Phụ nữ các quốc gia Châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, bên cạnh chức năng làm vợ, làm mẹ, chu toàn việc gia đình, chăm sóc nuôi dạy các con ăn học thành tài, họ cũng có nhiều nỗ lực nắm bắt cơ hội để phát triển sự nghiệp. Nhưng hầu như những định kiến của xã hội thời nào cũng có đối với người phụ nữ, đó là tư tưởng trọng nam khinh nữ từ ngàn năm xưa “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”; chỉ có con trai mới được thờ cúng bố mẹ tổ tiên; “con gái là con người ta” phải đảm đương việc thờ cúng của nhà chồng. Có những quy định không có trong luật “Hôn nhân và gia đình” nhưng đó là những giáo lý gia đình mà người phụ nữ phải tuân theo để trở thành “vợ hiền dâu thảo”…
Chúng ta đang sống trong thời đại mới, thời đại của tri thức, liệu có còn những định kiến của xã hội đối với phụ nữ không? Làm sao để người phụ nữ vượt qua những định kiến của xã hội và làm sao để người phụ nữ được hoàn toàn bình đẳng trước nam giới? Bài này tôi muốn viết về các doanh nhân nữ, những cơ hội phát huy tài năng của doanh nhân nữ Việt Nam và những thách thức mà họ phải vượt qua..
Cơ hội thứ nhất xảy ra trong thời kỳ chiến tranh dành độc lập trước 1975, khi tất cả nam giới phải ra mặt trận, người phụ nữ phải đảm đương nhiều trọng trách từ những việc Hiệu trưởng các trường học, Giám đốc các bệnh viện, Chủ nhiệm các hợp tác xã mua bán, Tổ trưởng các tổ hợp sản xuất tiểu thủ công nghiệp, cho đến những công việc của người lãnh đạo quản lý nhà nước như Bí thư, Chủ tịch UBND phường, xã, Phó bí thư, Phó chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Các chị đã làm việc xuất sắc và hoàn thành công tác hậu phương để các anh yên tâm chiến đấu ngoài mặt trân. Một điểm rất quý của người phụ nữ Việt Nam là khi các anh chiến thắng trở về thì các chị sẵn sàng bàn giao cho các anh vị trí quen thuộc của mình, không kể công, không than thở, tị nạnh…
Cơ hội thứ hai cho phụ nữ xảy ra ở thời kỳ những năm 1985-1986, cả nước khó khăn về kinh tế sau đổi tiền, đường lối Đổi mới từ Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI (năm 1986) được khẳng định đưa nền kinh tế - xã hội của nước ta phát triển theo xu thế dân chủ hóa đời sống kinh tế - xã hội; Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo định hướng XHCN; Tăng cường giao lưu và hợp tác với các nước trên thế giới. Chính sách đổi mới được toàn dân ủng hộ, mọi người tham gia sản xuất để xuất khẩu hàng hóa sang Liên Xô, sang các nước Đông Âu rồi Pháp, Đức, mở rộng thị trường sang các nước Tây Âu, Mỹ,.. không còn tình trạng ngăn sông cấm chợ. Tất cả chị em phụ nữ đã rất phấn khởi tham gia đông đảo trong các ngành công nghiệp mà nam giới không khéo tay bằng như các ngành sản xuất hàng thời trang, dệt, may, giày da, bao bì, sản phẩm từ mây tre lá, tiếp thị, phân phối hàng hóa, nhân viên bán hàng trong các cửa hàng, siêu thị. Rồi từ người công nhân kỹ thuật lành nghề, họ đã vươn lên những vị trí quản lý của nhà máy, của tập đoàn. Những sản phẩm từ sức lao động của phụ nữ, từ cọng lá cọng tre đã xuất khẩu tạo ra kim ngạch, USD để phát triển nền kinh tế bền vững.
Cơ hội thứ ba cho phụ nữ Việt Nam là thời kỳ hội nhập, Việt Nam là thành viên của các nước ASEAN, thành viên của tổ chức thương mại thế giới WTO. Tự do thương mại là cơ hội và thách thức, không ưu ái hoặc khoan nhượng với bất cứ ai dù doanh nghiệp đó do ai lãnh đạo, nam hay nữ CEO. Từ việc am hiểu thị trường, đến việc chấp nhận một sân chơi chung với các định chế về pháp lý thương mại. Thời kỳ của công nghệ sinh học, công nghệ cao, thương mại điện tử,.. Thời kỳ của Internet, kinh doanh không biên giới, một thế giới ảo mà thật, sự cạnh tranh bằng tri thức chứ không phải bằng cơ bắp, vì thế không phân biệt nam hay nữ. Cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào cho thấy bộ óc của nam hay nữ ai thông minh hơn ai. Vì thế chúng ta không ngạc nhiên khi có những vị CEO tập đoàn là nữ trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý công ty phần mềm, dược phẩm...
Những cơ hội lớn trong từng giai đoạn chuyển biến của thời cuộc. Chúng tôi phát hiện thêm một thách thức mới cho người phụ nữ, nhất là doanh nhân nữ. Đó là khi người phụ nữ đạt được đỉnh cao của quyền lực trong quản lý doanh nghiệp thì họ thường rất cô đơn. Người phụ nữ trẻ học cao, thành đạt thì không lấy được chồng, có thể do họ không chịu nhìn xuống, cũng có thể không có người đàn ông nào thích lấy vợ giỏi hơn mình. Cũng có những người phụ nữ đã có gia đình, đôi khi vì bận rộn với công việc, họ đã không còn thời gian làm tròn thiên chức ngoan hiền của người vợ, người mẹ…
Có lẽ vì những thách thức này mà biểu đồ cho sự phát triển sự nghiệp của người phụ nữ được vẽ như hình cái nón, lực lượng lao động nữ ở bên dưới thì rất đông, nhưng càng lên cao càng tóp lại, và đến đỉnh điểm thì rất ít.
Chúc các Nữ doanh nhân Việt Nam luôn hạnh phúc.
Nguyễn Thị Sơn