Chuyện về Hồ Gươm

Trước đây, vào những dịp trọng đại, Hồ Gươm từng tổ chức đua thuyền, lễ hội đêm rực rỡ, tạo nên những khung cảnh huyền diệu. Trên hồ từng xuất hiện những chiếc xuồng nhỏ, thuyền buồm và thuyền chèo...

“Thưa ông Đốc lí! Chúng ta may mắn có một mặt hồ tuyệt đẹp ngay giữa trung tâm thành phố, tại sao không tận dụng nó? Câu hỏi đặt ra trong bài “Le Lac de Jade”, một bài viết đăng trên trang nhất của Tờ Nhật báo France-Indochine số ra ngày 28/9/1934. Đây cũng chính là bài phát biểu của ông Arès về Hồ Nhỏ - Hồ Gươm và sự thay đổi diện mạo của khu vực này sau gần nửa thế kỉ trong phiên họp Hội đồng thành phố bàn về việc xây dựng và khai thác Hội Đua thuyền (Cercle nautique) ở ven hồ.

Bốn mươi năm trước[1]một ủy viên Hội đồng Thành phố Hà Nội đã đề xuất ý tưởng lấp Hồ Gươm - viên ngọc quý - để biến nó thành một quảng trường.

Nếu ngày nay, có ai trong những uỷ viên chúng ta đưa ra một đề xuất tương tự, chắc chắn sẽ vấp phải sự phẫn nộ dữ dội từ người dân. Ông ta sẽ ngay lập tức bị đề nghị cho vào nhà thương điên và tắm nước lạnh liên tục để tỉnh táo lại.

Vị ủy viên đó tên là Schraeder và ông ta không hề là một kẻ ngốc.

Hãy thử hình dung: Vào thời điểm ấy, Hồ Gươm chỉ là một trong vô số ao hồ chiếm đến ¾ diện tích thành phố. Từ khu vực khách sạn Métropole, rạp hát, đến các vườn hoa Paul Bert, đâu đâu cũng là ao tù nước đọng.

Xung quanh Hồ Gươm, chỉ có những túp lều tranh và một số ngôi nhà gạch đơn sơ (trong đó có hiệu thuốc Blanc). Những ngôi nhà này quay lưng ra hồ, trong khi người dân bản địa cũng dùng hồ như một nơi sinh hoạt tự nhiên.

Hồ Gươm thời ấy hoàn toàn bị che khuất.

Dọc theo bờ hồ, đối diện với Chùa Khổ hình (Pagode des Supplices), về sau là kho quân nhu nhưng đã bị phá bỏ, chỉ còn lại một tấm bia đá nhỏ, đến nay vẫn còn tồn tại.

Tháp Rùa đã có từ trước, nhưng bị cây cối và nhà cửa che khuất, chỉ có cư dân ven hồ mới nhìn thấy từ phía sau. Hồ Gươm lúc ấy thực chất là một hồ chứa nước thải tự nhiên - và vì thế, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên không ngừng.

Chuyện về Hồ Gươm
Hồ Gươm. Ảnh Sưu tầm

Về sau, khi sơ tán cư dân quanh hồ, người ta nhận thấy rằng giữa trung tâm khu phố Tây mới, hồ này có thể trở thành một hồ điều hòa tự nhiên, dù vẫn có mùi hôi nhưng ít ra được gió thổi làm dịu bớt. Người ta quyết định xây một con đường quanh hồ, và đó chính là đại lộ vòng cung mà chúng ta thấy ngày nay.

Thế nhưng, suốt nhiều năm sau, hồ nhỏ này vẫn đóng vai trò như một cống gom nước thải khổng lồ, khiến mùi hôi lan tỏa khắp nơi, nhất là vào mùa hè.

Một vị đốc lí, nhận được quá nhiều khiếu nại từ cư dân, đã quyết định cấm tất cả thuyền bè - từ thuyền buồm, thuyền chèo cho đến xuồng máy - với lý do mái chèo khuấy bùn làm mùi hôi bốc lên mạnh hơn. Từ đó, những con thuyền từng mang lại sức sống cho góc hồ thơ mộng này đã hoàn toàn biến mất. Thế nhưng, mùi hôi vẫn không suy giảm - thậm chí còn nặng hơn!

Ai đó đã nghĩ ra một giải pháp đó là: trồng sen. Vậy là hồ trở thành một đầm sen, nhưng vẫn không khắc phục được vấn đề mùi hôi.

Chuyện về Hồ Gươm
Hồ Gươm. Ảnh Léon Busy. Bảo tàng Albert Kaln.

Rốt cuộc, người ta buộc phải chặn hoàn toàn việc xả nước thải vào hồ.

Nhưng rồi, vào mùa khô, nước hồ cứ cạn dần - không có cả nước mưa hay nước thải - Mùi hôi lại bốc lên nặng hơn. Cuối cùng, một người đã nảy ra sáng kiến bơm nước vào hồ, trả lại vẻ đẹp trong lành cho mặt nước, nơi có Tháp Rùa tọa lạc.

Kể từ đó, hệ thống nước thải bị loại bỏ, nước hồ được làm sạch, và nơi đây đã trở thành một thắng cảnh đẹp đẽ mà bất cứ du khách nào đến Hà Nội cũng đều phải trầm trồ ngưỡng mộ.

Vậy, ngày nay có ai còn dám đưa ra ý tưởng như Schraeder năm xưa? Ngay cả nếu Schraeder có trở lại cõi trần gian, ông ta hẳn sẽ phát ốm vì ý tưởng ấy!

Chúng ta may mắn có một mặt hồ tuyệt đẹp ngay giữa trung tâm thành phố, tại sao không tận dụng nó?

Trước đây, vào những dịp trọng đại, Hồ Gươm từng tổ chức đua thuyền, lễ hội đêm rực rỡ, tạo nên những khung cảnh huyền diệu. Trên hồ từng xuất hiện những chiếc xuồng nhỏ, thuyền buồm và thuyền chèo. Chiếc thuyền cuối cùng thuộc về Van Raveschott, thư ký Toà đốc lí.

Người ta nói rằng Hà Nội quá tĩnh lặng, quá trầm buồn. Cần phải thổi bùng sức sống, mang lại niềm vui, khơi dậy sự tin tưởng và lạc quan.

Hãy tận dụng viên ngọc quý này! Nếu nơi đây thuộc về người Anh, họ chắc chắn đã biết cách khai thác nó không chỉ về mặt cảnh quan mà còn về mặt thực tiễn.

Thưa ông Đốc lí, thưa các ông ủy viên Hội đồng Thành phố, hãy xem xét vấn đề này và cho phép tổ chức các hoạt động thể thao dưới nước ở Hồ Gươm. Dĩ nhiên, với điều kiện chỉ cho phép một số lượng hạn chế thuyền nhỏ, duyên dáng, được bảo dưỡng tốt, có thể là thuyền chèo hoặc thuyền buồm.

Tôi tin chắc rằng mỗi tối sẽ có hàng ngàn người kéo đến xung quanh hồ. Các ông sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho người dân. Họ sẽ ra đường vào những đêm hè. Ngay cả những người già cũng sẽ đến, ngắm nhìn dưới ánh đèn những con thuyền lướt nhẹ trên làn nước xanh của Hồ Gươm. Những chiếc thuyền nhỏ ấy sẽ khiến họ nhớ về những giấc mộng thời thanh xuân. Còn với lớp trẻ, họ sẽ có thêm một hoạt động rèn luyện sức khoẻ, điều mà họ đang rất khao khát.

Tôi không phải là người duy nhất nghĩ như vậy. Dù tuổi tác không còn cho phép tôi tham gia vào những thú vui nào khác ngoài niềm vui được ngắm nhìn, nhưng điều đó cũng đủ làm tôi mãn nguyện. Tôi vui vì đã nói thay tiếng lòng của rất nhiều người - những người muốn thấy Hà Nội thân yêu thoát khỏi sự trầm mặc uể oải này[2].

Sau các cuộc họp của Hội đồng thành phố, với nhiều ý kiến đóng góp, công trình Hội Đua thuyền ven hồ đã được chấp thuận xây dựng theo thiết kế và yêu cầu của thành phố Hà Nội. Công trình này, được gọi là Nhà Thuỷ tạ do nhà thầu Nguyễn Huy Ái ở số 51 phố Hàng Đào xây dựng và khai thác theo hợp đồng kí kết với thành phố Hà Nội. Công trình được thiết kế theo kiểu Á - Đông, khánh thành vào ngày 30121936. Cho đến nay, đây được coi là công trình duy nhất ven mặt hồ được xây dựng thời kì Pháp thuộc.

Đỗ Hoàng Anh dịch và tổng hợp

[1] Thời điểm này vào khoảng cuối thế kỉ 19.

[2] MHN 5563