Gần đây, khoa học văn học Việt Nam dành nhiều sự chú ý tới sử văn học. Nhu yếu nhận thức và nhận thức lại lịch sử hình như là nguồn cội cho sự phát triển của bộ phận này, làm thành thành tựu của nó, bên cạnh việc tiếp tục giới thiệu lí thuyết văn học nước ngoài và thực hành phê bình (từ sự du hành của các lí thuyết ấy).
1.
Xét riêng ở lĩnh vực sử phê bình, một hình thức kiểm thảo tự thân của khoa học văn học, trong mười năm đầu thế kỷ XXI, đã có thể nhắc đến phần viết về lí luận phê bình của Trần Đình Sử trong công trình do Phan Cự Đệ chủ biên: Văn học Việt Nam thế kỷ XX - những vấn đề lịch sử và lí luận (Nxb. Giáo dục, 2005), chuyên luận của Đỗ Lai Thúy: Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (Tư tưởng phê bình Việt Nam, một cái nhìn lịch sử) (Nhã Nam & Nxb Văn học, 2011) và công trình do Nguyễn Văn Long chủ biên: Phê bình văn học Việt Nam 1975-2005 (Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội, 2012). Gần đây nhất, bổ sung vào những cái nhìn sử tính ấy là công trình do Trịnh Bá Đĩnh chủ biên: Lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam (Nxb. Khoa học xã hội, 2013), vốn được tu chỉnh và nâng cấp từ một đề tài cấp Bộ của phòng Lí luận văn học thuộc Viện Văn học. Chúng tôi sẽ tập trung vào công trình này sau khi miêu thuật những công trình xuất hiện trước đó không lâu, để tạo ra một hình dung về văn cảnh chung của những suy tư về vấn đề tương đối chuyên biệt này.
2.
Ở Việt Nam, lí luận phê bình được hiểu như là quan niệm văn học đã xuất hiện từ thời cổ - trung đại, nhưng phải đến thời cận - hiện đại, do giao lưu văn hóa với phương Tây, lí luận phê bình được hiểu như là một khoa học có hệ thống khái niệm, lý thuyết, phương pháp riêng để nghiên cứu và tiếp nhận văn học, mới được hình thành và phát triển. Có lẽ đó là lý do để cho những hình dung về lịch sử lí luận phê bình, theo quan niệm chặt chẽ của khoa học văn học hiện đại, thường được những nhà nghiên cứu tính đếm từ đầu thế kỷ XX, khi nhà văn Việt Nam hình thành “cảm quan thế giới" trong sáng tạo và tiếp nhận văn học. Những nhận thức về văn học mười thế kỷ trước đó, thường được định danh là “quan niệm”, sự “luận bàn” về văn học (chẳng hạn, trong chuyên luận của Phương Lựu: Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam - Nxb. Giáo dục, 1985, hay trong quan niệm của nhóm biên soạn Mười thế kỷ luận bàn văn chương, 2 tập, Nxb. Giáo dục, 2005).
Có thể nói, những phác thảo đầu tiên về lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam hiện đại ghi dấu ấn của Trần Đình Sử. Xuất phát từ quan niệm lí luận phê bình là sản phẩm của lịch sử, không phải bộ phận “ăn theo” mà có tính chất độc lập tương đối với sáng tác văn học, tác giả đặt ra yêu cầu: “khi nghiên cứu lí luận phê bình cần tách biệt nó khỏi sáng tác để nhìn nhận và đánh giá theo những chuẩn khoa học của chuyên ngành lí luận phê bình... cần có sự phân biệt giữa - luận phê bình văn học với đường lối văn nghệ của Đảng, bởi các vấn đề của - luận phê bình văn học không đồng nhất với các vấn đề của đường lối văn nghệ" (tr.676). Từ việc xác định các mối quan hệ của đối tượng nghiên cứu như thế, tác giả cho rằng: “tiêu chuẩn để đánh giá các thành tựu lí luận phê bình chủ yếu là giá trị đối với sự phát triển, liến bộ của văn học dân tộc, đối với việc đánh giá các giá trị văn học và đối với sự phát triển của bản thân lí luận phê bình cũng như nâng cao trình độ văn hóa, văn học của người đọc nói chung” (tr.676). Trên cơ sở xây dựng một phương pháp nghiên cứu như vậy, tác giả tìm hiểu bối cảnh văn hóa – lịch sử của một thế kỷ phát triển lí luận phê bình; tiến hành phân kì, tổng kết thành lí luận và lịch sử tiến trình lí luận phê bình theo từng giai đoạn cụ thể từ diện mạo, các cuộc tranh luận học thuật, các quan điểm lí luận cơ bản đến việc đánh giá thành tựu và xác lập hệ thống các nhà lí luận phê bình tiêu biểu. Phần viết này của Trần Đình Sử về sau tạo ra một hiệu ứng tranh luận khá căng thẳng. Tuy vậy, từ trong và sau sự tranh luận ồn ào ấy, những suy tư về lịch sử kích thích được hứng thú và sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu.
Gần đây, khoa học văn học Việt Nam dành nhiều sự chú ý tới sử văn học. Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Sau công trình của Trần Đình Sử, hai công trình tiếp theo lấy đối tượng trực tiếp là phê bình văn học để viết sử về sự thực hành phê bình. Ở đấy, tiếp nhận lí thuyết phê bình phương Tây được xem như là sự mở rộng về mặt phương pháp cho các thực hành ấy. Công trình của Nguyễn Văn Long và cộng sự được hình thành trên cái nhìn sử tính và sự phân biệt các không gian văn học. Ở đấy, các tác giả đã dành một chương khảo sát tổng quan về phê bình văn học của người Việt Nam ở nước ngoài từ sau 1975. Đây là một chương viết cần thiết, không chỉ ở chỗ phê bình bằng Việt ngữ ở nước ngoài có thành tựu, có tác động đến đời sống văn học trong nước, mà việc mở rộng các không gian văn học làm cho hình dung về văn học Việt Nam được đầy đủ và khách quan. Công trình của Đỗ Lai Thúy lại đề xuất một cách thức viết lịch sử (phê bình) khác, dựa trên lí thuyết hệ hình của Thomas Kuhn. Theo đó, Đỗ Lai Thúy cho rằng, đến nay lịch sử văn học đã chứng kiến ba quan niệm: 1/ tác phẩm được hình dung như một công cụ; 2/ tác phẩm là một thực thể tự trị, tức thực chất chỉ là văn bản; 3/ tác phẩm là văn bản + sự đọc, tức ngoài nghĩa chủ ý còn có nghĩa kiến tạo, người đọc trở thành đồng sáng tạo với tác giả. Lịch sử phê bình văn học, vì vậy, xét ở mặt phương pháp, thể hiện ở ba lối tiếp cận tương ứng (1/ Tiền văn bản, 2/ Văn bản và 3/ Hậu văn bản, mà mỗi lối tiếp cận đều kéo theo những phương pháp tương thích với nó); và xét ở mặt lịch sử, diễn trình tư tưởng phê bình dựa trên ba lối tiếp cận ấy làm thành ba thời kỳ của lịch sử phê bình văn học: 1/ Tiền hiện đại 2/ Hiện đại; 3/ Hậu hiện đại.
3.
Nhìn vào những cách thức tiếp cận lịch sử lí luận phê bình như trên, dễ thấy, cùng một đối tượng, chỉ khác nhau về cách phục dựng, câu chuyện lí luận phê bình Việt Nam đã hiện lên với nhiều khác biệt. Những khác biệt không để loại trừ mà bổ sung lẫn nhau, để lí luận phê bình văn học Việt Nam hiện lên gần nhất với những gì mà nó đã tồn tại. Từ trong lịch sử vấn đề ấy, công trình do Trịnh Bá Đĩnh và cộng sự thực hiện, đã chọn cho mình một lối tiếp cận khả dĩ. Công trình cố gắng kết hợp giữa việc đảm bảo tính lịch đại (dựa vào những thời điểm có tính bước ngoặt để phân kỳ) và tính đồng đại (thông qua các đại diện, các vấn đề làm thành đặc trưng từng giai đoạn), tính thống nhất của văn học dân tộc và tính đa dạng của các không gian văn học, các thời kỳ văn học.
Những băn khoăn của chủ biên công trình về thực tại lí luận và phê bình ở Việt Nam là có lý: Cả lí luận (các nguyên lý văn học) và phê bình (các thực hành thẩm mỹ và xã hội về văn học) đều không có cội rễ lịch sử vững chắc, và lí luận cũng không có ưu thế trước phê bình. Đó là lý do để mười thế kỷ lí luận phê bình cổ - trung đại, chỉ được gói gọn vào mấy trường hợp và vấn đề tiêu biểu. Nếu thời Lý Trần hiện chưa tìm thấy văn bản nghị luận về văn chương thì thời Lê, bên cạnh Nguyễn Trãi, vốn cũng không còn nhiều văn bản nghị luận văn chương, thì thực sự ông có đủ là đại diện cho một giai đoạn mà nhiều phần ông không tham góp, chẳng hạn như quan niệm của Lê Thánh Tông và nhóm Tao đàn? Hay bên cạnh Lê Quý Đôn, có thể tìm biết một mẫu số chung cho quan niệm văn chương giai đoạn, với Phan Huy Chú, Bùi Huy Bích, Ngô gia văn phái? Và quan niệm của cả một giai đoạn phát triển rực rỡ sau những chuyển mình của văn học thế kỷ XVII−XVIII, với nhiều hơn một sự hình thành “thi thoại”?
Lịch sử lí luận phê bình văn học Việt Nam thời hiện đại, cùng với sự minh bạch của đối tượng, được tiếp cận một cách mạch lạc hơn. Ở thời kỳ thứ nhất, trước 1945, sau khi phác dựng bối cảnh văn hóa, các giai đoạn chính (1900- 1932; 1932-1945), các ý thức hệ phê bình, công trình đi vào ba phương pháp phê bình làm thành bước ngoặt cho sự định hình phê bình hiện đại: tiếp cận theo lối tiểu sử, tiếp cận theo lối ấn tượng, tiếp cận từ các khoa học. Ở thời kỳ thứ hai, 1945-1985, công trình cũng giới thiệu trước nhất bối cảnh văn hóa, với sự hình thành các thiết chế (chính trị - văn nghệ), các cuộc đấu tranh ý thức hệ, sự tiếp nhận lí luận nước ngoài, sau đó, đi vào hai vấn đề chính, là phê bình Marxist ở miền Bắc (thể hiện ở tiếp cận phương pháp sáng tác và tiếp cận văn học sử) và lí luận phê bình văn học khu vực đô thị miền Nam 1954-1975. Giống như công trình do Nguyễn Văn Long chủ biên, việc bổ sung khu vực văn học đô thị miền Nam 1954-1975 là một nỗ lực đáng ghi nhận của công trình này. Nhưng khu vực văn học đô thị miền Nam tồn tại không như một ốc đảo, nó gắn kết với văn học Việt Nam trước và sau nó, ở miền Bắc và ở cả nước Việt Nam thống nhất. Việc kéo dài thời kỳ thứ hai đến mốc 1985 mà bỏ qua việc tái nhận thức lí luận phê bình khu vực này mươi năm sau 1975 là một điều đáng tiếc. Giống như việc có những tác giả, những vấn đề của lí luận phê bình kéo dài qua thời gian và không gian, như trường hợp Trương Tửu chẳng hạn, đã được nghiên cứu chi tiết ở thời kỳ thứ nhất, ở khu vực miền Bắc của thời kỳ thứ hai, mà lại không được tìm hiểu những hồi ứng của lí luận phê bình đô thị miền Nam, khiến dòng chảy của tư tưởng phê bình Việt Nam nhiều khi trở nên tĩnh tại và bị bó buộc vào khung khổ của việc phân kỳ, điều mà vốn trong thực tại, nó không đơn nhất như thế.
Lí luận phê bình văn học Việt Nam từ sau 1986 là thời kỳ phát triển sôi nổi nhất. Đây cũng là lúc mà vai trò xã hội của nhà văn và văn học được đề cao khi ngọn cờ đổi mới được trao vào tay họ, chứ không phải các lực lượng xã hội khác, như là luật sư ở giai đoạn sau này. Công trình đã miêu thuật chính xác không khí “phản tư” và “hội nhập" ấy của lí luận phê bình văn học. Việc đi vào phục dựng chi tiết hai cách thức tiếp cận văn học từ thi pháp học và từ ngữ học cũng đã đánh giá đúng thực trạng và tầm ảnh hưởng, cũng như những thành công đáng kể, của các lối tiếp cận này. Giá như bên cạnh việc đặt lí luận phê bình vào trong thời gian của "thời đại thông tin và truyền thông”, các tác giả công trình đặt thêm vào trong các không gian hậu hiện đại, với trung tâm và lề/ngoại biên, trong nước và ngoài nước, quê nhà và tha hương,... thì bức khảm lí luận phê bình văn học Việt Nam hiện nay sẽ đa dạng, đầy đủ, theo đó "thực tại và viễn tượng" cũng bớt bó buộc hơn, để liên thông với toàn cầu hơn.