì chắc chắn sẽ được thiên nhiên ưu đãi và bù đắp. Ảnh minh họa: Pixabay

Có một năm, tôi đã thực hiện thí nghiệm về tương tác giữa con người và cây cối: Trong ba gốc đào mà tôi đã trồng, tôi chỉ “nói chuyện” nhiều hơn và nói lời yêu thương nhiều hơn với gốc đào ở trước sân, còn gốc đào giữa vườn thì tôi “thủ thỉ” ít lời hơn và gốc đào cạnh cửa sổ thì tuyệt nhiên tôi không nói lời nào, thậm chí là tôi còn mắng nó nữa. Kết quả thật trùng hợp một cách diệu kỳ: Gốc đào trước sân nở nhiều hoa hơn gốc đào giữa vườn, và nở đúng độ Tết kéo dài đến rằm tháng Giêng. Còn gốc đào cạnh cửa sổ thì không nở một bông nào dù thân cành nhựa cây đã duỗi trơ suốt cả mùa xuân. Tôi cẩn thận nghiệm lại: rõ ràng là cùng trong vườn nhà tôi, cùng loại đất, nước và ánh sáng đủ đầy như nhau, không có gì quá khác biệt về điều kiện tự nhiên cả. Thế mà vẫn là ba cây đào nở hoa theo ba kiểu khác nhau. Và điều kỳ diệu hơn cả mà tôi từng được biết, đó là Tết năm ngoái, vì lý do riêng tư nên tôi đã không thể về nhà ăn Tết. Và mãi tới 28 tháng Giêng âm lịch tôi mới đặt chân về nhà, tận 14 tháng Hai âm lịch tôi mới có thể ra ngoài ngắm nghía cây đào trước sân và cất lời chào nó. Thế mà kỳ diệu thay, trên cây đào trước sân vẫn còn sót vài bông hoa phơn phớt hồng ánh lên dưới nắng xuân ấm áp. Tôi đã mừng vui bao nhiêu, tôi đã nói lời chào và cảm ơn đóa đào phai đặc biệt ấy. Đó chính là cây đào mà tôi vẫn trò chuyện nhiều nhất từ nhiều năm trước, là cây đào nghe được nhiều lời yêu thương của tôi nhất!

Tôi vẫn không ngừng suy nghĩ về lời của anh Nhụy Nguyên, những trải nghiệm mà tôi có, chính là minh chứng cho lời anh nói. Không chỉ con người và cây cối có mối liên hệ sâu sắc, mà rõ ràng là cây cối cũng có ngôn ngữ riêng. Cây cối có thể cảm nhận và hiểu được lòng người. Đối với thiên nhiên, nếu con người có lòng tôn kính nhất định, thì chắc chắn sẽ được thiên nhiên ưu đãi và bù đắp.

(Nguồn: Tạp chí Sông Lam số 50 (Tháng 1+2/2025)

Lý Uyên| Báo Văn nghệ