Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo ven biển Thái Bình. Cứ độ xuân về, bạn bè lại rủ nhau hành hương chùa Keo, thắp hương viếng cụ Lê Quý Đôn, viếng lăng mộ các vua Trần rồi mới lang thang đến Đồng Sâm, đàm đạo với các nghệ nhân làm nghề chạm bạc, mua vài thứ mỹ nghệ tinh xảo, cầu kỳ độc đáo về bày trên tủ chơi ngày Tết. Hàng mỹ nghệ chạm bạc, Đồng Sâm đã có mặt ở khắp nơi. Người phương xa biết tới Thái Bình vì nhiều lẽ, trong đó có cả danh tiếng này.
Cái vùng quê nhỏ bé này ba mặt bọc vây sông nước, một hướng nằm ngang mép biển, bốn mùa bão động, mặc nhiên thành ốc đảo giữa vùng châu thổ sông Hồng. Người dân quê tôi hiền hoà, sống êm đềm như cây lúa. Vẻ đẹp xa xanh thuần khiết, bình dị ấy vào những buổi sáng mơ màng sương khói, có những khoảnh khắc bừng lên, huyền ảo lung linh, ẩn trong tia dọi của ánh ngày; có lúc nõn nà trau chuốt xa xôi, như suối tóc dài bất tận của cô gái cập tuổi hai mươi. Tôi không biết trong màu đất sơ nguyên, nâu trầm được biển cả bồi đắp từ ngàn xưa ẩn giấu điều bí mật, độc đáo mà đời này qua đời khác, đất gồng mình lên đón nhận bão giông chà xát, âm thầm tự nguyện hiến dâng cho màu xanh cây lúa sinh tồn vĩnh cửu? Tôi cũng không biết cái màu xanh mơ màng làm lòng người xao động đến hờn ghen ấy, có phải là hình ảnh phản chiếu mạch máu ngầm đất đai quê tôi ký thác, làm cho cuộc sống thanh bình êm ả, phục sinh khát vọng mộng mơ tinh khiết, để cho lòng người thanh thản yêu đời, hướng tới ý tưởng vượt trên nhỏ nhoi, thô ráp và cái ác, đến với cái đẹp tự nhiên, quyến rũ.
Tôi đã sống trọn tuổi thơ mình bên những thửa ruộng xanh dầm trong bùn đất. Bao nhiêu đêm, tôi dầm lưng vào bờ cỏ ven sông cùng lũ bạn đì đòm trận giả giữa đêm trăng sáng, hoặc kiếm cỏ và chơi trò gà chọi. Vào những buổi sáng tinh sương rỗi rãi, ấy là lúc lúa đồng bắt đầu trổ đòng đòng, chúng tôi chúi đầu vào bờ ruộng rút đòng đòng nhai ngấu nghiến. Mùi lúa non thơm mênh mang thảng thốt, khiến cả đất trời chìm trong cảm khoái đê mê. Mãi sau này khi lớn, trước những va đập bầm tím của cuộc đời, tôi mới giật mình hối tiếc về hành vi ấu thơ lấy đi của trời một cái đẹp vừa sinh nở. Hình ảnh những bông đòng non sữa bị vò nát, dập xé ngổn ngang trên bờ ruộng in đậm trong ký ức. Một câu hỏi luôn dày vò trong suốt những chặng đường mưu sinh nhọc nhằn sau này là tại sao người ta cứ hồn nhiên dày vò những thân phận hồn nhiên mỏng manh hoa cỏ, như tuổi nhỏ của tôi đã từng hồn nhiên vò xé thiên nhiên. Và rồi, lại hồn nhiên quên đi lầm lỗi. Như bao nhiêu chuyện vô tình đi qua, để lại phía sau khổ đau và bất hạnh.
|
Tôi từng đến những nơi xa xôi nơi cực Bắc; đã thở hít nền văn minh công nghiệp; đã chứng kiến tiệc tùng hào hoa sang trọng. Ở đó không có tình quê hương, bạn bè, cội nguồn gốc rễ. Tất cả lạnh lùng công việc, giật giành lợi ích. Bước chân tôi đặt tới những lâu dài quý phái lạnh lùng, những cao ốc phồn hoa, uy nghi vô cảm... Tôi đóng vai, một gương mặt cũng lạnh lùng vô cảm, nghi lễ. Chỉ mong khi có dịp trở về quê, tôi mới lại sống với mình. Mỗi lần như thế, tôi lang thang cả buổi nơi đồng lúa. Ngồi im lặng hàng giờ trên đồng cỏ hút thuốc. Giữa màu xanh mây trời hoà quyện màu xanh cây cỏ đất đai, khi đó, tôi thành đứa trẻ, chạy đùa không biết chán. Ngày trước, khi cha còn sống, ông thường bảo: Là đàn ông cần đi đây đi đó, biết ăn uống tiệc tùng bữa bạc triệu, nhưng khi thiếu khó ăn sắn luộc, khoai nướng cũng thấy ngon. Còn mẹ tôi tặc lưỡi: Mày cứ lấy vợ nết na, tậu con trâu, dựng cái nhà thế là thong dong. Bôn ba vất vả mà nhiều cay cực con ạ! Về tình cảm, tôi thương mẹ nhưng tin ở cha hơn. Có lẽ vì thế, mỗi khi bị cuộc đời xô đẩy, trong cơn dồn đuổi cuối cùng, tôi thường về quê để hít thở giải thoát. Có lẽ chỉ cái âm trầm của đất đai, mùi hăng ngái của cỏ gà, và màu xanh trong trẻo hồn nhiên của cây lúa mới làm cho nỗi đau dịu với bớt đi.
Thời kỳ ban đầu của đổi mới, người quê tôi mừng lắm. Các cô gái phúng phính má hồng, mái tóc mượt như nhung, thoảng mùi hương bưởi thường tập trung ở đầu làng hát đối. Trẻ thơ, mắt trong veo ngộ nghĩnh như ánh mai. Tuổi già rạng rỡ. Người làng bảo: Khổ quá rồi, bao năm cây lúa cầm tù trong cơ chế cũ, đến cái màu xanh cánh đồng cũng len lét hắt hiu. Giờ khoán sản phẩm, cả một vùng dậy lên tươi tắn. Cái màu xanh trường tồn, tự nhiên được trở về với bản thể thực, phút chốc oà nở, thăng hoa; đói nghèo tan đi, nhường chỗ cho cái đẹp nguyên sơ bật phát... Rồi vài năm sau nữa, tôi về làng, buổi chiều lững thững ra cánh đồng, vẫn màu xanh cũ, sâu và đậm của cây lúa nhưng có gì đó bức bối. Tôi gặp một ông già đóng gạch. Khuôn mặt ông đen đúa vì tro than, hai bàn tay gầy khô nứt, chỉ có đôi mắt trũng sâu và mở to. Nói chuyện mùa màng ông bảo: Khoán có cái hay nhưng thử tính người nông dân một năm làm giỏi được 2-3 tấn lúa. Ăn nhưng còn mặc. Hàng trăm chuyện chi tiêu nhờ vào hạt lúa. Lúa bán được bao nhiêu? Sào ruộng thu vài trăm ngàn, tết đến cố may mỗi người bộ quần áo mới là hết, ra giêng lại chạy chợ, đứt bữa... Sực nhớ có lần mẹ ra Hà Nội. Em gái tôi nghỉ một ngày đưa cụ đi thăm phố xá, chùa chiền, mấy khu vui chơi giải trí. Tối, lúc ăn cơm xong, bà đang ngồi uống nước bỗng hốt hoảng quay lại hỏi: Thế điện đóm, nhà cửa, đường xá, trường học, bệnh viện chúng mày đóng góp nhiều tiền phải không. Tao thấy họ xây dựng đồ sộ, tốn kém lắm. Tôi thoáng chút ngạc nhiên, rồi hiểu ra, giải thích rằng, tất cả thứ đó là phúc lợi, không phải đóng góp. Nét mặt mẹ tôi dịu lại, lúc sau nói một mình, gương mặt không biểu hiện gì: Người nhà quê cái gì cũng góp. Đường, trường học, bệnh xá... đều bằng thu thóc. Vất vả!
Mùa xuân tới rồi mà tôi vẫn chưa sắp xếp về quê. Nghe nói mấy đợt gió mùa đông bắc vừa rồi rét đậm kéo dài, nhưng bây giờ trời đã ấm lên. Nắng dịu dàng lan toả. Ở quê tôi, các khoản thu đã giảm đi quá nửa. Vụ vừa rồi được mùa. Lúa đồng xanh mơ màng làm lòng người lay động, xúc cảm hoà trong mối tri âm đất trời kỳ thú. Hạt thóc làng tôi đã vượt ra ngoài trí tưởng của người thôn quê đến với bữa ăn sang trọng quý phái nơi châu Âu, châu Mỹ. Thế nhưng vẫn còn niềm trăn trở canh cánh trong lòng vì sản phẩm khó bán, giá lúa sa xuống thấp. Người nông dân còn nhiều suy nghĩ dày vò bởi trăm điều rắc rối phiền lòng. Mơ ước muôn đời của người dân quê là yên bình canh tác trên mảnh đất cha ông. Họ muốn giàu nhưng chưa có điều kiện và thiếu thốn trăm bề. Họ cần sự cưu mang giúp đỡ. Rất cần!
Tết này tôi về quê, lại chìm ngập trong màu xanh hoang dã. Tôi khao khát nằm ngửa trên bờ ruộng liu riu hoa cỏ, hít thở hương đồng se lạnh; đón nhận những hạt sương mang mang thiên cổ, rồi tha hồ tưởng tượng, tìm trong xa xanh kỳ ảo hình hài tổ tiên và cả quãng đời ấu thơ của tôi. Tôi cũng tin rằng, người dân quê quanh năm lam lũ và mơ mộng, sống nhẫn nại và biết nỗ lực vượt qua những ràng buộc và chết trong màu xanh muôn thuở của đất trời, luôn nhọc nhằn, hoà nhập với thiên nhiên, hoà nhập cộng đồng trong cuộc hành trình, mưu sinh bút phá cùng lên, vươn tới cái đẹp vĩnh hằng bất tận.